Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 2


Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng. Câu 1. Tác dụng của dấu phẩy ở vị trí số (3) trong câu: “Đứng trên đồi cao (1), tôi nhìn thấy rõ dòng sông (2), bến nước (3), nơi đã gắn chặt với những kỉ niệm của tuổi thơ tôi.” là: A. Ngăn cách các bộ phận có cùng chức vụ trong câu. B. Ngăn cách các vế của câu ghép.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 6

Môn: Tiếng Việt

Đề số 2

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng.

Câu 1. Tác dụng của dấu phẩy ở vị trí số (3) trong câu: “Đứng trên đồi cao (1), tôi nhìn thấy rõ dòng sông (2), bến nước (3), nơi đã gắn chặt với những kỉ niệm của tuổi thơ tôi.” là:

A. Ngăn cách các bộ phận có cùng chức vụ trong câu.

B. Ngăn cách các vế của câu ghép.

C. Ngăn cách bộ phận chú thích với từ ngữ được chú thích.

D. Ngăn cách các vị ngữ trong một câu.

Câu 2. Câu nào dưới đây KHÔNG sử dụng biện pháp nhân hóa?

A. Chị gió nhởn nhơ trêu đùa mái tóc của các cô thôn nữ.

B. Mấy chú chim sâu tinh nghịch rúc rích trong vòm lá.

C. Ánh nắng vàng tựa như mật ong quánh lại rải trên con đường đê.

D. Cuối ngày, bác mặt trời trùm chiếc chăn mây chìm vào giấc ngủ.

Câu 3. Câu nào dưới đây có từ "hay" là kết từ?

A. Tôi thích chơi với Nam vì tính cậu rất hay.

B. Bạn học sinh vừa đi qua đây học lớp 5A hay 5B?

C. Cô ấy hát hay như ca sĩ chuyên nghiệp.

D. Sáng nay, tôi hay tin gió mùa chuẩn bị về nên phải chuẩn bị quần áo ấm.

Câu 4. Câu nào dưới đây sử dụng đúng dấu ngoặc kép?

A. "Hạt gạo làng ta" là một bài thơ tiêu biểu của Trần Đăng Khoa.

B. "Câu chuyện cổ tích" Tấm Cám được nhiều người yêu thích.

C. Trí tưởng tượng phong phú, cái nhìn trong trẻo của trẻ thơ được thể hiện thật đặc sắc trong "bài thơ Cây dừa".

D. "Đô-ra-ê-mon là một nhân vật" gần gũi, quen thuộc với thế giới tuổi thơ.

PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 1 (2,5 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:

Mưa ơi, đừng rơi nữa

Mẹ vẫn chưa về đâu

Chợ làng, đường xa lắm

Qua sông chẳng có cầu

 

Mưa vẫn rơi, vẫn rơi

Ào ào trên mái rạ

Con sông vào mùa hạ

Nước dâng đầy khó đi

 

Chiều mưa càng thương mẹ

Vai gầy nặng lo toan

Gió lùa qua kẽ liếp

Mưa ngập tràn mắt em.

(Mưa, Phạm Phương Lan)

a. Tìm một từ đồng nghĩa với từ "lo toan".

b. Tìm những câu thơ cho thấy sự vất vả của mẹ trên đường về nhà trong ngày mưa.

c. Tìm và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ thứ nhất.

d. Viết 2 - 3 câu nêu cảm nhận của em về tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ.

Câu 2 (2,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:

     (1) Bọn trẻ đi men theo bờ suối. (2) Dòng nước róc rách dưới hàng dâu da lũng lẵng những chùm quả đỏ mọng. (3) Một vài cây vả ngả ngọn xuống mặt nước, đưa đẩy những chiếc lá to bản. (4) Lũ trẻ chui vào gốc hái quả chín, bửa ra hút lấy mật ngọt. (5) Chúng ném cùi xuống suối cho trôi bồng bềnh và đứng nhìn đàn cá mương bơi lại, thoăn thoắt đuổi theo rỉa mồi.

     (6) Khi mặt trời lên được hơn con sào, chúng ra đến nương. (7) Sau vụ gặt, nương trơ đất màu nâu và lởm chởm gốc rạ chưa đốt. (8) Chúng đóng cọc buộc con trống mồi, dòng dây ra xa và ném xuống mặt đất một vốc những hạt thóc vàng. (9) Rồi chui vào nấp sau một bụi mua đầy hoa tím, chúng giật dây. (10) Con mồi vỗ cánh cất tiếng gáy о o...

(Mùa săn trên núi, Vũ Hùng)

a. Xác định chủ ngữ và vị ngữ trong câu sau: "Sau vụ gặt, nương trơ đất màu nâu và lởm chởm gốc rạ chưa đốt.". Xét theo cấu tạo, câu trên thuộc kiểu câu gì?

b. Câu (4) và câu (5) liên kết với nhau bằng cách nào? Hãy chỉ ra từ ngữ liên kết hai câu này.

c. Viết đoạn văn (3 - 5) câu nêu cảm nhận của em về thế giới tuổi thơ của "bọn trẻ" trong đoạn văn trên.

Câu 3 (3,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 12 câu) thể hiện tình cảm, cảm xúc của em về một nhân vật trong văn học.

-------- Hết --------

Lời giải

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. C

2. C

3. B

4. A

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM

Câu 1. Tác dụng của dấu phẩy ở vị trí số (3) trong câu: “Đứng trên đồi cao (1), tôi nhìn thấy rõ dòng sông (2), bến nước (3), nơi đã gắn chặt với những kỉ niệm của tuổi thơ tôi.” là:

A. Ngăn cách các bộ phận có cùng chức vụ trong câu.

B. Ngăn cách các vế của câu ghép.

C. Ngăn cách bộ phận chú thích với từ ngữ được chú thích.

D. Ngăn cách các vị ngữ trong một câu.

Phương pháp giải:

Em đọc câu và xác định vị trí của dấu phẩy dùng để ngăn cách bộ phận nào.

Lời giải chi tiết:

Tác dụng của dấu phẩy (1): Ngăn cách trạng ngữ và nòng cốt câu.

Tác dụng của dấu phẩy (2): Ngăn cách các từ ngữ cùng chức vụ bổ sung ý nghĩa cho động từ ở trung tâm vị ngữ: "nhìn thấy".

Tác dụng của dấu phẩy (3): Ngăn cách bộ phận dùng để chú thích và từ ngữ được chú thích đứng trước: "dòng sông bến nước". Vậy C là đáp án đúng.

Đáp án C.

Câu 2. Câu nào dưới đây KHÔNG sử dụng biện pháp nhân hóa?

A. Chị gió nhởn nhơ trêu đùa mái tóc của các cô thôn nữ.

B. Mấy chú chim sâu tinh nghịch rúc rích trong vòm lá.

C. Ánh nắng vàng tựa như mật ong quánh lại rải trên con đường đê.

D. Cuối ngày, bác mặt trời trùm chiếc chăn mây chìm vào giấc ngủ.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại các cách nhân hóa và xác định câu nào sự vật không được nhân hóa.

Lời giải chi tiết:

- "Chị gió nhơn nhớ trêu đùa", "chú chim sâu tinh nghịch rúc rích", "bác mặt trời trùm chiếc chăn mây" là những hình ảnh nhân hóa.

- "Ánh nắng vàng" được so sánh với "mật ong quảnh lại". Trong câu này không có biện pháp nhân hóa.

Đáp án C.

Câu 3. Câu nào dưới đây có từ "hay" là kết từ?

A. Tôi thích chơi với Nam vì tính cậu rất hay.

B. Bạn học sinh vừa đi qua đây học lớp 5A hay 5B?

C. Cô ấy hát hay như ca sĩ chuyên nghiệp.

D. Sáng nay, tôi hay tin gió mùa chuẩn bị về nên phải chuẩn bị quần áo ấm.

Phương pháp giải:

Em xác định từ loại của từ “hay” trong các đáp án.

Lời giải chi tiết:

Từ "hay" trong câu A, C là tính từ; Câu D: động từ; Câu B: kết từ chỉ quan hệ lựa chọn.

Đáp án B.

Câu 4. Câu nào dưới đây sử dụng đúng dấu ngoặc kép?

A. "Hạt gạo làng ta" là một bài thơ tiêu biểu của Trần Đăng Khoa.

B. "Câu chuyện cổ tích" Tấm Cám được nhiều người yêu thích.

C. Trí tưởng tượng phong phú, cái nhìn trong trẻo của trẻ thơ được thể hiện thật đặc sắc trong "bài thơ Cây dừa".

D. "Đô-ra-ê-mon là một nhân vật" gần gũi, quen thuộc với thế giới tuổi thơ.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại tác dụng của dấu ngoặc kép và lựa chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Dấu ngoặc kép dùng để đánh dấu tên của tác phẩm. "Hạt gạo làng ta" là một bài thơ tiêu biểu của Trần Đăng Khoa.

Đáp án A.

PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 1 (2,5 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:

Mưa ơi, đừng rơi nữa

Mẹ vẫn chưa về đâu

Chợ làng, đường xa lắm

Qua sông chẳng có cầu

 

Mưa vẫn rơi, vẫn rơi

Ào ào trên mái rạ

Con sông vào mùa hạ

Nước dâng đầy khó đi

 

Chiều mưa càng thương mẹ

Vai gầy nặng lo toan

Gió lùa qua kẽ liếp

Mưa ngập tràn mắt em.

(Mưa, Phạm Phương Lan)

a. Tìm một từ đồng nghĩa với từ "lo toan".

b. Tìm những câu thơ cho thấy sự vất vả của mẹ trên đường về nhà trong ngày mưa.

c. Tìm và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ thứ nhất.

d. Viết 2 - 3 câu nêu cảm nhận của em về tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ.

Phương pháp giải:

a. Em giải nghĩa từ “lo toan” và tìm các từ đồng nghĩa với từ “lo toan”.

b. Em đọc lại bài thơ và tìm những câu thơ mô tả khó khăn, vất vả khi mẹ về nhà trong ngày mưa.

c. Em đọc kĩ khổ thơ thứ nhất, xác định câu thơ chứa biện pháp tu từ, gọi tên biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy.

d. Em đọc lại bài thơ, dựa vào những từ ngữ, câu thơ bộc lộ cảm xúc của người con dành cho mẹ nêu cảm nhận của em về tình cảm đó.

Lời giải chi tiết:

a. Học sinh chọn một từ trong các từ đồng nghĩa sau: gánh vác, chăm lo, đảm nhận, đảm đương, quán xuyến, chu toàn, săn sóc, coi sóc,... Học sinh có thể tìm những từ khác nhưng cần có nét nghĩa chính là "đảm đương công việc để mọi thứ được sắp xếp tốt" hoặc "chăm lo đến sự ổn định của mọi việc".

b. Những câu thơ cho thấy sự vất vả của mẹ trên đường về nhà trong ngày mưa:

- Chợ làng, đường xa lắm/ Qua sông chẳng có cầu

- Con sông vào mùa hạ/ Nước dâng đầy khó đi

c. Trong khổ thơ thứ nhất, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa qua câu thơ: "Mưa ơi, đừng rơi nữa". Bạn nhỏ trò chuyện với mưa như trò chuyện với con người.

- Tác dụng:

+ Làm cho mưa trở thành một người bạn có thể nghe, hiểu mong ước của người bạn nhỏ.

+ Diễn tả sâu sắc cảm xúc lo lắng, xót xa của người con trước những khó khăn, vất vả của mẹ.

+ Nhấn mạnh lời khẩn cầu tha thiết để cơn mưa ngừng lại, bớt gây khó khăn cho mẹ đang trở về.

+ Tạo giọng điệu tâm tình, chân thành cho thơ, góp phần tăng thêm sự đồng cảm của người đọc với nỗi lo lắng, yêu thương của người con dành cho mẹ.

d. Qua bài thơ, tình cảm của người con dành cho mẹ khiến em xúc động. Từng câu thơ chất chứa nỗi nghẹn ngào, niềm lo lắng khôn nguôi khi người con nghĩ đến sự vất vả, nhọc nhằn của mẹ. Hình ảnh người mẹ tảo tần, bươn chải với bao khó khăn hiện ra trong lời tâm tình của người con đã cho thấy tình yêu thương vô bờ và sự trân trọng, biết ơn của người con dành cho mẹ.

Câu 2 (2,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:

     (1) Bọn trẻ đi men theo bờ suối. (2) Dòng nước róc rách dưới hàng dâu da lũng lẵng những chùm quả đỏ mọng. (3) Một vài cây vả ngả ngọn xuống mặt nước, đưa đẩy những chiếc lá to bản. (4) Lũ trẻ chui vào gốc hái quả chín, bửa ra hút lấy mật ngọt. (5) Chúng ném cùi xuống suối cho trôi bồng bềnh và đứng nhìn đàn cá mương bơi lại, thoăn thoắt đuổi theo rỉa mồi.

     (6) Khi mặt trời lên được hơn con sào, chúng ra đến nương. (7) Sau vụ gặt, nương trơ đất màu nâu và lởm chởm gốc rạ chưa đốt. (8) Chúng đóng cọc buộc con trống mồi, dòng dây ra xa và ném xuống mặt đất một vốc những hạt thóc vàng. (9) Rồi chui vào nấp sau một bụi mua đầy hoa tím, chúng giật dây. (10) Con mồi vỗ cánh cất tiếng gáy о o...

(Mùa săn trên núi, Vũ Hùng)

a. Xác định chủ ngữ và vị ngữ trong câu sau: "Sau vụ gặt, nương trơ đất màu nâu và lởm chởm gốc rạ chưa đốt.". Xét theo cấu tạo, câu trên thuộc kiểu câu gì?

b. Câu (4) và câu (5) liên kết với nhau bằng cách nào? Hãy chỉ ra từ ngữ liên kết hai câu này.

c. Viết đoạn văn (3 - 5) câu nêu cảm nhận của em về thế giới tuổi thơ của "bọn trẻ" trong đoạn văn trên.

Phương pháp giải:

a. Em đọc câu văn, xác định các thành phần câu và số lượng cụm chủ - vị trong câu.

b. Em nhớ lại các cách liên kết câu, xác định cách liên kết câu (4) và câu (5) và nêu từ ngữ liên kết.

c. Em đọc lại đoạn văn, dựa vào những hình ảnh bọn trẻ hái quả, bắt cá,… nêu suy nghĩ của em về thế giới tuổi thơ của bọn trẻ.

Lời giải chi tiết:

a. Sau vụ gặt, nương // trơ đất màu nâu và lởm chởm gốc rạ chưa đốt.

       TN               CN                                    VN

Xét theo cấu tạo, câu văn trên chỉ có một cụm chủ - vị nên là câu đơn.

b. Cách thay thế từ ngữ. Từ "chúng" được thay thế cho "lũ trẻ".

c. Gợi ý đoạn văn có những ý sau:

- Thế giới tuổi thơ của bọn trẻ gắn với thiên nhiên, với bao điều thú vị, hấp dẫn.

- Bọn trẻ sung sướng trong niềm vui được tận hưởng, hòa mình vào với thiên nhiên như: "chui vào gốc hái quả chín, bửa ra hút lấy mật ngọt", "ném cùi xuống suối cho trôi bồng bềnh và đừng nhìn đàn cá mương bơi lại, thoăn thoắt đuổi theo rỉa mồi", "đóng cọc buộc con trống mồi, dòng dây ra xa và ném xuống mặt đất một vốc những hạt thóc vàng", "chui vào nấp sau một búi mua đầy hoa tím,,..

- Thế giới tuổi thơ của bọn trẻ thật bình yên, hồn nhiên, vô tư, trong trẻo.

Câu 3 (3,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 12 câu) thể hiện tình cảm, cảm xúc của em về một nhân vật trong văn học.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đề bài và xác định bố cục, nội dung và hình thức.

- Nội dung và cấu trúc:

+ Mở đoạn: Giới thiệu về một một nhân vật trong văn học mà em yêu thích.

+ Thân đoạn: Nêu tình cảm, cảm xúc của em về nhân vật đó (ngoại hình, tính cách, thói quen, sở thích, hoạt động, một sự việc tiêu biểu,...).

+ Kết đoạn: Khẳng định lại suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

- Hình thức, dung lượng, diễn đạt:

+ Đảm bảo hình thức của một đoạn văn.

+ Dung lượng khoảng 12 câu.

+ Không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.

- Sáng tạo: Có câu văn hay, thể hiện cảm xúc và cái nhìn riêng của người viết.

Lời giải chi tiết:

Đoạn văn tham khảo:

            Trong số những truyện tranh đã đọc, nhân vật Đô-ra-ê-mon trong bộ truyện cùng tên của nhà văn Fu-ji-kô Fu-ji-ô khiến em có ấn tượng khó quên nhất. Đó là chú mèo máy đến từ thế giới tương lai mang theo bao phép màu kì lạ. Em vô cùng thích thú mỗi lần ngắm nhìn ngoại hình thật ngộ nghĩnh, đáng yêu của chú. Chú có chiều cao là 129,3 cm và cân nặng là 129,3 kg. Cái đầu chú dường như to quá khổ so với thân hình vốn khá mập mạp. Chú có cái miệng rộng lúc nào cũng như nở nụ cười tươi. Điều khiến em cảm thấy kì lạ và bất ngờ là chú mèo máy Đô-ra-ê-mon không có đôi tai vì đã bị chuột ăn mất nên chú vô cùng sợ chuột. Đặc biệt, Đô-ra-ê-mon có một cái túi thần kì trước bụng, nó nhỏ thôi nhưng chứa đựng bao điều bí ẩn, bao phép thuật kì thú. Mỗi khi Đô-ra-ê-mon xuất hiện là mang lại cho em cảm giác thật thích thú vì tính cách đáng yêu, vui tính của chú và sự nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ Nô-bi-ta khi gặp khó khăn. Nhờ có sự giúp đỡ của chú mà Nô-bi-ta có thể khám phá được những điều kì diệu, có những chuyến phiêu lưu đáng nhớ và những kỉ niệm không thể nào quên. Một trong những sở thích của Đô-ra-ê-mon là món bánh rán, bao nhiêu bánh rán chú cũng ăn ngon lành. Em ngưỡng mộ nhất là tình bạn giữa Đô-ra-ê-mon và Nô-bi-ta nên đôi khi em ước mình có một người bạn thân thiết như Đô-ra-ê-mon.

Chú ý: Đoạn văn đã sử dụng các từ ngữ chỉ tình cảm, cảm xúc và suy nghĩ của người viết: "ấn tượng khó quên nhất", "vô cùng thích thứ", "cảm thấy kì lạ và bất ngờ", "cảm giác thật thích thú", "ngưỡng mộ".


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí