Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Lý Tự Trọng năm 2022>
Tải vềPHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm) Đọc phần trích sau và trả lời câu hỏi bằng cách viết vào tờ giấy thi chữ cái A, B, C hoặc D trước đáp án đúng: Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.
Đề bài
PHÒNG GD-ĐT BÌNH XUYÊN ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HỌC SINH HỌC SINH DỰ TUYỂN VÀO LỚP 6 THCS LÝ TỰ TRỌNG Năm học 2022-2023 Môn: Tiếng Việt Thời gian: 30 phút (không kể thời gian phát đề) |
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm) Đọc phần trích sau và trả lời câu hỏi bằng cách viết vào tờ giấy thi chữ cái A, B, C hoặc D trước đáp án đúng:
Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.
Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.
(Theo Ngọc Giao)
Câu 1. Dấu phẩy trong câu “Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.” dùng để làm gì?
A. Ngăn cách giữa trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ
B. Ngăn cách giữa các vế trong câu ghép
C. Ngăn cách giữa các bộ phận cùng giữ chức vụ chủ ngữ trong câu
D. Ngăn cách giữa các bộ phận cùng giữ chức vụ trạng ngữ trong câu
Câu 2. Từ nào sau đây trái nghĩa với từ “tĩnh mịch”?
A. tĩnh lặng
B. yên tĩnh
C. ồn ào
D. thanh tĩnh
Câu 3. Từ nào sau đây không phải là từ ghép có nghĩa tổng hợp?
A. vui mừng
B. khe núi
C. rung động
D. cỏ cây
Câu 4. Từ “nó” trong câu “Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi.” dùng để thay thế cho sự vật nào?
A. nhà tôi
B. bụi tầm xuân
C. vườn nhà tôi
D. con chim họa mi
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 5. (2,0 điểm)
a. Xác định các thành phần trong câu văn dưới đây:
Ngoài kia, sau một mùa đông dài tơi bời dông bão, những chiếc lộc non đã đâm chồi, những nụ tầm xuân bé nhỏ run run như bàn tay non tơ.
b. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu trên là câu đơn hay câu ghép?
Câu 6. (2,0 điểm)
Em thương làn gió mồ côi
Không tìm thấy bạn, vào ngồi trong cây
(Trích Em thương, Nguyễn Ngọc Ký)
Hình ảnh “làn gió mồ côi” gợi cho em liên tưởng đến những con người nào? Từ ý nghĩa của câu thơ, em rút ra được điều gì cho bản thân?
Câu 7. (4,0 điểm)
Rung động trước cảnh đất trời vào xuân, nhà thơ Đỗ Quang Huỳnh có viết:
Đồng làng vương chút heo may
Mầm cây tỉnh giấc vườn đầy tiếng chim
Hạt mưa mải miết trốn tìm
Cây đào trước cửa lim dim mắt cười
Dựa vào những dòng thơ trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 đến 15 câu) tả cảnh mùa xuân.
---Hết---
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
1.A | 2.C | 3.B | 4.D |
Câu 1.
Dấu phẩy trong câu “Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.” dùng để ngăn cách giữa trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.
Câu 2.
Từ nào trái nghĩa với từ “tĩnh mịch” là “ồn ào”.
Câu 3.
Từ không phải là từ ghép có nghĩa tổng hợp là “khe núi”. Vì “khe núi” là từ ghép phân loại.
Câu 4.
Từ “nó” trong câu “Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi.” dùng để thay thế cho con chim họa mi.
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 5. (2,0 điểm)
a. Xác định các thành phần trong câu văn dưới đây:
Ngoài kia,/ sau một mùa đông dài tơi bời dông bão,/ những chiếc lộc non// đã đâm chồi,
TN TN CN 1 VN 1
những nụ tầm xuân bé nhỏ// run run như bàn tay non tơ.
CN 2 VN 2
b. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu trên là câu ghép vì có hai vế câu được nối với nhau bằng dấu phẩy.
Câu 6. (2,0 điểm)
- Hình ảnh “làn gió mồ côi” gợi cho em liên tưởng đến hình ảnh của những người con, những đứa trẻ không có cha mẹ, phải một thân một mình tự kiếm ăn, kiếm sống, không có ai để nương tựa, chia sẻ và yêu thương .
- Từ ý nghĩa của câu thơ, em rút ra được rằng mình phải biết ơn, yêu thương bố mẹ, học tập thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ. Chúng ta là những đúa trẻ may mắn hơn bao giờ hết, chúng ta có cha, mẹ nuôi nấng chúng ta ăn học từng ngày. Cha mẹ yêu thương ta vô điều kiện, và chỉ khi nhìn thấy chúng ta thành công, họ mới vui nhất.
Câu 7. (4,0 điểm)
Lời giải
- Về hình thức: Đoạn văn cần trình bày rõ ràng, dễ hiểu, đủ số câu yêu cầu.
- Về nội dung: Đoạn cần đảm bảo đủ các ý sau:
+ Giới thiệu mùa xuân
+ Miêu tả bao quát khung cảnh mùa xuân
+ Miêu tả chi tiết các sự vật trong mùa xuân
+ Nêu suy nghĩ và cảm xúc về mùa xuân
Đoạn tham khảo 1:
Mùa xuân đến, không gian như được thổi bùng sức sống. Đồng làng vương chút heo may, những làn sương nhẹ nhàng lượn lờ, tạo nên vẻ đẹp huyền ảo cho buổi sáng. Mầm cây non từ từ nhú lên, như những đứa trẻ đang tỉnh giấc sau giấc ngủ dài. Tiếng chim hót líu lo, vang vọng trong vườn, mang đến âm thanh vui tươi chào đón mùa mới. Hạt mưa phùn rơi lất phất, tạo nên không khí trong lành và tươi mát. Cảnh vật như được rửa sạch, mỗi chiếc lá đều tỏa sáng dưới ánh nắng. Cây cối đâm chồi nảy lộc, khoác lên mình chiếc áo xanh rì rào. Hương thơm của hoa cỏ hòa quyện trong gió, khiến lòng người thêm rạo rực. Cây đào trước cửa bắt đầu nở rộ, những cánh hoa hồng phấn như những nụ cười rạng rỡ. Ánh nắng nhẹ nhàng chiếu rọi, khiến cảnh vật trở nên lung linh hơn. Mùa xuân không chỉ là sự khởi đầu, mà còn là biểu tượng của sự sống và hy vọng. Mọi thứ như đang sống dậy sau cơn mộng mị. Từng khoảnh khắc, từng âm thanh đều góp phần tạo nên bức tranh sống động của mùa xuân.
Đoạn tham khảo 2:
Khi mùa xuân gõ cửa, đất trời như bừng sáng với những sắc màu tươi mới. Đồng làng rực rỡ dưới ánh nắng ban mai, làn sương heo may còn sót lại như một lớp phấn mỏng. Mầm cây non vừa nhú lên, mang theo niềm vui và sức sống tràn đầy. Tiếng chim hót líu lo như những nốt nhạc trong bản giao hưởng thiên nhiên, vang vọng khắp không gian. Những hạt mưa nhỏ nhảy múa, mải miết trốn tìm giữa những tán lá, tạo nên một cảm giác thật vui tươi và nhộn nhịp. Cây đào trước cửa, với những cánh hoa nở rộ, như đang lim dim mắt cười. Hương hoa thơm ngát trong không khí khiến lòng người như bừng tỉnh. Những giọt sương còn đọng lại trên lá cây, phản chiếu ánh sáng, tạo nên những điểm nhấn lung linh. Không khí trong lành mang lại cảm giác bình yên, khiến mọi lo âu, phiền muộn như tan biến. Mùa xuân mang đến không chỉ sắc màu mà còn là những cảm xúc tươi mới. Khi nhìn quanh, ta cảm nhận được sự sống đang tràn ngập, và những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Những ngày xuân là thời khắc tuyệt vời để khởi đầu cho những ước mơ và hy vọng mới.
Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2022
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt thành phố Thủ Đức năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2023
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Thanh Xuân năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2022
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2022
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt thành phố Thủ Đức năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2023
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Thanh Xuân năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2022