Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS & THPT Nguy..

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Nguyễn Tất Thành năm 2025

Tải về

(1) Sông Lam nước xanh biêng biếc Ôm vào lòng quê hương em Bốn mùa nước soi đáy mắt Vang những điệu hò dịu êm

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Độc lập Tự do – Hạnh phúc

 

ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC

TUYỂN SINH LỚP 6 TRƯỜNG THCS VÀ THPT NGUYỄN TẤT THÀNH NĂM 2025

Môn: TIẾNG VIỆT

Thời gian làm bài: 45 phút

Đọc văn bản sau, trả lời câu hỏi hoặc thực hiện yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

SÔNG LAM QUÊ EM

(Trích)

(1) Sông Lam nước xanh biêng biếc

Ôm vào lòng quê hương em

Bốn mùa nước soi đáy mắt

Vang những điệu hò dịu êm

 

(2) Bên bờ bãi mía bãi dâu

Xanh non suốt ngày ca hát

Giữa sông phù sa bồi đắp

Chiều hiện trắng cánh cò

 

(3) Khi cô bình minh vừa ửng

Mặt sông ánh một màu hồng

Con thuyền giương buồm rẽ nước

Đón đưa mọi người sang sông [...]

(4) Sông mang hạnh phúc bình yên

Cho những đàn cò áo trắng

Sông mang phù sa đỏ nặng

Cho người trồng lúa trồng ngô

Sông mang đến những chuyến đò

Chở ăm ắp đầy tôm cá

 

(5) Ơi dòng sông Lam thân thương!

Sông là niềm thương nỗi nhớ

Của người dân quê em đó

Ơi dòng sông Lam thân thương!

(Lâm Ngọc Quỳnh Anh, Chiếc bánh trăng, NXB Kim Đồng, 2022, trang 33 - 35)

 

 Câu 1. (0,5 điểm) Tình cảm, cảm xúc nào được thể hiện trong hai khổ thơ đầu?

A. Tự hào, yêu mến và gắn bó tha thiết với dòng sông Lam quê hương

B. Biết ơn vì dòng sông Lam quê hương đã mang đến cho người dân nơi đây nhiều lợi ích

C. Nhớ tha thiết dòng sông Lam quê hương – nơi đã gắn liền với những kí ức tuổi thơ của tác giả

D. Ngỡ ngàng trước sự thay đổi của dòng sông Lam quê hương

Câu 2. (0,5 điểm) Trong các từ dưới đây, từ nào là từ chỉ hoạt động?

A. biêng biếc

B. đón đưa

C. bình yên

D. ăm ắp

Câu 3. (1,0 điểm)

- Từ “mặt” trong câu thơ “Mặt sông ánh một màu hồng” có nghĩa là gì?

- Trong “mặt giấy”, “gặp mặt”, “lên mặt”, “vắng mặt”, từ “mặt" nào có nghĩa giống nhất với từ “mặt" trong "mặt sông”?

Câu 4. (1,0 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong khổ thơ sau:

Sông mang hạnh phúc bình yên

Cho những đàn cò áo trắng

Sông mang phù sa đỏ nặng

Cho người trồng lúa trồng ngô

Sông mang đến những chuyến đò

Chở ăm ắp đầy tôm cá

Câu 5. (1,0 điểm) Chọn một hình ảnh miêu tả dòng sông Lam trong văn bản mà em thích nhất, viết khoảng 3 câu văn chia sẻ cảm nhận của em về cái hay, cái đẹp của hình ảnh thơ đó.

Đọc văn bản sau, trả lời câu hỏi hoặc thực hiện yêu cầu từ câu 6 đến câu 10:

ĐỌC SÁCH “XÓM BỜ GIẬU” - NHỮNG KÍ ỨC NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN

(Trích)

Lấp lánh những áng văn nuôi dưỡng tâm hồn

"Xóm Bờ Giậu" được tác giả chăm chút với những trang viết đẹp, đọc lên thấy mênh mang một không gian thiên nhiên đầy sức sống. Tác phẩm cũng không chỉ miêu tả thiên nhiên, mỗi câu chuyện của nhà văn còn là một lời rủ rỉ tâm tình về cuộc sống.

Yêu trẻ để viết cho trẻ

Phải yêu trẻ và kiên trì lắm, cũng như hẳn là phải yêu cái phần trẻ thơ trong chính mỗi người trưởng thành mới có thể sắm vai các nhân vật, để mở ra cả thế giới phong phú giúp bồi đắp tâm hồn trẻ. Các nhân vật trong “Xóm Bờ Giậu", dưới ngòi bút của nhà văn Trần Đức Tiến, được tái tạo với những hình dung mới, mang góc nhìn sinh động, hài hước của trẻ thơ. Ngôn ngữ của nhân vật, tình tiết câu chuyện cũng được nhà văn chú ý gây dựng sao cho gần gũi, thu hút độc giả nhỏ - một thế hệ độc giả mới có nhiều sự chi phối trong thời đại số. Bên cạnh nguồn cảm hứng không vơi cạn về thế giới tự nhiên, bài học về cuộc sống: chuyện ứng xử nhân hậu, lối sống ngay thẳng nghĩa tình, ý nghĩa sự sống... cũng được nhà văn khéo léo lồng ghép.

Có thể nói “Xóm Bờ Giậu” của nhà văn Trần Đức Tiến là một cách nuôi dưỡng lòng yêu tiếng Việt của trẻ.

(Theo Cao Giang, https://nhandan.vn/doc-sach-xom-bo-giau-nhung-ky-uc-nuoi-duong-tam-hon-post730148.html)

Câu 6. (0,5 điểm) Dòng nào dưới nêu đúng thông tin chính của văn bản "Đọc sách "Xóm Bờ Giậu" - những kí ức nuôi dưỡng tâm hồn”?

A. Trình bày đặc sắc về nghệ thuật và nội dung tập truyện “Xóm Bờ Giậu” của tác giả Trần Đức Tiến.

B. Nêu lên hoàn cảnh nhà văn Trần Đức Tiến sáng tác tập truyện “Xóm Bờ Giậu”.

C. Bày tỏ cảm xúc về các nhân vật trong tập truyện: “Xóm Bờ Giậu” của tác giả Trần Đức Tiến.

D. Trình bày những lí do độc giả yêu thích tập truyện “Xóm Bờ Giậu” của tác giả Trần Đức Tiến.

Câu 7. (0,5 điểm) Văn bản triển khai ý tưởng và thông tin theo cách nào?

A. Theo trật tự thời gian

B. Theo trật tự không gian

C. Theo tầm quan trọng của nội dung trình bày

D. Kết hợp trật tự thời gian và không gian

Câu 8. (0,5 điểm) Dấu gạch ngang được sử dụng trong câu văn: “Ngôn ngữ của nhân vật, tình tiết câu chuyện cũng được nhà văn chú ý gây dựng sao cho gần gũi, thu hút độc giả nhỏ - một thế hệ độc giả mới có nhiều sự chi phối trong thời đại số.” có công dụng gì?

Câu 9. (0,5 điểm) Hình ảnh kèm theo có vai trò như thế nào trong việc thể hiện nội dung văn bản?

Câu 10. (1,0 điểm) Sau khi đọc văn bản “Đọc sách "Xóm Bờ Giậu" - những kí ức nuôi dưỡng tâm hồn”, em rút ra những kinh nghiệm gì cho bản thân khi viết bài giới thiệu sách?

Câu 11. (3,0 điểm) Để tôn vinh nét đẹp văn hóa của học sinh Thủ đô trong môi trường học đường, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành phát động phong trào “Lời chào của em” dưới nhiều hình thức: tổ chức cuộc thi thiết kế poster tuyên truyền, thực hiện nói lời chào ấm áp với thầy cô, bạn bè,... vào đầu giờ học buổi sáng và buổi chiều,…

Em có tán thành việc học sinh luôn biết chào hỏi mọi người trong môi trường học đường không? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) nêu ý kiến của em.

---Hết---

Lời giải

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Câu 1. (0,5 điểm) Tình cảm, cảm xúc nào được thể hiện trong hai khổ thơ đầu?

A. Tự hào, yêu mến và gắn bó tha thiết với dòng sông Lam quê hương

B. Biết ơn vì dòng sông Lam quê hương đã mang đến cho người dân nơi đây nhiều lợi ích

C. Nhớ tha thiết dòng sông Lam quê hương – nơi đã gắn liền với những kí ức tuổi thơ của tác giả

D. Ngỡ ngàng trước sự thay đổi của dòng sông Lam quê hương

Phương pháp giải:

Em dựa vào những hình ảnh về dòng sông Lam quê hương trong hai khổ thơ đầu để cảm nhận tình cảm của tác giả.

Lời giải chi tiết:

Tình cảm, cảm xúc nào được thể hiện trong hai khổ thơ đầu là niềm tự hào, yêu mến và gắn bó tha thiết với dòng sông Lam quê hương

Đáp án A.

Câu 2. (0,5 điểm) Trong các từ dưới đây, từ nào là từ chỉ hoạt động?

A. biêng biếc

B. đón đưa

C. bình yên

D. ăm ắp

Phương pháp giải:

Em nhớ lại khái niệm của từ chỉ hoạt động.

Lời giải chi tiết:

Từ chỉ đặc điểm: biêng biếc, bình yên, ăm ắp

Từ chỉ hoạt động là đón đưa.

Đáp án B.

Câu 3. (1,0 điểm)

- Từ “mặt” trong câu thơ “Mặt sông ánh một màu hồng” có nghĩa là gì?

- Trong “mặt giấy”, “gặp mặt”, “lên mặt”, “vắng mặt”, từ “mặt" nào có nghĩa giống nhất với từ “mặt" trong "mặt sông”?

Phương pháp giải:

Em giải nghĩa từ “mặt” trong các tường hợp để thực hiện yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

- Từ “mặt” trong câu thơ “Mặt sông ánh một màu hồng” có nghĩa là: phần phẳng ở phía trên hoặc phía ngoài của sự vật, phân biệt với phần bên dưới hoặc bên trong; ở đây là mặt nước của sông Lam.

- Từ “mặt” trong “mặt giấy” có nghĩa giống nhất với từ “mặt” trong “mặt sông".

Câu 4. (1,0 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong khổ thơ sau:

Sông mang hạnh phúc bình yên

Cho những đàn cò áo trắng

Sông mang phù sa đỏ nặng

Cho người trồng lúa trồng ngô

Sông mang đến những chuyến đò

Chở ăm ắp đầy tôm cá

Phương pháp giải:

Em tìm điệp ngữ có trong đoạn thơ và dựa vào nội dung của câu thơ để nêu tác dụng của biện pháp điệp ngữ đó.

Lời giải chi tiết:

- Điệp ngữ : “sông mang", "cho"

- Tác dụng của biện pháp điệp ngữ “sông mang", "cho" trong khổ thơ:

+ Tạo nên âm điệu nhịp nhàng cho lời thơ

+ Nhấn mạnh, làm nổi bật sự gắn bó mật thiết, những giá trị, vai trò lớn lao của dòng sông Lam đối với người dân quê hương

+ Thể hiện lòng yêu mến, sự biết ơn của tác giả đối với dòng sông quê hương.

Câu 5. (1,0 điểm) Chọn một hình ảnh miêu tả dòng sông Lam trong văn bản mà em thích nhất, viết khoảng 3 câu văn chia sẻ cảm nhận của em về cái hay, cái đẹp của hình ảnh thơ đó.

Phương pháp giải:

Em xác định hình thức và nội dung của đoạn văn:

a. Về hình thức:

- Dung lượng: khoảng 3 câu.

- Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

b. Về nội dung: Lựa chọn một hình ảnh miêu tả dòng sông Lam mà bản thân yêu thích nhất (ví dụ: Sông Lam nước xanh biêng biếc; Mặt sông ánh một màu hồng, ...) để chia sẻ cảm nhận về cái hay, cái đẹp của hình ảnh đó, cần đảm bảo một số nội dung sau:

- Trình bày được cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức nghệ thuật của hình ảnh

- Nêu được tình cảm, cảm xúc của tác giả được thể hiện qua hình ảnh đó

- Bày tỏ được cảm xúc, tình cảm của bản thân trước hình ảnh đó.

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Em thích nhất hình ảnh “Sông Lam nước xanh biêng biếc”. Hình ảnh này gợi ra vẻ đẹp trong trẻo, yên bình và nên thơ của dòng sông quê hương xứ Nghệ. Qua cách miêu tả ấy, em cảm nhận được tình yêu tha thiết của tác giả dành cho dòng sông, và em cũng thấy thêm tự hào, yêu quý vẻ đẹp bình dị mà sâu lắng của quê hương mình.

Câu 6. (0,5 điểm) Dòng nào dưới nêu đúng thông tin chính của văn bản "Đọc sách "Xóm Bờ Giậu" - những kí ức nuôi dưỡng tâm hồn”?

A. Trình bày đặc sắc về nghệ thuật và nội dung tập truyện “Xóm Bờ Giậu” của tác giả Trần Đức Tiến.

B. Nêu lên hoàn cảnh nhà văn Trần Đức Tiến sáng tác tập truyện “Xóm Bờ Giậu”.

C. Bày tỏ cảm xúc về các nhân vật trong tập truyện: “Xóm Bờ Giậu” của tác giả Trần Đức Tiến.

D. Trình bày những lí do độc giả yêu thích tập truyện “Xóm Bờ Giậu” của tác giả Trần Đức Tiến.

Phương pháp giải:

Em xác định nội dung của từng đoạn của văn bản "Đọc sách "Xóm Bờ Giậu" - những kí ức nuôi dưỡng tâm hồn” để xác định thông tín chính của văn bản.

Lời giải chi tiết:

Thông tin chính của văn bản "Đọc sách "Xóm Bờ Giậu" - những kí ức nuôi dưỡng tâm hồn” là trình bày đặc sắc về nghệ thuật và nội dung tập truyện “Xóm Bờ Giậu” của tác giả Trần Đức Tiến.

Đáp án A.

Câu 7. (0,5 điểm) Văn bản triển khai ý tưởng và thông tin theo cách nào?

A. Theo trật tự thời gian

B. Theo trật tự không gian

C. Theo tầm quan trọng của nội dung trình bày

D. Kết hợp trật tự thời gian và không gian

Phương pháp giải:

Em xác định trình tự của văn bản dựa vào bố cục và từ ngữ nối.

Lời giải chi tiết:

Văn bản triển khai ý tưởng và thông tin theo tầm quan trọng của nội dung trình bày.

Đáp án C.

Câu 8. (0,5 điểm) Dấu gạch ngang được sử dụng trong câu văn: “Ngôn ngữ của nhân vật, tình tiết câu chuyện cũng được nhà văn chú ý gây dựng sao cho gần gũi, thu hút độc giả nhỏ - một thế hệ độc giả mới có nhiều sự chi phối trong thời đại số.” có công dụng gì?

Phương pháp giải:

Em quan sát vị trí của dấu gạch ngang và nhớ lại các tác dụng của dấu gạch ngang.

Lời giải chi tiết:

Dấu gạch ngang được sử dụng trong câu văn có tác dụng đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích.

Câu 9. (0,5 điểm) Hình ảnh kèm theo có vai trò như thế nào trong việc thể hiện nội dung văn bản?

Phương pháp giải:

Em thấy hình ảnh kèm theo văn bản giúp em như thế nào trong việc cảm nhận văn bản.

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh kèm theo giúp độc giả hình dung ra được không gian thiên nhiên đầy sức sống và các nhân vật của “Xóm Bờ Giậu” được giới thiệu trong văn bản.

→ Hình ảnh bổ sung thông tin cho bài viết, giúp bài viết trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu hơn.

Câu 10. (1,0 điểm) Sau khi đọc văn bản “Đọc sách "Xóm Bờ Giậu" - những kí ức nuôi dưỡng tâm hồn”, em rút ra những kinh nghiệm gì cho bản thân khi viết bài giới thiệu sách?

Phương pháp giải:

Em rút ra những kinh nghiệm về hình thức và nội dung khi viết bài giới thiệu sách.

Lời giải chi tiết:

Một số kinh nghiệm khi viết bài giới thiệu sách:

- Cần xác định đối tượng, mục đích của bài viết.

- Đọc kĩ cuốn sách và lựa chọn những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật để giới thiệu.

- Tìm kiếm và sử dụng yếu tố phi ngôn ngữ (hình ảnh, số liệu...) để tạo sự sinh động, hấp dẫn.

- Khẳng định giá trị của tác phẩm, gửi gắm những thông điệp, bài học ý nghĩa tới độc giả.

Câu 11. (3,0 điểm) Để tôn vinh nét đẹp văn hóa của học sinh Thủ đô trong môi trường học đường, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành phát động phong trào “Lời chào của em” dưới nhiều hình thức: tổ chức cuộc thi thiết kế poster tuyên truyền, thực hiện nói lời chào ấm áp với thầy cô, bạn bè,... vào đầu giờ học buổi sáng và buổi chiều,…

Em có tán thành việc học sinh luôn biết chào hỏi mọi người trong môi trường học đường không? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) nêu ý kiến của em.

Phương pháp giải:

Em xác định hình thức và nội dung đoạn văn:

a. Hình thức:

- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nêu ý kiến gồm mở đầu, triển khai và kết đoạn.

- Dung lượng khaonrg 10 câu văn.

- Chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

b. Nội dung:

- Xác định đúng yêu cầu nghị luận: tán thành việc học sinh luôn biết chào hỏi mọi người trong môi trường học đường.

- Triển khai vấn đề cần nêu ý kiến:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng đảm bảo yêu cầu sau:

* Mở đầu: giới thiệu sự việc, hiện tượng và nêu ý kiến tán thành của người viết.

* Triển khai: Trình bày dẫn chứng để chứng minh ý kiến đó là đúng.

* Kết thúc: Khẳng định lại ý kiến tán thành hoặc nêu ý ý nghĩa của sự việc, hiện tượng đó đối với đời sống.

* Lưu ý: Chỉ chấp nhận ý kiến tán thành với sự việc, hiện tượng này.

- Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nêu ý kiến, có cách diễn đạt mới mẻ.

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Em hoàn toàn tán thành với việc học sinh luôn biết chào hỏi mọi người trong môi trường học đường. Chào hỏi là một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự lễ phép, ngoan ngoãn và tôn trọng của học sinh đối với thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh. Một lời chào đơn giản nhưng lại có thể mang đến niềm vui và tạo không khí học tập thân thiện, tích cực. Khi em chào thầy cô, đó là cách thể hiện lòng biết ơn với những người đã dạy dỗ, dẫn dắt em. Khi em chào bạn bè, em đang xây dựng một mối quan hệ gần gũi, chan hòa. Lời chào tuy nhỏ nhưng mang giá trị tinh thần to lớn, góp phần làm cho trường học trở nên văn minh và ấm áp hơn. Phong trào “Lời chào của em” do Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành phát động là một hoạt động ý nghĩa, cần được nhân rộng. Mỗi lời chào giống như một hành động đẹp, giúp lan tỏa sự tử tế và tình yêu thương trong học đường. Là học sinh, em sẽ luôn giữ gìn và phát huy thói quen chào hỏi mỗi ngày. Chào hỏi không chỉ là lời nói, mà còn là cách để chúng ta thể hiện tình yêu thương và sự trân trọng với mọi người xung quanh.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí