Đavít Hium (1711-1776)


Đavít Hium (Davit Hume) là nhà triết học nổi tiếng người Anh, là bậc tiền bối của triết học Cantơ sau này. Ông sinh năm 1711 trong một gia đình quý tộc bậc trung ở Êđenbuốc (Xcốtlen)

Đavít Hium (Davit Hume) là nhà triết học nổi tiếng người Anh, là bậc tiền bối của triết học Cantơ sau này. Ông sinh năm 1711 trong một gia đình quý tộc bậc trung ở Êđenbuốc (Xcốtlen). Ngay từ năm 12 tuổi, ông đã theo học trường đại học tổng hợp Êđenbuốc, nhưng vì chương trình học qua sức, nên bỏ học. Năm 1734, ông sang Pháp và ở đó 3 năm chịu ảnh hưỏng nhiều nhà tư tưởng tiến bộ thời đó, Hium say mê nghiên cứu các vấn đề triết học, tâm lý học và lịch sử nước Anh cho tới khi mất năm 1776.

a, Nhận thức luận

Phê phán mạnh mẽ các khoa học và ý thức thông thường thời đó đang ngày càng có xu hướng đối lập với triết học, Hium khẳng định sở dĩ có tình trạng như vậy là do từ trước tới giờ khoa học về con người, về nhận thức con người chưa được phát triên đầy đủ. Vì vậy, ông coi nhiệm vụ của mình là tính cách đưa triết học thoát khỏi tình trạng trên bằng cách biến triết học thành học thuyết về con người.

Cũng như Béccơly, Hium tuyệt đối hoá vai trò của cảm giác. Coi đó là điểm xuất phát và dạng co bản của nhận thức. Nhưng nếu Béccơly không dừng lại ở việc xen xét cảm giác ở khuôn khổ nhận thức luận, mà coi cả thế giới chỉ là tổ hợp của các cảm giác, thì Hium lại tách biệt các cảm giác con người với thế giới bên ngoài, coi chỉ bản thân các cảm giác là nguồn gốc nhận thức mà không cần đến sự tác động của thế giới bên ngoài. Từ đây, Hium kết luận rằng, chúng ta chẳng có thể biết được gì thế giới cả, thậm chí cũng không biết là thế giới có thức hay không nữa. Ông nói: “Giới tự nhiện, đã đặt chúng ta ở một khoảng cách khá xa với các điều bí ẩn của nó, và nó chỉ thể hiện ra cho chúng ta những tri thức về một số các đặc tính, về bề ngoài” .

Như vậy, quá trình nhận thức không phải là nhận thức thế giới, mà là nhận thức những quá trình tâm lý xảy trong con người được Hium gọi là những cảm xúc, ấn tượng (impressions). Các ấn tượng, hay cảm giác được coi là “nguồn gốc tuyệt đối” của nhận thức. Còn các ý niệm là sản phẩm của giai đoạn nhận thức cao hơn, nhưng kém sinh động hơn so với các ấn tượng mà nhận thức cảm tính đem lại. Chúng là sự sao chép lại các ấn tượng trong phạm vi của ý thức. “Tất cả các ý niệm đều được mô phỏng lại từ các ấn tượng”..

Các ý niệm và các xúc cảm được quy thành các dạng kinh nghiệm khác nhau, và duy nhất chúng tồn tại thực.

Theo quan niệm của Hium, một trong những nguyên lý tồn tại bẩm sinh trong con người là nguyên lý kết hợp (association). Bản chất của nguyên lý này thì không thể nhận thức được. Cơ chế sinh học tạo nên sự liên tưoửng đó đầy bí ẩn. Có 3 dạng liên tưởng của ý niệm .Thứ nhất, là dạng liên tưởng theo sự giống nhau. Chẳng hạn, khi một người thân của chúng ta đi vắng, thì lúc nhìn chân dung người ấy, chúng ta lập tức liên tưởng tới anh ta. Thứ hai, là sự liên tưởng kế cận nhau trong không gian và thời gian. Chẳng hạn, chúng ta thường hay liên tưởng tới những cái bên cạnh mình, hoặc hay tiếp xúc với mình hơn những vật khác. Thứ ba, là sự liên tưởng nhân quả. Chẳng hạn, khi nhìn thấy bố thì chúng ta liên tưỏng tới con, hoặc ngược lại... Đây là dạng liên tưởng thông dụng nhất.

b, Quan niệm về thếgiới

Từ lập trường bất khả tri nghi ngờ cả sự tồn tại của thế giới bên ngoài. Hium phê phán các quan niệm duy vật coi vật chất như là thực thể của mọi vật. Bản thân vật chất, thực thể v.v. theo ông, “không là cái gì khác, ngoài tổng thể các ý niệm đơn giản liên hợp với nhau bởi sự tưởng tượng, và được gọi bằng cái tên, thông qua đó, chúng ta có thể gọi trên tổng thể đó trong trí nhớ của mình, hay trí nhớ của những người khác “.

Tuy vậy, mặc dù thực thể không tồn tại khách quan độc lập với chủ thể, nhưng tồn tại trong hư cấu con người, giúp con người nhận thức các mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng trong chuỗi thời gian. “Nguyên nhân là một khách thể có trước khách thể khác, kế trước nó và có liên hệ với nó sao cho ý niệm của một trong số chúng quyết định trí tuệ tạo ra ý niệm của cái kia”. Tuy nhiên, ông phủ nhận toàn bộ các mối quan hệ nhân quả trong thế giới khách quan, coi mọi mối liên hệ nhân quả chỉ là sự cưỡng bức tinh thần chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ ý niệm, xúc cảm này đến ý niệm, xúc cảm khác. Mọi khoa học đều cần phải được diễn giải bằng các thuật ngữ tâm lý, bởi vì chúng chỉ là sự mô tả các xúc cảm và trạng thái tâm lý của con người.

c, Nhân bản học và các quan điểm chính trị - xã hội

Bằng hoài nghi của mình, Hium phê phán các quan niệm coi linh hồn con người như một thực thể. Không có vật chất mà cũng chẳng có tinh thần như những khái niệm cơ bản của triết học. Bản thân “con ngưòi không là cái gì khác ngoài sự liên hệ hay một chùm các giá trị khác nhau, cái này kế tiếp cái kia, và tất cả chúng nằm trong quá trình biến đổi một cách nhanh chóng lạ kỳ”. Do vậy, không tồn tại cái “tôi” như một thực thể bất tử. Một mặt, Hium chống tôn giáo vì nó chỉ đem lại những điều siêu thực và giả dối; mặt khác, ông lại mâu thuẫn với chính mình khi cho rằng con người vẫn phải tin vào các lực lượng siêu nhiên nhằm an ủi cuộc sống của mình, ông nói: “Nếu như triết học của tôi không bổ sung thêm một luận chứng nào nhằm bảo vệ tôn giáo, thì... nó cũng không tước đi của tôn giáo một cái gì”. Nghi ngờ mọi cái mà nhân loại đã đạt được từ trước tới giờ, không tin vào tất cả các chuẩn mực đạo đức, các qưan niệm truyền thống... Hium luôn luôn nhấn mạnh phải “giữ gìn tính hoài nghi luận của mình trong mọi trường hợp của cuộc sống”.

Nhìn chung thế giới quan của Hium cũng như của Béccơly thể hiện sự trăn trở cũng như tính phức tạp trong việc tìm một con đường đi hợp lý cho triết học, trong điều kiện phát triển của khoa học ở cuối thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XVIII, trong khi các quan điểm triết học trước đây không còn đáp ứng được vai trò của mình trong bối cảnh lịch sử mới. Dưới hình thức duy tâm duy thần bí, các quan niệm của Béccơly và Hium đặc biệt đề cao vai trò cá nhân con người, coi đó là vấn đề trung tâm của mọi vấn đề triết học và khoa học. Điều đó phù hợp với xu hướng đòi dân chủ và tự do cá nhân, đòi giải phóng nhân cách con người của giai cấp tư sản cách mạng nhằm đấu tranh xoá bỏ mọi gông cùm của thể chế xã hội và ý thực hệ phong kiến đang suy tàn. Vì thế ở phương Tây hiện nay, cả Béccơly và Hium đều là những nhà tư tưỏng được ngưỡng mộ.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.7 trên 3 phiếu