Văn mẫu lớp 11 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức Hướng dẫn Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ t..

Hướng dẫn cách làm văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật, văn học (truyện, thơ, kịch) lớp 11


-Dạng bài: Nghị luận -Khái niệm cần làm rõ + Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật là phân tích, bình luận một tác phẩm văn học hoặc một vở kịch, bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng…

Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Hướng dẫn phân tích để bài

-Dạng bài: Nghị luận

-Khái niệm cần làm rõ 

+ Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật là phân tích, bình luận một tác phẩm văn học hoặc một vở kịch, bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng…

+ Bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật thường nêu lên những cảm nhận, suy nghĩ về nội dung và hình thức, những ưu điểm, hạn chế của tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, người viết nhận xét, đánh giá về tác phẩm được bàn luận. 

-Yêu cầu: Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật, văn học (truyện, thơ, kịch)

+ Nêu được những thông tin khái quát về tác phẩm nghệ thuật sẽ bàn tới trong bài viết (tác giả, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, đánh giá của công chúng,…)

+ Xác định rõ nội dung và hệ thống luận điểm sẽ triển khai: miêu tả chung về tác phẩm bằng ngôn ngữ phù hợp với loại hình nghệ thuật của nó; phân tích tác phẩm trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật; đánh giá tổng quát; gợi ý về các tiếp cận phù hợp đối với tác phẩm;…

+ Phối hợp linh hoạt giữa việc trình bày lí lẽ và nêu bằng chứng cụ thể

+ Thể hiện được sự rung động trước tác phẩm và sự đồng cảm đối với tác giả

Dàn bài chung Mẫu 1

1. Nghị luận về một tác phẩm truyện /kịch 

Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm truyện/ tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,…), - - Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá 

Thân bài 

- Tóm tắt nội dung chính của tác phẩm truyện/ tác phẩm kịch

- Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện sự trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm 

- Phân tích đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi phân tích, đánh giá đều cần những chi tiết tiêu biểu được dẫn ra từ tác phẩm. 

Kết bài 

- Khái quát nội dung chính đã trình bày ở thân bài, khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm, đưa ra một số ý tưởng mở rộng…

Dàn bài chung Mẫu 2

2. Nghị luận về một bài thơ/ đoạn thơ 

Mở bài 

- Khái quát vị trí của tác phẩm của tác giả nào, nằm trong tập thơ, thời kỳ nào.

- Tóm tắt khái quát nội dung chính của đoạn thơ, bài thơ.

- Nêu lên vấn đề cần bàn luận (Có thể là giá trị mà tác phẩm đem lại là gì?).

Thân bài

- Tóm tắt thông tin về tác giả (vị trí, phong cách sáng tác)

- Tóm tắt tác phẩm (xuất xứ, hoàn cảnh). Khái quát vị trí của tác phẩm nằm trong giai đoạn nào của lịch sử, đặc trưng của thời kỳ đó, bối cảnh lịch sử có ảnh hưởng đến bài thơ, đoạn thơ hay không.

- Trích dẫn một phần hoặc toàn bộ văn bản.

- Làm rõ nội dung:hình ảnh thơ, từ ngữ đặc biệt, làm rõ nghệ thuật, dụng ý của tác giả, thể thơ, giọng điệu, biện pháp tu từ,…

- Liên hệ mở rộng

- Đánh giá chung về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.

- Thông điệp của tác giả

Kết bài

- Đưa ra đánh giá về giá trị tác phẩm trong giai đoạn văn học. Liệu tác phẩm có còn giá trị cho đến ngày nay hay không?

- Cảm xúc, nhận xét của bản thân về bài thơ, đoạn thơ.

Ví dụ minh họa Mẫu 1

Đề 1: Cảm nhận về giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật của “Vĩnh biệt cửu Trùng Đài”

a.Dàn ý chi tiết 

1. Mở bài

- Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Huy Tưởng: Ông là một tác giả có thiên hướng khai thác những đề tài lịch sử khi sáng tác và có những đóng góp to lớn cho thể loại tiểu thuyết và kịch

- Giới thiệu đoạn trích Vĩnh biệt Cửu trùng đài: Đoạn trích được trích trong hồi V của một vở kịch 5 hồi thành công của Nguyễn Huy Tưởng – Vũ Như Tô

2. Thân bài

a. Những mâu thuẫn xung đột cơ bản của vở kịch

- Mâu thuẫn thứ nhất:

- Mâu thuẫn: nhân dân lao động khốn khổ lầm than >< bọn hôn quân bạo chúa và phe cánh của chúng sống xa hoa truỵ lạc.

Mâu thuẫn vốn có từ trước, đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài thì nó biến thành xung đột căng thẳng, gay gắt.

- Mâu thuẫn thứ hai

+ Vũ Như Tô - Kiến trúc sư - nghệ sĩ: Tâm huyết, hoài bão, muốn đem lại cái đẹp cho muôn đời.

+ Mượn uy quyền, tiền bạc của vua để thực hiện hoài bão lớn lao → mục đích chân chính >< con đường thực hiện mục đích sai lầm Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy muôn đời và lợi ích thiết thực của nhân dân

Đẩy Vũ Như Tô vào bi kịch không lối thoát

b. Nhân vật Vũ Như Tô

- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài khát khao say mê sáng tạo cái đẹp:

+ Ông là người “ngàn năm chưa dễ có một”

+ Tài năng của ông được thể hiện: “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện lên”, “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây dựng lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”

- Là một nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả.

+ Ban đầu, dù Lê Tương Dực dọa giết, Vũ như Tô vẫn kiên quyết từ chối xây Cửu trùng đài.

+ Mong muốn và hòa bão của ông chính là xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại và bền vững khát khao cống hiến tài năng cho đất nước

+ Khi đã xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô dồn hết tâm sức

- Vũ Như Tô là người không hám lợi: vua ban thưởng ông đã đem chia hết cho thợ

- Tuy nhiên, lí tưởng, ước mơ của ông hoàn toàn thoát li khỏi hoàn cảnh lịch sử xã hội của đất nước, xa rời đời sống nhân dân

Tâm trạng bi kịch đầy căng thẳng: xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai?

Vũ Như Tô là một nhân vật bi kịch bởi đã mang trong mình không chỉ những say mê khát vọng lớn lao mà còn cả nhưng lại lầm lạc trong suy nghĩ và hành động.

Sự thức tỉnh của ông chỉ diễn ra vào phút cuối khi mà ông và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đập phá

c. Nhân vật Đan Thiềm

- Vũ Như Tô mê cái đẹp, Đan Thiềm mê cái tài Đan Thiềm là tri kỉ, tri âm duy nhất ở triều đình của Vũ Như Tô

- Luôn động viên, khích lệ, giúp đỡ Vũ Như Tô xây đài, bảo vệ đài.

- Là con người luôn tỉnh táo: Biết chắc Đài không thành, tìm cách bảo vệ an toàn tính mạng cho Vũ Như Tô, khuyên Vũ bỏ trốn.

- Sẵn sàng đổi mạng sống của mình cứu Vũ Như Tô, đau đớn khi không thể cứu được người tài.

Đan Thiềm là nhân vật sống chết hết mình vì cái tài, cái đẹp.

d. Sự giải quyết mâu thuẫn, xung đột

- Mâu thuẫn 1 : giải quyết dứt khoát bằng cảnh quân nổi loạn đốt Cửu Trùng Đài, giết vua …

- Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu và lợi ích thiết thực của nhân dân: chưa được giải quyết .

Vũ Như Tô có tội hay công, chúng ta không trả lời được, tác giả mới chỉ nêu vấn đề

e. Nghệ thuật

- Ngôn ngữ tập trung phát triển cao, hành động dồn dập đầy kịch tính.

- Ngôn ngữ cao đẹp có sự tổng kết cao, nhịp điệu lời thoại nhanh.

- Tính cách tâm trạng nhân vật bộc lộ rõ nét qua ngôn ngữ hành động.

- Các lớp kịch được chuyển tự nhiên, linh hoạt liền mạch.

3. Kết bài

- Khái quát lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

- Đoạn trích đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn thuở về cái đẹp, và mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhân dân, đồng thời tác giả bày tỏ niềm cảm thông, trân trọng đối với nghệ sĩ tài năng, giàu khát vọng nhưng lại rơi vào bi kịch.

b.bài làm tham khảo 

Bài làm mẫu số 1

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một tác giả nổi tiếng với những tác phẩm mang tính lịch sử. Ông có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam ở lĩnh vực tiểu thuyết và kịch. Nhiều tiểu thuyết của ông đã được dựng thành phim như Đêm hội long trì. Ông có nhiều vở kịch nổi tiếng trong đó có tác phẩm Vũ Như Tô với 5 hồi. Trong trương trình Ngữ văn 11, Bộ Giáo dục đã đưa hồi 5 của vở kịch vào giảng dạy với tên gọi Vĩnh biệt cửu trùng đài.

Đoạn trích về đoạn cuối cuộc đời của kiến trúc sư nổi tiếng Vũ Như Tô. Khi ông xây dựng Cửu trùng đài cho vua hôn quân Lê Tương Dực. Phân tích Vĩnh biệt cửu trùng đài, độc giả sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh của chế độ phong kiến thối nát thời vua Lê chúa Trịnh. Thấy được sự cơ cực lầm than của dân và những con người tài hoa, nghệ sĩ.

Mâu thuẫn đầu tiên mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói tới đó là mâu thuẫn giữa nhân dân lao động lầm than, khốn khổ với bọn hôn quân vô đạo, cường hào quan lại với lối sống xa hoa trụy lạc. Căng thẳng này đã ủ mầm từ trước đó, nhưng tới khi vua Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô phải xây Cửu trùng đài thì mâu thuẫn đó bị đẩy lên cao trào, đỉnh điểm.

Mâu thuẫn thứ hai đó chính là giữa những con người tài hoa nghệ sĩ giỏi như kiến trúc sư Vũ Như Tô. Ông là một người nghệ sĩ chân chính. Ông có hoài bão, ước vọng và tâm huyết muốn cống hiến, đem lại cái đẹp cho đời.

Thế nhưng, Lê Tương Dực cùng bè lũ tay sai lại mượn uy quyền, tiền bạc của mình để làm những việc mà chúng cho là ước mơ lớn. Chúng ép dân, vơ vét của cải, bắt dân lao động cực khổ để thực hiện thú vui của chúng.

Đó là mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật chân chính, cao siêu với lợi ích thiết thực trong cuộc sống của nhân dân.

Từ những điều đó, đã đẩy Vũ Như Tô và Cửu trùng đài vào bi kịch thảm hại không lối thoát. Vũ Như Tô là một trong những mấu chốt làm nên Cửu trùng đài. Ông vốn là một kiến trúc sư thiên tài, luôn có đam mê sáng tạo vì cái đẹp. Ông được người đời nhận xét là “ngàn năm chưa dễ có một”. Tài năng của Vũ Như Tô được Nguyễn Huy Tưởng kể lại “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện lên”, “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây dựng lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”. Không những tài hoa, ông còn là một nghệ sĩ có nhân cách lớn lao. Ông là người có khát vọng, có lý tưởng nghệ thuật cao quý. Bởi thế, dù lúc đầu vua Lê Tương Dực dọa giết, nhưng ông vẫn khăng khăng từ chối xây Cửu trùng đài. Chỉ sau khi bị thuyết phục bởi người bạn tri kỷ, mong ông xây dựng một tòa lâu đài bền vững cho đất nước thì ông mới chấp nhận. Bởi ông muốn cống hiến tài năng của mình cho dân tộc chứ không phải cho bọn hôn quân vô đạo.

Phân tích đến đây, độc giả có thể nhận thấy điểm giống nhau giữa Vũ Như Tô và tử tù Huấn Cao (trong Chữ người tử tù). Huấn Cao cũng là một người nghệ sĩ tài năng. Nhưng chữ của ông chỉ dành tặng những người biết đạo nghĩa.

Vũ Như Tô cũng vậy, khi bắt đầu xây Cửu trùng đài, ông đã dò hết tâm huyết. Ông không hề hám lợi. Khi được vua ban thưởng, ông đem chia hết cho đám thợ thuyền. Tuy nhiên, dù ông làm thế nào thì ước mơ và lý tưởng nghệ thuật của ông vẫn không thể hòa hợp với đời sống xã hội nghèo đói, lầm than của nhân dân lúc bấy giờ. Do đó, không ít lần ông rơi vào tâm trạng bi kịch, khi tự hỏi việc xây Cửu trùng đài đúng hay sai?

Có thể nói, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng Vũ Như Tô là một nhân vật đầy bi kịch. Bởi trong chính con người ông cũng tồn tại những mâu thuẫn không thể giải quyết được. Ông có những khát vọng và hoài bão lý tưởng lớn nhưng lại có cách làm sai. Chỉ khi bị bắt và Cửu trùng đài bị đốt cháy, ông mới thức tỉnh. Thật là ai oán xót thương cho một con người tài hoa mà sinh ra không hợp thời thế.

Bên cạnh nhân vật Vũ Như Tô mê cái đẹp, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã khắc họa thêm nhân vật Đan Thiềm, một người đam mê cái tài. Nàng là người bạn tri âm, tri kỷ duy ở trong triều đình, thực sự hâm mộ cái tài của Vũ Như Tô. Hiểu nỗi lòng mâu thuẫn của kiến trúc sư, Đam Thiềm luôn cố gắng ở bên khích lệ, động viên và giúp đỡ Như Tô bảo vệ và xây dựng lâu đài. Không những thế, nàng là còn người thông minh, luôn bình tĩnh trước mọi tình huống. Biết rằng Cửu trùng đài không thành, nàng tìm mọi cách bảo vệ con người tài năng Vũ Như Tô. Nàng khuyên ông hãy trốn đi trước khi quân nổi dậy đến vây bắt. Nàng cũng sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình để cứu lấy nhà kiến trúc sư tài giỏi. Đến khi Vũ Như Tô không chịu đi, thì nàng cảm thấy đau đớn xót thương.

Có thể nói, qua đoạn trích, độc giả thấy rõ được nhân vật Đan Thiềm. Nàng không chỉ là một người chuộng cái tài mà con biết nhìn nhận cái đẹp. Qua đây độc giả nhận thấy cách giải quyết mâu thuẫn của tác giả Nguyễn Huy Tưởng rất dứt khoát. Ông miêu tả cảnh giải quyết xung đột đó bằng việc dân quân nổi dậy, đốt phát Cửu trùng đài và giết vua. Những con người sống trong cảnh ức hiếp lâu ngày giờ không thể chịu được nữa mà vùng lên đấu tranh. Đó là kết cục hiển nhiên mà mâu thuẫn giai cấp phải có.

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa lý tưởng nghệ thuật cao siêu với lợi ích thực tiễn, nhu cầu đơn thuần của người dân lại chưa được giải quyết. Vì thế, cái ác cái tàn bạo của hôn quân vô đạo Lê Tương Dực được nhận rõ, nhưng cái tội hay cãi công của kiến trúc sư Vũ Như Tô thì chưa thể luận. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chỉ mới dùng lại ở việc nêu vấn đề và để ngõ. Có lẽ ông muốn để tự người đọc ngẫm nghĩ và đưa ra cách giải quyết cho riêng mình.

Hồi 5 của vở kịch Vũ Như Tô nói về vấn đề cái đẹp. Nó nêu ra mối quan hệ còn nhiều khúc mắc giữa đời sống nhân dân thực tế với tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, cao siêu. Qua đây, tác giả Nguyễn Huy Tưởng cũng muốn bày tỏ sự thông cảm và trân trọng với những tài năng nghệ sĩ, có lý tưởng hoài bão nhưng lại rơi vào bi kịch.

Bài văn mẫu số 2

Từ xưa đến nay thể loại về kịch chiếm một vị trí rất quan trọng trong văn học Việt Nam, kịch là một trong những thể loại văn học đặc sắc và trong nền kịch Việt Nam không thể bỏ sót cái tên Nguyễn Huy Tưởng với vở kịch nổi tiếng “Vũ Như Tô”. Đây là tác phẩm đa được nhà văn thể hiện ra những quan điểm của mình về những mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và cường quyền và đó là sự phức tạp giữa nghệ sĩ và nhân dân và hơn nữa đáng nói đó là văn hóa dân tộc nữa. Và trong vở kịch “Vũ Như Tô” thì đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” là một trong những đoạn trích hay thể hiện rõ nhất bi kịch cũng như quan niệm của tác giả được gửi gắm qua đoạn trích”.

Tác giả đã dựng lên nhân vật Vũ Như Tô - một kiến trúc sư thiên tài bị vua Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ vốn là một nghệ sĩ chân chính gắn bó với nhân dân, cho nên mặc dù bị Lê Tương Dực dọa giết, Vũ Như Tô vẫn ngang nhiên chửi mắng tên hôn quân ấy và kiên quyết từ chối xây Cửu Trùng Đài (hồi I).

Nhân vật Đan Thiềm được tác giả giới thiệu là một cung nữ đã thuyết phục Vũ Như Tô chấp nhận yêu cầu của Lê Tương Dực, lợi dụng quyền thế và tiền bạc của hắn, trổ hết tài năng để xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại bền như trăng sao, có thể tranh tinh xảo với hóa công để cho dân ta nghìn thu còn hãnh diện.

Mở đầu tác phẩm là tiếng hoảng hốt của Đan Thiềm, khuyên Vũ Như Tô hãy mau trốn đi. Cơn biến loạn xảy ra ở kinh thành nên tình trạng của Vũ Như Tô hết sức nguy hiểm, nhưng Vũ Như Tô lại nhất định không trốn, không nghe lời khuyên của Đam Thiền bởi “Những người quân tử không bao giờ sợ chết. Mà vạn nhất có chết, thì cùng phải để cho mọi người biết rằng công việc mình làm chính đại quang minh. Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi để cả ở đây, thì tôi chạy đi đâu?”. Ông hi sinh hết mình cho nghệ thuật, ông cố thủ ở lại cũng mong Cửu Trùng Đài sẽ được hoàn thiện, để tranh tinh xảo với hóa công. Nhưng ông nào biết, chính quyết định đó đã khiến ông nhận lấy cái chết oan nghiệt, đến cả lúc chết ông vẫn không thể lí giải vì sao mình phải chết.

Khi nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài bản thân Vũ Như Tô đã mắc phải sai lầm trong suy nghĩ và hành động. Vũ Như Tô mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện giấc mộng cửu trùng đài. Nhưng tiền bạc đó chính là công sức, của cải của nhân dân, ông chỉ nhìn thấy cái bề nổi khi xây dựng xong Cửu Trùng Đài, mà không nhận ra phần sâu của sự việc. Cửu Trùng Đài càng đến ngày hoàn thiện thì mâu thuẫn giữa ông với nhân dân càng lớn dần, họ căm ghét Vũ Như Tô bởi ông đã hạ lệnh giết chết những người bỏ trốn để duy trì kỉ luật trên công trường. Đó là hành động hết sức tàn nhẫn, đặt công trình lên trên tính mạng của thợ thuyền. Vũ Như Tô đã biến thành một kẻ đáng sợ, người dân không còn thấy hình ảnh của Vũ Như Tô gần gũi với nhân dân đâu nữa. Vì xây Cửu Trùng Đài mà cuộc sống của nhân dân ngày càng cực khổ. Vũ Như Tô là một thiên tài nhưng không phải là một hiền tài. Ông không thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân.

Khi theo dõi đoạn trích, chúng ta có thể nhận thấy mâu thuẫn thứ hai trong đoạn trích này không đâu khác đó chính là mâu thuẫn giữa những quan niệm nghệ thuật thuần túy lâu đời đối với cả những lợi ích thiết thực của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng lên một Cửu Trùng Đài. Có thể thấy được trong tác phẩm này dường như ta lại thấy Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ và ông lại rất có tâm và hết lòng vì nghệ thuật. Có lẽ chính vì thế mà ông luôn luôn muốn cống hiến cho đất nước mình những công trình nghệ thuật đẹp đẽ. Thế nhưng bản thân ông chính là một người nghệ sĩ ông lại như không nhận thức cho ra được mối quan hệ khăng khít giữa nghệ thuật và cả đời sống cho nên chính ông cũng đã mắc sai lầm và dẫn tới cái chết thương tâm. Hay ở cả nhân vật Đan Thiềm cô đã cho lời khuyên Vũ Như Tô nhưng lại không hề vì một mục đích nào khác. Cô như một người bạn tri kỷ của Vũ Như Tô nhưng cũng chính vì không nhận thức được mối quan hệ đó nên cũng đã có kết cục thảm hại.

Vũ Như Tô đã xây dựng Cửu Trùng Đài thành một công trình nghệ thuật lớn, vĩ đại vì thế cho nên nó rất tiêu tốn một lượng ngân khố của quốc gia. Mà dường như tất cả ngân khố quốc gia lại chính là nhân dân làm ra chứ phải là một ai hết. Chính vì lẽ đó mà việc xây dựng càng lớn, càng nguy nga thì nhân dân càng khổ nhiều hơn. Có thể nói Cửu Trùng Đài được xây dựng bằng xương máu của những người đan vậy. Còn Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ tài ba, ông có tài thật đó nhưng lại xa rời thực tế, chỉ lo cho lý tưởng của mình cho nên nhận lấy kết quả đáng buồn.

Ví dụ minh họa Mẫu 2

Đề 2: Cảm nhận về bài thơ Tràng Giang 

a.Dàn ý chi tiết 

1. Mở bài

- Giới thiệu về nhà văn Huy Cận và tác phẩm “Tràng giang”

2. Thân bài

- Hoàn cảnh sáng tác của “Tràng giang”: Tháng 9/1938, trong một buổi chiều khi tác giả đạp xe ra bến Chèm nhìn dòng sông Hồng đang cuộn chảy.

- Ý nghĩa nhan đề bài thơ và lời đề từ: Mang âm hưởng Hán – Việt trang trọng, cổ kính. Gợi ra cảnh sông nước mênh mang, con người hữu tình.

- Khổ 1:

- Từ láy “điệp điệp” kết hợp cùng trạng thái buồn: Nỗi buồn mênh mang lan tỏa như những đợt sóng trên sông nước.

- Con thuyền “xuôi mái nước song song” và “Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”: Nhuốm màu chia ly buồn bã, sự vật dường như muốn đứng yên lặng theo tâm trạng của nhà thơ.

- Hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng”: Cành củi lạc dòng vô định. Thân phận củi khô héo, lênh đênh trên sông.

- Khổ 2:

- Nhà thơ muốn nghe lắm “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” nhưng hoàn toàn không có tiếng đáp trả.

- Từ “vãn” càng tạo ra cảm giác xa xôi, tẻ nhạt, quạnh vắng

- Miêu tả “trời lên sâu chót vót” thay vì “trời lên cao chót vót”: “Sâu” ở đây gợi lên một nỗi buồn không đáy, nỗi buồn trải dài đến vô cùng tận của lòng người.

- Khổ 3:

- Hình ảnh “bèo”: Sự vật nhỏ bé, tầm thường thay cho lời diễn tả đến những kiếp người bấp bênh, trôi nổi, vô định.

- Cấu trúc phủ định “không một chuyến đò ngang” – “không cầu gợi chút niềm thân mật”: Xóa sạch sự kết nối của con người

- Khổ 4:

- Những câu thơ mang đầy màu sắc cổ điển

- Sử dụng bút pháp chấm phá để vẽ lên bức tranh thủy mặc có núi, có mây, có cánh chim nghiêng, bóng chiều, khói hoàng hôn.

- Liên tưởng đến câu thơ của Thôi Hiệu và so sánh.

3. Kết bài

-Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của các phẩm.

b.Bài làm tham khảo 

Bài làm mẫu số 1

Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam, ông là người chiến sĩ cách mạng và những tâm sự về thời cuộc đã được thể hiện mạnh mẽ trong các tác phẩm của ông, khi ông đang viễn cảnh ngắm những sự vật trôi trên dòng sông Tràng Giang dài sâu thẳm nó biểu hiện những tiếng lòng của con người.

Cả bài thơ là những lời thơ đượm buồn và nó bao trùm lên không gian của cả bài thơ, với lời thơ thiết tha nhẹ nhàng, nó làm nên những giá trị thơ vô cùng mạnh mẽ và da diết, tác giả đã mở đầu bài thơ với cung bậc cảm xúc đậm buồn và mang những nét riêng:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”.

Hình ảnh mở đầu của bài thơ đó là tác giả mượn hình ảnh của sóng để nói lên tâm trạng của chính bản thân mình, sóng gợn tràng giang những nỗi buồn man mác, dòng nước trôi đi để lại những cảm xúc và tình cảm nồng cháy trong hình tượng thơ, mượn sóng để nói về sự tác động của ngoại cảnh đến tâm hồn của chính mình, những nỗi buồn được nhân lên gấp đôi, nó điệp điệp khúc khúc ngân nga lên những nhịp sống riêng và mang màu sắc giá trị của sự sống con người.

Hình ảnh thơ đậm chất lãng mạn nó thu hút con người vào những vòng cuốn riêng, và tạo lên những ưu tư sâu sắc cho những cảm xúc lãng mạn với những lời thơ hay, nói mang những lời tự nói để diễn tả tâm trạng của chính bản thân mình, dòng nước trôi đi qua những con sóng làm vỗ bờ cát càng làm cho hình ảnh thơ mộng và huyền bí hơn, những giá trị to lớn mạnh mẽ mà lời thơ đem lại nó mang chất thơ nhưng lại ngập tràn đượm buồn những cảm xúc. Tràng giang đây là con sông dài, và những tình người bao la mênh mông đang bị sóng nước mênh mang làm cho có tâm trạng cô đơn thơ mộng. Với hình ảnh thơ hay tác giả đã vẽ ra những lời thơ hay và mang đậm màu sắc, những hình ảnh thơ mang giá trị to lớn để diễn tả những hình ảnh mang chất nhạc buồn.

Nỗi buồn mênh mang cùng với khoảng không gian vô tận làm cho tâm trạng của con người có chút mông lung và đầy ắp những nỗi buồn, những hình ảnh thơ mang giá trị và đậm sức sống nó cũng thể hiện được những tình cảm mạnh mẽ của con người đối với cuộc sống, đối với thiên nhiên. Những hình ảnh trên một dòng sông Trường Giang rộng mênh mang làm cho con người có những cảm giác rất lạ, những con thuyền đang trôi trên những dòng nước. Ở đây tác giả đã sử dụng những cụm từ láy như điệp điệp hay song song để diễn tả mức độ tăng lên của sự vật, điệp điệp để diễn tả tâm trạng buồn rầu và nó mang những nỗi buồn lớn lao đến vô tận của con người, những hình ảnh thơ mang đậm cảm xúc cũng đã diễn tả được sâu sắc những hình ảnh mang đậm màu sắc và thi vị của cuộc sống.

Những con thuyền đang xuôi mái, ở đây nó cũng biểu hiện những trạng thái tự nhiên của những sự vật trên sông, nhưng hình ảnh con thuyền xuôi mái dưới dòng nước, đang có chút gợn sóng, mà sóng ở đây là tác giả thổi hồn mình vào làm cho lời thơ nó có chất buồn và mang những điều kì lạ, khi thuyền cập bến về, thì những dòng nước lại buồn, ở đây tác giả đã nhân hóa lên dòng xong biết buồn, chính dùng biện pháp này để nói lên tâm trạng của chính bản thân mình, những hình ảnh mang giá trị to lớn và vô cùng sâu sắc đối với mỗi người, hình tượng thơ mang những giá trị về sự sống và màu sắc, ở đây mượn hình ảnh của thuyền và dòng sông để nói lên tâm trạng của chính tác giả khi ngắm nhìn dòng sông Trường Giang dài và rộng, những lời thơ mang chất nhạc buồn làm gia tăng lên những giá trị cảm xúc của tác giả, trên dòng sông đó tác giả còn quan sát thấy những cành củi khô đang dạt dào trôi trên những dòng nước, tác giả đã dùng một biện pháp đảo ngữ để nói về số phận lênh đênh chưa biết trôi dạt về đâu của con người, củi một cành khô lạc mấy dòng, với sự sử dụng ngôn ngữ đậm giá trị, nó làm gia tăng lên mức độ biểu cảm của lời thơ đối với cả bài thơ.

Tác giả còn quan sát được rất nhiều thứ đang tồn tại xung quanh một dòng sông này, với những hình ảnh của cồn cát nhỏ, những ngọn gió đìu hiu thổi:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót,
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Những ngọn gió vẫn đang nhẹ thổi trên dòng sông, làm cho lòng người có những cảm giác man mác, và sóng vỗ trên những rặng liễu và đìu hiu những nỗi buồn man mác của con người, giá trị thơ để lại cho chúng ta đó là những hình ảnh mang đậm giá trị và màu sắc thơ giàu sức biểu cảm nó đã mang lại được những giá trị to lớn, lơ thơ đã nói về mức độ thưa thớt của sự vật hiện tượng, và trong không gian yên tĩnh đó xuất hiện những tiếng của làng xa đang buồn vãn chợ chiều… trên cao tác giả đang ngắm nhìn những ánh sáng hiu hắt và những ánh nắng từ trên cao rọi xuống, hình ảnh thơ thật dài, thơ mộng, và tạo nên những sức sống mạnh mẽ và thu hút lòng người, giá trị của lời thơ mang màu sắc quê hương, những bến cô liêu những dòng sông dài đậm chất buồn và cả cảm xúc về những nỗi nhớ, và sự mênh mang của đất trời.

Những hình ảnh thư mang giá trị to lớn khi nói về những sự phiêu bạt và không định hình, dùng thiên nhiên để nói lên tâm trạng của chính mình, đây là phong cách nghệ thuật độc đáo và thu hút được sự hấp dẫn của người nghe, hình tượng thơ giàu giá trị, nó mang những cung bậc riêng và những tâm trạng riêng biệt sâu sắc dành cho mỗi người:

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cần gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

Ở đây câu thơ đã mang đậm cảm xúc về số phận lênh đênh chưa biết đi về đâu của con người, những hình ảnh đó biểu hiện những cung bậc cảm xúc giàu giá trị và nó mang những lời thơ sâu lắng đem lại niềm tin yêu và những khoảnh khắc đáng nhớ trong con người, những hình tượng thơ mang màu sắc của thiên nhiên của dòng sông, những cánh bèo trôi dạt trên dòng sông diễn tả những số phận hẩm hiu không biết đi về đâu của tác giả, một khoảng không gian mênh mông sâu lắng, và những cảm xúc khó tả của con người, những tình cảm đó vẫn lặng lẽ, tiếp những bãi vàng, đó là những bãi cát trên biển xanh đó là những dòng sông rợp bóng mát.

Cả bài thơ là những lời bộc bạch tâm trạng buồn cô đơn của tác giả, ở đây tác giả đã dùng hình tượng thiên nhiên để diễn tả cảm xúc của mình.

Bài làm mẫu số 2

Huy Cận là một trong những tác giả xuất sắc nhất trong phong trào thơ mới. Thơ ông rất giàu chất suy tưởng, triết lý, luôn thể hiện sự giao cảm giữa con người và vũ trụ. Tràng giang là một trong những bài thơ tiêu biểu của tác giả, thể hiện đầy đủ tư tưởng và phong cách thơ của nhà thơ.

Ngay ở câu đề từ của bài thơ, nhà thơ đã cho người đọc cảm nhận được nỗi buồn của cảnh vật cũng như của tâm trạng người thi sĩ, lời đề từ đã thâu tóm ngắn gọn và chính xác cả cảnh lẫn tình của bài thơ.

“Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Đứng trước cảnh mênh mông sông nước, nỗi buồn của tác giả như được nhân lên. Ngay ở khổ thơ đầu tác giả đã dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh để khái quát về cảnh vật, qua những cảnh vật ấy tác giả muốn thể hiện tâm trạng của mình. Hình ảnh "sóng gợn" gợi cho ta liên tưởng tới những làn sóng đang lan ra, loang ra đến vô tận cũng giống như nỗi buồn của nhà thơ âm thầm mà da diết khôn nguôi. Con sóng ở giữa một dòng sông dài và rộng càng làm cho nỗi buồn của nhà thơ được nhân lên. Cảnh con thuyền và mọi cảnh vật đều cô đơn càng làm cho người thi sĩ mang đầy tâm sự trong lòng không biết bày tỏ tâm trạng cùng ai. Tác giả đã dùng những hình ảnh hết sức đời thường để đưa vào thơ ông và đó là sự sáng tạo độc đáo trong phong cách thơ của ông.

“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng bến cô liêu”

Lại một lần nữa tác giả đã dùng những hình ảnh "cồn, gió, làng, chợ, bến" để giãi bày tâm sự của mình. Bằng cảm nhận của tác giả cảnh vật trở nên thưa và vắng mang đậm nét buồn, làm cho cảnh vật vắng lặng, buồn tẻ, im ắng và cũng chính vì im ắng nên nhà thơ cảm nhận được.

“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”

Tác giả nhận được những âm thanh sinh hoạt của đời sống hằng ngày, nhưng âm thanh đó không rõ ở chỗ nào. Nhà thơ đã cố gắng tĩnh tâm để nghe ngóng cái âm thanh mơ hồ kia, nhưng không thể cảm nhận được và nhà thơ đã chuyển nhãn quan của mình đến một điểm mới.

“Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng bến cô liêu”

Nhà thơ sử dụng nghệ thật đối ý nắng xuống và trời lên để gợi sự chuyển động hai chiều của đất trời và cũng là nỗi buồn trong tâm trạng của nhà thơ. Đứng giữa một vùng mênh mông sông nước, đất trời hun hút, con người càng nhỏ bé hơn và nỗi buồn thì dài vô tận.

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Hình ảnh cánh bèo gợi cho ta liên tưởng tới một kiếp người trôi nổi, lênh đênh. Bèo trôi không biết dạt về đâu, không có một cái cầu, không chuyến đò để đưa khách, cảnh tưởng như vậy thì làm sao con người thoát được nỗi buồn. Miêu tả cảnh vật đó, tác giả đã thể hiện niềm khát khao giao cảm với đời, mong muốn thoát khỏi nỗi buồn u uất của cuộc đời để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Sau khi ngắm hết những cảnh vật xung quanh mình, nhà thơ đã hướng nhãn quan của ông đã hướng lên vũ trụ và ông thấy hình ảnh đầu tiên là những đám mây, với từ "đùn" cho thấy chúng chồng xếp mạnh mẽ lên nhau thành núi sau đó được ánh hoàng hôn chiếu vào tạo ra màu sắc lấp lánh mà nhà thơ gọi nó là "núi bạc". Hình ảnh này tuy rực rỡ nhưng lại ẩn chứa nỗi buồn của ông, giống như nỗi buồn của ông tích tụ như núi cùng với đám mây còn có hình ảnh cánh chim.

“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Tác giả đã dùng từ láy "dợn dợn" để diễn tả những con sóng vời theo con nước lan tỏa ra tích tắc cho thấy nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong ông và sẵn sàng lan tỏa ra khắp nơi.

Bài Tràng giang đã thể hiện nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đến da diết của nhà thơ. Đứng trước cảnh thiên nhiên rộng lớn, nhà thơ đã tức cảnh mà sinh tình, đó là tình cảm chân thành với quê hương đất nước của nhà thơ. Với cách tiếp cận với những vấn đề gần gũi trong cuộc sống, Tràng giang đã trở thành một sáng tác tiêu biểu của văn học Việt Nam.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí