Những điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân


Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, lực lượng sản xuất là yếu tố động nhất, luôn luôn vận động và phát triển. Trong lực lượng sản xuất ở bất kỳ xã hội nào, người lao động cũng là yếu tố quan trọng nhất.

a) Địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản chủ nghĩa

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, lực lượng sản xuất là yếu tố động nhất, luôn luôn vận động và phát triển. Trong lực lượng sản xuất ở bất kỳ xã hội nào, người lao động cũng là yếu tố quan trọng nhất. Trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, với nền sản xuất đại công nghiệp ngày càng phát triển, thì "Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn nhân loại là công nhân, là người lao động".

Trong nền sản xuất đại công nghiệp, giai cấp công nhân vừa là chủ thể trực tiếp nhất, vừa là sản phẩm căn bản nhất của nền sản xuất đó. Khi sản xuất đại công nghiệp ngày càng mở rộng, ngày càng phát triển thì "Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nên đại công nghiệp", giai cấp vô sản "được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư".

Với nền sản xuất tư bản chủ nghĩa "... giai cấp công nhân hiện đại... chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản". Từ điều kiện làm việc như vậy đã buộc giai cấp công nhân phải không ngừng học tập vươn lên sao cho đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất ngày càng hiện đại. Ngày nay, trong các nuớc tư bản phát triển, tỷ lệ sản xuất tự động hóa ngày càng gia tăng với "văn minh tin học", "kinh tế tri thức", do vậy đội ngũ công nhân được "tri thức hóa" cũng ngày càng gia tăng.

Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân hoàn loàn không có hoặc có rất ít tư liệu sản xuất, là người lao động làm thuê, "vì thế họ phải chịu hết sự may rủi của cạnh mình, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ khác nhau". Như vậy, trong chế độ tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân có lợi ích cơ bản đối lập trực tiếp với lợi ích của giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản muốn duy trì chế độ tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, duy trì chế độ áp bức bóc lột đối với giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động. Ngược lại, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân là xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, giành lấy chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dùng chính quyền đó để tổ chức xây dựng xã hội mới, tiến tới một xã hội không còn tình trạng áp bức bóc lột.

Giai cấp công nhân lao động trong nền sản xuất đại công nghiệp, có quy mô sản xuất ngày càng lớn, sự phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình sản xuất ngày càng nhiều, họ lại thường sống ở những thành phố lớn, những khu công nghiệp tập trung. Điều kiện làm việc, điều kiện sống của giai cấp công nhân đã tạo điều kiện cho họ có thể đoàn kết chặt chẽ với nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Khả năng này giai cấp nông dân, thợ thủ công không thể có được.

Giai cấp công nhân có những lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân lao động, do vậy tạo ra khả năng cho giai cấp này có thể đoàn kết với các giai cấp, tầng lớp lao động khác trong cuộc đấu tranh chống lại giai câp tư sản để giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội.

b)      Những đặc điểm chính trị - xã hội của giai cấp công nhân

Địa vị kinh tế - xã hội đã tạo cho giai cấp công nhân có những đặc điểm chính trị - xã hội mà những giai cấp khác không thể có được, đó là những đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong cách mạng.

Giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong cách mạng vì họ đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến, gắn liền với những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại. Đó là giai cấp đuợc trang bị bởi một lý luận khoa học , cách mạng và luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào cách mạng theo mục tiêu xóa bỏ xã hội cũ lạc hậu, xây dựng xã hội mới tiến bộ, nhờ đó có thể tập hợp được đông đảo các giai cấp, tầng lớp khác vào phong trào cách mạng.

Thứ hai, giai cấp công nhân là giai cấp có tinh thần cách mạng triệt để nhất thời đại ngày nay.

Trong cuộc cách mạng tư sản, giai cấp tư sản chỉ có tinh thần cách mạng trong thời kỳ đấu tranh chống chế độ phong kiến, còn khi giai cấp này đã giành được chính quyền thì họ quay trở lại bóc lột giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, những giai cấp đã từng kề vai sát cánh với giai cấp này trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Khác với giai cấp tư sản, giai cấp công nhân bị giai cấp tư sản bóc lột, có lợi ích cơ bản đối lập trực tiếp với lợi ích của giai cấp tư sản. Điều kiện sống, điều kiện lao động trong chế độ tư bản chủ nghĩa đã chỉ cho họ thấy: họ chỉ có thể được giải phóng bằng giải phóng toàn xã hội khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa.

Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: "Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thật sự cách mạng...

Các tầng lớp trung đẳng là những tiểu công nghiệp, tiểu thương, thợ thủ công và nông dân, tất cả đều đấu tranh chống giai cấp tư sản để cứu lấy sự sống còn của họ với tính cách là những tầng lớp trung đẳng. Cho nên họ không cách mạng mà bảo thủ".

Thứ ba, giai cấp công nhân là giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật cao.

Giai cấp công nhân lao động trong nền sản xuất đại công nghiệp với hệ thống sản xuất mang tính chất dây chuyền và nhịp độ làm việc khẩn trương buộc giai cấp này phải tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật lao động; cùng với cuộc sống đô thị tập trung đã tạo nên tính tổ chức, kỷ luật chặt chẽ cho giai cấp công nhân.

Tính tổ chức và kỷ luật cao của giai cấp này được tăng cường khi nó phát triển thành một lực lượng chính trị lớn mạnh, có tổ chức: được sự giác ngộ bởi một lý luận khoa học, cách mạng và tổ chức ra được chính đảng có nó - đảng cộng sản. Giai cấp công nhân không có ý thức tổ chức kỷ luật cao thì không thể giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản và xây dựng chế độ xã hội mới.

Thứ tư, giai cấp công nhân có bản chất quốc tế.

Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, giai cấp tư sản là một lực lượng quốc tế. Giai cấp tư sản không chỉ bóc lột giai cấp công nhân ở chính nước họ mà còn bóc lột giai cấp công nhân ở các nước thuộc địa. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, sản xuất mang tính toàn cầu hóa. Tư bản của nước này có thể đầu tư sang nước khác là một xu hướng khách quan. Nhiều sản phẩm không phải do một nước sản xuất ra mà là kết quả lao động của nhiều quốc gia. Vì thế, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ ở từng doanh nghiệp, ở mỗi quốc gia mà ngày càng phải có sự gắn bó giữa phong trào công nhân các nước, có như vậy, phong trào công nhân mới có thể giành được thắng lợi. V.I.Lẽnin chỉ rõ: "... không có sự ủng hộ của cách mạng quốc tế của thế giới thì thắng lợi của cách mạng vô sản là không thể có được", "Tư bản là một lực lượng quốc tế. Muốn thắng nó, cần phải có sự liên minh quốc tế".

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.4 trên 17 phiếu

>> Xem thêm