Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 12>
Câu 1. Từ nào có thể thay thế cho từ được gạch chân trong câu: "Tôi tư duy nên tôi tồn tại"? A. học hỏi B. suy nghĩ C. tranh luận D. nỗ lực
Đề bài
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 6
Môn: Tiếng Việt
Đề số 12
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng.
Câu 1. Từ nào có thể thay thế cho từ được gạch chân trong câu: "Tôi tư duy nên tôi tồn tại"?
A. học hỏi
B. suy nghĩ
C. tranh luận
D. nỗ lực
Câu 2. Điền một cặp kết từ phù hợp vào dấu ba chấm trong câu: "… người quay lại ấy là người khác ... thật là một trò cười tức bụng cho lũ bạn tôi, chúng nó khua guốc inh ỏi và nô đùa ẩm ĩ trên hè." (Theo Nguyên Hồng).
A. Nếu/ thì
B. Dù/ nhưng
C. Không những/ mà còn
D. Nhờ/ mà
Câu 3. Từ được gạch chân trong câu thơ "Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng/ À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon." (Bình Nguyên) thuộc loại từ nào?
A. Động từ
B. Tính từ
C. Kết từ
D. Đại từ
Câu 4. Dấu ngoặc kép trong câu văn sau có tác dụng gì?
Những câu thơ "Lời ru có gió mùa thu/ Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về" cứ ngân nga mãi trong tôi.
A. Đánh dấu lời đối thoại
B. Đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp
C. Đánh dấu tên của một tác phẩm
D. Đánh dấu các ý liệt kê
Câu 5. Câu văn nào sau đây sử dụng biện pháp nhân hoá?
A. Cây gạo già mỗi năm lại trở lại tuổi xuân, cành nặng trĩu những hoa đỏ mọng và đầy tiếng chim hót.
B. Những bông hoa rơi từ trên cao, đài hoa nặng chúi xuống những cánh hoa đỏ rực quay tít như chong chóng nom thật đẹp.
C. Cây gạo như treo rung rinh hàng ngàn nồi cơm gạo mới.
D. Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn.
Câu 6. Từ in đậm trong câu thơ nào sau đây được dùng với nghĩa gốc?
A. Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
B. Em cu tai ngủ trên lưng mẹ ơi
C. Đầu súng trăng treo
D. Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau
Câu 7. Câu văn nào sau đây mắc lỗi chính tả?
A. Sáng ngày 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), huyện Thái Thuỵ tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Diêm Hộ.
B. Theo thể lệ cuộc thi, các đội đua tranh trên dòng sông Diêm Hộ - đoạn tiếp giáp cửa biến Diêm Điền - trong 3,5 vòng đua với tổng chiều dài trên 4 km.
C. Lễ hội diễn ra sôi nổi, tưng bừng trong tiếng reo hò, cổ vũ của đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
D. Đây là nét đẹp văn hoá của người dân vùng biển nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha ông đã có công chống giặc ngoại xâm và chinh phục biển cả.
Câu 8. Câu nào sau đây KHÔNG thuộc kiểu cấu tạo đơn?
A. Người Dế Choắt gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện.
B. Dế Choắt đã thanh niên rồi mà đôi cánh của nó chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn.
C. Đôi càng của Dế Mèn mẫm bóng và có những cái vuốt sắc nhọn.
D. Dế Choắt là tên tôi đã đặt cho nó một cách chế giễu và trịch thượng.
PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi hoặc thực hiện yêu cầu nêu dưới:
(1) Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. (2) Bàn tay kì diệu của thiên nhiên đã biến hàng ngàn đảo đá vô tri, tĩnh lặng trở thành những tác phẩm điêu khắc, hội họa với muôn hình dáng yêu kiều, vừa quen thuộc vừa như xa lạ, bí ẩn với con người. (3) Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động,...
(4) Phía trong những đảo đá lớn lại hấp dẫn bởi những hang động đẹp đẽ, kì lạ. (5) Hang Đầu Gỗ gợi cảm giác choáng ngợp, với những nhũ đá muôn hình dáng vẻ. (6) Động Thiên Cung như một đền đài hoành tráng, mĩ lệ. (7) Hang Bồ Nâu có cửa uốn vòng cung, với vô số nhũ đá buông xuống mềm mại như cành liễu. (8) Hang Sửng Sốt đẹp đến bất ngờ, với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước và nhiều hình hài khác, như mở ra một thế giới cổ tích. (9) Những hang động như Tam Cung, Trinh Nữ, Ba Hang, Tiên Long,... mỗi hang lại có những vẻ đẹp độc đáo, kì thú. (10) Đó thực sự là những lâu đài của tạo hóa giữa chốn trần gian. (11) Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là "kì quan đất dựng giữa trời cao".
(Theo https://www.dulichvn.org.vn)
Câu 1 (1,0 điểm). Văn bản trên gồm mấy đoạn văn? Nêu ý chính của mỗi đoạn.
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
Câu 2 (0,5 điểm). Liệt kê các tính từ trong câu (2).
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (6).
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
Câu 4 (0,5 điểm). Câu (11) là câu đơn hay câu ghép? Phân tích ngữ pháp của câu (11).
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
Câu 5 (0,5 điểm). Theo em, tác giả viết văn bản này nhằm mục đích gì?
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
Câu 6 (1,0 điểm). Đọc văn bản, em ấn tượng với hình ảnh nào nhất? Vì sao?
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
Câu 7 (3,5 điểm). Hãy viết thư cho một người bạn kể về trải nghiệm đáng nhớ của em khi tới một vùng đất mới lạ.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. B |
2. A |
3. B |
4. B |
5. A |
6. B |
7. A |
8. B |
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Câu 1. Từ nào có thể thay thế cho từ được gạch chân trong câu: "Tôi tư duy nên tôi tồn tại"?
A. học hỏi
B. suy nghĩ
C. tranh luận
D. nỗ lực
Phương pháp giải:
Em giải nghĩa các đáp án để tìm từ thay thế từ “tư duy”.
Lời giải chi tiết:
Từ "tư duy" đồng nghĩa với "suy nghĩ".
Còn từ "học hỏi" nghĩa là tiếp thu kiến thức từ bên ngoài, khác với "tư duy" là suy nghĩ từ bên trong; "tranh luận" là hoạt động trao đổi ý kiến không phải hoạt động suy nghĩ cá nhân; "nỗ lực" là cố gắng, không liên quan đến suy nghĩ.
Đáp án B.
Câu 2. Điền một cặp kết từ phù hợp vào dấu ba chấm trong câu: "… người quay lại ấy là người khác ... thật là một trò cười tức bụng cho lũ bạn tôi, chúng nó khua guốc inh ỏi và nô đùa ẩm ĩ trên hè." (Theo Nguyên Hồng).
A. Nếu/ thì
B. Dù/ nhưng
C. Không những/ mà còn
D. Nhờ/ mà
Phương pháp giải:
Em xác định mối quan hệ giữa hai vế câu.
Lời giải chi tiết:
Hai vế câu có quan hệ điều kiện giả thiết và kết quả nên điền cặp quan hệ từ
phù hợp là "Nếu... thì".
Đáp án A.
Câu 3. Từ được gạch chân trong câu thơ "Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng/ À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon." (Bình Nguyên) thuộc loại từ nào?
A. Động từ
B. Tính từ
C. Kết từ
D. Đại từ
Phương pháp giải:
Em xác định từ loại được gạch chân.
Lời giải chi tiết:
Từ "ngon": tính từ (chỉ ngủ say yên giấc, khoan khoái).
Đáp án B.
Câu 4. Dấu ngoặc kép trong câu văn sau có tác dụng gì?
Những câu thơ "Lời ru có gió mùa thu/ Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về" cứ ngân nga mãi trong tôi.
A. Đánh dấu lời đối thoại
B. Đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp
C. Đánh dấu tên của một tác phẩm
D. Đánh dấu các ý liệt kê
Phương pháp giải:
Em nhớ lại tác dụng của dấu ngoặc kép.
Lời giải chi tiết:
Dấu ngoặc kép đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp hai câu thơ.
Đáp án B.
Câu 5. Câu văn nào sau đây sử dụng biện pháp nhân hoá?
A. Cây gạo già mỗi năm lại trở lại tuổi xuân, cành nặng trĩu những hoa đỏ mọng và đầy tiếng chim hót.
B. Những bông hoa rơi từ trên cao, đài hoa nặng chúi xuống những cánh hoa đỏ rực quay tít như chong chóng nom thật đẹp.
C. Cây gạo như treo rung rinh hàng ngàn nồi cơm gạo mới.
D. Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn.
Phương pháp giải:
Em xác định sự vật được nhân hoá trong các đáp án.
Lời giải chi tiết:
Đáp án A. Hình ảnh "cây gạo già trở lại tuổi xuân" là hình ảnh nhân hoá, gợi tả sức sống trẻ trung, tươi mới của cây gạo và làm cho cây gạo cũng có cảm xúc vui mừng khi mùa xuân về.
Đáp án B.
Câu 6. Từ in đậm trong câu thơ nào sau đây được dùng với nghĩa gốc?
A. Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
B. Em cu tai ngủ trên lưng mẹ ơi
C. Đầu súng trăng treo
D. Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau
Phương pháp giải:
Em giải nghĩa các từ in đậm trong đáp án.
Lời giải chi tiết:
- Từ "chín" (Câu A) chỉ tính chất mùa xuân đang độ tươi đẹp, giàu sức sống nhất.
- Từ "lưng" (Câu B) chỉ bộ phận cơ thể người, ở phía sau thân, tính từ vai đến thắt lưng.
- Từ "đầu" (Câu C) chỉ phần trên cùng, trước nhất của một vật.
- Từ "Mũi" (Câu D) chỉ phần đất nhô ra biển.
Đáp án B.
Câu 7. Câu văn nào sau đây mắc lỗi chính tả?
A. Sáng ngày 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), huyện Thái Thuỵ tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Diêm Hộ.
B. Theo thể lệ cuộc thi, các đội đua tranh trên dòng sông Diêm Hộ - đoạn tiếp giáp cửa biến Diêm Điền - trong 3,5 vòng đua với tổng chiều dài trên 4 km.
C. Lễ hội diễn ra sôi nổi, tưng bừng trong tiếng reo hò, cổ vũ của đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
D. Đây là nét đẹp văn hoá của người dân vùng biển nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha ông đã có công chống giặc ngoại xâm và chinh phục biển cả.
Phương pháp giải:
Em quan sát các đáp án chọn dòng mắc lỗi chính tả.
Lời giải chi tiết:
Câu A thiếu dấu phẩy giữa cụm từ "tức ngày 12 tháng Giêng" và "năm Giáp Thìn".
Đáp án A.
Câu 8. Câu nào sau đây KHÔNG thuộc kiểu cấu tạo đơn?
A. Người Dế Choắt gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện.
B. Dế Choắt đã thanh niên rồi mà đôi cánh của nó chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn.
C. Đôi càng của Dế Mèn mẫm bóng và có những cái vuốt sắc nhọn.
D. Dế Choắt là tên tôi đã đặt cho nó một cách chế giễu và trịch thượng.
Phương pháp giải:
Em xác định thành phần câu.
Lời giải chi tiết:
- Câu A: Người Dế Choát (CN) // gây gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện (VN). → Câu đơn
- Câu B: Dế Choắt (CN1) // đã thanh niên rồi (VN1) mà đôi cánh của nó (CN2) // chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mang sườn (VN2), → Câu ghép
- Câu C: Đôi càng của Dế Mèn (CN) // mẫm bóng và có những cái vuốt sắc nhọn (VN). → Câu đơn
- Câu D: Dế Choắt (CN) // là tên tôi đã đặt cho nó một cách chế giều và trịch thương (VN). → Câu đơn
Đáp án B.
PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 1 (1,0 điểm). Văn bản trên gồm mấy đoạn văn? Nêu ý chính của mỗi đoạn.
Phương pháp giải:
Em quan sát văn bản và nêu nội dung mỗi đoạn.
Lời giải chi tiết:
Văn bản gồm 2 đoạn:
+ Đoạn thứ nhất: Giới thiệu về các đảo đá trên vịnh Hạ Long
+ Đoạn thứ hai: Giới thiệu vê cac hang dộng đẹp và lạ bên trong các đảo đá lớn.
Câu 2 (0,5 điểm). Liệt kê các tính từ trong câu (2).
Phương pháp giải:
Em tìm các từ chỉ tính chất, đặc điểm trong câu (2).
Lời giải chi tiết:
Các tính từ trong câu (2): kì diệu, vô tri, tĩnh lặng, yêu kiều, quen thuộc, xa lạ, bí ẩn.
Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (6).
Phương pháp giải:
Em dựa vào từ ngữ và nội dung của câu để nêu tên biện pháp tu từ.
Lời giải chi tiết:
Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (6) là biện pháp so sánh. Tác giả so sánh "Động Thiên Cung" với "một đền đài hoành tráng, mĩ lẹ. Tác dụng của biện pháp so sánh này là tăng tính hình tượng cho hình ảnh, giúp người đọc dễ dàng hình dung được đặc điểm và vẻ đẹp của động Thiên Cung: vừa hoành tráng, vừa mĩ lệ lại trang nghiêm như những công trình kiến trúc do con người kì công tạo nên; từ đó giúp câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn.
Câu 4 (0,5 điểm). Câu (11) là câu đơn hay câu ghép? Phân tích ngữ pháp của câu (11).
Phương pháp giải:
Em xác định thành phần câu.
Lời giải chi tiết:
Câu (11) là câu đơn vì chỉ có một cụm C-V: CN: Hạ Long; VN: đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là "kì quan đất dựng giữa trời cao".
Câu 5 (0,5 điểm). Theo em, tác giả viết văn bản này nhằm mục đích gì?
Phương pháp giải:
Em dựa vào nội dung văn bản để nêu mục đích của tác giả.
Lời giải chi tiết:
Đáp án mở. Học sinh có thể nêu mục đích khác nhau nhưng phải hợp lí.
Ví dụ: Giới thiệu vẻ đẹp và giá trị của vịnh Hạ Long, quảng bá vịnh Hạ Long cho du khách trong và ngoài nước; giáo dục niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước và ý thức bảo vệ di sản.
Câu 6 (1,0 điểm). Đọc văn bản, em ấn tượng với hình ảnh nào nhất? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em lựa chọn hình ảnh em ấn tượng và giải thích lý do.
Lời giải chi tiết:
Học sinh nêu hình ảnh ấn tượng nhất và lí giải hợp lí.
Ví dụ: Đọc văn bản, em ấn tượng với hình ảnh hang Sửng Sốt nhất bởi qua ngòi bút miêu tả của tác giả, vẻ đẹp của hang hiện lên thật kì thú, sinh động với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước và nhiều hình hài khác. Bước vào hang, ta tưởng như đi vào một thế giới cổ tích. Có lẽ, người xưa thấy bất ngờ trước vẻ đẹp của hang nên mới đặt tên là hang Sửng Sốt.
Câu 7 (3,5 điểm). Hãy viết thư cho một người bạn kể về trải nghiệm đáng nhớ của em khi tới một vùng đất mới lạ.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đề bài và xác định bố cục, nội dung và hình thức.
- Nội dung và cấu trúc:
+ Giới thiệu về chuyến đi trải nghiệm ở vùng đất mới lạ.
+ Kể về chuyến đi với các hoạt động được tham gia hay quan sát được theo trình tự thời gian hoặc phạm vi không gian.
+ Nêu được suy nghĩ, cảm xúc về chuyến đi trải nghiệm ở vùng đất mới lạ.
- Hình thức, diễn dạt:
+ Đảm bảo hình thức của một bức thư.
+ Không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.
- Sáng tạo: Có câu văn hay, biết sử dụng các từ ngữ gợi hình, gợi cảm hay các biện pháp tu từ như so sánh, điệp từ.
Lời giải chi tiết:
Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2024.
Phương Mai thân mến!
Dạo này cậu vẫn khoẻ chứ? Hè này cậu cùng gia đình đi chơi ở vùng đất nào vậy? Còn mình, mình vừa trở về Hà Nội sau một chuyến đi vô cùng ý nghĩa và thú vị - chuyến đi tới cố đô Huế. Đó chính là lí do mình viết bức thư này để chia sẻ với cậu, mong rằng, cậu cũng sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời như vậy và thư tới sẽ chia sẻ cùng mình nhé!
Phương Mai biết không, sau khoảng một tiếng trên máy bay cất cánh từ Hà Nội, gia đình mình đã đặt chân tới sân bay Phú Bài. Mặc dù thời tiết ở Huế vào mùa hè khá khắc nghiệt nhưng thật may mắn là bọn mình được cố đô chào đón bằng một không khí khá dễ chịu, cũng không có nhiều khác biệt lắm so với thủ đô Hà Nội. Trên đường trở về khách sạn nhận phòng, mình đã có dịp ngắm phố phường của Huế và đi qua cây cầu Tràng Tiền duyên dáng bắc qua dòng Hương Giang thơ mộng. Thật tuyệt làm sao khi được chiêm ngưỡng những hàng phượng vĩ đua nhau khoe sắc đỏ như thắp lửa rực cả một khoảng trời! Hai chị em mình đã thi nhau chụp lại những bức ảnh về khung cảnh lãng mạn đó!
Nhưng có lẽ, điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến trải nghiệm này của bọn mình là chuyến đi tham quan Đại Nội Huế và hệ thống lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn. Cậu có hình dung được không, Đại Nội Huế rất rộng, gia đình mình đã dành cả buổi sáng hôm sau để tới khám phá. Cô hướng dẫn viên du lịch với giọng Huế ngọt ngào đã giới thiệu rất tường tận về kiến trúc cũng như lịch sử của khu di tích. Mình và chị gái còn được bố mẹ thuê trang phục để hóa thân thành hoàng hậu, công chúa và ghi lại những bức hình lưu niệm đẹp tuyệt. Sau đó, cả nhà tiếp tục đi viếng thăm hệ thống lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định. Chúng mình đều trầm trồ trước kiến trúc độc đáo tạo nên vẻ đẹp cổ kính đặc trưng có một không hai của cố đô Huế. Chưa hết đâu nhé, bố mẹ còn cho bọn mình khám phá sự độc đáo của ẩm thực Huế với những món ăn nổi tiếng như cơm hến, bún bò Huế, mè xửng, chè Huế, nem lụi,... Chúng mình cũng đã tới thăm ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng và ghé qua chợ Đông Ba sầm uất.
Phương Mai ạ, thật ra còn nhiều điểm thú vị lắm nhưng thư cũng đã dài nên mình tạm chia sẻ như vậy thôi; mình sẽ gửi kèm thư một vài bức hình mình đã chụp để cậu dễ hình dung nhé! Có thể nói, mặc dù đã được biết đến Huế qua ti vi, đài báo nhưng đây là lần đầu tiên mình được đặt chân tới Huế. Chuyến đi không chỉ cho mình cơ hội được thưởng lãm cảnh đẹp thơ mộng, cổ kính, trầm mặc của Huế, thưởng thức những món ăn ngon và độc đáo của Huế mà còn đem lại cho mình rất nhiều hiểu biết cụ thể, bổ ích về văn hoá và lịch sử. Mình học được rất nhiều điều, không chỉ yêu và tự hào về cố đô mà còn yêu và tự hào về cả đất nước Việt Nam! Mình rất mong cậu cũng sẽ có dịp tới thăm Huế và có những trải nghiệm đầy ý nghĩa như mình!
Tạm biệt bạn yêu quý của mình nhé!
Thân ái
Hương Giang


- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 11
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 10
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 9
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 8
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 7
>> Xem thêm