Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 3>
Câu 1. Dòng nào dưới đây KHÔNG chứa cặp từ trái nghĩa? A. Ăn chắc mặc bền B. Khôn nhà dại chợ C. Bên trọng bên khinh D. Trước lạ sau quen
Đề bài
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 6
Môn: Tiếng Việt
Đề số 3
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng.
Câu 1. Dòng nào dưới đây KHÔNG chứa cặp từ trái nghĩa?
A. Ăn chắc mặc bền
B. Khôn nhà dại chợ
C. Bên trọng bên khinh
D. Trước lạ sau quen
Câu 2. Những kết từ nào được sử dụng trong câu: "Gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo."?
A. trên, và, thỉnh thoảng
B. của, tựa, lại, đang
C. của, trên, và, như
D. trên, mềm, mở, lại
Câu 3. Câu văn nào dưới đây KHÔNG sử dụng biện pháp so sánh?
A. Mặt trời lúc hoàng hôn trông như một tấm gương phẳng lặng làm bằng ngọc thạch.
B. Bạn Mai Anh học rất giỏi khiến chúng em ai cũng đều ngưỡng mộ.
C. Sông ngòi ở Cà Mau chằng chịt hệt như mạng nhện.
D. Trên cành cây, tiếng chim hót líu lo như tiếng sáo du dương.
Câu 4. Câu nào dưới đây cần điền dấu hỏi chấm ở cuối câu?
A. Bạn thích nhân vật nào trong truyện [ ]
B. Bạn hãy kể câu chuyện nào bạn thích nhất [ ]
C. Tôi ăn gì cũng được [ ]
D. Món ăn nào cũng ngon [ ]
PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa, như làng xóm quê hương.
Như những con người - biết mấy yêu thương.
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm.
Ta lội tung tăng trên mặt nước, mặt sông
Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.
(Nhớ mưa quê hương, Lê Anh Xuân)
a. Tìm ba từ đồng nghĩa với từ "thân thiết".
b. Nêu nghĩa của từ "mặt" trong "mặt nước, mặt sông"? Nghĩa vừa nêu là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển của từ "mặt"?
c. Chỉ ra biện pháp điệp từ trong khổ thơ thứ hai và nêu tác dụng của biện pháp đó.
Câu 2 (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
(1) Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. (2) Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. (3) Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.
(Theo Thanh Tịnh)
a. Câu (1) và câu (2) liên kết với nhau bằng những cách nào? Chỉ ra từ ngữ liên kết.
b. Nêu nghĩa của từ "nắm" in đậm trong đoạn văn trên và cho biết nghĩa vừa nêu là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển của từ "nắm".
c. Đặt một câu với từ "nắm" được dùng với nghĩa chuyển và giải thích nghĩa của từ đó.
d. Phân tích cấu trúc ngữ pháp của câu (3). Cho biết câu (3) là câu đơn hay câu ghép.
Câu 3 (3,0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) thể hiện tình cảm, cảm xúc của em trước một câu chuyện về lòng nhân ái mà em đã đọc hoặc đã nghe.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. A |
2. C |
3. B |
4. A |
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM
Câu 1. Dòng nào dưới đây KHÔNG chứa cặp từ trái nghĩa?
A. Ăn chắc mặc bền
B. Khôn nhà dại chợ
C. Bên trọng bên khinh
D. Trước lạ sau quen
Phương pháp giải:
Em nhớ lại khái niệm từ trái nghĩa rồi xác định các cặp từ trái nghĩa.
Lời giải chi tiết :
Đáp án A: "Ăn chắc mặc bền" không có cặp từ trái nghĩa.
Các phương án khác có cặp từ trái nghĩa: khôn >< dại (phương án B), trọng >< khinh (phương án C), lạ >< quen, trước >< sau (phương án D).
Đáp án A.
Câu 2. Những kết từ nào được sử dụng trong câu: "Gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo."?
A. trên, và, thỉnh thoảng
B. của, tựa, lại, đang
C. của, trên, và, như
D. trên, mềm, mở, lại
Phương pháp giải:
Em nhớ lại khái niệm của kết từ rồi xác định các kết từ có trong câu văn đã cho.
Lời giải chi tiết :
Những kết từ nào được sử dụng trong câu: của, trên, và, như.
Đáp án C.
Câu 3. Câu văn nào dưới đây KHÔNG sử dụng biện pháp so sánh?
A. Mặt trời lúc hoàng hôn trông như một tấm gương phẳng lặng làm bằng ngọc thạch.
B. Bạn Mai Anh học rất giỏi khiến chúng em ai cũng đều ngưỡng mộ.
C. Sông ngòi ở Cà Mau chằng chịt hệt như mạng nhện.
D. Trên cành cây, tiếng chim hót líu lo như tiếng sáo du dương.
Phương pháp giải:
Em xác định các sự vật được so sánh với nhau và dấu hiệu của biện pháp so sánh trong các đáp án.
Lời giải chi tiết :
Các câu A, C, D sử dụng biện pháp so sánh, dấu hiệu nhận diện là từ "như".
Câu B không có biện pháp so sánh.
Đáp án B.
Câu 4. Câu nào dưới đây cần điền dấu hỏi chấm ở cuối câu?
A. Bạn thích nhân vật nào trong truyện [ ]
B. Bạn hãy kể câu chuyện nào bạn thích nhất [ ]
C. Tôi ăn gì cũng được [ ]
D. Món ăn nào cũng ngon [ ]
Phương pháp giải:
Em xác định kiểu câu của từng đáp án rồi chọn kiểu câu cần điền dấu hỏi chấm ở cuối câu.
Lời giải chi tiết :
Câu A "Bạn thích nhân vật nào trong truyện?" là câu hỏi cần điền dấu chấm hỏi ở cuối câu.
Câu B là câu khiến.
Câu C, D là câu kể.
Đáp án A.
PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa, như làng xóm quê hương.
Như những con người - biết mấy yêu thương.
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm.
Ta lội tung tăng trên mặt nước, mặt sông
Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.
(Nhớ mưa quê hương, Lê Anh Xuân)
a. Tìm ba từ đồng nghĩa với từ "thân thiết".
b. Nêu nghĩa của từ "mặt" trong "mặt nước, mặt sông"? Nghĩa vừa nêu là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển của từ "mặt"?
c. Chỉ ra biện pháp điệp từ trong khổ thơ thứ hai và nêu tác dụng của biện pháp đó.
Phương pháp giải:
a. Em giải nghĩa từ “thân thiết” rồi tìm các từ đồng nghĩa với từ đó.
b. Em giải nghĩa của từ “mặt” trong “mặt nước, mặt sông” rồi so sánh với nghĩa của từ “mặt” khi đứng một mình, từ đó xác định được nghĩa vừa nêu là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển.
c. Em đọc kĩ khổ thơ thứ hai, tìm các từ ngữ thể hiện biện pháp điệp từ và dựa vào nội dung khổ thơ để nêu tác dụng của biện pháp đó.
Lời giải chi tiết:
a. Có thể chọn ba từ đồng nghĩa với từ "thân thiết" trong các từ sau: quen thuộc, thân thuộc, thân thương, thân mật, gân gũi,... Học sinh có thể tìm từ khác nhưng cần có nét nghĩa chính là "mối quan hệ gần gũi, có tình cảm sâu đậm, thường xuyên quan tâm, chia sẻ với nhau".
b. Nghĩa của từ "mặt": bề mặt ở phần phía trên cùng của một sự vật như nước, sông,... Đây là nghĩa chuyển của từ "mặt".
c. - Điệp từ: "ta" (ta dầm mưa, ta tắm, ta lội tung tăng, ta lặn xuống), "mặt" (mặt nước, mặt sông), "tiếng" (tiếng sấm, tiếng ấm, tiếng trong).
- Tác dụng:
+ Kết nối tác giả giữa hiện tại với quá khứ, nhắc nhở tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, hòa mình vào thiên nhiên với những hoạt động vui chơi thú vị gắn với mưa quê hương.
+ Biểu hiện cảm xúc nhớ thương sâu sắc, hoài niệm chân thành về tuổi thơ; cảm nhận tinh tế về cơn mưa bằng cả thị giác và thính giác.
+ Tạo nhịp điệu lôi cuốn, tăng tính nhạc cho khổ thơ.
Câu 2 (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
(1) Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. (2) Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. (3) Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.
(Theo Thanh Tịnh)
a. Câu (1) và câu (2) liên kết với nhau bằng những cách nào? Chỉ ra từ ngữ liên kết.
b. Nêu nghĩa của từ "nắm" in đậm trong đoạn văn trên và cho biết nghĩa vừa nêu là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển của từ "nắm".
c. Đặt một câu với từ "nắm" được dùng với nghĩa chuyển và giải thích nghĩa của từ đó.
d. Phân tích cấu trúc ngữ pháp của câu (3). Cho biết câu (3) là câu đơn hay câu ghép.
Phương pháp giải:
a. Em nhớ lại các cách liên kết, xác định các từ ngữ thể hiện cách liên kết câu (1) và câu (2).
b. Em giải nghĩa từ “nắm” trong câu (1) rồi so sánh với nghĩa của từ “nắm” khí đứng một mình để xác định là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển.
c. Em đặt câu với từ “nắm” mang nghĩa chuyển mà em biết rồi giải thích nghĩa của từ đó.
d. Em xác định thành phần chủ ngữ, vị ngữ trong câu và đếm số cụm chủ - vị riêng biệt để xác định là câu đơn hay câu ghép.
Lời giải chi tiết:
a.
- Cách dùng đại từ thay thế: "này ở câu (2) thay cho dài và hẹp" ở câu (1).
- Cách lặp từ ngữ: "tôi", "con đường".
b. "nắm": co các ngón tay để giữ chặt một vật gì ở trong, ở đây là giữ bàn tay. Đây là nghĩa gốc.
c. Ví dụ: Tôi đã nắm kiến thức rất vững nhờ chăm chỉ học hành.
"nắm": có hiểu biết vững vàng, có thể vận dụng ngay.
d. Cảnh vật xung quanh tôi (CN) // đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học (VN).
Câu (3) là câu đơn.
Câu 3 (3,0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) thể hiện tình cảm, cảm xúc của em trước một câu chuyện về lòng nhân ái mà em đã đọc hoặc đã nghe.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đề bài và xác định bố cục, nội dung và hình thức.
- Nội dung và cấu trúc:
+ Câu mở đầu: Giới thiệu câu chuyện, tên tác giả và nêu cảm nhận chung về câu chuyện.
+ Thân đoạn: Nêu tình cảm, cảm xúc của học sinh về câu chuyện (nội dung, chi tiết, nhân vật, lời kể, ý nghĩa của câu chuyện,...).
+ Kết đoạn: Khẳng định lại suy nghĩ, cảm xúc sau khi đọc câu chuyện.
- Hình thức, dung lượng, diễn đạt:
+ Đảm bảo hình thức của một đoạn văn.
+ Dung lượng khoảng 10 câu.
+ Không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.
- Sáng tạo: Có câu văn hay, thể hiện cảm xúc và cái nhìn riêng của người viết.
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn tham khảo:
Một câu chuyện về lòng nhân ái mà em không thể quên là câu chuyện Người ăn xin của nhà văn Nga Tuốc-ghê-nhép. Vào một ngày nọ, khi đang đi trên phố, một bạn học sinh đã tình cờ gặp một ông lão ăn xin. Hình ảnh ông lão với bộ quần áo "tả tơi thảm hại", đôi mắt "đỏ đọc", "giàn giụa nước mắt", đôi môi "tái nhợt" khiến em không khỏi xót xa và thầm cầu mong ai đó sẽ giúp ông. Bạn học sinh, dù không tìm được gì trong túi để cho ông, nắm lấy bàn tay run rẩy của ông lão và nói với giọng đầy chân thành: "Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả." Hành động giản dị ấy thể hiện sự đồng cảm và lòng yêu thương sâu sắc của bạn nhỏ trước nỗi khổ của một người xa lạ. Khi ông lão nở nụ cười và cảm ơn bạn nhỏ với đôi mắt ướt đẫm và giọng nói khản đặc, em cảm thấy vô cùng xúc động. Em chợt nhận ra rằng, lòng nhân ái không nhất thiết phải được thể hiện qua những món quà vật chất, mà đôi khi, chỉ cần một cái nắm tay, một lời nói chia sẻ cũng đủ để sưởi ấm lòng người. Câu chuyện này đã khắc sâu trong em một bài học quý giá về lòng nhân ái. Em học được rằng mình cần phải tử tế và yêu thương những người xung quanh mình. Và em tin dù ở bất cứ đâu, nước Nga xa xôi hay ngay trên mảnh đất Việt Nam, lòng tốt luôn tồn tại và làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
(Mai Ngọc)
Chú ý: Đoạn văn đã sử dụng các từ ngữ chỉ tình cảm, cảm xúc và suy nghĩ của người viết: "xót xa", "thầm cầu mong", "chân thành", "đồng cảm", "yêu thương sâu sắc", "xúc động", "khắc sâu trong em một bài học quý giá", "cần phải tử tế và yêu thương".
![](/themes/images/iconComment.png)
![](/themes/images/facebook-share.png)