Phân tích quan điểm duy vật lịch sử về vai trò của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội và tính độc lập tương đối của ý thức xã hội? Quan điểm đó có ý nghĩa phương pháp luận gì?


- Quan điểm duy vật lịch sử về vai trò của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội + Theo quan điểm duy vật lịch sử: tồn tại xã hội giữ vai trò quyết định ý thức xã hội. Đây là kết luận tất yếu của sự vận dụng nguyên lý vật chất quyết định ý thức vào việc phân tích lĩnh vực đời sống xã hội.

-      Quan điểm duy vật lịch sử về vai trò của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội

+ Theo quan điểm duy vật lịch sử: tồn tại xã hội giữ vai trò quyết định ý thức xã hội. Đây là kết luận tất yếu của sự vận dụng nguyên lý vật chất quyết định ý thức vào việc phân tích lĩnh vực đời sống xã hội.

+ Tính quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội được phân tích căn bản trên hai phương diện:

Một là, tồn tại xã hội nào thì ý thức xã hội đó (xét theo tính chất, đặc trưng, kết cấu, trình độ phát triển,... của ý thức xã hội).

Hai là, những biến đổi của ý thức xã hội đều có nguyên nhân sâu xa từ sự biến đổi của tồn tại xã hội, đặc biệt là sự biến đổi của phương thức sản xuất.

-     Quan điểm duy vật lịch sử về tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

Quan điểm duy vật biện chứng về xã hội không chỉ khẳng định tính quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội mà còn làm sáng tỏ những nội dung của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội. Nội dung tính độc lập tương đối của ý thức xã hội được phân tích trên các phương diện chính sau đây:

+ Thứ nhất, ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội.

Theo nguyên lý tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội thì khi tồn tại xã hội biến đổi sẽ tất yếu dẫn tới những sự biến đổi của ý thức xã hội. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, sự biến đổi của tồn tại xã hội đều ngay lập tức dẫn đến sự biến đổi của ý thức xã hội; trái lại, nhiều yếu tố của ý thức xã hội (trong đời sống tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội) có thể còn tồn tại rất lâu dài ngay cả khi cơ sở tồn tại xã hội sản sinh ra nó đã được thay đổi căn bản, sở dĩ như vậy là vì:

Một là, do bản chất của ý thức xã hội chỉ là sự phản ánh của tồn tại xã hội cho nên nói chung ý thức xã hội chỉ có thể biến đổi sau khi có sự biên đổi của tồn tại xã hội. Mặt khác, sự biến đổi của tồn tại xã hội do sự tác động mạnh mẽ, thường xuyên và trực tiếp của hoạt động thực tiễn, diễn ra với tốc độ nhanh mà ý thức không thể phản ánh kịp.

Hai là, do sức mạnh của thói quen, truyền thông, tập quán cũng như do tính lạc hậu, bảo thủ của một số hình thái ý thức xã hội.

Ba là, ý thức xã hội luôn gắn với lợi ích của những nhóm, những tập đoàn người, những giai cấp nhất định trong xã hội. Vì vậy, những tư tưởng cũ, lạc hậu thường được các lực lượng xã hội phản tiến bộ lưu giữ và truyền bá nhằm chống lại các lực lượng xã hội tiến bộ.

+ Thứ hai, ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội.

Khi khẳng định tính thường lạc hậu hơn của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội, chủ nghĩa duy vật lịch sử đồng thời thừa nhận rằng, trong những điều kiện nhất định, tư tưởng của con người, đặc biệt những tư tưởng khoa học tiên tiến có thể vượt trước sự phát triển của tồn tại xã hội, dự báo được tương lai và có tác dụng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người, hướng hoạt động đó vào việc giải quyết những nhiệm vụ mới do sự phát triển chín muồi của đời sống vật chất của xã hội đặt ra. Tuy nhiên, suy đến cùng, khả năng phản ánh vượt trước ý thức xã hội vẫn phụ thuộc vào tồn tại xã hội.

+ Thứ ba, ý thức xã hội có tính kế thừa trong sự phát triển.

Lịch sử phát triển đời sống tinh thần của xã hội cho thấy rằng, những quan điểm lý luận của mỗi thòi đại không xuất hiện trên mảnh đất trống không mà được tạo ra trên cơ sở kế thừa những tài liệu lý luận của các thời đại trước.

Do ý thức có tính kế thừa trong sự phát triển, nên không thể giải thích được một tư tưởng nào đó nếu chỉ dựa vào những quan hệ kinh tế hiện có, không chú ý đến các nai đoạn phát triển tư tưởng trước đó. Lịch sử phát triển của tư tưởng đã cho thấy những giai đoạn hưng thịnh hoặc suy tàn của triết học, văn học, nghệ thuật, v.v. nhiều khi không phù hợp hoàn toàn với những giai đoạn hưng thịnh hoặc suy tàn của kinh tế.

Trong xã hội có giai cấp, tính chất kế thừa của ý thúc xã hội gắn với tính chất giai cấp của nó. Những giai cấp khác nhau kế thừa những nội dung ý thức khác nhau của các thời đại trước. Các giai cấp tiên tiến tiếp nhận những di sản tư tưởng tiến bộ của xã hội cũ để lại.

+ Thứ tư, sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội trong sự phát triển của chúng.

Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội là một nguyên nhân làm cho trong mỗi hình thái ý thức có những mặt, những tính chất không thể giải thích được một cách trực tiếp từ tồn tại xã hội.

+ Thứ năm, ý thức xã hội có khả năng tác động trở lại tồn tại xã hội.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử không những phê phán quan điểm duy tâm (tuyệt đối hóa vai trò của ý thức xã hội) mà còn bác bỏ quan điểm duy vật tầm thường hay “chủ nghĩa duy vật kinh tế” (tức quan điểm phủ nhận tác dụng tích cực của ý thức xã hội trong đời sống xã hội). Theo Ph. Ăngghen: “Sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, v.v. đều dựa vào sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế”. Mức độ ảnh hưởng của tư tưởng đối với sự phát triển xã hội phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử cụ thể, vào tính chất của các mối quan hệ kinh tế mà trên đó tư tưởng nảy sinh, vai trò lịch sử của giai cấp mang ngọn cờ tư tưởng; vào chế độ phản ánh đúng đắn của tư tưởng đối với các nhu cầu phát triển xã hội, vào mức độ mở rộng của tư tưởng trong quần chúng, V.V.. Cũng do đó, ở đây cần phân biệt vai trò của ý thức tư tưởng tiến bộ và ý thức tư tưởng phản tiến bộ đối với sự phát triển của xã hội.

-    Ý nghĩa phương pháp luận

+ Để nhận thức đúng các hiện tượng thuộc đời sống ý thức xã hội thì một mặt, cần phải căn cứ vào tồn tại xã hội đã làm nảy sinh ra nó, mặt khác cũng cần phải giải thích các hiện tượng đó từ những phương diện khác nhau thuộc nội dung tính độc lập tương đối của chúng.

Ví dụ, chỉ có thể giải thích đúng bản chất và nguồn gốc tâm lý xã hội của con người Việt Nam truyền thông (như: tâm lý tiểu nông, coi trọng làng, xã, sinh hoạt lễ hội theo mùa,...) nếu xuất phát từ cơ sở tồn tại xã hội truyền thống của nó là phương thức canh tác lúa nước trong điều kiện trình độ kỹ thuật thủ công với hình thức tổ chức dân cư cộng đồng làng xã khép kín, tự cấp tự túc,... Sẽ là sai lầm nếu xuất phát từ cái gọi là “bản tính cố hữu” của người Việt để giải thích đời sống tâm lý đó.

+ Trong thực tiễn cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới cần phải được tiến hành đồng thời trên cả hai mặt tồn tại xã hội và ý thức xã hội, trong đó việc thay đổi tồn tại xã hội cũ là điều kiện cơ bản nhất để thay đổi ý thức xã hội cũ. Đồng thời, cũng cần thấy rằng không chỉ những biến đổi trong tồn tại xã hội mới tất yếu dẫn đến những thay đổi to lớn trong đời sống tinh thần của xã hội mà ngược lại, những tác động của đời sống tinh thần xã hội, với những điều kiện xác định cũng có thể tạo ra những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc trong tồn tại xã hội.

Ví dụ, Đảng ta trong khi coi trọng chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá để xác lập phương thức sản xuất mới ở nước ta (coi đó là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội) thì đồng thời cũng hết sức coi trọng công tác tư tưởng văn hoá. Đó là một chủ trương đúng đắn, khoa học, xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội và về tính độc lập tương đối của ý thức xã hội.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.4 trên 7 phiếu

>> Xem thêm