Văn mẫu lớp 11 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức Tổng hợp 50 bài văn Viết văn bản nghị luận về một tác p..

Viết bài văn nghị luận về vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt lớp 11


1. Mở bài - Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là một màn đối thoại góp phần phát triển cao trào của vở kịch mà còn có giá trị và ý nghĩa nhân văn lớn.

Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là một màn đối thoại góp phần phát triển cao trào của vở kịch mà còn có giá trị và ý nghĩa nhân văn lớn.

2. Thân bài

- Nhân vật Trương Ba là một hình tượng tiêu biểu đại diện cho vẻ đẹp của một tâm hồn thiện lương và trong sáng.

- Khi ông bị chết oan do Nam Tào gạch sai tên họ, được nhập vào xác hàng thịt để sống lại cuộc đời mới cũng là lúc bi kịch xảy ra:

+ Trương Ba trở nên vụng về, thô lỗ khi sống trong xác người hàng thịt

+ Trước sự thay đổi của Trương Ba → Người thân thất vọng, buồn bã, xa lánh ông.

+ Trương Ba đau khổ, day dứt khi phải sống trong cảnh ngộ bi hài mà bất hạnh ấy.

→ Mong muốn được tách ra khỏi xác người hàng thịt.

- Đối thoại với xác người hàng thịt:

+ Xác anh hàng thịt lên tiếng mỉa mai

+ Hồn Trương Ba cũng không chịu khuất phục những lời nói cay nghiệt và tàn nhẫn kia của anh hàng thịt → Đưa ra lý lẽ của mình.

+Xác anh hàng thịt đều mang nét châm chọc, chỉ trích linh hồn Trương Ba→ Trương Ba đau lòng, đuối lý, kẻ thua cuộc trong cuộc hội thoại.

- Đối thoại với Đế Thích:

+ Trương Ba muốn sống là mình toàn vẹn

+ Đế Thích khuyên Trương Ba suy nghĩ lại vì được sống vốn là điều đáng quý.

- Ý nghĩa giáo dục mang tri nhân văn của cuộc thoại:

+ Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác là cuộc đấu tranh giữa tinh thần và vật chất, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa phần " con" và phần " người" trong một bản thể

+ Con người muốn trở nên có giá trị, cần phải dung hoà cả hình thức và nội dung

+ Phê phán những lối sống chạy theo hình thức

3. Kết bài

- Bằng ngôn ngữ đối thoại giàu tính triết lý, tình huống kịch hấp dẫn, lôi cuốn người xem, Nguyễn Quang Vũ đã tạo nên một màn đối thoại đặc sắc, mang đến cho người đọc những suy ngẫm, dư âm khó phai.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Lưu Quang Vũ là một tài năng đa dạng nhưng kịch là phần đóng góp đặc sắc nhất. ông được coi là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu, một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại. “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Từ cốt truyện dân gian ông xây dựng lên một vở kịch hiện đại chứa đựng nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng và triết lí nhân sinh sâu sắc.

Vở kịch viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng, được công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Văn bản trích trong SGK thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch diễn tả sự đau khổ, dằn vặt và quyết định cuối cùng thật cao thượng của hồn Trương Ba.

Xung đột giữa hồn và xác là xung đột trung tâm của vở kịch. Đến cảnh VII, xung đột lên tới đỉnh điểm cần phải giải quyết. Sau mấy tháng sống nhờ trong xác hàng thịt một cách trái tự nhiên, hồn Trương Ba trở nên xa lạ với người thân và tự chán chính mình: “Không!Không!Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi!”. Tình huống kịch bắt đầu từ chi tiết này.

Trong khi hồn rất muốn thoát ra khỏi thân xác kềnh càng , thô lỗ của anh hàng thịt thì xác lại cứ muốn tồn tại mãi tình trạng này. Và cuộc đối thoại giữa hồn và xác diễn ra: Xác chê hồn là cao khiết nhưng vô dụng. Xác tự hào với sức mạnh đui mù của mình, tự hào đã dụ dỗ, sai khiến được hồn vào những dục vọng của mình. Lí lẽ của xác thật đê tiện nhưng cũng rất thực tế khiến hồn không có cơ sở biện bác.

Dường như xác đã thắng.Trong cuộc đối thoại với xác, hồn ngày càng đuối lí, càng ra vẻ quát tháo, nạt nộ càng chứng tỏ sự lúng túng bất lực. Trong xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba cứ bị tha hóa dần. giờ đây dù không muốn , hồn Trương Ba cũng đã trở nên thô lỗ, vụng về, phũ phàng , lạnh lùng,tàn bạo chứ không còn hiền hậu, nhẹ nhàng như Trương Ba- người làm vườn ngày xưa. Dù có trốn chạy , hồn Trương Ba không thể phủ nhận sự thay đổi đó. Sự chống đối của hồn ngày càng yếu dần.

Tuy mắng xác ti tiện nhưng hồn đành kêu trời vì phải đầu hàng tuyệt vọng. Đoạn đối thoại khẳng định ý nghĩa của sự thống nhất linh hồn và thể xác, giữa bên trong và bên ngoài. Đây là một vấn đề có tính chất khái quát cao, bao trùm nhiều mặt của đời sống xã hội. Hồn Trương Ba rơi vào bi kịch bị tha hóa, Qua tình cảnh này tác giả cảnh báo: Khi con người sống chung với dung tục sẽ bị dung tục lấn át, ngự trị và tàn phá những gì tốt đẹp cao quý của con người.

Tất cả mọi người trong gia đình dù đã cố chịu đựng để thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng ngày càng không thể chấp nhận sự thật quái gở trong nhà mình. “Cái quý giá nhất của con người là cuộc sống nhưng không phải bất cứ cách sống, kiểu sống nào. Sống mà đánh mất bản thân, sống giả dối với mọi người, với chính mình, sống như Hồn Trương Ba đang sống thì thà chết còn hơn”.

Và hồn quyết định gọi mời tiên Đế Thích Xuống trần để thực hiện mong muốn của mình. Sau cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba với tiên Đế Thích. Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hóa thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình,. Cuộc sống lại tuần hoàn theo quy luật muôn đời.

Thông qua đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc thông điệp: Được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình , sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn giá trị hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính mình, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Lưu Quang Vũ là một nhà viết kịch nổi tiếng. Một trong những vở kịch tiêu biểu của ông là “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Tác phẩm gửi gắm nhiều bài học, tư tưởng nhân văn sâu sắc.

Trương Ba giỏi đánh cờ bị chết oan do Nam Tào làm việc tắc trách. Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Đế Thích đã cho hồn Trương Ba sống lại, nhập vào xác anh hàng thịt vừa chết. Khi trú nhờ trong xác anh hàng thịt, Trương Ba gặp phải rất nhiều phiền toái như lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, ngay đến gia đình của ông cũng cảm thấy xa lạ... Bản thân Trương Ba cũng đau khổ vì phải sống trái với tự nhiên. Đặc biệt là khi xác anh hàng thịt đã làm cho Trương Ba nhiễm một vài thói xấu. Đoạn trích được học kể về cuộc đối thoại giữa Trương Ba với các nhân vật.

Đầu tiên là cuộc đối thoại giữa Trương Ba và xác hàng thịt. Bản thân Trương Ba cho rằng mình vẫn có một đời sống nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn. Ông xem xác anh hàng thịt chỉ là cái vỏ bên ngoài với sự âm u, đui mù, không có tư tưởng, không có cảm xúc, nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém. Nhưng xác hàng thịt lại cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi xác anh hàng thịt, mọi việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự chi phối của xác anh hàng thịt. Đây chính là cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng. Với cuộc đối thoại này, nhà văn đã gửi gắm thông điệp sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.

Tiếp đến, hồn Trương Ba đã có cuộc trò chuyện với những người thân trong gia đình. Trước tình cảnh của Trương Ba, mỗi người có một thái độ khác nhau. Vợ Trương Ba đau đớn trước sự thay đổi của Trương Ba: “Ông đâu còn là ông”, một mực muốn rời khỏi gia đình “đi cày thuê làm mướn ở đâu cũng được… đi biệt”. Còn cái Gái không chịu nhận ông, cho rằng ông nội của mình đã chết mà thay vào đó là một Trương Ba vô cùng vụng về, thô lỗ “Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn của ông tôi nữa!... chân ông to bè như cái xẻng, giẫm nát lên cả cây sâm quý mới ươm”. Chị con dâu tỏ ra cảm thông, chia sẻ và yêu thương với Trương Ba hơn trước nhưng vẫn không nhận ra Trương Ba của trước đây nữa. Ở một vị trí khác nhau, một thái độ khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là thấy Trương Ba đã thay đổi, không còn nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn. Để rồi, Trương Ba vỡ lẽ, nhận ra sự thay đổi của bản thân và sự lấn át của phần xác đối với phần hồn trong ông. Ông quyết định sẽ trả lại xác cho anh hàng thịt.

Chính hoàn cảnh đó đã dẫn đến cuộc đối thoại với Đế Thích. Trương Ba đã chỉ rõ cái sai của Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”. Ông bày tỏ mong muốn: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”; “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”. Mọi chuyện trở nên éo le hơn khi nghe cu Tị chết, Đế Thích đề nghị cho hồn Trương Ba nhập vào cu Tị, Trương Ba đã từ chối. Ông đã nhận ra được một loại những rắc rối đằng sau việc này: phải giải thích cho chị Lụa và người thân trong gia đình (đặc biệt là cái Gái - cháu gái của mình nhưng cũng là bạn thân của cu Tị, có khi phải sang nhà chị Lụa ở, tạo cơ hội cho bọn lý trưởng sách nhiễu, thu lợi… Cuối cùng, Trương Ba đã từ chối và yêu cầu Đế Thích để cho cu Tị sống còn mình thì chết. Đây là một cái kết hợp lí, có hậu nếu xét theo ý nghĩa đó là kết quả của cuộc đấu tranh giữa khao khát được sống, nhưng không chấp nhận cuộc sống giả dối, không được là chính mình.

Qua đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tác giả muốn gửi gắm thông điệp được sống là người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình vốn cố và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Hồn Trương Ba,da hàng thịt là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch đặt ra nhiều vấn đề nóng bỏng của xã hội lúc đó-thời điểm những năm tám mươi của thế kỉ XX. Lưu Quang Vũ đã khéo léo mượn lại một tích truyện dân gian cũ để đan cài vào đó những suy nghĩ,quan niệm,triết lí nhân văn mới mẻ và sâu sắc.

Câu chuyện bắt đầu từ khi cuộc sống của Trương Ba bắt đầu tái sinh dưới thân xác anh hàng thịt. Với truyện cổ tích, đó là một kết thúc có hậu và Trương Ba tiếp tục hạnh phúc với hình hài và thân xác mới. Tuy vậy, dưới con mắt của Lưu Quang Vũ,hiện thực cuộc đời được tái hiện theo đúng cách mà nó tồn tại. Vì thế mới nảy sinh một bi kịch mới, đó là bi kịch của một tâm hồn thanh cao,trong sáng lại phải sống chật chội trong thân xác của một anh chàng thịt phàm phu tục tử,thô lỗ,bản năng. Tuy vậy, sau ba tháng trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt, với những lí lẽ đầy cám dỗ của thân xác,tâm hồn thanh cao của Trương Ba cũng có lúc bị tha hóa,phải làm những điều trái với tư tưởng, đạo lí của mình để thỏa mãn thân xác. Đó chính là bi kịch nội tại của nhân vật.

Sống trong xác anh hàng thịt, Trương Ba nhận thấy mình ngày càng bị tha hóa và đau khổ hơn là hồn Trương Ba không thể giải quyết được mâu thuẫn đó. Bi kịch được đào sâu,tạo xung đột qua các đoạn đối thoại.

Đầu tiên là cuộc đối thoại căng thẳng, quyết liệt giữa hồn và xác. Xác-bằng những lí lẽ đầy cám dỗ và những chứng cứ xác thực đã làm cho hồn thấy rằng sự tồn tại của nó cũng có cái thú vị. Đó là cảm giác khát thèm xác thịt, cảm giác khát thèm miếng ăn, sự đắc thắng trước bạo lực. Xác anh hàng thịt cũng sắc sảo không kém khi chỉ ra: “Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người sống phải vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác”. 

Bi kịch ấy vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, qua lí lẽ của anh chàng hàng thịt, tác giả cũng hàm ý rằng, thể xác cũng có tiếng nói riêng. Đó là tiếng nói của bản năng, của đam mê, dục vọng đời thường. Vì thế, con người phải có khát vọng sống thanh cao nhưng cũng không thể tách hồn khỏi xác vật chất đời thường. Đó cũng là sự mâu thuẫn giữa khát vọng và bản năng con người.

Sau tất cả những đối thoại ấy, mỗi nhân vật bằng cách nói riêng, giọng nói riêng của mình đã khiến Hồn Trương Ba đã cảm thấy không thể chịu nổi. Và hồn đã quyết không thể khuất phục xác được nữa. Hồn Trương Ba đã phản kháng quyết liệt:” Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!. Đây là lời đối thoại có tính chất quyết định dẫn đến hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.

Qua bi kịch của hồn Trương Ba, nhà văn Lưu Quang Vũ muốn gửi đến những thông điệp đến người đọc. Đó là con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra rằng, sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa.

Màn kết, Trương Ba trở lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch, hóa thân vào các sự vật thân thương và tồn tại vĩnh cửu bên người thân. Cuộc sống trở lại quy luật tuần hoàn của muôn đời. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc quan, đồng thời gửi đến cho người đọc thông điệp và sự chiến thắng của cái Thiện cái Đẹp và sự sống đích thực.

Từ tích truyện cổ dân gian, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo nên một vở kịch có sức lôi cuốn mạnh mẽ, gửi tới người đọc một thông điệp sâu sắc về triết lí sống. Tính đa tầng, đa nghĩa, đã thanh trong vở kịch này là một sáng tạo mới của Lưu Quang Vũ. Chính sự đa hiệu ấy đã làm nên sức hấp dẫn và nguồn sống dạt dào cho vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt!

Bài tham khảo Mẫu 1

Trong làng kịch nói Việt Nam, có lẽ ai cũng biết đến Lưu Quang Vũ - một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX. Tuy có tài ở nhiều lĩnh vực như viết truyện ngắn, soạn kịch, làm thơ, vẽ tranh... nhưng ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt nam hiện đại.

Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ, đáng chú ý nhất là vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Bằng nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo, cảnh VII, đoạn cuối vở kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn đề tư tưởng sâu sắc qua nhân vật Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, công diễn lần đầu tiên năm 1984, sau đó được diễn lại nhiều lần trong và ngoài nước. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người. Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ.

Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào gạch nhầm tên mà Trương Ba chết oan. Theo lời khuyên của "tiên cờ" Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu "sửa sai" bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương Ba và một nghịch cảnh khi linh hồn mình phải trú nhờ vào người khác.

Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay thẳng của mình. Ý thức được điều đó, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Qua các cuộc đối thoại của Trương Ba, tác giả dần tạo nên một mạch truyện dẫn dắt người xem hiểu sâu hơn về Trương Ba.

Có thể nói Trương Ba đã chết một cách vô lí, ai cũng biết cái chết của Trương Ba là do sự vô tâm và tắc trách của Nam Tào. Nhưng sự sửa sai của Nam Tào và Bắc Đẩu theo lời khuyên của Đế Thích nhằm trả lại công bằng cho Trương Ba lại đẩy Trương Ba vào một nghịch cảnh vô lý hơn là linh hồn mình phải trú nhờ trong thể xác của kẻ khác. Do phải sống nhờ thể xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba đành phải chiều theo một số nhu cầu hiển nhiên của xác thịt.

Linh hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính ngay thẳng của Trương Ba xưa kia, nay vì phải sống mượn, vá lắp, tạm bợ và lệ thuộc nên chẳng những đã không sai khiến được xác thịt thô phàm của anh hàng thịt mà trái lại còn bị cái xác thịt ấy điều khiển. Đáng sợ hơn, linh hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt anh đồ tể. Hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ (Những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với ước nguyện khắc khoải).

Hồn bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng lắm. Hồn Trương Ba cũng càng lúc càng rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng. Ý thức được điều đó linh hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt để tồn tại độc lập, không lệ thuộc vào thể xác.

Xác hàng thịt biết rõ những cố gắng đó là vô ích, đã cười nhạo hồn Trương Ba, tuyên bố về sức mạnh âm u, đui mù ghê gớm của mình, ranh mãnh dồn hồn Trương Ba vào thế đuối lí và hơn nữa, ve vãn hồn Trương Ba thỏa hiệp vì, theo lí lẽ của xác thịt là "chẳng còn cách nào khác đâu", vì cả hai "đã hoà vào nhau làm một rồi". Trước những "lí lẽ ti tiện" của xác thịt, Trương Ba đã nổi giận, đã khinh bỉ, đã mắng mỏ xác thịt hèn hạ nhưng đồng thời cũng ngậm ngùi thấm thía nghịch cành mà mình đã lâm vào, đành nhập trở lại vào xác thịt trong tuyệt vọng.

Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác hàng thịt ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ. Một bên đại diện cho sự trong sạch, nhân hậu và khát vọng sống thanh cao, xứng đáng với danh nghĩa con người và một bên là sự tầm thường, dung tục. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh một vấn đề giàu tính triết lí, thể hiện cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người.

Từ đó nói lên khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân. Màn đối thoại này cho thấy: Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống chung với sự dung tục và bị sự dung tục đồng hoá. Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả cảnh báo: khi con người phải sống trong dung tục thì tất yếu cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ thắng thế, sẽ lấn át và sẽ tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý trong con người.

Không phải ngẫu nhiên, tác giả không đưa anh con trai thực dụng của Trương Ba vào cuộc đối thoại của Trương Ba với những người thân. Các cuộc đối thoại với vợ con dâu và cháu gái càng làm cho Trương Ba đau khổ hơn. Ông hiểu những gì mình đã, đang và sẽ gây ra cho người thân là rất tệ hại mặc dù ông không hề muốn điều đó. Thái độ của vợ trương Ba, con đâu và cháu gái trước sự biến đổi và tha hoá của Trương Ba.

Vợ Trương Ba buồn bã, đau khổ nhưng vốn bàn tính vị tha nên định nhường Trương Ba cho cô vợ anh hàng thịt. Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị cảm thấy thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Chị biết ông khổ lắm, "khổ hơn xưa nhiều lắm".

Những nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình "như sắp tan hoang ra cả" khiến chị không thể bấm bụng mà đau, chị đã thốt thành lời cái nỗi đau đó: "Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nối có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa...".

Trái lại, cái Gái, cháu Trương Ba thì phản ứng quyết liệt và dữ dội. Tâm hồn tuổi thơ vốn trong sạch, không chấp nhận sự tầm thường, dung tục nên không chấp nhận người ông trong thể xác anh hàng thịt thô lỗ. Cái Gái, cháu ông giờ đây đã không cần phải giữ ý. Nó một mực khước từ tình thân (tôi không phải là cháu ông... Ông nội tôi chết rồi). Cái Gái yêu quý ông nó bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có "bàn tay giết lợn", bàn chân "to bè như cái xẻng" đã làm "gãy tiệt cái chồi non", "giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm" trong mảnh vườn của ông nội nó.

Nó hận ông vì ông chữa cái diều cho cu Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong cơn sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó, "Ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy". Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!". Tuy nhiên, họ chỉ là những người dân thường, họ không giúp gì được cho tình trạng hiện tại của Trương Ba.

Tình huống kịch thúc đẩy Trương Ba phải lựa chọn và sau màn độc thoại nội tâm (hồn Trương Ba thách thức xác anh hàng thịt: "có thật là không còn cách nào khác?" và phản kháng quyết liệt: "Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!"). !". Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định dẫn tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.

Gặp lại Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, không chấp nhận cái cảnh phải sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo nữa và muốn được là mình một cách toàn vẹn "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Qua lời thoại này của nhân vật Trương Ba. Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm vào đó thông điệp: Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hoà. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục tội lỗi.

Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng đổ lỗi cho thân xác và tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Lúc đầu Đế Thích ngạc nhiên nhưng khi hiểu ra thì khuyên Trương Ba nên chấp nhận vì thế giới vốn không toàn vẹn, dưới đất, trên trời đều thế cả. Nhưng Trương Ba không chấp nhận lí lẽ đó. Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: "Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt.

Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết". Sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Lòng tốt hời hợt thì chẳng đem lại điều gì thực sự có ý nghĩa cho ai mà sự vô tâm còn tệ hại hơn, nó đẩy người khác vào nghịch cảnh, vào bi kịch!

Đế Thích định tiếp tục sửa sai của mình và của Tây Vương Mẫu bằng một giải pháp khác, tệ hại ít hơn là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị nhưng Trương Ba đã kiên quyết từ chối, không chấp nhận cái cảnh sống giả tạo, mà theo ông là chỉ có lợi cho đám chức sắc tức lão lí trưởng và đám trương tuần, không chấp nhận cái cuộc sống mà theo ông là còn khổ hơn là cái chết. Trương Ba kêu gọi Đế Thích hay sửa sai bằng một việc làm đúng, đó là trả lại linh hồn cho bé Tị.

Đế Thích cuối cùng cũng đã thuận theo đề nghị của Trương Ba với lời nhận xét: "Con người hạ giới các ông thật kì lạ". Người đọc, người xem có thể nhận ra những ý nghĩa triết lí sâu sắc và thấm thía qua hai lời thoại này. Thứ nhất, con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn.

Thứ hai, sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước lúc Đế Thích xuất hiện.

Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa kín đáo và sâu sắc về thời chúng ta đang sống. Tuy vậy, chỉ cần nhấn mạnh ở đây vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo để bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, hợp với lẽ tự nhiên cùng sự hoàn thiện nhân cách. Chất thơ của kịch Lưu Quang Vũ cũng được bộc lộ ở đây.

Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hoá thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cuộc sống lại tuần hoàn theo quy luật của muôn đời. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc quan đồng thời truyền đi thông điệp về sự chiến thắng của cái Thiện, cái Đẹp và của sự sống đích thực.

Không chí có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, trong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ: Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển.

Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán. Ngoài ra, vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi.

Bài tham khảo Mẫu 2

Một triết gia người Đức đã từng nói: “Anh phải trở về cái gì của chính anh”. Câu nói ấy là tiếng nói phải được sống là chính mình để trở thành một con người hoàn thiện. Tiếng nói ấy cũng gợi chúng ta nghĩ tới vở kịch “ Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, thông qua nhân vật Hồn Trương Ba cũng bật lên tiếng gọi, lời khẩn cầu tha thiết được sống là chính mình “Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Chỉ với câu nói ấy nhưng cũng toát lên một nỗi niềm, nỗi bi kịch đau đớn cùng khát vọng chính đáng của chính nhân vật Hồn Trương Ba.

Trước tiên, xét về thể loại văn học, bi kịch có thể được hiểu là một thể loại kịch trong đó chứa đựng những mâu thuẫn, xung đột căng thẳng, gay gắt giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu, giữa cái cao cả và cái thấp hèn do vậy mà nhân vật bi kịch thường xuất phát điểm là những con người hiền lành, lương thiện do các yếu tố chủ quan hay khách quan bị đẩy vào bi kịch, khiến mình trở nên khác đi không còn giống như ban đầu song họ vẫn ý thức được điều đó nên bị rơi vào trạng thái đau khổ, bế tắc, trăn trở tìm lối thoát cho mình nhưng kết thúc thường là cái chết của nhân vật.

Soi chiếu cách hiểu trên vào nhân vật Hồn Trương Ba, ta nhận thấy nhân vật ấy là một nhân vật bi kịch. Đó là nỗi bi kịch tinh thần đau đớn của nhân vật. Bi kịch ấy xuất phát từ nỗi niềm muốn sửa sai của Đế Thích-một quan nhà trời và là bạn chơi cờ của ông Trương Ba đã nhập hồn Trương Ba vào xác anh hàng thịt. Từ đây mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh, một con người mà được kết hợp bởi hai thực thể hoàn toàn đối lập, trái ngược nhau. Một Trương Ba yêu thiên nhiên, yêu gia đình, hòa nhã với mọi người, có tài đánh cờ giỏi lại kết hợp với xác anh hàng thịt là một tên đồ tể giết lợn, thô lỗ, cộc cằn, ham rượu, ham đàn bà. Giữa hai thực thể đối lập nhau đã dần dần khiến Hồn Trương Ba tha hóa, biến chất. Hồn người này kết hợp với xác người kia là việc đi ngược lại với quy luật tự nhiên vốn có, một sự áp đặt tùy tiện, máy móc. Cuối cùng Hồn Trương Ba biến chất một cách đau đớn, thảm hại, xót xa. Về hành động, Trương Ba không còn thường hay đánh cờ nữa, trí tuệ không còn được minh mẫn, sáng suốt. Là một người làm vườn, cây cối vốn là một thứ mà trước đây ông hết sức yêu quý và nâng niu, nay ông còn phá hoại cả chúng trên thân xác xù xì, thô kệch và nặng nề của anh hàng thịt: “ông làm gãy tiệt cái chồi non… chân ông giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong vườn, còn “làm hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý”, “lãm gãy cả nan rách giấy” thậm chí “Trương Ba tát người con trai toét máu mồm, máu mũi”. Về cách sống, dường như tính cách Trương Ba thay đổi hẳn, không còn hiền hậu, vui vẻ, tốt bụng với những người trong gia đình và cả với mọi người xung quanh. Ông trở nên cộc cằn, thô lỗ, lại còn bị thân xác lấn át khi ham muốn vợ anh hàng thịt, đứng cạnh vợ anh hàng thịt, ông cảm thấy “tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực”. Như vậy từ hành động tới cách sống của Hồn Trương Ba hoàn toàn biến mất, tha hóa chính là nỗi đau đớn của Hồn Trương Ba. Bởi vì ông hiểu rằng cái tôi của mình trước đây, của một người làm vườn vốn là biểu tượng của cái đẹp song giờ đây, con người ấy lại hòa vào xác anh hàng thịt lại là biểu tượng của sự thô lỗ, cộc cằn, hung bạo, ham dục vọng thì thử hỏi làm sao mà không tha hóa, biến chất sao được. Chính Hồn Trương Ba đã phải bộc lộ rằng: “Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Lời nói của Hồn Trương Ba biểu hiện nỗi day dứt, giày vò khi con người ngày trước bị biến mất hoàn toàn, quyết liệt bày tỏ với một thái độ dứt khoát “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời mi ngay tức khắc”. Không dừng lại ở đó, Hồn Trương Ba còn bộc lộ sự ghê tởm, chán chường của mình trước thân xác của anh hàng thịt “Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng” , ta sẽ “tách ra khỏi cái xác này dù chỉ là một lát”. Qua những suy nghĩ và lời nói của nhân vật Hồn Trương Ba ta có thể thấy rõ Lưu Quang Vũ đã đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật, thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau đớn của Hồn Trương Ba.

Song bi kịch của Hồn Trương Ba không chỉ dừng lại ở đó, ông lại lâm vào bi kịch thứ hai có phần đau đớn hơn bi kịch trước. Đó là khi ông bị gia đình nghi ngờ, xem thường và xa lánh. Tất cả mọi người thân trong gia đình từ người vợ, người con trai cả, đứa cháu gái và cả người con dâu ai ai cũng xa lạ, nghi ngờ và xem thường ông vì họ không tìm thấy ở ông một ông Trương Ba làm vườn của ngày trước hiền lành, đôn hậu. Khi Hồn Trương Ba gần vợ anh hàng thịt khiến ông “tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực” biểu thị sự ham muốn trỗi dậy không còn “sự hiền lành, vui vẻ, tốt lành” như xưa, đến nỗi cả vợ ông khi nhìn thấy chồng mình trước tình cảnh như thế, vừa thương vừa giận vừa ghen và muốn xa lánh ông ngay lập tức. Bà vợ đã tâm sự thẳng thắn với ông: “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa” và bà quyết định “ Có lẽ tôi phải đi… đi cấy thuê, làm mướn, ở đâu cũng được…, đi biệt… Để ông được thảnh thơi… với cô vợ hàng thịt… Còn hơn là thế này…”. Những suy nghĩ này của vợ Trương Ba xuất phát từ nỗi đau trong tâm hồn người vợ, khi biết chồng mình đâu còn là con người của trước đây. Rồi người con trai cả, trước kia đều vâng lời lắng nghe ý kiến của cha nhưng nay anh lại “quyết định, dứt khoát sẽ bán khu vườn để có tiền mở thêm vốn liếng cửa hàng thịt” dù Hồn Trương Ba không chấp nhận. Và hình ảnh cái Gái vốn rất yêu thương, kính mến ông nội nay cũng không thừa nhận ông đồng thời lên án sự thô bạo, tàn nhẫn, giẫm nát cây cối trong vườn, phá hỏng cái diều của cu Tị và phẫn nộ hét lên: “Ông xấu lắm, ác lắm ! Cút đi ! Lão đồ tể cút đi !” rồi lại nói tiếp: “Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông”. Ngay cả người con dâu cảm thông, hiểu rõ nỗi đau khổ của bố chồng nhưng sâu trong thâm tâm vẫn nghi ngờ người bố chồng hiện nay. Người con dâu đã tâm sự với ông: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Lời tự bạch của người con dâu rất đỗi chân thật, cảm thông nỗi khổ của bố chồng khi đánh mất những gì tốt đẹp của ngày xưa rồi cô lại tiếp tục nói: “Thầy ơi! Làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con ngày xưa”. Hàng loạt những suy nghĩ từ người thân trong gia đình đã chứng tỏ ai ai cũng xa lánh, nghi ngờ, xem thường Trương Ba hiện tại.Như vậy, giữa hai thực thể là người làm vườn biểu tượng cho cái đẹp và thân xác tên đồ tể biểu tượng cho cái xấu, cái ác đã làm cho Trương Ba không còn nguyên vẹn “hồn nào xác ấy” như xưa được nữa.

Chính vì lâm vào hai bi kịch như trên, Hồn Trương Ba đã mời Đế Thích về để tỏ bày khát vọng chính đáng của mình: “Không thể sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Hồn Trương Ba tha thiết xin trả lại xác anh hàng thịt và cho mình được chết vì ông nghĩ rằng: “ Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn”. Nhưng Đế Thích vẫn muốn để Trương Ba được sống để tiếp tục có người đánh cờ cùng, có người khen mình là tiên cờ nên đã đề nghị Hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị ( con chị Lụa ) vừa mới chết. Nhưng cách giải quyết này của Đế Thích cũng vẫn là cách đi ngược lại với quy luật của tạo hóa, đâu khác chi với hoàn cảnh thực tại của mình. Và Hồn Trương Ba đã yêu cầu Đế Thích cho anh hàng thịt và cu Tị được sống, được trở về với gia đình và để Trương Ba chết. Hồn Trương Ba nói: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. Lời nói ấy càng cho thấy rõ sự tắc trách của các quan nhà trời, càng sửa lại càng sai, càng làm cho con người rơi vào bế tắc, đau khổ, đánh mất chính mình. Suy nghĩ của Hồn Trương Ba, dù không còn trên cõi đời này nhưng hình ảnh một ông Trương Ba hiền hậu, vui vẻ sẽ mãi sống trong lòng mọi người với tình yêu thương và lòng kính trọng. Đó chính là một khát vọng sống chính đáng. Vở kịch khép lại, kết thúc bằng cái chết của nhân vật Trương Ba nhưng lại lấp lánh tính nhân văn, triết lý. Đó là một hướng giải quyết phù hợp với lẽ tự nhiên, với quy luật đạo đức với con người.

Làm nên sự thành công của vở kịch, ta không thể không nhắc tới nghệ thuật xây dựng tình huống đầy kịch tính, lời thoại nhân vật sống động, chân thật, đi sâu vào nội tâm nhân vật để khắc họa lên nhân vật Hồn Trương Ba với những bi kịch nhưng đậm chất nhân văn. Lưu Quang Vũ đã thổi vào nền kịch nói Việt Nam sau 1975 một làn gió mới. Và chắc chắn sức sống của nó sẽ còn mãi trong lòng bạn đọc đến hôm nay và cả mai sau.

Bài tham khảo Mẫu 3

Lưu Quang Vũ là một người đa tài, ông hoạt động trong hầu hết lĩnh vực nghệ thuật. Ông vừa có thể viết truyện, làm thơ, am hiểu về hội họa… song có lẽ dấu ấn của ông được khẳng định rõ nhất qua kịch. Kịch của Lưu Quang Vũ giàu tính triết lí mang đậm ý nghĩa nhân văn. Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng là một tác phẩm như thế. Đăc biệt đoạn trích cảnh VII của vở kịch thể hiện sáng rõ giá trị nhân văn của toàn vở kịch khi diễn ra xung đột gay gắt giữa hồn và xác và được đẩy lên tới đỉnh điểm.

Trước hết, giá trị nhân văn của một tác phẩm có thể được hiểu là vẻ đẹp, phần sáng trong một con người song phần đẹp đẽ của một con người chỉ thực sự được bộc lộ khi được đặt vào các mâu thuẫn, sự đấu tranh trong hoàn cảnh cụ thể. Ở đó nhân vật luôn cố gắng thoát ra khỏi những bóng tối, những cái xấu xa để khẳng định bản thân mình, vươn tới những giá trị đẹp nhất trong xã hội. Nói như thế, phần nổi bật của giá trị nhân văn là giá trị về tinh thần của con người như: trí tuệ, phẩm giá, nhân cách, tâm hồn… Giá trị nhân văn được xem như là thước đo giá trị văn học của mọi thời đại.

Hiểu như thế, ta nhận thấy giá trị nhân văn của cảnh VII của vở kịch được khắc họa rõ nét qua nhân vật Trương Ba. Trương Ba là hiện thân của một con người tốt bụng, sống thanh tao và đặc biệt có biệt tài là chơi cờ rất giỏi. Ông là người thường chơi cờ với Đế Thích và hai người trở thành bạn của nhau. Tuy nhiên, do thiếu tinh thần trách nhiệm, tắc trách trong công việc của mình, các quan nhà trời đã gạch tên Trương Ba ở hạ giới khiến ông Trương Ba bị chết oan. Để sửa sai, Đế Thích cũng là một quan nhà trời đã cho hồn Trương Ba sống lại bằng cách nhập vào xác anh hàng thịt mới chết được một ngày. Từ đây, xung đột mâu thuẫn ở trong nhân vật hồn Trương Ba nảy sinh một cách gay gắt. Nhưng chính mâu thuẫn, sự đấu tranh ấy lại làm ngời sáng giá trị nhân văn của tác phẩm.

Hình ảnh một ông Trương Ba ngồi một mình ôm đầu hồi lâu đã cho chúng ta sự chán nản, tuyệt vọng trong tâm hồn. Hồn Trương Ba cảm thấy nỗi đau đớn của chính mình khi con người thật của mình đã bị đánh mất. Về hành động, Trương Ba không còn thường hay đánh cờ nữa, trí tuệ không còn được minh mẫn, sáng suốt. Là một người làm vườn, cây cối vốn là một thứ mà trước đây ông hết sức yêu quý và nâng niu, nay ông còn phá hoại cả chúng trên thân xác xù xì, thô kệch và nặng nề của anh hàng thịt : “ông làm gãy tiệt cái chồi non… chân ông giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong vườn, còn “làm hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý”, “lãm gãy cả nam rách giấy” thậm chí “Trương Ba tát người con trai toét máu mồm, máu mũi”. Về cách sống, dường như tính cách Trương Ba thay đổi hẳn, không còn hiền hậu, vui vẻ, tốt bụng với những người trong gia đình và cả với mọi người xung quanh. Ông trở nên cộc cằn, thô lỗ, lại còn bị thân xác lấn át khi ham muốn vợ anh hàng thịt, đứng cạnh vợ anh hàng thịt, ông cảm thấy “tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực”. Như vậy từ hành động tới cách sống của Hồn Trương Ba hoàn toàn biến mất, tha hóa chính là nỗi đau đớn của Hồn Trương Ba. Bởi vì ông hiểu rằng cái tôi của mình trước đây, của một người làm vườn vốn là biểu tượng của cái đẹp song giờ đây, con người ấy lại hòa vào xác anh hàng thịt lại là biểu tượng của sự thô lỗ, cộc cằn, hung bạo, ham dục vọng thì thử hỏi làm sao mà không tha hóa, biến chất sao được. Giá trị nhân văn của tác phẩm lại nằm ở chỗ nhà viết kịch không để Hồn Trương Ba trượt dài trên sự tha hóa, biến chất của thân xác vốn không thuộc về mình, không phải là của mình. Một Trương Ba bị gia đình nghi ngờ, cảm thấy xa lạ, xa lánh nên nhân vật nhận thức rõ điều ấy và không muốn sống một cuộc sống lay lắt, sống dở, chết dở. Hồn Trương Ba quyết tìm gặp Đế Thích để nói lên khát vọng sống đích thực của mình là đòi lại quyền làm người, quyền sống thích đáng của con người. Trong cuộc nói chuyện, Hồn Trương Ba đã lên tiếng phê phán thói ích kỉ của Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!” và bày tỏ ước vọng của mình là muốn được chết vì chỉ có cái chết mới trả lại con người đích thực của Hồn Trương Ba, mới có thể tìm lại một Trương Ba tốt đẹp trong mắt mọi người xung quanh như xưa. Đối với Trương Ba, cái chết là một sự giải thoát thể hiện tinh thần phản kháng, đấu tranh đòi lại quyền làm người, đòi lại một người yêu thiên nhiên, yêu gia đình, yêu mọi người. Với khát vọng “ Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” thì đó lại là một cái chết đẹp. Tiếng nói ấy là một tiếng nói hết sức chính đáng, sống đúng với tư cách của một con người là một phẩm chất đẹp. Hồn Trương Ba quyết liệt tìm đến cái chết : “Tôi không nhập vào hình thù của ai nữa. Tôi đã chết rồi hãy để tôi chết hẳn”. Và ông còn quả quyết khi đưa ra lời đe dọa với Đế Thích “ Nếu ông không giúp, tôi sẽ nhảy xuống sông, hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất…”. Những lời nói phản kháng quyết liệt của Hồn Trương Ba khi đối diện với Đế Thích càng thấy rõ sức sống tiềm tàng trong con người Hồn Trương Ba thật mãnh liệt để tìm lại chính mình, đòi lại quyền làm người thích đáng của mình khi đã bị các quan nhà trời tước đoạt là phẩm chất tốt đẹp ở nhân vật này.

Một phẩm chất tốt đẹp nửa của Hồn Trương Ba cũng được bộc lộ ở ông đó là tình yêu thương con người. Khi Đế Thích vẫn muốn níu kéo sự sống của Hồn Trương Ba bằng cách đưa ra lời gợi ý, lời khẩn cầu sống trên thân xác của cu Tị hàng xóm trong cơn thập tử nhất sinh, Hồn Trương Ba đã không đồng ý và cùng lúc ấy ông đã xin trả lại sự sống cho anh hàng thịt và cu Tị. Dù Hồn Trương Ba nhận thấy thân xác của anh hàng thịt đã từng cười cợt, ngạo mạn, xem thường, miệt thị Hồn Trương Ba. Nếu không có hắn, Hồn Trương Ba có lẽ sẽ không bị rơi vào tình trạng đau đớn, day dứt, giày vò. Nhưng nguyện vọng của Hồn Trương Ba vẫn xin cho anh hàng thịt được sống, được trở về với gia đình, vợ con đã thể hiện một tấm lòng bao dung, nhân hậu, yêu thương con người của Hồn Trương Ba. Hồn Trương Ba đã lấy ân báo oán, xóa bỏ thù hận trước kia bởi ông hiểu rõ nỗi đau của người vợ khi mất chồng và nỗi đau của người mẹ khi mất con từ đó yêu cầu tha thiết Đế Thích trả lại sự sống cho anh hàng thịt và cu Tị là một phẩm chất đáng quý.

Để khắc họa lên bản chất tốt đẹp trong sâu thẳm con người của Hồn Trương Ba khiến cho vở kịch mang đậm giá trị nhân văn, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được tình huống đầy kịch tính, lời thoại của nhân vật chân thật, sinh động, lôi cuốn, đi sâu vào nội tâm nhân vật với sự đấu tranh mâu thuẫn phức tạp, giằng xé. Kịch bản đã nêu lên được thông điệp: Phải tôn trọng quyền làm người, quyền sống của con người và không có sự áp đặt tùy tiện làm cho con người tha hóa, đánh mất chính mình cũng là ý nghĩa nhân văn của vở kịch.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí