Sự tích con cá nược


Nghe audio
0:00
/
4:56
Download
Playback seep

Đọc truyện: SỰ TÍCH CON CÁ NƯỢC

Ngày xưa, ở tại một cửa bể buôn bán sầm uất có một người đàn bà không rõ tên họ, người ta vẫn gọi tên là con mẹ Lừa. Mẹ Lừa bề ngoài vờ vĩnh buôn bán để cám dỗ các thương gia giàu có hòng lừa đoạt của cải. Nhờ đó mà chẳng bao lâu mẹ Lừa thành ra giàu có làm chủ một cửa hàng to lớn.

Cứ mỗi lần có một chủ thuyền nào buôn lớn cập bến là mẹ Lừa được báo tin liền, vội đến ngay thuyền trả mua hàng với giá rất cao để khỏi có ai tranh. Mẹ Lừa khôn khéo kéo dài ngày giờ mua bán, rồi trong lúc đó lịch thiệp mời chủ thuyền buôn đến nhà, mụ ta đãi đằng niềm nở. Sau khi đã gây cảm tình thân mật rồi, mẹ Lừa đưa ra một nải chuối và một con rùa đúc toàn bằng vàng ròng cho khách xem. Của quý giá này to bằng vật thực, lại được chạm trổ tinh vi, xinh đẹp khiến cho khách hết lời trầm trồ, ca ngợi sự giàu có, tư cách của chủ nhân. Đến đêm lại, mẹ Lừa sai tôi tớ tâm phúc lén mang con rùa và nải chuối vàng đem dấu vào dưới thuyền khách thương gia, để rồi sáng hôm sau lên tiếng buộc cho khách lấy trộm. Khách thật tình khăng khăng phản đối những lời buộc tội vu oan cho mình. Mẹ Lừa mới quỷ quyệt đưa ra cạm bẫy thử thách: nếu có bằng chứng rõ ràng là khách đã lấy trộm thì tất cả của cải, cả thuyền lẫn hàng hóa, sẽ thuộc về bà ta và khách sẽ phải chịu ở làm tôi tớ suốt đời. Trái lại, thì tất cả tài sản của mẹ Lừa sẽ về tay khách và bà ta phải chịu làm tôi tớ suốt đời cho khách.

Nghĩ mình ngay thật, khách nhận lời thử thách, làm giấy tờ ngay trước mặt nhà chức trách đã được mẹ Lừa mời đến. Tới khi khám xét trong thuyền khách buôn người ta tìm thấy.

Với lối lừa gạt này, mẹ Lừa chóng trở nên giàu có, chẳng mất đồng nào mà lại có bao nhiêu tôi tớ hầu hạ, là những khách buôn thuyền mắc phải cạm bẫy bà ta.

Nạn nhân cuối cùng cam chịu số phận không may, song âm thầm tìm cách giải thoát. Gã ngầm viết thư cho vợ kể lể hết mọi nỗi bị lừa gạt, mất cả cơ nghiệp, vướng vào vòng nô lệ, và khẩn nài vợ cứu giúp, trả thù cho mình. Khách giao thư cho một bạn thuyền tâm phúc đưa về gia đình. Người vợ nhận được thư chồng, biết rõ đầu đuôi câu chuyện, đang sẵn tiền của, liền sắm một chiếc thuyền lớn chở đầy hàng hóa, thẳng buồm đến cửa bể mẹ Lừa. Trong số các tay làm công dưới thuyền, người vợ đưa theo một anh thợ bạc với đủ đồ nghề.

Khi thuyền cập bến, mẹ Lừa vội vàng đến viếng như đã viếng các thuyền thương gia giàu có. Trước lời mời mọc đon đả của mẹ Lừa, người khách mới nhận lời đến nhà bà ta, ngắm khen con rùa và nải chuối bằng vàng rồi ra về. Đêm lại, mẹ Lừa cho mấy tay bơi lội tài tình lén mang con rùa và nải chuối bằng vàng đến bỏ vào thuyền khách. Người ta đã biết trước nên canh chừng, thấy rõ tất cả song cứ để yên cho mẹ Lừa thi hành quỷ kế. Đến khi bọn bơi lặn đi rồi, người thợ bạc được lệnh bà chủ thuyền thổi ống bễ lên, rùa vàng và chuối vàng đem cho vào lửa chẳng mấy chốc biến thành những nén vàng.

Sáng hôm sau, vừa mới tinh sương, mẹ Lừa đã bước xuống thuyền lớn tiếng gọi nữ chủ nhân ra trách móc đã lợi dụng lòng hiếu khách và tin cẩn mà đoạt mất con rùa và nải chuối bằng vàng đã đưa cho xem. Người đàn bà chủ thuyền buôn một mực phản đối, mẹ Lừa lại đưa ra trò thử thách cũ rồi đôi bên cam kết trước mặt nhà chức trách. Đến khi khám xét dưới thuyền, mẹ Lừa ngạc nhiên không tìm thấy rùa vàng và chuối vàng đâu. Mẹ Lừa không ngờ mắc phải cạm bẫy chính mình đã bày ra, và đến lượt mình phải làm tôi mọi.

Theo giấy tờ cam kết, bao nhiêu của cải tài sản mẹ Lừa đều thuộc về tay bà chủ thuyền. Bà ta giải thoát cho tất cả tôi tới và đem một phần tiền của mới được phân phát cho người nghèo. Vàng bạc của mẹ Lừa chất lên thuyền rồi, bà ta cùng chồng dong buồm trở về xứ, không quên đem theo mẹ Lừa là kẻ tôi đòi.

Thuyền vừa ra khỏi cửa bể, mẹ Lừa nghĩ tiếc mất sạch của cải bấy lâu lừa gạt được của mọi người, bèn nhảy đâm đầu xuống biển. Trước khi chết mẹ Lừa còn trồi đầu mấy lần lên trên mặt nước để nhìn theo chiếc thuyền chở tài sản của mình, thở ra những lời than tiếc.

Chết rồi mẹ Lừa hóa kiếp thành con cá nược, một loài cá có vú, thường nhô đầu lên mặt nước nhìn theo các ghe thuyền chạy qua như tìm xem chiếc thuyền nào đã chở mất của cải của mình rồi thở ra tiếng kêu than.

Bài học rút ra

Tham lam, bất chính sẽ chuốc lấy hậu quả: 

  • Mẹ Lừa trong truyện là điển hình cho lòng tham lam, bất chính. Mụ ta dùng thủ đoạn xảo quyệt để lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, cuối cùng mụ ta cũng phải trả giá đắt cho những hành động sai trái của mình, biến thành con cá nược và mang theo lời than mãi mãi.

  • Truyện là bài học cảnh tỉnh cho những ai có ý định làm điều ác.

Cái thiện sẽ chiến thắng cái ác: 

  • Người vợ trong truyện đại diện cho chính nghĩa, lòng nhân ái. Nhờ sự thông minh, cẩn trọng và quyết đoán, bà đã vạch trần bộ mặt gian xảo của mẹ Lừa, đòi lại công bằng cho chồng và những người bị hại. 

  • Câu chuyện thể hiện niềm tin vào chiến thắng của cái thiện trước cái ác.

Cần cảnh giác với những kẻ lừa đảo: 

  • Mẹ Lừa trong truyện là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về những kẻ lừa đảo tinh vi. Chúng có thể sử dụng nhiều thủ đoạn để che giấu bản chất và lừa gạt lòng tin của người khác. 

  • Do đó, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong mọi giao dịch và quan hệ.

Đố vui qua truyện Sự tích con cá nược


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Chiếc thoi vàng - Truyện cổ tích

    Ngày trước có hai chị em mồ côi cha mẹ, người chị thì lười còn người em lại rất siêng năng. Cô chị cậy mình lớn, việc gì cũng sai em làm. Cô em làm đủ mọi việc lại còn chăm lo dệt vải. Một hôm cô em đi gánh nước, chẳng may làm rơi cái gầu xuống giếng sâu. Cô chị đánh em và đuổi đi.

  • Sự tích hạt thóc - Truyện cổ tích

    Ngày xưa, có một người đàn bà nghèo. Chồng chết sớm, bà ở vậy nuôi đứa con trai duy nhất. Điều đáng buồn là cậu con trai càng được cưng chiều, càng đâm ra hư hỏng, bất hiếu, và không nghe lời mẹ.

  • Sự tích người làm chúa muôn loài - Truyện cổ tích

    Ngày xưa cõi trời và cõi trần rất gần nhau cũng như cõi trần và cõi nước ở liền sát bên nhau vậy. Trong một ngày tất cả muôn loài ở trên ba cõi đều có thể đi lại chơi bời vài ba bận mà trời vẫn chưa tối.

  • Sự tích hoa huệ - Truyện cổ tích

    Ngày xưa, xưa lắm có một người hay chữ nhưng lại thích lên rừng hái lá thuốc, nhất là tìm kiếm trầm hương để chữa bệnh cứu người. Trầm hương là một thứ nhựa do cây gió tiết ra như thể tự chữa những chỗ cây bị chém, bị gãy. Nó có mùi thơm và chữa được nhiều thứ bệnh cho người nhưng tìm được nó không phải là dễ.

  • Sự tích sao Hôm và sao Mai - Truyện cổ tích

    Ngày xưa, có một anh tiều phu nọ đến suối, thình lình gặp một bầy tiên đang tắm. Các nàng tiên vội khoác áo bay về trời, còn sót lại một nàng bay không được, vì bộ áo của nàng bị anh tiều phu giấu. Nhờ vậy, anh tiều phu nọ bắt nàng tiên nọ về làm vợ. Anh giấu bộ quần áo thật kỹ dưới đáy bồ lúa, sợ vợ thấy được, sẽ mặc áo bay trở về trời.

>> Xem thêm