Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 4


Câu 1. Tên riêng nước ngoài nào dưới đây viết SAI quy tắc? A. Ma-ri Quy-ri B. An-phrét Nô-ben C. Thổ nhĩ kỳ D. Ba Lan

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 6

Môn: Tiếng Việt

Đề số 4

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng.

Câu 1. Tên riêng nước ngoài nào dưới đây viết SAI quy tắc?

A. Ma-ri Quy-ri

B. An-phrét Nô-ben

C. Thổ nhĩ kỳ

D. Ba Lan

Câu 2. Dãy từ nào sau đây chỉ gồm các tính từ?

A. le lói, long lanh, tinh tú, bình minh

B. vui vẻ, vất vả, vụng về, vải vóc

C. hoa lá, bức tranh, sáng suốt, sấm sét

D. nhanh nhẹn, nhỏ nhắn, nhã nhặn, nhạt nhẽo

Câu 3. Dòng nào nêu đúng chủ ngữ của câu: "Dọc bụi tre, những lá già cuốn theo gió đông nam thổi về, trút một lượt dưới gốc."?

A. Dọc bụi tre

B. những lá già

C. những lá già cuốn theo gió đông nam

D. những lá già cuốn theo gió đông nam thổi về

Câu 4. Dòng nào nêu đúng chủ ngữ của câu: "Ngay giữa trưa hè nắng dữ, con ong xanh vẫn cần cù, gan góc, đi lùng bắt dế, sửa soạn chu đáo cho những đứa con của nó ra đời"?

A. Trưa hè nắng dữ

B. Con ong

C. Con ong xanh

D. Những đứa con

PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

(Việt Nam quê hương ta, Nguyễn Đình Thi)

a. Ghi lại các danh từ riêng trong đoạn thơ trên.

b. Nêu nghĩa của từ “biển” trong "biển lúa". Cho biết đây là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển của từ "biển".

c. Trong đoạn thơ, tác giả đã nhắc đến những hình ảnh tiêu biểu nào của quê hương đất nước Việt Nam? Nêu tác dụng của những hình ảnh đó.

Câu 2 (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:

     (1) Một người thợ làm bánh muốn làm thân với một bậc thầy vĩ đại trong thị trấn nên đã khẩn khoản mời ông đến nhà ăn tối. (2) Ngày hôm trước, vị thầy cải trang thành một người ăn xin dáng vẻ tiều tụy đến tiệm bánh của người thợ, xin một ổ bánh mì. (3) Người thợ lớn tiếng đuổi người ăn xin ra khỏi cửa tiệm.

     (4) Hôm sau, vị thầy dẫn theo một đệ tử đến nhà của người thợ. (5) Họ được anh ta tiếp đãi bằng một bữa tiệc thịnh soạn. (6) Giữa bữa ăn, đệ tử hỏi: "Thưa thầy, làm sao để phân biệt người tốt kẻ xấu?". (7) Vị thầy trả lời: "Hãy xem cách ứng xử của người đó. Người thợ làm bánh này có thể chi mười đồng vàng cho một bữa tiệc vì tôi nổi tiếng, nhưng lại không thể cho một người ăn xin đói khát một mẩu bánh mì".

(Phỏng theo Paulo Coelho, Lương Hiền dịch, nguồn: https://spiritualgrowthevents.com)

a. Câu (4) và câu (5) liên kết với nhau bằng cách nào? Chỉ ra từ ngữ liên kết hai câu này.

b. Ghi lại các câu có trạng ngữ chỉ thời gian trong văn bản trên.

c. Hành động đuổi người ăn xin của người thợ làm bánh nói lên điều gì về tính cách của anh ta?

d. Em có đồng ý với quan niệm của vị thầy về người tốt, kẻ xấu không? Viết 2 - 3 câu giải thích ý kiến của em.

Câu 3 (3,0 điểm)

Em đã năm năm gắn bó với mái trường tiểu học thân yêu và sắp phải xa mái trường. Hãy viết một bức thư ngắn (khoảng 150 - 200 từ) gửi người thân ở xa kể lại một kỉ niệm với mái trường mà em nhớ nhất.

-------- Hết --------


Lời giải

  HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. C

2. D

3. B

4. C

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM

Câu 1. Tên riêng nước ngoài nào dưới đây viết SAI quy tắc?

A. Ma-ri Quy-ri

B. An-phrét Nô-ben

C. Thổ nhĩ kỳ

D. Ba Lan

Phương pháp giải:

Em nhớ lại quy tắc viết tên riêng nước ngoài.

Lời giải chi tiết :

Tên riêng nước ngoài viết SAI quy tắc là Thổ nhĩ kỳ.

Cách viết đúng: Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáp án C.

Câu 2. Dãy từ nào sau đây chỉ gồm các tính từ?

A. le lói, long lanh, tinh tú, bình minh

B. vui vẻ, vất vả, vụng về, vải vóc

C. hoa lá, bức tranh, sáng suốt, sấm sét

D. nhanh nhẹn, nhỏ nhắn, nhã nhặn, nhạt nhẽo

Phương pháp giải:

Em nhớ lại khái niệm tính từ rồi xác định từ loại của các đáp án.

Lời giải chi tiết :

Phương án A: "tinh tứ", "bình minh" là danh từ.

Phương án B: "vải vóc" là danh từ.

Phương án C: "hoa lá", "bức tranh", "sấm sét" là danh từ.

Đáp án D.

Câu 3. Dòng nào nêu đúng chủ ngữ của câu: "Dọc bụi tre, những lá già cuốn theo gió đông nam thổi về, trút một lượt dưới gốc."?

A. Dọc bụi tre

B. những lá già

C. những lá già cuốn theo gió đông nam

D. những lá già cuốn theo gió đông nam thổi về

Phương pháp giải:

Em đặt câu hỏi để tìm bộ phận chủ ngữ.

Lời giải chi tiết :

Chủ ngữ: Những lá già

Cách tìm: Chủ ngữ trả lời cho câu hỏi: "Dọc bụi tre, cái gì cuốn theo gió đông nam thổi về, trút một lượt dưới gốc.".

Đáp án B.

Câu 4. Dòng nào nêu đúng chủ ngữ của câu: "Ngay giữa trưa hè nắng dữ, con ong xanh vẫn cần cù, gan góc, đi lùng bắt dế, sửa soạn chu đáo cho những đứa con của nó ra đời"?

A. Trưa hè nắng dữ

B. Con ong

C. Con ong xanh

D. Những đứa con

Phương pháp giải:

Em phân tích thành phần câu để tìm chủ ngữ.

Lời giải chi tiết :

Chủ ngữ: "Con ong xanh"

Cấu tạo ngữ pháp của câu như sau:

Ngay giữa trưa hè nắng dữ (TN), con ong xanh (CN) // vẫn cần cù, gan góc, đi lùng bắt dế, sửa soạn chu đáo cho những đứa con của nó ra đời (VN).

Đáp án C.

PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

(Việt Nam quê hương ta, Nguyễn Đình Thi)

a. Ghi lại các danh từ riêng trong đoạn thơ trên.

b. Nêu nghĩa của từ “biển” trong "biển lúa". Cho biết đây là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển của từ "biển".

c. Trong đoạn thơ, tác giả đã nhắc đến những hình ảnh tiêu biểu nào của quê hương đất nước Việt Nam? Nêu tác dụng của những hình ảnh đó.

Phương pháp giải:

a. Em nhớ lại khái niệm danh từ riêng và ghi lại các danh từ riêng có trong đoạn thơ.

b. Em giải nghĩa của từ “biển” trong “biển lúa” rồi so sánh với nghĩa của từ “biển” khi đứng một mình, từ đó xác định được nghĩa vừa nêu là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển.

c. Em đọc lại đoạn thơ và ghi lại những hình ảnh tiểu biểu của quê hương Việt Nam. Em cho biết các hình ảnh em vừa liệt kê gợi vẻ đẹp gì của đất nước, thể hiện cảm xúc gì của tác giả.

Lời giải chi tiết:

a. Các danh từ riêng: Việt Nam, Trường Sơn.

b. Từ "biển" trong "biển lúa" chỉ "sự rộng lớn, bát ngát (của cánh đồng lúa)".

Gợi hình ảnh lúa trải dài như một vùng biển. Đây là nghĩa chuyển.

c. Những hình ảnh tiêu biểu của quê hương Việt Nam: "biển lúa", "cánh cò bay lả rập rờn", "mây mờ che đỉnh Trường Sơn".

- Tác dụng:

+ "Biển lúa" gợi hình ảnh những cánh đồng rộng lớn, bao la, gợi nhắc sự trù phú của đất nước ta và sự lao động cần cù của người dân Việt Nam.

+ "Cánh cò bay lả" gợi hình ảnh quen thuộc, gắn với cuộc sống bình yên, giản dị nơi làng quê.

+ "Mây mờ che đỉnh Trường Sơn" gợi vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn núi cao trập trùng, sừng sững trong sương mờ.

Những hình ảnh này làm nổi bật vẻ đẹp thanh bình, trù phú, thơ mộng và hùng vĩ của đất nước Việt Nam. Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu quê hương, niềm tự hào về vẻ đẹp đất nước.

Câu 2 (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:

     (1) Một người thợ làm bánh muốn làm thân với một bậc thầy vĩ đại trong thị trấn nên đã khẩn khoản mời ông đến nhà ăn tối. (2) Ngày hôm trước, vị thầy cải trang thành một người ăn xin dáng vẻ tiều tụy đến tiệm bánh của người thợ, xin một ổ bánh mì. (3) Người thợ lớn tiếng đuổi người ăn xin ra khỏi cửa tiệm.

     (4) Hôm sau, vị thầy dẫn theo một đệ tử đến nhà của người thợ. (5) Họ được anh ta tiếp đãi bằng một bữa tiệc thịnh soạn. (6) Giữa bữa ăn, đệ tử hỏi: "Thưa thầy, làm sao để phân biệt người tốt kẻ xấu?". (7) Vị thầy trả lời: "Hãy xem cách ứng xử của người đó. Người thợ làm bánh này có thể chi mười đồng vàng cho một bữa tiệc vì tôi nổi tiếng, nhưng lại không thể cho một người ăn xin đói khát một mẩu bánh mì".

(Phỏng theo Paulo Coelho, Lương Hiền dịch, nguồn: https://spiritualgrowthevents.com)

a. Câu (4) và câu (5) liên kết với nhau bằng cách nào? Chỉ ra từ ngữ liên kết hai câu này.

b. Ghi lại các câu có trạng ngữ chỉ thời gian trong văn bản trên.

c. Hành động đuổi người ăn xin của người thợ làm bánh nói lên điều gì về tính cách của anh ta?

d. Em có đồng ý với quan niệm của vị thầy về người tốt, kẻ xấu không? Viết 2 - 3 câu giải thích ý kiến của em.

Phương pháp giải:

a. Em nhớ lại các cách liên kết, xác định các từ ngữ thể hiện cách liên kết câu (4) và câu (5).

b. Em đọc lại đoạn văn, tìm các câu có thành phần trạng ngữ được ngăn cách với hai thành phần chính và ghi lại.

c. Em đọc lại câu văn miêu tả hành động và thái độ của người thợ làm bánh khi đuổi người ăn xin từ đó nêu suy nghĩ về tính cách của anh ta.

d. Em đồng ý hoặc không đồng ý với quan niệm của vị thầy về người tốt, kẻ xấu và nêu lí do của em.

Lời giải chi tiết:

a. Câu (4) và câu (5) liên kết với nhau bằng cách thay thế từ ngữ. Từ "họ" thay thế cho "vị thầy" và "một đệ tử"; từ "anh ta" thay thế cho "người thợ".

b. Các câu có trạng ngữ chỉ thời gian: (2), (4), (6)

c. Hành động đuổi người ăn xin của người thợ làm bánh cho thấy anh ta không có lòng thương người, vô cảm trước nỗi khổ của người khác.

d. Gợi ý: Em đồng ý với quan niệm của vị thầy. Người tốt biết yêu thương, giúp đỡ người khác bằng tấm lòng chân thật. Người xấu thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng trước nỗi khổ của người khác và chỉ quan tâm kết thân với người mang lại danh tiếng, địa vị cho mình.

Câu 3 (3,0 điểm)

Em đã năm năm gắn bó với mái trường tiểu học thân yêu và sắp phải xa mái trường. Hãy viết một bức thư ngắn (khoảng 150 - 200 từ) gửi người thân ở xa kể lại một kỉ niệm với mái trường mà em nhớ nhất.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đề bài và xác định bố cục, nội dung và hình thức.

Cấu trúc của một bức thư:

- Mở đầu: Lời chào hỏi, giới thiệu mục đích viết thư.

- Nội dung chính: Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với chi tiết rõ ràng, mô tả cảm xúc

- Kết thúc: Lời chúc tốt đẹp, lời hứa hẹn hoặc mong muốn gặp lại, lời chào tạm biệt.

Ngôn ngữ và diễn đạt:

- Sử dụng từ ngữ phù hợp: Lời văn cần trang trọng nhưng không quá cứng nhắc, thể hiện sự thân mật và gần gũi.

- Tính chính xác: Ngữ pháp và chính tả phải đúng, tránh các lỗi cơ bản.

- Câu văn rõ ràng: Câu văn phải dễ hiểu và không gây nhầm lẫn.

Tính sáng tạo và cảm xúc:

- Tính sáng tạo: Bức thư nên thể hiện sự sáng tạo trong cách kể chuyện và miêu tả cảm xúc.

- Cảm xúc chân thật: Thư phải thể hiện cảm xúc chân thật và tình cảm của học sinh đối với ông bà.

Lời giải chi tiết:

Bài viết tham khảo

Hà Nội, ngày ... tháng ... năm...

Ông bà kính mến!

Đã lâu rồi cháu chưa viết thư cho ông bà. Hôm nay, cháu muốn kể cho ông bà nghe một kỉ niệm đáng nhớ ở trường tiểu học trước khi chúng cháu phải xa mái trường thân yêu này.

Một trong những kỉ niệm mà cháu nhớ nhất là ngày sinh hoạt ngoại khóa vào cuối năm lớp 4. Hôm đó, lớp cháu tổ chức buổi cắm trại ở sân trường. Mọi người đều rất vui vẻ và hào hứng khi tham gia các trò chơi và chuẩn bị bữa tiệc nướng.

Điều làm cháu nhớ mãi là lúc cả lớp cùng nhau chơi trò kéo co. Dù cháu và các bạn rất mệt nhưng không ai chịu bỏ cuộc, tất cả đều cố gắng hết sức mình. Khi chúng cháu thắng trận cuối cùng, ai nấy đều reo hò, vui mừng và ôm nhau chúc mừng. Cháu cảm thấy thật sự hạnh phúc và tự hào vì tinh thần đoàn kết của cả lớp.

Cháu rất mong sẽ có dịp kể lại cho ông bà nghe nhiều hơn những kỉ niệm đẹp đó.

Chúc ông bà luôn mạnh khoẻ và vui vẻ. Cháu rất mong được gặp lại ông bà vào ngày gần nhất!

Cháu của ông bà

Lan Hương


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí