V.I. Lênin đã nhận định thế nào về con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý? Hãy phân tích khái quát nhận định đó và rút ra quy luật chung của quá trình phát triển nhận thức>
- Nhận định của V.I. Lênin về con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý: Theo V.I. Lênin, con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan là: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn.
- Nhận định của V.I. Lênin về con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý:
Theo V.I. Lênin, con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan là: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn.
- Phân tích khái quát quan điểm đó
Theo sự nhận định nói trên, con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý (tức sự phản ánh đúng đắn đối với hiện thực khách quan) là một quá trình. Đó là quá trình bắt đầu từ “trực quan sinh động” (còn gọi là nhận thức cảm tính) tiến đến “tư duy trừu tượng” (còn gọi là nhận thức lý tính). Nhưng tư duy trừu tượng không phải là điểm cuối cùng của một chu kỳ nhận thức mà nhận thức phải tiếp tục tiến tới thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà nhận thức có thể kiểm tra và chứng minh tính đúng đắn của nó và tiếp tục vòng khâu tiếp theo của quá trình nhận thức. Đây cũng chính là quy luật chung của quá trình con người nhận thức về hiện thực khách quan.
+ Giai đoạn từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính:
Nhận thức cảm tính là giai đoạn mở đầu của quá trình nhận thức. Đó là giai đoạn nhận thức mà con người, trong hoạt động thực tiễn, sử dụng các giác quan để tiến hành phản ánh các sự vật khách quan, mang tính chất cụ thể, cảm tính với những biểu hiện phong phú của nó trong mối quan hệ với sự quan sát của con người, ở giai đoạn này, nhận thức mới chỉ phản ánh được cái hiện tượng, cái biểu hiện bên ngoài của sự vật cụ thể, cảm tính trong hiện thực khách quan mà chưa phản ánh được cái bản chất, quy luật, nguyên nhân của những hiện tượng quan sát được. Do đó, đây chính là giai đoạn thấp của quá trình nhận thức. Trong giai đoạn này nhận thức được thực hiện qua ba hình thức cơ bản là: cảm giác, tri giác và biểu tượng.
Nhận thức lý tính là giai đoạn cao hơn của quá trình nhận thức. Đó là sự phản ánh gián tiếp, trừu tượng và khái quát những thuộc tính, những đặc điểm bản chất của sự vật khách quan. Đây là giai đoạn nhận thức thực hiện chức năng quan trọng nhất là tách ra và nắm lấy cái bản chất, có tính quy luật của các sự vật, hiện tượng. Nhận thức lý tính được thực hiện thông qua ba hình thức cơ bản là: khái niệm, phán đoán và suy lý (suy luận).
+ Mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính, nhận thức lý tính với thực tiễn:
Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là những nấc thang hợp thành chu trình nhận thức. Trên thực tế chúng thường diễn ra đan xen vào nhau trong một quá trình nhận thức, song chúng có những chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Nếu nhận thức cảm tính gắn liền với thực tiễn, với sự tác động của khách thể cảm tính, là cơ sở cho nhận thức lý tính thì nhận thức lý tính, nhờ có tính khái quát cao, lại có thể hiểu biết được bản chất, quy luật vận động và phát triển sinh động của sự vật, giúp cho nhận thức cảm tính có được sự định hướng đúng và trở nên sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, nếu dừng lại ở nhận thức lý tính thì con người mới chỉ có được những tri thức về đối tượng, còn bản thân những tri thức đó có thật sự chính xác hay không thì con người vẫn chưa thể biết được. Trong khi đó, nhận thức đòi hỏi phải xác định xem những tri thức đó có chân thực hay không. Để thực hiện điều này thì nhận thức nhất thiết phải trở về với thực tiễn, dùng thực tiễn làm tiêu chuẩn, làm thước đo tính chân thực của những tri thức đã đạt được trong quá trình nhận thức. Mặt khác, mọi nhận thức, suy đến cùng đều là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn.
+ Quy luật chung của quá trinh phát triển nhận thức:
Từ việc phân tích trên đây có thể thấy: quy luật chung của quá trình phát triển nhận thức là: ...từ thực tiễn đến nhận thức - từ nhận thức (đã có) lại trở về với thực tiễn (mới) - từ thực tiễn này lại tiếp tục quá trình phát triển của nhận thức (mới), V.V..
Quá trình này lặp đi lặp lại, không có điểm dừng cuối cùng, trong đó, trình độ của nhận thức và thực tiễn ở chu kỳ sau thường cao hơn chu kỳ trước, nhờ đó mà quá trình nhận thức đạt dần tới những tri thức ngày càng đúng đắn hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về thực tại khách quan.
Đây cũng chính là quan điểm về tính tương đối của nhận thức của con người trong quá trình phản ánh hiện thực khách quan, tiến dần tới chân lý ngày càng đầy đủ hơn.
Loigiaihay.com
- Phủ định là gì? Phủ định biện chứng là gì? Phủ định biện chứng giữ vai trò gì đối với sự phát triển? Tại sao? Thế nào là “phủ định của phủ định”? Cho ví dụ minh hoạ
- Theo phép biện chứng duy vật, các mối liên hệ có những tính chất chung nào? Cho ví dụ.
- Phép biện chứng duy vật bao gồm những nguyên lý, quy luật cơ bản nào?
- Nguyên lý về sự phát triển
- Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến
>> Xem thêm