Chủ nghĩa kinh viện giai đoạn suy thoái. Cuộc đấu tranh chống triết học kinh viện thế kỷ XIII>
Sau thời kỳ cực thịnh, chủ nghĩa kinh viện đã đi vào giai đoạn suy thoái với sự ra đời của khoa học thực nghiệm (đại biểu là Rôgiê Bêcơn) và sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa duy danh
Sau thời kỳ cực thịnh, chủ nghĩa kinh viện đã đi vào giai đoạn suy thoái với sự ra đời của khoa học thực nghiệm (đại biểu là Rôgiê Bêcơn) và sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa duy danh (tiêu biểu là học thuyết của Guyôm Ốccam) đã tạo điều kiện thuận lợi cho triết học và khoa học chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
a, Rôgiê Bêcơn (khoảng 1214 -1294)
Rôgiê Bêcơn sinh ở Anh, ngày sinh và ngày mất của ông đều không được xác định chắc chắn.
Ông là một trong những người đề xướng vĩ đại nhất của khoa học thực nghiệm thời kỳ mới. Triết học của R. Bêcơn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống triết học kinh viện của các đại biểu trước ông. Xét trong điểu kiện lịch sử của thời đại ông thì R.Bêcơn đã có một quan niệm hay và mới về đối tượng của triết học (siêu hình học). Theo ông, siêu hình học là khoa học lý luận chung giải thích mối quan hệ giữa khoa học bộ phận (riêng lẻ) và đem lại cho các khoa học đó những quan điểm cơ bản. Và bản thân siêu hình học được xây dựng trên thành quả của các khoa học đó.
Tuy nhiên, trong hệ thống siêu hình học của mình, R.Bêcơn chưa phải là người có nhiều cái độc đáo. Ông vẫn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Platôn và Ôguýtxtanh. Chẳng hạn, ông đã nghiên cứu về "tính chất rõ ràng của tư tưởng" xuất phát từ những mẫu mực đầu tiên của Thượng đế, về "lý trí hoạt động tiên nghiệm", V.V.. Nhưng sức mạnh và bản chất của học thuyết R. Bêcơn không phải ở chỗ đó, mà chủ yếu là sự phê phán phương pháp kinh viện và ở sự khẳng định ý nghĩa của kinh nghiệm và ở sự tìm kiếm khoa học có tính chất độc lập.
R. Bêcơn đã phê phán một cách gay gắt và cay độc tính chất vô dụng của phương pháp kinh viện tách rời cuộc sống. Theo ông, có bốn điều trở ngại đối với chân lý: một là, sự sùng bái, quy phục trước cái uy tín không có cơ sở và không xứng đáng; hai là, thói quen lâu đời đối với những quan niệm đã rõ ràng; ba là, tính chất vô căn cứ của các nhà bác học đối với điều ngu dốt của mình dưới cái mặt nạ của sự thông thái hư ảo. Và cuối cùng ông rút ra ba nguồn gốc của nhận thức là uy tín, lý trí và kinh nghiệm. Bêcơn cho rằng, uy tín mà thiếu sự chứng minh là uy tín thiếu sót và "những lập luận mà chưa kiểm tra các kết luận bằng con đường kinh nghiệm và thực nghiệm thì chưa thể phân biệt giữa ngụy biện và chứng minh“; cao hơn mọi tri thức và nghệ thuật suy lý và việc biết tạo ra kinh nghiệm và khoa học, đó là bà chúa của mọi khoa học.
Như vậy, R.Bêcơn đã đánh giá rất cao vai trò của kinh nghiệm trong việc kiểm tra chân lý, xem kinh nghiệm như là tiêu chuẩn của chân lý, thước đo của lý luận. Đó là một quan niệm tiến bộ của thời đại ông.
Ngoài triết học, R.Bêcơn còn chú ý đến nhiều, ngành khoa học khác, đặc biệt những khoa học nào giúp con người xây dựng nhà cửa, thành phố, cầu đường, làm ruộng, chăn nuôi, ông đánh giá cao vai trò của vật lý học, nhất là quang học vì nó giúp con người nhìn ra các sự vật, phần biệt được chúng, nhờ đó mọi tri thức của chúng ta về giới tự nhiên được hình thành. R.Bêcơn là người hết sức coi trọng tri thức khoa học. Ông đã từng nói: "Không có sự nguy hiểm nào lớn hơn sự ngu dốt”.
R.Bêcơn cũng có nhiều tư tưởng xã hội tiến bộ, đã dũng cảm lên án sự áp bức phong kiến, những tội lỗi của giáo sĩ, dám tấn công vào ngôi Giáo hoàng thiêng liêng, bênh vực quyền lợi của nhân dân. Ông nói: "Bọn công tước, nam tước và bọn hiệp sĩ là những kẻ cướp bóc lẫn nhau, hủy hoại những thần dân của mình bằng những cuộc chiến tranh bất tận và thuế khóa nặng nề...“; "những sự đồi trụy nhất đã thống trị ở mọi nơi... ngôi thiêng liêng đã trở thành chiến lợi phẩm của sự lừa dối...".
Đằng sau sự vạch trần các trật tự xã hội phong kiến và sự đồi bại của giới giáo sĩ đã bộc lộ rõ quan điểm có tính chất “tà đạo" của R.Bêcon. Đạo Cơ đốc được ông xem như một trong những đạo mà sự xuất hiện của nó được giải thích bằng chiêm tinh học, bằng sự kết hợp của hai hành tinh sao mộc và sao thủy. Do những quan điểm tiến bộ đó Bêcơn đã bị nhà nước phong kiến và giáo hội truy nã một cách quyết liệt. Năm 1278, lúc R.Bêcơn đã già nhưng ông vẫn bị cầm tù trong nhà tù của tu viện. Mười bốn năm sau, năm 1292 ông mới được tha và hai năm sau thì mất.
Cũng cần thấy rằng, trong học thuyết của mình, R.Bêcơn tuy lên tiếng chống Giáo hoàng, nhưng không chống lại tôn giáo nói chung. Ông cũng tuyên bố sự phụ thuộc của triết học vào lòng tin. Nhưng vì hiện tại chưa thấy xuất hiện sự màu nhiệm thiêng liêng, cho nên để đối xử với những điều không tin và bác bỏ kẻ chống đối thì chỉ còn một con đường - đó là sức mạnh của triết học và tri thức khoa học. Điều này cắt nghĩa vì sao R.Bêcơn có nhiều tư tưởng tiến bộ nhưng vẫn chưa thoát khỏi thời đại mình – thời đại thống trị của tôn giáo và nhà thờ.
b, Chủ nghĩa duy danh thể kỷ XIV. Guyôm Ốccam
Thế kỷ XIV là thế kỷ phát triển tiếp tục của kinh tế, đồng thời cũng là thế kỷ suy tàn của chế độ nông nô ở Anh do những cuộc khởi nghĩa liên tục của nông dân và sự nổi dậy của thành thị. Sự tách rời thành thị khỏi nông thôn, sự phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp đã dẫn tới chỗ chuyển sự áp bức nặng nề theo kiểu nông nô sang hình thức áp bức tiền tệ. Chế độ nông nô với sự phụ thuộc của nông dân vào giai cấp địa chủ dần đần bị thủ tiêu. Tuy nhiên giữa thế kỷ XIV, sau bệnh dịch hạch tàn ác phá hoại cả châu Âu, thì lại bắt đầu sự phản động của chế độ nông nô. Đáp lại chính sách phản động của giai cấp thống trị phong kiến là những cuộc khởi nghĩa của nhân dân, như cuộc khởi nghĩa của Uốt Tailo, một thợ thủ công ở Anh năm 1381, đã gây chấn động chế độ phong kiến ở Anh. Cũng vào thời kỳ đó sự phản hóa dân cư thành thị dẫn đến những cuộc nổi dậy của những người nghèo trong nhiều thành phố ở Italia và Pháp.
Cuối thế kỷ XIII, sức mạnh của ngôi giáo hoàng La Mã, sau khi đã đạt đến thời kỳ cực điểm của mình, bắt đẩu suy yếu dần. Nhiều giáo chủ đã từ bỏ La Mã để tản đến các thành phố giáp nước Pháp. Vào những năm 20 của thế ký XIV xuất hiện sự xung đột gay gắt giữa Giáo hoàng và dòng đạo Phơrăngxít, đặc biệt là với nhóm "duy linh". Những người trong nhóm này đã đưa ra những truyền thống lý tưởng của đạo Cơ đốc khởi nguyên, chiến đấu chống lại sự giàu sang của nhà thờ và những kỳ vọng thế tục của Giáo hoàng. Giáo hoàng và những người trong dòng đạo Phơrăngxít đã gọi nhau là những kẻ tà đạo. Cũng vào thời kỳ này đã bắt đầu cuộc đấu tranh nhiều năm giữa Giáo hoàng và Hoàng đế. Giáo hoàng thì nguyền rủa Hoàng đế, còn Hoàng đế thì tìm cách truất ngôi Giáo hoàng.
Về mặt triết học, thế kỷ XIV được đánh dấu bằng sự phát triển của chủ nghĩa duy danh mà đại biểu xuất sắc là Guyôm Ốccam.
G. Ốccam (khoảng 1300 - 1350) là nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng thời đại mình, nhà thần học và triết học kinh viện Anh, nhà tư tưởng của giai cấp phong kiến thế tục trong cuộc đấu tranh chống Giáo hoàng.
Tư tưởng chống Giáo hoàng của Ốccam thể hiện trong hầu hết các tác phẩm lý luận của ông. Ông tuyên bố, chức giáo hoàng chỉ là một thể chế tạm thời, không phải là người được gán cho tính chất luôn luôn đúng đắn. Vị lãnh chúa tối cao của đất nước, theo ông, là quốc vương thế tục - người phải được sùng phục ở mọi nơi. Thế quyền và thần quyền phải hoạt động tách rời nhau. Thần quyền chỉ ra lệnh về cái gì gắn với việc cứu rỗi linh hồn trong nhà thờ. Mặc dù Ổccam có những sự thỏa hiệp, lý luận của ông là lý luận hết sức nguy hiểm đối với quyền của Giáo hoàng.
Gắn với hoạt động có tính chất chính trị chống Giáo hoàng, bảo vệ nhà nước phong kiến thế tục là hoạt động triết học của Ốccam. Triết học của ông đã chống đối kịch liệt hệ tư tưởng chính thống (hệ tư tưởng đạo Thiên chúa). Trong vấn đề trung tâm của triết học trung cổ - vấn đề mối quan hệ giữa lòng tin và lý trí, giữa linh cảm và tri thức, Ốccam đã làm sâu sắc thêm những quan điểm của ĐơnXcốt. Ông khẳng định: Cũng như quyền lực của nhà thờ chỉ giới hạn ở công việc tôn giáo, thần học chỉ thống trị trong các vấn đề về lòng tin và dựa trên sự "linh cảm". Những chứng minh có tính chất lý trí về lòng tin không có khả năng và vô giá trị. Cũng không thể chứng minh được sự tồn tại của Thượng đế và bản chất của Ngài. Đối với những tín điều tôn giáo thì chỉ có tin.
Tuy là người bảo vệ nhiệt tâm lòng tin tôn giáo như mọi nhà triết học khác ở thời đại phong kiến, nhưng ở Ốccam chúng ta cũng thấy rõ sự tan vỡ của chính cơ sở triết học kinh viện và sự mất tác dụng của nó. Bởi vì, cái trục của triết học Ốccam là chủ nghĩa duy danh có khuynh hướng duy vật.
Là một nhà duy danh luận, Ốccam cho rằng chỉ có những sự vật riêng lẻ, đơn nhất là tồn tại thực. Còn cái phổ biến (cái chung) chỉ tìm thấy trong "tinh thần và trong từ ngữ". Nếu thừa nhận hiện thực khách quan của cái phổ biến sẽ dẫn đến sự vô lý, vì cái phổ biến không phải là những hình ảnh tư duy đơn giản. Cái phổ biến (cái chung) chỉ diễn đạt, mô tả cái giống nhau trong các đối tượng riêng lẻ mà thôi.
Khái niệm, danh từ, theo Ốccam chỉ là những ký hiệu của sự vật. Và do đó, nhận thức của chúng ta không phải là nhận thức các sự vật vốn có, mà là nhận thức những ký hiệu, nhận thửc cái "thay mặt' sự vật. Ở đây Ốccam đã đưa hoài nghi luận vào trong nhận thức luận.
Trong lý luận nhận thức của mình, Ốccam cũng chia nhận thức làm hai loại: nhận thức trực giác (ông hiểu là nhận thức kinh nghiệm) vì nhận thức trừu tượng. Nhận thức trực giác được ông đặt cao hơn nhận thức trừu tượng, nó bao gồm cảm tính và sự tự quan sát. Vì chỉ có những sự vật riêng lẻ là tồn tại thực, nên nhận thức thế giới khách quan được bẩt đầu từ kinh nghiệm thông qua cảm giác.
Trong lý thuyết đạo đức, Ốccam cũng phát triển quan điểm của ĐơnXcốt. Ông phủ nhận sự khác nhau tuyệt đối giữa điều thiện và điều ác. Vì theo ông ý chí của Thượng đế có thế biến hành vi tội lỗi của con người thành hành vi tốt.
Tóm lại, xã hội phong kiến Tây Âu trung cổ là xã hội thống trị bởi hệ tư tưởng tôn giáo. Triết học chính thức của xã hội đó là chủ nghĩa kinh viện thấm nhuần tinh thần duy tâm chủ nghĩa, coi khinh mọi tri thức, phương pháp quan sát thực nghiệm. Hầu hết các nhà tư tưởng của trào lưu triết học này đều đặt mục đích cao nhất là phục vụ tôn giáo và nhà thờ, nên đã ra sức xuyên tạc học thuyết của các nhà triết học tiến bộ thời cổ, đặc biệt là của Arixtốt.
Tuy nhiên, trong sự thống trị nặng nề của tôn giáo và thần học thời kỳ này cũng đã xuất hiện cuộc đấu tranh của các xu hướng duy vật trong triết học và trong các phong trào tà giáo chống lại chủ nghĩa ngu dân của nhà thờ. Tà giáo phát triển mạnh cũng là biểu hiện về mật tư tưởng những phong trào của nhân dân chống lại sự thống trị của giai cấp phong kiên quý tộc và Giáo hoàng chính thống.
Như vậy, xã hội phong kiến Tây Âu thời trung cổ và nền triết học của nó không phải là sự "đứt đoạn" hay "sụp đổ" của tiến trình lịch sử. Lịch sử triết học thời kỳ này dù rất phức tạp và đầy mâu thuẫn, nó vẫn chứa đựng những nhân tố chuẩn bị cho sự khôi phục những học thuvết duy vật thời cổ đại và phát triển chúng trong thời đại của chủ nghĩa tư bản.
Loigiaihay.com