Em có suy nghĩ gì về hiện tượng nghiện ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét trong giới trẻ hiện nay?


Ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét là những phát minh có ích cho cuộc sống con người nhưng nếu không biết sử dụng đúng cách thì chúng sẽ gây những tác hại vô cùng to lớn.

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 9 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD


Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề nghị luận : “ nghiện” karaoke  và internet.

–  Khẳng định đây là một vấn đề lớn trong giới trẻ hiện nay nó các tác hại rất lớn không chỉ với mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội.

2. Thân bài

* Thực trạng của hiện tượng “nghiện” karaoke và internet.

- Xã hội ngày càng phát triển thì càng có các phương tiện truyền thông hiện đại lôi cuốn con người.

- Giới trẻ hiện nay thích thể hiện mình theo những phong cách văn hóa du nhập của nước ngoài.

- Học sinh thì rủ nhau bỏ học vào những quán nét và ka-ra-ô-kê để vui chơi mà xem việc học không ra gì.

- Dành quá nhiều thời gian vào mạng xã hội. Mạng xã hội có nhiều những thông tin lành mạnh có ích nhưng bây giờ mạng xã hội có nhiều những thứ không lành mạnh khiến giới trẻ ham mê.

- Có những bạn bỏ nhà đi qua đêm không về chỉ vì quá nghiện ka-ra-ô-kê và in-tơ-net mà không muốn về nhà.

- Hay lừa tiền bố mẹ để đi vào những quán net

* Hiện tượng nghiện internet của giới trẻ hiện nay

a. Nguyên nhân

- Do quá ham chơi không biết điểm dừng

- Do được các bạn bè rủ rê mà xoa đọa

- Do tầm hiểu biết của bản thân bị hạn chế

- Do sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ vì quá yêu thương con cái nên nuông chiều dẫn đến con hư hỏng

b. Hậu quả

- ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân

- Làm quá trình học tập sẽ xấu đi

- Làm cho bạn bè, gia đình, người thân lo lắng

 - Làm cho đạo đức bị suy thoái

- Dễ xa vào các tệ nạn của xã hội

- Làm lãng phí thời gian của bản thân

 - Phung phí tiền bạc của cha mẹ

c. Giải pháp

- Tuyên truyền tác hại của việc “nghiện” ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét cho mọi người cùng biết.

- Mỗi một con người cần có ý thức tự giác và trách nhiệm với bản thân hơn.

- Nhà trường cần quan tâm và đưa ra những quy định chắc chắn hơn đối với học sinh để buộc học sinh cần phải thực hiện.

- Gia đình cần quan tâm đến trẻ đúng cách và phù hợp với xã hội.

- Nhà nước xử lí nghiêm khắc những người lâm quá sâu vào các tệ nạn xã hội.

 3. Kết bài

- Rút ra bài học cho bản thân.

- Cần thay đổi cách suy nghĩ và cách học tập của bản thân và có ý thức tự giác hơn.

Bài mẫu

      Sinh động, mới mẻ, hấp dẫn,... đó là những gì mà công nghệ thông tin, công nghệ kĩ thuật số... đã mang đến cho đời sống con người. Nhưng bên cạnh đó, không ít những thành quả của khoa học kĩ thuật đang bị lạm dụng gây ra những hiện tượng “nghiện” đầy nguy hiểm. Hiện tượng nhiều học sinh, sinh viên hiện nay “nghiện” ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét cũng là một trong số những trường hợp đó.

     Về bản chất, chúng ta không thể phủ nhận những tác dụng to lớn của ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét. Ka-ra-ô-kê là một loại hình giải trí lành mạnh. Mỗi khi có dịp vui, bạn bè có thể cùng nhau đi hát ka-ra-ô-kê; âm nhạc, lời ca, tiếng hát có thể trở thành nguồn vui, tiếng cười giúp chúng ta giải toả căng thẳng, gắn bó thêm tình bạn bè bằng hữu.  In-tơ-nét lại là một phương tiện thông tin vô cùng hữu ích. Sử dụng in-tơ-nét, chúng ta có thể nắm bắt nhanh chóng, cập nhật, sinh động nhiều thông tin trên nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, khoa học, âm nhạc... Bạn muốn biết thông tin mới nhất về việc tuyển sinh vào lớp 10, vào các trường chuyên,...? Bạn muốn biết những thông tin nổi bật về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trong ngày? Bạn chỉ cần “click” vào biểu tượng In-tơ-nét trên màn hình máy tính. Từ đây, có thể áp dụng những tri thức quý báu ấy vào cuộc sống: vào bài học trên lớp, vào việc nghiên cứu, vào việc thực hành,... Mặt khác, in-tơ-nét cũng là phương tiện thông tin liên lạc tiện lợi: chỉ bằng một số tiền rất nhỏ chúng ta có thể trao đổi thông tin trực tiếp với bạn bè, người thân (qua Yahoo), nhìn rõ nhau qua Webcam),... bất kể là đang ở xa nhau nửa vòng Trái Đất.

     Tuy nhiên, cũng giống như một số thành tựu khoa học kĩ thuật khác, ở nhiều bạn trẻ, ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét bị lạm dụng và gây ra nhiều tác hại.

     Ở nhiều thành phố, thị trấn, thị xã,... có những dãy phố ka-ra-ô-kê dài hút mắt, có những cửa hàng ka-ra-ô-kê quy mô lớn chứng tỏ sự chuyên nghiệp của loại hình giải trí này càng cao, nhiều ngôi nhà mặt đường gần khu dân cư không bỏ qua cơ hội kinh doanh cũng mở hàng ka-ra-ô-kê,... Nếu chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh, phục vụ những cuộc gặp gỡ bạn bè xả “stress”... thì đâu cần đến nhiều quán ka-ra-ô-kê như vậy? Mặt khác, những quán ka-ra-ô-kê dường như hoạt động cả ngày, đặc biệt là vào những buổi tối. Một câu hỏi đặt ra: giới trẻ có thực sự cần đến nhiều quán ka-ra-ô-kê như vậy để phục vụ cuộc sống của mình không?

      Sự thật đã trả lời cho chúng ta. Nhiều bạn trẻ đến với ka-ra-ô-kê như một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Bất kì một sự việc gì cũng là lí do để họ “đi ka-ra-ô-kê”. Sinh nhật, cuối tuần, quần áo mới,... Thực chất của những cuộc ka-ra-ô-kê như vậy là dịp để họ tụ tập, hò hét và ... say xỉn! Có những cuộc hát thâu đêm, có những giọng hét-nhiều-hơn-hát, có những nhóm ra khỏi phòng hát không còn được một người tỉnh táo, họ thậm chí gây sự với ngay chủ cửa hàng,... Giá của những cuộc ka-ra-ô-kẽ như vậy lại không hề “mềm” chút nào. Nó liên tục tăng lên chóng mặt, giá cụ thể tuỳ thuộc vào chất lượng phòng hát, chất lượng âm thanh nhưng có lẽ không dưới bốn mươi ngàn đồng một tiếng. Vậy là đã rõ, những cuộc hát hò vô bổ như vậy chỉ là sản phẩm của những bạn trẻ không biết trân trọng sức lao động, không biết trân trọng đồng tiền, thậm chí coi những cuộc hát hò ấy như một thứ trang sức cho sự giàu có của cha mẹ mình. Đó là mục đích của họ sau mỗi cuộc ka-ra-ô-kê chăng? Lúc ấy, ka-ra-ô-kê đã trở thành kẻ đồng phạm của thói ăn chơi, đua đòi đáng lên án.

     Với in-tơ-nét, số bạn trẻ biết sử dụng những tính năng của chúng sao cho mang lại hiệu quả lớn nhất cũng chỉ chiếm thiểu số. Đến với những “quán nét”, một cảnh tượng không thể nào khác được là những những gương mặt trẻ tuồi đang căng thẳng, hồi hộp với bao trò game (trò chơi điện tử). Có thể kể đến vô số trò chơi như đế chế, MU,... Có những bạn ngồi lì trước máy quên cả ăn uống, ngủ nghỉ (đừng nói chi đến việc học hành). Lại có những bậc mà phụ huynh không thấy con về nhà, đã tốn bao công sức “truy lùng” rồi bất ngờ phát hiện cậu ấm “mai danh ẩn tích ở một quán “nét” và đang hào hứng với trò chơi điện tử! Không chỉ vậy, “ôm ấp” chiếc máy tính và mạng in-tơ-nét còn có những “đệ tử” trung thành của Yahoo. Họ lạm dụng chức năng của hệ điều hành này để ngày đêm chát chít với bạn bè, dĩ nhiên, câu chuyện của họ chỉ đơn giản là: “ăn cơm chưa? ăn rồi à? đang làm gì đấy?” rất vui vẻ! Nhưng điều nguy hiểm nhất là qua đây, nhiều bạn trẻ có thể “kết bạn” dễ dàng, yêu nhau dễ dàng và mắc bẫy cũng dễ dàng. Hàng trăm câu chuyện bị “lừa tình”, “lừa tiền” qua Yahoo không còn là chuyện lạ. Đó là những lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những ai còn đang mù quáng với những câu chuyện, những lời tán gẫu qua một kênh ảo như vậy. Có những bạn đến với in-tơ-nét đơn thuần chỉ là để tải nhạc và “down” ảnh. Những đối tượng như vậy tưởng chừng vô hại nhưng kì thực trong hành động của họ lại tiềm ẩn những hiểm hoạ rất lớn. Chưa kể đến việc mất thời gian, tiền bạc  và sức lực. Hãy xem đến những loại nhạc và loại ảnh họ tải về: “Em yêu! Nhớ  anh không? Nhớ à? Đang làm gì đấy?”. những tấm ảnh ngoài luồng, những  đoạn “clip” đen,... Chẳng phải chúng đang tiềm ẩn những hiểm hoạ làm suy  thoái cả một thế hệ người hay sao? Giới trẻ sẽ yêu như thế nào, sống như thế  nào khi lớn lên trong môi trường những ngôn từ nhạt nhẽo, thậm chí ngớ ngẩn; những tấm ảnh nhơ nhớp, nhầy nhụa như vậy?

      Việc "nghiện” ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét đang lấy đi sức lực, thời gian, tiền bạc và hơn hết là sự vô tư, trong sáng của tuổi trẻ.

      Sa đà vào những hoạt động như vậy, một điều dễ hiểu là những bạn trè ấy không có thời gian cho việc học hành, cho những hoạt động ngoại khoá bổ ích, hiển nhiên không có cả thời gian cho gia đình, người thân. Vậy rồi tương lai những người bạn ấy sẽ ra sao?

      Nguyên nhân của lối sống ấy bắt nguồn từ việc những bạn trẻ ấy chưa xác định được lí tưởng sống đúng đắn, họ ham vui chơi, đua đòi, lười biếng, và chỉ quen thói hưởng thụ. Sinh ra trong sự nuông chiều của gia đình, không biết trân trọng những giá trị chân thực của đồng tiền và quan trọng là không chịu học tập, rèn luyện đã biến họ trở thành những người Việt trẻ hư hỏng, đáng chê trách. Vậy thì trước lối sống sai lầm ấy của những bạn trẻ này, trách nhiệm thuộc về việc giáo dục của gia đình họ nhưng phần lớn là do việc tự nhận thức và quá trình tự rèn luyện của bản thân mỗi con người mà thôi.

      Ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét là những phát minh có ích cho cuộc sống con người nhưng nếu không biết sử dụng đúng cách thì chúng sẽ gây những tác hại vô cùng to lớn. "Nghiện” ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét là biểu hiện của sự tiêu cực khi sử dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật này. Tuổi trẻ chúng ta - thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ - không thể là những con nghiện, là những nô lệ cho ka-ra-ô-kê, in-tơ-nét hay bất cứ phương tiện máy móc nào khác. Các bạn trẻ, chúng là hãy là những chủ nhân thông minh của những thành quả khoa học kĩ thuật!

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.8 trên 37 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K9 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 và luyện vào lớp 10 tại Tuyensinh247.com, cam kết giúp học sinh lớp 9 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.