Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Yên Lạc năm 2024>
Câu 1. Từ “gia đình” có thể thay thế cho từ “nhà” trong câu nào dưới đây? A. Ngôi nhà là sự kết hợp giữa cấu trúc nhà truyền thống với lối trang trí hiện đại, vận dụng nhiều đường cong lôi cuốn. B. Tháng sau, cả nhà tôi sẽ chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. C. Nhà tôi sức khỏe yếu lắm! D. Triều đình nhà Lê suy yếu dần.
Đề bài
PHÒNG GD&ĐT YÊN LẠC TRƯỜNG THCS YÊN LẠC ĐỀ THAM KHẢO |
ĐỀ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC LẦN 3 HS DỰ TUYỂN VÀO LỚP 6 THCS YÊN LẠC NĂM HỌC 2024-2025 MÔN : TIẾNG VIỆT (Thời gian 35 phút, không kể thời gian giao đề) |
I. Trắc nghiệm :
Ghi vào bài làm chữ cái trước câu trả lời đúng.
Câu 1. Từ “gia đình” có thể thay thế cho từ “nhà” trong câu nào dưới đây?
A. Ngôi nhà là sự kết hợp giữa cấu trúc nhà truyền thống với lối trang trí hiện đại, vận dụng nhiều đường cong lôi cuốn.
B. Tháng sau, cả nhà tôi sẽ chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh.
C. Nhà tôi sức khỏe yếu lắm!
D. Triều đình nhà Lê suy yếu dần.
Câu 2. Từ nào dưới đây có tiếng “bảo” không có nghĩa là “giữ, chịu trách nhiệm”.
A. Bảo vệ
B. Bảo hành
C. Bảo kiếm
D. Bảo quản
Câu 3. Từ nào đồng nghĩa với từ “yên tĩnh”?
A. Bình yên
B. Lặng yên
C. Thanh bình
D. Thái bình
Câu 4. Dãy từ nào dưới đây chỉ gồm các từ ghép tổng hợp?
A. Thúng mủng, nhỏ nhoi, bế bồng, giần sàng
B. Ấp iu, róc rách, tí tách, mênh mông
C. Hội hè, đình đám, nam nữ, ngựa xe
D. Nhỏ nhắn, nhỏ nhẹ, tất tả, lôi thôi.
Câu 5. Nhóm từ nào sau đây chỉ gồm các từ nhiều nghĩa?
A. Mũi thuyền, mũi tên, mũi bò, mũi dao.
B. Bàn ghế, bàn bạc, bàn thắng.
C. Đồng quê, đồng lòng, đồng chí, đồng hương.
D. Mắt cận, mắt một mí, mắt na
Câu 6. Hai câu văn sau được liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào?
“Chiều chiều, tôi thường ra đầu bản nhìn lên những vòm cây trám ngóng chim về. Người bản tôi nhìn lên cái ô xanh treo lơ lửng lưng trời ấy mà biết được sức gió.”
A. Phép lặp
B. Phép lặp, phép nối.
C. Phép thế, phép nối
D. Phép lặp, phép thế.
II. Tự luận
Câu 7. Đặt một câu theo yêu cầu sau:
a. Câu có từ “Hà Nội” được dùng như một tính từ.
b. Câu có từ “yêu thương” được dùng như một danh từ.
Câu 8. Hãy tìm một câu thành ngữ, tục ngữ nói về đạo đức và lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam.
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
Câu 9. Trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng"
Hãy chỉ rõ hình ảnh có ý so sánh trong hai câu thơ. Qua đó, em cảm nhận gì về tình cảm của người mẹ dành cho đứa con của mình?
---Hết---
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. Trắc nghiệm
1. B |
2. C |
3. B |
4. C |
5. A |
6. D |
Câu 1. Từ “gia đình” có thể thay thế cho từ “nhà” trong câu nào dưới đây?
A. Ngôi nhà là sự kết hợp giữa cấu trúc nhà truyền thống với lối trang trí hiện đại, vận dụng nhiều đường cong lôi cuốn.
B. Tháng sau, cả nhà tôi sẽ chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh.
C. Nhà tôi sức khỏe yếu lắm!
D. Triều đình nhà Lê suy yếu dần.
Phương pháp giải:
Em tìm câu chứa từ “nhà” mang nghĩa là gia đình.
Lời giải chi tiết:
Từ “gia đình” có thể thay thế cho từ “nhà” trong câu “Tháng sau, cả nhà tôi sẽ chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh.”.
Đáp án B.
Câu 2: Từ nào dưới đây có tiếng “bảo” không có nghĩa là “giữ, chịu trách nhiệm”.
A. Bảo vệ
B. Bảo hành
C. Bảo kiếm
D. Bảo quản
Phương pháp giải:
Em giải nghĩa các đáp án.
Lời giải chi tiết:
- Bảo vệ, bảo hành, bảo quản đều có nghĩa là giữ, chịu trách nhiệm.
- Bảo kiếm nghĩa là gươm hoặc kiếm quý.
Đáp án C.
Câu 3. Từ nào đồng nghĩa với từ “yên tĩnh”?
A. Bình yên
B. Lặng yên
C. Thanh bình
D. Thái bình
Phương pháp giải:
Em giải nghĩa từ “yên tĩnh” và các đáp án.
Lời giải chi tiết:
- Yên tĩnh: trạng thái không có tiếng ồn, tiếng động.
- Các từu “bình yên, thanh bình, thái bình” có nghĩa là ở tình trạng không gặp điều gì không hay xảy ra, yên ổn, không có chiến tranh.
- Từ “lặng yên” có nghĩa là không có tiếng động đồng nghĩa với từ “yên tĩnh”.
Đáp án B.
Câu 4. Dãy từ nào dưới đây chỉ gồm các từ ghép tổng hợp?
A. Thúng mủng, nhỏ nhoi, bế bồng, giần sàng
B. Ấp iu, róc rách, tí tách, mênh mông
C. Hội hè, đình đám, nam nữ, ngựa xe
D. Nhỏ nhắn, nhỏ nhẹ, tất tả, lôi thôi.
Phương pháp giải:
Em xác định từ láy, từ ghép trong các đáp án.
Lời giải chi tiết:
Câu A, B, D đều có từ láy.
Dãy từ chỉ gồm các từ ghép tổng hợp là hội hè, đình đám, nam nữ, ngựa xe.
Đáp án C.
Câu 5. Nhóm từ nào sau đây chỉ gồm các từ nhiều nghĩa?
A. Mũi thuyền, mũi tên, mũi bò, mũi dao.
B. Bàn ghế, bàn bạc, bàn thắng.
C. Đồng quê, đồng lòng, đồng chí, đồng hương.
D. Mắt cận, mắt một mí, mắt na
Phương pháp giải:
Em xác định nghĩa gốc, nghĩa chuyển của các từ.
Lời giải chi tiết:
Câu B, C, D gồm các từ đồng âm.
Câu A gồm các từ nhiều nghĩa.
Đáp án A.
Câu 6. Hai câu văn sau được liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào?
“Chiều chiều, tôi thường ra đầu bản nhìn lên những vòm cây trám ngóng chim về. Người bản tôi nhìn lên cái ô xanh treo lơ lửng lưng trời ấy mà biết được sức gió.”
A. Phép lặp
B. Phép lặp, phép nối.
C. Phép thế, phép nối
D. Phép lặp, phép thế.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại các phép liên kết và tìm từ ngữ thể hiện phép liên kết đó.
Lời giải chi tiết:
Hai câu văn sau được liên kết với nhau bằng những phép liên kết sau:
- Phép lặp: từ “tôi”.
- Phép thế: Cụm từ “cái ô xanh” ở câu thứ hai thay thế cho “những vòm cây trám” ở câu thứ nhất.
Đáp án D.
II. Tự luận
Câu 7. Đặt một câu theo yêu cầu sau:
a. Câu có từ “Hà Nội” được dùng như một tính từ.
b. Câu có từ “yêu thương” được dùng như một danh từ.
Phương pháp giải:
Em lưu ý đặt câu theo đúng chức năng ngữ pháp, hợp lí, có sử dụng từ theo yêu cầu đề bài.
Lời giải chi tiết:
a.
- Nem cuốn là món ăn rất Hà Nội.
- Cảnh vật nơi đây mang đậm nét đặc trưng rất Hà Nội.
b.
- Yêu thương là suối nguồn của hạnh phúc.
- Yêu thương là có tình cảm gắn bó và quan tâm chăm sóc hết lòng.
Câu 8. Hãy tìm một câu thành ngữ, tục ngữ nói về đạo đức và lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam.
Phương pháp giải:
Em tìm đúng một câu thành ngữ hoặc tục ngữ nói về đạo đức và lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam như truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, ham học, lao động cần cù, tôn sư trọng đạo,...
Lời giải chi tiết:
- Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.
- Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
- Lá lành đùm lá rách.
- Không thầy đố mày làm nên.
Câu 9. Trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng"
Hãy chỉ rõ hình ảnh có ý so sánh trong hai câu thơ. Qua đó, em cảm nhận gì về tình cảm của người mẹ dành cho đứa con của mình?
Phương pháp giải:
Em nêu ý nghĩa của hai hình ảnh có ý so sánh từ đó viết cảm nhận của mình.
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh “mặt trời” được diễn tả trong hai câu cuối của đoạn thơ với hai ý nghĩa khác nhau:
- Ở câu “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi”, hình ảnh “mặt trời” gợi cho ta nghĩ đến nguồn ánh sáng và những tia nắng ấm giúp cho cây bắp lớn lên, hạt bắp thêm chắc mẩy.
- Ở câu “Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”, hình ảnh “mặt trời” gợi cho ta liên tưởng đến em bé (người con) đang nằm trên lưng mẹ.
Tác giả đã ngầm so sánh em bé với mặt trời nhằm nhấn mạnh tình yêu thương, niềm tự hào, hi vọng lớn lao và đẹp đẽ của người mẹ đối với con. Em bé là niềm hy vọng lớn lao và đẹp đẽ, là cả cuộc sống của người mẹ. Vì vậy có thể nói: em là “mặt trời” của mẹ.
Câu 10. Tháng tư,… hoa phượng nở, ve kêu râm ran gọi hè về, đất trời dần thay áo mới. Em hãy vẽ lại bằng ngôn từ khung cảnh thiên nhiên mùa hè đẹp nhất trong mắt em.
Phương pháp giải:
Em xác định yêu cầu về hình thức và nội dung của đề bài.
- Đoạn văn có bố cục rõ ràng, đủ 3 phần câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
- Tả được những nét đặc trưng cơ bản của mùa hè (nắng hè gay gắt, không khí nóng bức, cơn mưa rào bất chợt, hoa phượng nở, ve kêu râm ran gọi hè về, đất trời dần thay áo mới,..) Sử dụng từ ngữ gợi tả, gợi cảm, câu văn trong sáng.
- Thể hiện được tình yêu, những kỉ niệm đẹp với mùa hè
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo 1:
Mùa hè - mùa tiếng ve râm ran cùng hoa phượng nở đỏ thắm khắp phố phường. Mùa hè tới, cái nắng nóng thiêu đốt tràn tới khắp mọi nơi. Mùa hè tới, cũng chẳng còn bóng dáng các bạn học sinh tung tăng tới trường. Mùa hè tới, khô khốc và oi bức, thời tiết thất thường cùng những cơn giông bất ngờ ập tới. Ấy thế nhưng, giữa cái nắng nóng thiêu đốt ấy, vẫn có những làn gió dịu êm thổi tới, mơn man mái tóc cháy nắng. Các bạn học sinh vẫn tụm ba tụm năm tại nhà nhau chơi, bỏ qua nỗi lo học hành. Sau những cơn mưa giông, trời lại quang, không khí lại trong lành, mát mẻ. Cái mùa ấy, khắp nơi đều là tiếng ve râm ran, tiếng chim ríu rít cùng những bông hoa phượng đỏ thắm đua nở. Luẩn quẩn đâu đó vẫn có tiếng cười của những đứa trẻ, nhưng đã lẫn trong dòng xe cộ tập nập hàng ngày, lẫn trong những bon chen của cuộc sống. Vẻ đẹp của mùa hè như tôn lên những thứ tưởng như rất tầm thường ấy. Nếu không có mùa hè oi bức, đâu ai trân trọng những ngọn gió, những cơn mưa? Nếu không có râm ran tiếng ve, đâu ai nghĩ mùa hè cũng có những thanh âm của riêng mình? Nếu không có những chùm phượng đỏ rực, đâu ai nhớ đến một Hà Nội thắm một màu đỏ đẹp tươi? Yêu lắm mùa hè Hà Nội, là mùa vui, là mùa của sức sống, mang theo một vẻ đẹp độc nhất quyến rũ lòng người.
Bài tham khảo 2:
Hè về, là mùa của tiếng ve kêu rộn rã, là mùa của hoa phượng, hoa bằng lăng,… Mùa hè đẹp là thế nhưng cũng là mùa mà trong lòng một học sinh cuối cấp như tôi lại nao nao buồn khó tả. Cái nắng hạ chói chang ấy, tuy nóng nực nhưng lại mang một màu sắc rất đỗi ngọt ngào. Dưới mái trường thân thương, hình bóng hàng cây phưỡng vĩ nở rộ thật đẹp. Màu nắng hạ nhẹ nhàng ban màu mật xuống từng bông hoa khiến cho nó trở nên đỏ rực. Những hàng cây xanh tỏa bóng mát giúp xua ta đi cái nóng mùa hạ gay gắt. Mùa hạ đẹp lắm, mùa đẹp nhất của thời học sinh. Cũng là mùa luôn lưu giữ lại những khỉ niệm tuyệt vời của tuổi thơ. Tôi cũng vậy, mùa hạ đã cho tôi nhiều bài học quý giá và những ngày tháng vui chơi độc đáo. Tôi yêu mùa hạ lắm!

