Đề thi học kì 2 Sinh lớp 12 năm 2020-2021 Sở GD&ĐT Bình Dương


Giải chi tiết đề thi học kì 2 môn Sinh lớp 12 năm 2020-2021 Sở GD&ĐT Bình Dương với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Đề bài

Câu 1: Mối quan hệ giữa vi khuẩn lam sống trong nốt sần cây họ Đậu và cây họ Đậu này là quan hệ

A. kí sinh.

B. cộng sinh.

C. hội sinh.

D. hợp tác.

Câu 2: Trong chuỗi thức ăn mở đầu bằng sinh vật tự dưỡng, sinh vật tiêu thụ bậc 1 thuộc dinh dưỡng

A. cấp 2.

B. cấp 3.

C. cấp 1.

D. cấp 4.

Câu 3: Khi nói về sự phân bố cá thể của quần thể, ví dụ nào sau đây thể hiện sự phân bố cá thể ngẫu nhiên?

A. Cây thông mọc trong rừng thông.

B. Đàn trâu rừng kiếm ăn ở bãi cỏ.

C. Các loài sâu sống trên tán lá cây.

D. Cỏ lào mọc ở ven rừng.

Câu 4: Nhân tố sinh thái nào sau đây là những nhân tố hữu sinh?

A. Độ ẩm, nhiệt độ không khí.

B. Ánh sáng, địa hình.

C. Lượng mưa, gió.

D. Dịch bệnh, vi sinh vật.

Câu 5: Khoảng giá trị xác định của một nhân tố sinh thái mà trong khoảng đó sinh vật có thể tồn tại và phát triển ổn định theo thời gian được gọi là

A. giới hạn sinh thái.

B. khoảng thuận lợi.

C. ổ sinh thái.

D. khoảng chống chịu.

Câu 6: Các nhà khoa học ước tính có tới 75% các loài thực vật có hoa và tới 95% các loài dương xỉ được hình thành bằng con đường

A. cách li tập tính.

B. cách li địa lí.

C. cách li sinh thái.

D. lai xa và đa bội hóa.

Câu 7: Theo quan niệm của Đacuyn, nguồn nguyên liệu chủ yếu của quá trình tiến hóa là

A. biến dị cá thể.

B. biến dị tổ hợp.

C. đột biến nhiễm sắc thể.

D. đột biến gen.

Câu 8: Khi nói về quá trình hình thành loài mới bằng con đường cách li địa lí, phát biểu nào sau đây không đúng?

A. Sự cách li địa lí chỉ góp phần duy trì sự khác biệt về tần số alen và thành phần kiểu gen giữa các quần thể được tạo ra bởi các nhân tố tiến hóa.

B. Sự cách li địa lí được xem là sự cách li sinh sản vì nhờ có sự cách li địa lí mà các cá thể quần thể cách li ít có cơ hội giao phối với nhau.

C. Hình thành loài bằng con đường cách li địa lí hay xảy ra đối với các loài động vật có khả năng phát tán mạnh.

D. Quần đảo có các điều kiện lí tưởng để một loài phát sinh  thành nhiều loài khác nhau.

Câu 9: Quan sát đường cong mô tả sự tăng trưởng của quần thể voi ở Công viên Quốc gia Kruger, Nam phi trong hình dưới đây:

 

Trong số các phát biểu sau có bao nhiêu phát biểu đúng?

(I) Quần thể voi ở Công viên Quốc gia Kruger, Nam Phi tăng trưởng theo tiềm năng sinh học trong khoảng gần 60 năm.

(II) Tốc độ tăng trưởng của quần thể voi này vào năm 1940 cao hơn tốc độ tăng trưởng năm 1960.

(III) Kiểu tăng trưởng trong hình có thể gặp ở quần thể thực vật ở vùng đất mới như trên hòn đảo sau khi núi lửa hoạt động.

(IV) Kich thước của quần thể voi tăng trưởng theo đường cong hình chứ S.

A. 1

B. 2

C. 4

D. 3

Câu 10: Trong lịch sử phát triển của sinh giới qua các đại địa chất, ở đại nào cây có mạch và động vật lên cạn?

A. Đại Nguyên sinh.

B. Đại Trung sinh.

C. Đại Tân sinh.

D. Đại Cổ sinh.

Câu 11: Ví dụ nào sau đây thể hiện quan hệ cạnh tranh giữa các loài trong quần xã sinh vật?

A. Cú và chồn cũng bắt chuột làm thức ăn.

B. Linh dương đực tranh giành con cái.

C. Tảo giáp nở hoa gây độc cho tôm, cá.

D. Giun đũa sống trong ruột lợn.

Câu 12: Khi nói về thành phần cấu trúc của hệ sinh thái, kết luận nào sau đây đúng?

A. Tất cả các loài động vật không xương sống được xếp vào nhóm sinh vật phân giải.

B. Xác Chết của sinh vật được xếp vào thành phần hữu sinh của hệ sinh thái.

C. Sinh vật sản xuất gồm thực vật là chủ yếu và một số vi sinh vật tự dưỡng.

D. Sinh vật tiêu thụ chỉ bao gồm các động vật ăn động vật.

Câu 13: Một trong những đặc trưng cơ bản của quần xã sinh vật là đặc trưng về

A. tỉ lệ giới tính.

B. nhóm tuổi.

C. mật độ cá thể.

D. thành phần loài.

Câu 14: Khi nói về hệ sinh thái, phát biểu nào sau đây không đúng?

A. Hệ sinh thái là một hệ thống sinh học hoàn chỉnh và tương đối ổn định.

B. Hệ sinh thái là sự thống nhất của quần xã sinh vật với môi trường vô sinh mà nó tồn tại.

C. Hệ sinh thái là một hệ thống kín, trong đó chỉ diễn ra sự tương tác giữa các quần xã.

D. Một hệ sinh thái có thể nhỏ như một giọt nước ao, hệ sinh thái lớn nhất là Trái Đất.

Câu 15: Theo quan niệm của Đacuyn, nhân tố chính quy định chiều hướng và tốc độ biến đổi của các giống vật nuôi, cây trồng là

A. chọn lọc nhân tạo.

B. di-nhập gen.

C. yếu tố ngẫu nhiên.

D. chọn lọc tự nhiên.

Câu 16: Cho chuỗi thức ăn: Cây ngô→ Sâu ăn lá ngô→ Nhái→ Rắn hổ mang→ Diều hâu. Trong chuỗi thức ăn này, nhái là sinh vật tiêu thụ

A. bậc 3.

B. bậc 4.

C. bậc 2.

D. bậc 5.

Câu 17: Theo quan niệm hiện đại, quá trình tiến hóa nhỏ chịu sự tác động của 3 nhân tố chủ yếu là chọn lọc tự nhiên, đột biến và

A. chọn lọc tự nhiên.

B. giao phối.

C. di-nhập gen.

D. biến động di truyền.

Câu 18: Theo quan niệm hiện đại, quá trình tiến hóa nhỏ kết thúc khi

A. môi trường không còn biến đổi.

B. vốn gen của quần thể bị thay đổi.

C. xuất hiện cách li địa lí.

D. loài mới xuất hiện.

Câu 19: Trong phương thức hình thành loài bằng con đường địa lí (hình thành loài khác khu vực địa lí), nhân tố trực tiếp gây ra sự phân hóa vốn gen của quần thể gốc là

A. tập quán hoạt động.

B. cách li sinh thái.

C. chọn lọc tự nhiên.

D. cách li địa lí.

Câu 20: Đồ thị A và đồ thị B ở hình dưới đây mô tả sự biến động số lượng cá thể của thỏ và linh miêu sống ở rừng phía Bắc Canada và Alaska.

Phân tích hình này có các phát biểu sau:

(I) Đồ thị A thể hiện sự biến động số lượng cá thể của thỏ và đồ thị B thể hiện sự biến động số lượng cá thể của linh miêu.

(II) Kích thước của quần thể linh miêu luôn lớn hơn kích thước của quần thể thỏ.

(III) Số lượng thỏ tăng giảm theo chu kì 9-10 năm.

(IV) Năm 1865, kích thước quần thể thỏ và kích thước quần thể linh miêu đều đạt cực đại.

Trong các phát biểu sau, có bao nhiêu phát biểu đúng?

A. 3.

B. 4.

C. 2.

D. 1.

Câu 21: Khi nói về các nhân tố tiến hóa theo quan niệm hiện đại, phát biểu nào sau đây đúng?

A. Di – nhập gen luôn mang đến cho quần thể những alen mới, làm phong phú vốn gen của quần thể.

B. Đột biến là nhân tố làm thay đổi tần số alen của quần thể một cách nhanh chóng.

C. Giao phối không ngẫu nhiên chỉ làm thay đổi tần số alen mà không làm thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể.

D. Tốc độ làm thay đổi tần số alen của chọn lọc tự nhiên phụ thuộc vào trạng thái trội lặn của alen.

Câu 22: Tỷ lệ % các axit amin sai khác nhau ở chuỗi pôlipeptit anpha trong phân tử Hemôglôbin của 5 loài được thể hiện ở bảng sau:

Loài

Cá mập

Cá chép

Kì nhông

Chó

Người

Cá mập

0

59,4

61,4

56,8

53,2

Cá chép

 

0

53,2

47,9

48,6

Kì nhông

 

 

0

46,1

44,0

Chó

 

 

 

0

16,3

Người

 

 

 

 

0

Từ thông tin ở bảng trên cho thấy mối quan hệ họ hàng giữa các loài theo trật tự đúng là

A. người – chó – kì nhông – cá mập – cá chép.

B. người – chó – cá mập – cá chép – kì nhông.

C. người – chó – kì nhông- cá chép – cá mập.

D. người - chó – cá chép – kì nhông – cá mập.

Câu 23: Ví dụ nào sau đây không phải là biểu hiện của hiệu quả nhóm trong quần thể?

A. Tự tỉa thưa ở quần thể thực vật.

B. Bồ nông xếp thành hàng khi bắt cá.

C. Đàn sư tử cùng săn trâu rừng.

D. Chim di cư theo đàn.

Câu 24: Khi nói về thuyết tiến hóa hiện đại, phát biểu nào sau đây sai?

A. Quá trình giao phối ngẫu nhiên được xem là nhân tố tiến hóa vì nó tạo ra vô số dạng biến dị tổ hợp.

B. Nhân tố đột biến có vai trò tạo ra các alen mới làm thay đổi tần số alen của quần thể.

C. Quá trình hình thành loài mới có thể diễn ra tương đối nhanh khi có hiện tượng lai xa và đa bội hóa.

D. Các yếu tố ngẫu nhiên có khả năng làm thay đổi rất lớn tần số các alen của một gen trong quần thể nhỏ.

Câu 25: Theo thuyết tiến hóa hiện đại, hiện tượng trao đổi các cá thể hoặc các giao tử giữa các quần thể cùng loài được gọi là

A. biến động di truyền.

B. chọn lọc tự nhiên.

C. đột biến.

D. di – nhập gen.

Câu 26: Bằng chứng cho chúng ta biết được loài nào đã xuất hiện trước, loài nào xuất hiện sau cũng như mối quan hệ họ hàng giữa các loài là

A. tế bào học.

B. giải phẫu so sánh.

C. sinh học phân tử.

D. hóa thạch.

Câu 27: Bằng chứng tiến hóa nào sau đây không phải là bằng chứng giải phẫu so sánh?

A. Xương cùng, ruột thừa và răng khôn ở người.

B. Chi trước của mèo và cánh của dơi có các xương phan bố theo thứ tự tương tự nhau.

C. Nhiều loài rắn vẫn còn dấu vết của các chi ở dạng cơ quan thoái hóa.

D. Mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào.

Câu 28: Loài có vai trò quan trọng trong quần xã vì có số lượng nhiều hoặc hoạt động mạnh là

A. loài chủ chốt.

B. loài thứ yếu.

C. loài đặc trưng.

D. loài ưu thế.

Câu 29: Cho các phát biểu sau về sơ đồ lưới thức ăn ở hình dưới đây, có bao nhiêu phát biểu đúng?

 

(I) Quan hệ giữa rắn và đại bàng sẽ dẫn đến hiện tượng khống chế sinh học.

(II) Chim sâu và cú mèo thuộc hai bậc dinh dưỡng khác nhau.

(III) Đại bàng tham gia vào 3 chuỗi thức ăn khác nhau.

(IV) Nếu rắn bị loại bỏ hoàn toàn thì số lượng chuột có thể tăng.

(V)  Có tối đa 3 loài sinh vật thuộc bậc dinh dưỡng cấp 3.

A. 1.

B. 3.

C. 2.

D. 4.

Câu 30: Khi nói vè chu trình cacbon, phát biểu nào sau đây không đúng?

A. Toàn bộ lượng cacbon sau khi đi qua chu trình dinh dưỡng được trở lại môi trường không khí.

B. Một phần nhỏ cacbon tách ra từ chu trình dinh dưỡng lắng đọng tạo dầu lửa, than đá, …

C. Cacbon đi vào chu trình dưới dạng cacbon điôxit (CO2), thông qua quang hợp.

D. Nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển đang tăng gây thêm nhiều thiên tai trên Trái Đất.

Câu 31: Khi nói về những xu hướng biến đổi chính trong quá trình diễn thế nguyên sinh, xu hướng nào sau đây không đúng?

A. Ổ sinh thái của mỗi loài được mở rộng.

B. Lưới thức ăn trở nên phức tạp hơn.

C. Tổng sản lượng sinh vật được tăng lên.

D. Tính đa dạng về loài tăng.

Câu 32: Theo thuyết tiến hóa hiện đại, nhân tố nào sau đây không làm thay đổi tần số alen của quần thể?

A. Di – nhập gen.

B. Đột biến.

C. Chọn lọc tự nhiên.

D. Giao phối ngẫu nhiên.

Câu 33: Ở Việt Nam mùa xuân và mùa hè có khí hậu ấm áp, sâu hại thường xuất hiện nhiều. Đây là dạng biến động số lượng cá thể

A. theo chu kì mùa.

B. theo chu kì nhiều năm.

C. theo chu kì ngày đêm.

D. không theo chu kì.

Câu 34: Lừa đực giao phối với ngựa cái đẻ ra con la không có khả năng sinh sản. Đây là ví dụ về

A. cách li tập tính.

B. cách li sinh sản.

C. cách li sau hợp tử.

D. cách li cơ học.

Câu 35: Khi nói về ổ sinh thái, phát biểu nào sau đây là đúng?

A. Chim sâu và chim sẻ thường sinh sống ở tán lá cây của cùng một cây nên chúng có cùng ổ sinh thái, khác nơi ở.

B. Những loài có nơi ở trùng nhau thì luôn có ổ sinh thái trùng nhau.

C. Giới hạn sinh thái của một nhân tố sinh thái là ổ sinh thái của loài về nhân tố sinh thái đó.

D. Các loài cá do sống chung trong môi trường nước nên chúng luôn có ổ sinh thái về nhiệt độ giống nhau.

Câu 36: Trong lịch sử phát triển của sinh giới qua các đại địa chất, đại địa chất nào được xem là thời kì ngự trị của cây có hoa?

A. Tân sinh.

B. Trung sinh.

C. Cổ sinh.

D. Nguyên sinh.

Câu 37: Theo quan niệm tiến hóa hiện đại, đơn vị nhỏ nhất có thể tiến hóa là:

A. quần xã.

B. quần thể.

C. tế bào.

D. cá thể.

Câu 38: Trong quần xã sinh vật, mối quan hệ nào sau đây giữa 2 loài khiến cả 2 loài ít nhiều đều bị hại?

A. Hội sinh.

B. Cạnh tranh.

C. Kí sinh.

D. Ức chế cảm nhiễm.

Câu 39: Tập hợp sinh vật nào sau đây là quần thể sinh vật?

A. Tập hợp cây cỏ trên một đồng cỏ.

B. Tập hợp cá chép đang sống ở Hồ Tây.

C. Tập hợp chim đang sống ở rừng U Minh.

D. Tập hợp thú đang sống ở rừng Yok Đôn.

Câu 40: Hệ sinh thái nào sau đây có đặc điểm: được cung cấp thêm một phần vật chất và có số lượng loài hạn chế?

A. Rừng nguyên sinh.

B. Hệ sinh thái biển.

C. Rừng lá rộng ôn đới.

D. Hệ sinh thái đồng ruộng.

Lời giải chi tiết

1.B

2.A

3.C

4.D

5.A

6.D

7.A

8.B

9.B

10.D

11.A

12.C

13.D

14.C

15.A

16.C

17.C

18.D

19.C

20.C

21.D

22.C

23.A

24.A

25.D

25.D

26.D

28.D

29.C

30.A

31.A

32.D

33.A

34.C

35.C

36.A

37.B

38.8

39.B

40.D

Câu 1:

Phương pháp: Lý thuyết về các mối quan hệ hỗ trợ giữa các loài trong quần xã.

Cách giải: Đáp án B.

Quan hệ cộng sinh là hai loài chung sống thường xuyên với nhau mang lại lợi ích cho nhau. Trong nhiều trường hợp sống cộng sinh là bắt buộc, khi rời khỏi nhau cả hai đều chết.

Bên trong nốt sần, vi khuẩn chuyển đổi nitơ khí quyển thành amoni và cung cấp cho sự tăng trưởng và phát triển của cây trồng. Cây họ đậu cung cấp nguồn cacbon cho vi khuẩn, tạo điều kiện cho quá trình cố định đạm của chúng.

Câu 2:

Phương pháp: Lý thuyết chuỗi thức ăn.

Cách giải: Đáp án A.

Chuỗi thức ăn bắt đầu bằng sinh vật tự dưỡng tức là sinh vật tự dưỡng là dinh dưỡng cấp 1, Sinh vật tiêu thụ bậc 1 sửa dụng sinh vật tự dưỡng làm thức ăn thì thuộc dinh dưỡng cấp 2.

Câu 3:

Phương pháp: Lý thuyết đặc điểm các kiểu phân bố cá thể của quần thể.

Cách giải: Đáp án C.

A.Cây thông trong rừng thông là phân bố đồng đều khi điều kiện môi trường sống phân bố đồng đều và thực vật không có khả năng di chuyển.

B.Đàn trâu rừng kiếm ăn ở bãi cỏ là phân bố theo nhóm khi các cá thể hỗ trợ nhau chống lại điều kiện bất lợi.

C.Các loài sâu sống trên tán lá cây là phân bố ngẫu nhiên khi điều kiện sống phân bố đồng nhất trong môi trường và giữa các cá thể sâu không có sự cạnh tranh gay gắt.

D.Cỏ lào mọc ven rừng nơi có cường độ chiếu sáng mạnh, là phân bố theo nhóm khi điều kiện sống phân bố không đồng đều trong môi trường.

Câu 4:

Phương pháp: Lý thuyết nhân tố sinh thái.

Cách giải: Đáp án D.

Nhân tố sinh thái vô sinh là nhân tố vật lí, hóa học của môit rường quanh sinh vật: độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, địa hình, lượng mưa, gió.

Nhân tố sinh thái hữu sinh là thế giới hữu cơ của môi trường và những mối quan hệ giữa các sinh vật với nhau.

Câu 5:

Phương pháp: Định nghĩa giới hạn sinh thái.

Cách giải: Đáp án A.

Câu 6:

Phương pháp: Lý thuyết hình thành loài nhờ cơ chế lai xa và đa bội hóa.

Cách giải: Đáp án D.

Nhiều loài thực vật có họ hàng gần gũi có thể thụ phấn cho nhau tạo nên con lai có sức sống ( con lai khác loài), con lai khác loài này hầu hết bất thụ tuy nhiên sau đó con lai được đa bội hóa thì xuất hiện loài mới. Các nhà khoa học ước tính có tới 75% các loài thực vật có hoa và 95% các loài dương xỉ được hình thành bằng con đường này.

Câu 7:

Phương pháp: Học thuyết tiến hóa Đacuyn.

Cách giải: Đáp án A.

Các cá thể của cùng một bố mẹ vẫn khác biệt nhau về nhiều đặc điểm (Đacuyn gọi là các biến dị cá thể). Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, những cá thể sinh vật nào có biến dị di truyền giúp chúng thích nghgi tốt hơn dẫn đến khả năng sống sót và khả năng sinh sản cao hơn cá thể khác thì những cá thể đó sẽ để lại nhiều con hơn cho quần thể. Theo thời gian, số lượng cá thể có các biến dị thích nghi sẽ ngày một tăng.

Câu 8:

Phương pháp: Lý thuyết hình thành loài khác khu vực địa lí.

Cách giải: Đáp án B.

Sự cách li địa lí không phải là sự cách li sinh sản mặc dù do có sự cách li địa lí nên các cá thể của các quần thể cách li ít có cơ hội giao phối với nhau. Sự cách li sinh sản xuất hiện giữa các quần thể hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên nên có những quần thể sống cách li với nhau về mặt địa lí rất lâu nhưng vẫn không hình thành nên loài mới.

Câu 9:

Phương pháp: Lý thuyết tăng trưởng của quần thể sinh vật.

Cách giải: Đáp án B.

(I) đúng vì quần thể voi tăng trường theo tiềm năng sinh học từ năm 1900 đến năm 1960.

(II) sai vì năm 1960 có đường cong tăng trưởng dốc nhất tức là có tốc độ tăng trưởng của quần thể cao nhất.

(III)đúng vì quần thể thực vật ở vùng đất mới như trên hòn đảo sau khi núi lửa hoạt động sẽ có điều kiện môi trường lí tưởng, không bị cạnh tranh các loài khác nên quần thể sẽ tăng trưởng theo tiềm năng sinh học.

(IV)sai vì kích thước quần thể voi trên hình tăng trưởng theo đường cong chữ J.

Câu 10:

Phương pháp: Bảng các đại địa chất và sinh vật tương ứng.

Cách giải: Đáp án D.

Cây có mạch và động vật lên cạn xuất hiện ở kỉ Silua thuộc đại Cổ sinh.

Câu 11:

Phương pháp: Đặc điểm quan hệ cạnh tranh khác loài trong quần xã: Hai loài có chung nguồn sống thường cạnh tranh với nhau.

Cách giải: Đáp án A.

A đúng vì cú và chồn có chung nguồn sống là chuột nên sẽ cạnh tranh nhau.

B sai vì là quan hệ cạnh tranh cùng loài giữa các linh dương đực.

C sai vì là quan hệ ức chế cảm nhiễm.

D sai vì là quan hệ kí sinh vật chủ.

Câu 12:

Phương pháp: Lý thuyết về thành phần cấu trúc của hệ sinh thái.

Cách giải: Đáp án C.

A sai vì sinh vật phân giải gồm chủ yếu là các vi khuẩn, nấm, một số loài động vật không xương sống.

B sai vì xác chết không còn sự sống nên không phải là thành phần hữu sinh.

D sai vì sinh vật tiêu thụ gồm các động vật ăn thực vật và động vật ăn động vật.

Câu 13:

Phương pháp: Lý thuyết một số đặc trưng cơ bản của quần xã.

Cách giải: Đáp án D.

Tỉ lệ giới tính, nhóm tuổi và mật độ cá thể là các đặc trưng cơ bản của quần thể.

Câu 14:

Phương pháp: Lý thuyết khái niệm hệ sinh thái.

Cách giải: Đáp án C.

Trong hệ sinh thái, trao đổi vật chất và năng lượng giữa các sinh vật trong nội bộ quần xã và giữa quần xã với sinh cảnh của chúng biểu hiện chức năng của một tổ chức sống.

Câu 15:

Phương pháp: Lý thuyết chọn lọc nhân tạo của Đacuyn.

Cách giải: Đáp án A.

Chọn lọc nhân tạo là quá trình con người chủ động chọn ra những cá thể có các biến dị mà mình mong muốn rồi cho chúng giao phối với nhau để tạo nên giống mới và loại đi những cá thể có các biến dị không mong muốn. Qua hàng nghìn năm chọn lọc, con người đã tạo ra rất nhiều vật nuôi, cây trồng từ các loài hoang dại được ruần dưỡng ban đầu.

Câu 16:

Phương pháp: Lý thuyết chuỗi thức ăn.

Cách giải: Đáp án C.

Sinh vật tiêu thụ gồm các động vật ăn thực vật và động vật ăn động vật. Do đó sinh vật tiêu thụ bậc 1 là sâu ăn lá ngô, nhái là sinh vật tiêu thụ bậc 2.

Câu 17:

Phương pháp: Lý thuyết nhân tố tiến hóa.

Cách giải: Đáp án C.

Các quần thể thường không cách li hoàn toàn với nhau do vậy giữa các quần thể thường có sự trao đổi các cá thể hoặc các giao tử.

Câu 18:

Phương pháp: Quan niệm học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại.

Cách giải: Đáp án D.

Tiến hóa nhỏ là quá trình làm biến đổi cấu trúc di truyền của quần thể. Quá trình tiến hóa nhỏ kết thúc khi loài mới xuất hiện.

Câu 19:

Phương pháp: Lý thuyết hình thành loài khác khu vực địa lí.

Cách giải: Đáp án C.

Sự cách li địa lí chỉ góp phần duy trì sự khác biệt về tần số alen và thành phần kiểu gen giữa các quần thể được tạo ra bởi các nhân tố tiến hóa.

Câu 20:

Phương pháp: Quan sát đồ thị.

Cách giải: Đáp án C.

(I), (III) đúng.

(II) sai vì kích thước quần thế con mồi (thỏ) lớn hơn kích thước quần thể vật ăn thịt (linh miêu).

(IV) sai vì năm 1965 kích thước quần thể thỏ đạt cực đại, năm 1985 kích thước quần thể linh miêu đạt cực đại.

Câu 21:

Phương pháp: Lý thuyết các nhân tố tiến hóa.

Cách giải: Đáp án D.

Chọn lọc tự nhiên tác động lên kiểu hình của các cá thể, thông qua đó tác động lên kiểu gen và các alen. Do đó trạng thái trội lặn của alen thể hiện mức độ biểu hiện ra kiểu hình của alen sẽ ảnh hưởng đến tốc độ làm thay đổi tần số alen của chọn lọc tự nhiên.

Câu 22:

Phương pháp: Lý thuyết bằng chứng sinh học phân tử trong tiến hóa.

Cách giải: Đáp án C.

Các loài có họ hàng càng gần nhau thì tỷ lệ % các axit amin sai khác ở chuỗi pôlipeptit anpha trong phân tử Hemôglôbin càng thấp.

Câu 23:

Phương pháp: Lý thuyết đặc điểm các mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể.

Cách giải: Đáp án A.

Tự tỉa thưa ở quần thể thực vật là quan hệ cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể khi mật độ quần thể vượt quá “sức chịu đựng” của môi trường.

Câu 24:

Phương pháp: Lý thuyết các nhân tố tiến hóa.

Cách giải: Đáp án A.

Ngẫu phối giữa các cá thể trong quần thể tạo nên trạng thái cân bằng di truyền của quần thể. Ngẫu phối không làm thay đổi tần số các alen và thành phần kiểu gen của quần thể nên không là nhân tố tiến hóa.

Câu 25:

Phương pháp: Lý thuyết nhân tố tiến hóa trong thuyết tiến hóa hiện đại.

Cách giải: Đáp án D.

Di – nhập gen là hiện tượng trao đổi các cá thể hoặc các giao tử giữa các quần thể cùng loài.

Câu 26:

Phương pháp: Lý thuyết bằng chứng tiến hóa.

Cách giải: Đáp án D.

Hóa thạch là các di tích của sinh vật đã từng sinh sống trong các thời đại địa chất còn lưu lại trong lớp đất đá của vỏ trái đất. Có thể xác định được chính xác tuổi đời của các hóa thạch do đó căn cứ vào hóa thạch trong các lớp đất đá có thể suy ra lịch sử phát sinh, phát triển và hủy diệt của các loài sinh vật.

Câu 27:

Phương pháp: Lý thuyết về bằng chứng giải phẫu so sánh.

Cách giải: Đáp án D.

Mọi cơ thể sống đều cấu tạo từ tế bào là bằng chứng tế bào học.

Câu 28:

Phương pháp: Lý thuyết đặc trưng về thành phần loài trong quần xã.

Cách giải: Đáp án D.

Loài ưu thế có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, hoặc do hoạt động của chúng mạnh nên quyết định chiều hướng phát triển của quần xã.

Câu 29:

Phương pháp: Quan sát hình.

Cách giải:  Đáp án C.

(I) Đúng vì rắn và đại bàng quan hệ vật văn thịt – con mồi do đó sẽ kiểm soát số lượng của nhau,

(II) Sai vì chim sâu và cú mèo cùng thuộc dinh dưỡng bậc 3.

(III) Sai vì đại bàng tham gia vào 4 chuỗi thức ăn khác nhau.

(IV) Đúng vì rắn ăn chuột nên nếu rắn bị loại bỏ hoàn toàn thì số lượng chuột có thể tăng lên.

(V) Sai vì có 4 sinh vật thuộc bậc dinh dưỡng cấp 3 (chim sâu, chim gõ kiến, cú mèo, rắn).

Câu 30:

Phương pháp: Lý thuyết chu trình cacbon.

Cách giải: Đáp án A.

Toàn bộ lượng cacbon sau khi đi qua chu trình dinh dưỡng không được trở lại môi trường không khí do một phần nhỏ cacbon tách ra từ chu trình dinh dưỡng lắng đọng tạo dầu lửa, than đá, …

Câu 31:

Phương pháp: Đặc điểm diễn thế nguyên sinh.

Cách giải: Đáp án A.

Trong diễn thế sinh thái nguyên sinh, số lượng các loài tăng lên trong khi kích thước môi trường sống không đổi do đó ổ sinh thái của các loài sẽ bị thu hẹp.

Câu 32:

Phương pháp: Lý thuyết các nhân tố tiến hóa.

Cách giải: Chọn D.

Giao phối ngẫu nhiên không làm thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể, tạo nên trạng thái cân bằng di truyền của quần thể.

Câu 33:

Phương pháp: Đặc điểm biến động số lượng cá thể của quần thể theo chu kì.

Cách giải: Đáp án A.

Câu 34:

Phương pháp: Đặc điểm các kiểu cách li sinh sản.

Cách giải: Đáp án C.

Cách li sau hợp tử là thụ tinh được nhưng hợp tử không phát triển hoặc hợp tử đuọc tạo thành và phát triển thành con lai nhưng con lai lại chết non; dù con lai sống được đến khi trưởng thành nhưng không có khả năng sinh sản.

Câu 35:

Phương pháp: Lý thuyết về ổ sinh thái.

Cách giải: Đáp án C.

A sai vì sống ở tán lá cây của cùng một cây thì có cùng nơi ở., nhưng có thể khác nhau về ổ sinh thái dinh dưỡng.

B sai vì những loài có nơi ở cùng nhau thì có nơi ở trùng nhau, ổ sinh thái khác nhau về dinh dưỡng, ánh sáng, độ ẩm,…

D sai vì môi trường nước khác nhau có nhiệt độ khkác nhau.

Câu 36:

Phương pháp: Bảng các đại địa chất và sinh vật tương ứng.

Cách giải: Đáp án A.

Ở kỉ Đệ tam thuộc đại Tân sinh, cây có hoa ngự trị.

Câu 37:

Phương pháp: Học thuyết tiến hóa hiện đại.

Cách giải: Đáp án B.

Tiến hóa nhỏ là quá trình làm biến đổi cấu trúc di truyền của quần thể đến khi xuất hiện sự cách li sinh sản của quần thể đó với quần thể gốc. Quần thể là đơn vị nhỏ nhất có thể tiến hóa và quá trình tiến hóa nhỏ kết thúc khi loài mới xuất hiện.

Câu 38:

Phương pháp: Đặc điểm các mối quan hệ giữa các loài trong quần xã sinh vật.

Cách giải: Đáp án B.

Trong quan hệ cạnh tranh thì cả 2 loài đều gây hại cho nhau.

Hội sinh: một loài được lợi, một loài không được lợi, cũng không bị hại.

Kí sinh: loài kí sinh được lợi.

Ức chế cảm nhiễm: loài gây ra ức chế cảm nhiễm không bị hại.

Câu 39:

Phương pháp: Định nghĩa về quần thể sinh vật.

Cách giải: Đáp án B.

Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể trong cùng một loài, cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời gian nhất định, có khả năng sinh sản và tạo thành những thế hệ mới.

A,C,D sai vì là tập các cá thể nhiều loài.

Câu 40:

Phương pháp: Đặc điểm các kiểu hệ sinh thái trên trái đất.

Cách giải: Đáp án D.

Hệ sinh thái nhân tạo được cung cấp thêm một phần vật chất và có số lượng loài hạn chế. 


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Sinh lớp 12 - Xem ngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.