Cách mạng Tháng Mười Nga và mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực đầu tiên trên thế giới


Ngày 7-11-1917, Đảng Công nhân dân chủ xã hội (Bônsêvích) Nga, đứng đầu là V.I.Lênin đã lãnh đạo quần chúng nhân dân khởi nghĩa phá tan dinh lũy cuối cùng của Chính phủ lâm thời tư sản, báo hiệu sự toàn thắng của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành "Toàn bộ chính quyền về tay Xôviết".

a) Cách mạng Tháng Mười Nga

 Ngày 7-11-1917, Đảng Công nhân dân chủ xã hội (Bônsêvích) Nga, đứng đầu là V.I.Lênin đã lãnh đạo quần chúng nhân dân khởi nghĩa phá tan dinh lũy cuối cùng của Chính phủ lâm thời tư sản, báo hiệu sự toàn thắng của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành "Toàn bộ chính quyền về tay Xôviết". Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước Xôviết do V.I.Lênin đứng đầu đã ra đời trong "Mười ngày rung chuyển thế giới". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".

Cách mạng Tháng Mười Nga là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiên phong của họ là Đảng Bônsêvích lãnh đạo. Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có tình trạng người bóc lột người.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, lịch sử đã mở sang một con đường mới cho sự giải phóng các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức. Nó đã mở đầu một thời đại mới trong lịch sử - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

a) Mô hình chủ nghĩa xã hội đầu tiên trên thế giới

Mô hình đầu tiên của chủ nghĩa xã hội ra đời trong bối cảnh hết sức đặc biệt từ sau Cách mạng Tháng Mười đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất. Điều kiện xây dựng một chế độ mới cực kỳ khó khăn và phức tạp: nền kinh tế vốn lạc hậu lại bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, sau đó là nội chiến, tiếp đó là chiến tranh can thiệp của 14 nước đế quốc và bị bao vây cấm vận về kinh tế.

 Từ năm 1918 đến mùa xuân 1921 để bảo đảm cung cấp lương thực cho quân đội, cho tiền tuyến, cho công nhân và cho nhân dân thành thị trong điều kiện lượng thực cực kỳ khan hiếm, Đảng Cộng sản Nga, đứng đầu là V.I.Lênin đã đề ra Chính sách cộng sản thời chiến, tiến hãnh quốc hữu hóa tài sản, tư liệu sản xuất quan trọng nhất của bọn tư bản độc quyền, đại địa chủ và các thế lực chống phá cách mạng khác. Đến tháng 3-1921, sau khi nội chiến kết thúc, tại Đại hội X Đảng Cộng sản Nga, với việc đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP), V.I.Lênin đã chỉ rõ: trong những điều kiện mới, việc sử dụng những hình thức kinh tế quá độ của chủ nghĩa tư bản nhà nước là một bộ phận rất quan trọng của chính sách này. Thời kỳ Chính sách cộng sản thời chiến đã kết thúc, giờ đây với việc thực thi NEP, chủ nghĩa tư bản nhà nước là một trong những hình thức rất thích hợp để giúp nước Nga Xôviết nhanh chóng khắc phục tình trạng suy sụp kinh tế sau chiến tranh và ngăn chặn những nảy sinh tự phát của nền sản xuất hàng hóa nhỏ - mầm mống của sự phục hồi chủ nghĩa tư bản. Sỡ dĩ chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới điều kiện chuyên chính vô sản có ý nghĩa quan trọng và tác dụng to lớn như vậy vì như định nghĩa của V.I.Lênin - đó là một thứ chủ nghĩa tư bản có liên quan với nhà nước. Nhà nước đó là nhà nước của giai cấp vô sản. Thông qua việc sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, giai cấp vô sản có thể học tập, kế thừa và phát huy có chọn lọc tất cả những tài sản vật chất, kỹ -thuật và tinh hoa tri thức trong kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của các nhà tư bản cũng như tri thức khoa học, kỹ thuật và trình độ khoa học quản lý kinh tế của các chuyên gia tư sản. Nhà nước vô sản có thể sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước như một hệ thống các chính sách, công cụ, biện pháp nhằm điều tiết mọi hoạt động của các xí nghiệp tư bản còn tồn tại trong thời kỳ quá độ, nhằm hướng tới mục đích vừa sử dụng, vừa cải tạo bằng phương pháp hòa bình đối với các thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa và sản xuất nhỏ. Với ý nghĩa đó, chủ nghĩa tư bản nhà nước còn có thể được coi là một trong những phương thức, phương tiện, con đường có hiệu quả trong việc thúc đẩy xã hội hóa và làm tăng nhanh lực lượng sản xuất của chủ nghĩa xã hội mà kết quả căn bản của sự xã hội hóa này thể hiện ở việc phát triển ngày càng mạnh mẽ một nền sản xuất hàng hóa quá độ xã hội chủ nghĩa, giai đoạn trung gian của nền sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa trong tương lai.

Sau khi V.I.Lênin qua đời, Chính sách kinh tế mới không được thực hiện triệt để và thực hiện chưa được bao lâu thì từ cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ XX, triệu chứng của một cuộc chiến tranh thế giới mới ngày càng lộ rõ. Trong bối cảnh ấy, phải làm sao nhanh chóng biến nước Nga lạc hậu thành cường quốc công nghiệp, để vừa xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, vừa chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh. Giải quyết nhiệm vụ này trong một thời gian ngắn nhất là vấn đề sống còn đặt ra đối với vận mệnh của Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Trong điều kiện như vậy, để giải quyết nhiệm vụ lịch sử vô cùng khó khăn nói trên, Nhà nước Xôviết không thể không áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao, một cơ chế có thể thực hiện được khi chính quyền đã thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thực tế, Liên Xô đã thành công rực rỡ trong sự nghiệp công nghiệp hóa với thời gian chưa đầy 20 năm, trong đó quá nửa thời gian là nội chiến, chống chiến tranh can thiệp và khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Trong một điều kiện lịch sử đặc biệt như vậy, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cho phép phát huy cao độ tinh thần anh dũng, hy sinh của hàng trăm triệu quần chúng nhân dân, mới có thể thực hiện được những kỳ tích như vậy.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.7 trên 10 phiếu

>> Xem thêm