Phriđrích Vinhem Giôdép Senlinh (1775-1854)>
Phriđrích Vinhem Giôdép Senlinh (F.W.J. Schelling) là bậc tiền bối của triết học Hêghen. Ông sinh năm 1775 trong một gia đình mục sư Tin lành ở thành phố Lêônbơ (Leonberg). Ngay từ năm 15 tuổi, ông theo khoa thần học trường đại học tổng hợp Tubingen và sớm nổi tiếng trong lĩnh vực triết học
Phriđrích Vinhem Giôdép Senlinh (F.W.J. Schelling) là bậc tiền bối của triết học Hêghen. Ông sinh năm 1775 trong một gia đình mục sư Tin lành ở thành phố Lêônbơ (Leonberg). Ngay từ năm 15 tuổi, ông theo khoa thần học trường đại học tổng hợp Tubingen và sớm nổi tiếng trong lĩnh vực triết học. Năm 23 tuổi, ông đã là giáo sư triết học ở trường tổng hợp Iena. Ban đầu Senlinh và Hêghen là bạn thân. Nhờ ảnh hưởng của Senlinh mà Hêghen say mê nghiên cứu các vấn đề triết học, nhưng sau này giữa hai ông có nhiều bất đồng về cách thức xây dựng hệ thống. Senlinh mất năm 1854, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như: về cái Tôi như một nguyên lý triết học (1795); Hệ thống chủ nghiã duy tâm tiên nghiệm (1800) v.v..
a, Triết học đồng nhất
Nhận thấy hạn chế ở lập trường duy tâm chủ quan của Phíchtơ khi giải quyết mối quan hệ thế giới - con người chỉ trong khuôn khổ cái Tôi tuyệt đối, Senlinh cải biến cái Tôi tuyệt đối của Phíchtơ thành cái “Tuyệt đối” của ông được hiểu như là đấng tối cao sáng tạo ra tự nhiên và xã hội loại người. Cái Tuyệt đối, theo Senlinh, là sự đồng nhất giữa tinh thần, vật chất, giữa chủ thể và khách thể. Quan niệm này là điểm xuất phát và nền tảng của triết học. Vì thế, triết học Senlinh còn gọi là triết học đồng nhất.
Theo Senlinh, bản thân tinh thần là vật chất, và bản thân vật chất cũng là tinh thần, cho nên trong triết học, xuất phát thể tự nhiên như Xpinôza, cũng như xuất phát từ cái Tôi tuyệt đối ở Phíchtơ, về mặt nội dung là như nhau. Vì thế, trong cái tôi tuyệt đối, “mọi hệ thống phải tan biến, vì chúng là hệ thống đối lập nhau”. Senlinh nhận thấy giữa Xpinôza và Phíchtơ có khác nhau về xuất phát điểm trong xây dựng hệ thống, nhưng điểm chung giữa họ là cả hai coi toàn bộ hiện thực là một chỉnh thể hữu cơ thể hiện như một sự thống nhất tinh thần và vật chất. Kế thừa mặt hợp lý đó, ông coi sự đồng nhất trên vừa là điểm xuất phát, vừa là kết quả của hoạt động con người. Cho nên “chủ nghĩa giáo điều (Senlinh ám chỉ chủ nghĩa duy vật trước đây - TG) và chủ nghĩa phê phán (Senlinh ám chỉ chủ nghĩa duy tâm tiêu biểu Cantơ và Phíchtơ - TG) như những hệ thống đối lập nhau, chỉ có thể được khẳng định trong việc tiếp cận mục đích của mình. Chính vì thế chủ nghĩa phê phán ... tất yếu tự trở thành chủ nghĩa giáo điều”. Tóm lại, Senlinh hợp nhất cả quan niệm coi giới tự nhiên như một thực thể (của Xpinôza) và cái Tôi tuyệt đối thể hiện như sự tự ý thức và hoạt động (của Phíchtơ) trong cái Tuyệt đối của ông. Ông coi cái Tuyệt đôi là đấng tối cao sáng tạo rạ cả giới tự nhiên và con người.
Giới tự nhiên, theo Senlinh, là giai đoạn phát triển thấp, giai đoạn vô thức của cái Tuyệt đối. Nó được coi như một chỉnh thể thống nhất, trong đó mọi sự vật liên hệ hữu cơ với nhau, thông qua đấu tranh của các mặt đối lập. Như một giai đọan phát triển của cái Tuyệt đối, giới tự nhiên trong quá trình vận động của mình trải qua ba gia đoạn: Thứ nhất, giai đoạn hình thành thế giới từ những mặt đối lập chủ yếu thông qua lực hút và lực đẩy; thứ hai, giai đoạn thiết lập “cơ chế chung” của vật chất nhờ những mối liên hệ động lực học; thứ ba, giai đoạn hình thành thế giới hữu cơ, mà đỉnh cao là xuất hiện con người - tinh hoa của cái tuyệt đối.
Con người và xã hội loài người, theo Senlinh, là giai đoạn phát triển cao nhất của cái Tuyệt đối, trong đó cái Tuyệt đối có thể tự ý thức về mình. Hoạt động nhận thức và cải tạo thế giới của con người là công cụ để cái Tuyệt đối nhận thức chính bản thân mình, “soi bản thân mình”. Với luận điểm cơ bản “giới tự nhiên là tinh thần nhìn thấy, còn tinh thần chính là giới tự nhiên không nhìn thấy”, Senlinh coi sự phát triển của tự nhiên là sự phát triển của bản thân tinh thần, tức “khả năng cảm nhận, nhận thức” của bản thân sự vật. Coi giới tự nhiên cũng chỉ là “tinh thần khô cứng” khác với tư duy con người là “tinh thần sống động”, Senlinh phê phán chủ nghĩa máy móc trong khoa học tự nhiên cận đại khẳng định mọi quá trình vô cơ của tự nhiên là tiền đề của sự sôsng và con người.
b, Triết học lịch sử và triết học nghệ thuật
Lịch sử, theo Senlinh, là quá trình hoạt động của con người sáng tạo ra “giới tự nhiên thứ hai” của mình, cải biến những sự vật tự nhiên thành các sản phẩm văn hoá. Đây cũng là con người mà nhân loại ngày càng tiếp cận tới cái Tuyệt đối một cách trọn vẹn, tối tự do - điều mà con người mặc dù không bao giờ có thể đạt được hoàn toàn, nhưng đó là những lý tưởng cao đẹp định hướng hoạt động của con người. Vì vậy, Senlinh nhấn mạnh: "tự do là tính tất yếu bên trong” đã được nhận thức, là kết quả của quá trình con người, bằng hoạt động có ý thức của mình, cải biến những gì mà cái Tuyệt đối sáng tạo ra một cách vô thức trước đây - tức giới tự nhiên. Là sản phẩm phát triển của tự nhiên (dĩ nhiên theo cách hiểu của Senlinh - T.G), lịch sử nhân loại là một chính thể thống nhất, phát triển theo những quy luật nội tại của -Mức độ đạt được tự do là chuẩn mực cơ bản để đánh giá sự ưu việt của thời đại này so với thời đaị khác.
Nhưng theo Senlinh, hình thức thể hiện cao nhất cái Tuyệt đối không phải là hoạt động đạo đức hay pháp quyền, mà là hoạt động sáng tạo nghệ thuật của con người. Chịu ảnh hưởng của phái lãng mạng đang phát triển mạnh ở Đức thời đó, nhất là của Slâygen, Senlinh đặc biệt coi trọng hoạt động nghệ thuật của con người, nhìn thế giới dưới con mắt thẩm mỹ lãng mạn, đặt nghệ thuật cao hơn triết học, và khoa học”, ông nói: “Trong nghệ thuật, chúng ta có tư liệu triết học, cũng như công cụ chân chính là vĩnh viễn duy nhất của nó”. Bản thân giới tự nhiên là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đối, hay nói cụ thể hơn, là “thơ ca vô thức” của tinh thần. Nhà nghệ sĩ được coi là mẫu mực cơ bản nhất thể hiện nhân cách con người.
Senlinh chia tất cả các loại hình nghệ thuật thành 2 dạng chính. Thứ nhất, là dạng nghệ thuật thực tại, bao gồm âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc và điêu khắc; thứ hai, là dạng nghệ thuật lý tưởng, bao gồm thơ ca trữ tình, trường ca và kịch. Nghệ thuật phát triển theo hướng đi từ cái đẹp vật chất đến cái đẹp tinh thần. Loại hình nghệ thuật cao nhất là thơ ca, qua đó cái Tuyệt đối có thể ý thức và hiểu bản thân mình một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Cái đẹp, theo Senlinh, không phải là vật chất, cũng không phải là tinh thẫn, mà là sự thống nhất giữa chúng, tuy nhiên ông nghiêng về khía cạnh tinh thần nhiều hơn. Về sau ông cho rằng, tiêu chuẩn của cái đẹp là sự ngưỡng mộ trước chúa. Trực giác trí tuệ được hiểu theo tinh thần phi duy lý (coi đó là một dạng trực quan nghệ thuật) được Senlinh coi là khả năng trí tuệ cao nhất của con người.
c, Triết học tín ngưỡng
Từ sau năm 1805 - 1806, thế giới quan của Senlinh ngày càng ngả sang lập trường tôn giáo với quan niệm coi tự nhiên là sản phẩm sáng tạo của Chúa, cái Tuyệt đối là Chúa trời mà con người bằng trực giác (tức khả năng nhận thức cao nhất - T.G) chỉ có thể nhận biết được một cách mơ hồ. Các quan niệm triết học của Senlinh ngày càng trở nên thần bí. Thời kỳ này, ông đặc biệt đề cao vai trò của ý thức con người - điều mà sau này được Sôpenhao ủng hộ và phát triển.
Loigiaihay.com