Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2024


Câu 1. Từ ngữ nào dưới đây viết đúng chính tả? A. Ngượng ngịu. B. Sơ xác. C. Xứ sở. D. Chống trải.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

PHÒNG GDĐT VĨNH YÊN

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HỌC SINH

VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS VĨNH YÊN

NĂM HỌC 2024 - 2025

 

Phần I. MÔN TIẾNG VIỆT (10 điểm)

A. TRẮC NGHIỆM

Khoanh tròn vào chỉ một chữ cái A, B, C hoặc D đứng trước phương án trả lời đúng.

Câu 1. Từ ngữ nào dưới đây viết đúng chính tả?

A. Ngượng ngịu.

B. Sơ xác.

C. Xứ sở.

D. Chống trải.

Câu 2. Từ cần điền vào chỗ chấm để hoàn thành câu tục ngữ khuyên con người không nản lòng khi thất bại “Một lần ngã, một lần ...” là:

A. Dại.

B. Khôn.

C. Đau.

D. Thương.

Câu 3. Từ “đầu” trong thành ngữ nào dưới đây được dùng với nghĩa chuyển?

A. Đầu ráo áo ướt.

B. Đầu bạc răng long.

C. Đầu bù tóc rối.

D. Đầu sóng ngọn gió.

Câu 4. Khổ thơ dưới đây nói đến thời điểm nào?

“Ve đã ngưng tiếng hát

Phượng kết trái đầy cành

Sen cũng vừa tra hạt

Lá phai dần sắc xanh”

(Nguyễn Lãm Thắng)

A. Mùa xuân sang mùa hạ.

B. Mùa hạ sang mùa thu.

C. Mùa thu sang mùa đông.

D. Mùa đông sang mùa xuân.

Câu 5. Từ “thánh thót” trong câu “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” gợi tả điều gì?

A. Mồ hôi được so sánh như những giọt mưa rơi xuống ruộng.

B. Mồ hôi nhảy nhót trên khuôn mặt vất vả của người nông dân.

C. Mồ hôi rơi nhiều, liên tục, tô đậm sự vất vả của người nông dân.

D. Mồ hôi rơi nhiều và nhanh.

Câu 6. Các câu trong đoạn văn: “Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.” (Thép Mới) được liên kết với nhau bằng cách nào?

A. Lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ.

B. Dùng từ ngữ nối, lặp từ ngữ.

C. Dùng từ ngữ nối, thay thế từ ngữ.

D. Dùng từ ngữ nối, thay thế từ ngữ, lặp từ ngữ.

Câu 7. Dãy từ nào sau đây chỉ gồm các từ láy?

A. Mịt mù, rực rỡ, lộng lẫy.

B. Lộng lẫy, rực rỡ, nhỏ nhẹ.

C. Trơ trụi, mịt mù, ngán ngẩm.

D. Lộng lẫy, mịt mù, vung vãi.

B. TỰ LUẬN

Câu 1.

a) Hãy thêm bộ phận còn thiếu để vế câu “Buôn Chư Lênh đón cô giáo” trở thành câu ghép có sử dụng cặp quan hệ từ thích hợp.

b) Xác định bộ phận trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu văn sau:

“Cũng vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu mọc ở các vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười.”  

Câu 2. Gió thổi khắp nơi, nơi nào gió cũng được nghe những câu chuyện thầm kín của thiên nhiên, hoa lá. Một buổi sáng, khi đang bay ngang qua khu vườn, gió bỗng nghe được câu chuyện thú vị của giọt sương và bông hoa.

Em hãy tưởng tượng và viết bài văn ngắn để kể lại câu chuyện đó.

---Hết---

Lời giải

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

1. C

2. B

3. D

4. B

5. C

6. B

7. A

A. TRẮC NGHIỆM

Câu 1. Từ ngữ nào dưới đây viết đúng chính tả?

A. Ngượng ngịu.

B. Sơ xác.

C. Xứ sở.

D. Chống trải.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại quy tắc viết chính tả.

Lời giải chi tiết:

Từ viết sai chính tả là ngượng ngịu, sơ xác, chống trải.

Từ viết đúng chính tả là xứ sở.

Đáp án C.

Câu 2. Từ cần điền vào chỗ chấm để hoàn thành câu tục ngữ khuyên con người không nản lòng khi thất bại “Một lần ngã, một lần ...” là:

A. Dại.

B. Khôn.

C. Đau.

D. Thương.

Phương pháp giải:

Em dựa nội dung câu tục ngữ để lựa chọn từ ngữ điền vào chỗ chấm.

Lời giải chi tiết:

“Một lần ngã, một lần khôn”: ngã là thất bại, mỗi lần thất bại mình học được kinh nghiệm, trở nên khôn ngoan hơn.

Vậy từ cần điền là “khôn”.

Đáp án B.

Câu 3. Từ “đầu” trong thành ngữ nào dưới đây được dùng với nghĩa chuyển?

A. Đầu ráo áo ướt.

B. Đầu bạc răng long.

C. Đầu bù tóc rối.

D. Đầu sóng ngọn gió.

Phương pháp giải:

Em dựa vào đặc điểm của từ láy để đếm số lượng từ láy.

Lời giải chi tiết:

Từ "đầu" trong các câu A, B, C mang nghĩa là một bộ phận trên cơ thể.

Từ "đầu" trong câu D mang nghĩa là phần đầu tiên của ngọn sóng.

Đáp án D.

Câu 4. Khổ thơ dưới đây nói đến thời điểm nào?

“Ve đã ngưng tiếng hát

Phượng kết trái đầy cành

Sen cũng vừa tra hạt

Lá phai dần sắc xanh”

(Nguyễn Lãm Thắng)

A. Mùa xuân sang mùa hạ.

B. Mùa hạ sang mùa thu.

C. Mùa thu sang mùa đông.

D. Mùa đông sang mùa xuân.

Phương pháp giải:

Em dựa vào nghĩa của từng câu thơ để xác định thời gian.

Lời giải chi tiết:

Ve đã ngừng kêu, cây phượng đã kết trái, bông sen cũng vừa tra hạt còn lá thì phai đi sắc xanh nghĩa là đã hết mùa hè và chuyển sang mùa thu.

Đáp án B.

Câu 5. Từ “thánh thót” trong câu “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” gợi tả điều gì?

A. Mồ hôi được so sánh như những giọt mưa rơi xuống ruộng.

B. Mồ hôi nhảy nhót trên khuôn mặt vất vả của người nông dân.

C. Mồ hôi rơi nhiều, liên tục, tô đậm sự vất vả của người nông dân.

D. Mồ hôi rơi nhiều và nhanh.

Phương pháp giải:

Em dựa vào ý nghĩa của câu văn để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Từ "thánh thót" gợi tả mồ hôi rơi xuống nhiều, từng giọt liên tiếp. "Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày" là hình ảnh so sánh gợi tả công việc cày đồng vất vả, cực nhọc không thể nói hết.

Đáp án C.

Câu 6. Các câu trong đoạn văn: “Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.” (Thép Mới) được liên kết với nhau bằng cách nào?

A. Lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ.

B. Dùng từ ngữ nối, lặp từ ngữ.

C. Dùng từ ngữ nối, thay thế từ ngữ.

D. Dùng từ ngữ nối, thay thế từ ngữ, lặp từ ngữ.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại các cách liên kết câu.

Lời giải chi tiết:

Các câu văn được liên kết bằng cách lặp từ ngữ "tre" và sử dụng từ ngữ nối "rồi".

Đáp án B.

Câu 7. Dãy từ nào sau đây chỉ gồm các từ láy?

A. Mịt mù, rực rỡ, lộng lẫy.

B. Lộng lẫy, rực rỡ, nhỏ nhẹ.

C. Trơ trụi, mịt mù, ngán ngẩm.

D. Lộng lẫy, mịt mù, vung vãi.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại đặc điểm của từ láy.

Lời giải chi tiết:

Câu B có từ "nhỏ nhẹ" không phải là từ láy.

Câu C có từ "trơ trụi" không phải từ láy.

Câu D có từ "vung vãi" không phải là từ láy.

=> Dãy gồm các từ láy là mịt mù, rực rỡ, lộng lẫy.

Đáp án A.

B. TỰ LUẬN

Câu 1.

a) Hãy thêm bộ phận còn thiếu để vế câu “Buôn Chư Lênh đón cô giáo” trở thành câu ghép có sử dụng cặp quan hệ từ thích hợp.

b) Xác định bộ phận trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu văn sau:

“Cũng vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu mọc ở các vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười.”

Phương pháp giải:

a) Em lựa chọn cặp kết từ để viết tiếp vế câu còn thiếu với nội dung phù hợp.

b) Em nhớ lại cách xác định các thành phần câu.

Lời giải chi tiết:

a) Vì cô giáo đến dạy học cho trẻ em nên Buôn Chư Lênh đón cô giáo.

b) Cũng vào khoảng cuối tháng ba (TN), các cây sầu đâu mọc ở các vùng quê Bắc Bộ (CN1) / đâm hoa (VN1) và người ta (CN2) / thấy hoa sầu đâu nở như cười (VN2).

Câu 2. Gió thổi khắp nơi, nơi nào gió cũng được nghe những câu chuyện thầm kín của thiên nhiên, hoa lá. Một buổi sáng, khi đang bay ngang qua khu vườn, gió bỗng nghe được câu chuyện thú vị của giọt sương và bông hoa.

Em hãy tưởng tượng và viết bài văn ngắn để kể lại câu chuyện đó.

Phương pháp giải:

Em dựa vào gợi ý của đề bài để viết tiếp câu chuyện đó bằng trí tưởng tượng của em.

Lời giải chi tiết:

Trong khu vườn yên ả, nơi ánh nắng ban mai tinh nghịch nhảy múa trên những tán lá xanh, làn gió nhẹ khẽ lướt qua, mang theo tiếng thì thầm dịu dàng của thiên nhiên. Hôm ấy, khi bay ngang khóm hoa hồng, gió tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa giọt sương và bông hoa.

Giọt sương nhỏ xíu, long lanh như viên ngọc, đậu trên cánh hoa mềm. Nó ngước nhìn bông hoa với ánh mắt ngưỡng mộ và hỏi:
- Chị Hoa ơi, chị đẹp quá! Làm sao chị có thể rực rỡ đến thế?

Bông hoa khẽ rung mình, giọng êm ái đáp:
- Em thấy đó, chị cũng từng là một hạt mầm bé nhỏ. Chị đã vượt qua bao ngày mưa gió, những đêm giá lạnh. Nhưng chị không ngừng vươn lên, đón ánh mặt trời, hút từng giọt nước trong lành từ lòng đất. Và rồi, chị nở hoa.

Giọt sương ngập ngừng:
- Nhưng em thì nhỏ bé quá. Em chỉ là một giọt nước rồi cũng sẽ tan biến thôi…

Bông hoa mỉm cười:
- Sương à, đừng nghĩ vậy. Chính em mang đến sự mát lành cho khu vườn, tưới tắm cây cỏ, nuôi dưỡng sự sống. Khi tan ra, em hòa vào đất, tiếp tục nâng niu những chồi non.

Lời bông hoa khiến giọt sương như bừng tỉnh. Nó nhận ra rằng, dù nhỏ bé, mình cũng góp phần vào vẻ đẹp của thế giới này. Cùng bông hoa, nó lặng ngắm khu vườn bừng sáng trong nắng, lắng nghe tiếng chim líu lo và cảm nhận sự nhiệm màu của thiên nhiên. Gió mỉm cười, mang câu chuyện đầy ý nghĩa ấy bay khắp khu vườn, để mọi loài cây cỏ đều biết rằng dù nhỏ hay lớn, mỗi sinh vật đều có giá trị và góp phần làm cho thế giới thêm tươi đẹp.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2023

    Đọc đoạn văn sau: "Gió rào rào nổi lên. Có một tiếng động gì lạ lắm. Những chiếc lá khô lạt xạt lướt trên cỏ. Cây xấu hổ co rúm mình lại. Nó bỗng thấy xung quanh lao xao. He hé mắt nhìn: Không có gì lạ cả. Lúc bấy giờ nó mới mở bừng những con mắt lá và quả nhiên không có gì lạ thật." (Theo Trần Hoài Dương)

  • Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2022

    Phần I. MÔN TIẾNG VIỆT (10 điểm) A. TRẮC NGHIỆM Đọc đoạn trích sau: (1) Ngày tựu trường. (2) Đó là lúc những bông hoa phượng rực lửa mùa hè đã cạn khô dầu để thắp sáng cho cây, cho hè. (…) (3) Những bông hoa bằng lăng tím biếc như nỗi nhớ da diết trường lớp, thầy cô cùng tiếng gọi hè của những “nhạc công” ve như đã hòa tan vào trời đất.

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí