Giải đề thi học kì 1 lý lớp 6 năm 2019 - 2020 trường THCS Ngô Gia Tự


Giải đề thi học kì 1 lý lớp 6 năm 2019 - 2020 trường THCS Ngô Gia Tự với cách giải và chú ý quan trọng

Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (5 điểm)  

Ghi vào bài làm chữ cái đứng trước những đáp án đúng

Câu 1: Lực nào dưới đây là lực đàn hồi?

A. Lực nâng của người lực sĩ với quả tạ.

B. Lực đẩy của lò xo trong bút bi.

C. Lực ép của quả nặng lên mặt bàn

D. Lực kéo của sợi dây thừng.

Câu 2: Lực có thể gây ra tác dụng nào dưới đây?

A. Chỉ có thể làm cho vật chuyển động nhanh lên.

B. Chỉ có thể làm cho vật đang đứng yên phải chuyển động.

C. Chỉ có thể làm cho vật đang chuyển động phải dừng lại.

D. Có thể gây ra tất cả các tác dụng nêu trên.

Câu 3: Hai lực cân bằng là hai lực:

A. Cùng chiều, cùng điểm đặt, mạnh như nhau.

B. Cùng tác dụng vào 1 vật, cùng phương, ngược chiều, mạnh như nhau.

C. Cùng tác dụng vào 1 vật, cùng phương, cùng chiều, mạnh như nhau.

D. Cùng tác dụng vào nhiều vật, cùng phương, ngược chiều, mạnh như nhau.

Câu 4: Trên vỏ một hộp thịt có ghi \(500\,\,g\). Số liệu đó chỉ

A. khối lượng của thịt trong hộp.

B. thể tích của cả hộp thịt.

C. thể tích của thịt trong hộp.

D. khối lượng của cả hộp thịt.

Câu 5: Một quả nặng treo đứng yên trên 1 sợi dây nhẹ, không dãn. Quả nặng đó chịu tác dụng của những lực nào?

A. Lực hút của Trái Đất.

B. Trọng lực và lực kéo của sợi dây.

C. Trọng lực.

D. Lực kéo của sợi dây.

Câu 6: Tên các loại máy cơ đơn giản thường dùng là?

A. Mặt phẳng nghiêng, đòn bẩy, thước dây.

B. Đòn bẩy, ròng rọc, bình chia độ.

C. Ròng rọc, mặt phẳng nghiêng, lò xo lá tròn.

D. Ròng rọc, đòn bẩy, mặt phẳng nghiêng.

Câu 7: Lực đàn hồi xuất hiện khi

A. lò xo bị cắt ngắn

B. lò xo nằm yên trên bàn

C. lò xo được treo thẳng đứng

D. lò xo bị kéo giãn

Câu 8: Đơn vị đo khối lượng là:

A. \(lit.\)                               B. \({m^3}.\)

C. \(kg.\)                               D. \(m.\)

Câu 9: Đơn vị của trọng lượng riêng là

A. \(kg/{m^2}.\)                   B. \(N.\)

C. \(kg/{m^3}.\)                   D. \(N/{m^3}.\)

Câu 10: Khi nói về lực đàn hồi, câu kết luận sai

A. Độ biến dạng của lò xo càng nhỏ thì lực đàn hồi càng nhỏ.

B. Độ biến dạng của lò xo càng nhỏ thì lực đàn hồi càng lớn.

C. Chiều dài của lò xo khi bị nén càng nhỏ thì lực đàn hồi càng lớn.

D. Chiều dài của lò xo khi bị nén càng lớn thì lực đàn hồi càng nhỏ.

Câu 11: Công thức tính khối lượng riêng là

A. \(D = 10.d.\)            B. \(D = m.V.\)

C. \(D = V:m.\)          D. \(D = m:V.\)

Câu 12: Bạn \(A\) nâng hòn đá nặng \(3\,\,kg\) theo phương thẳng đứng. Tính lực tác dụng ít nhất của bạn \(A\) để nâng được hòn đá?

A. \(3000\,\,N.\)                   B. \(3\,\,N.\)

C. \(30\,\,N.\)                       D. \(300\,\,N.\)

Câu 13: Để xác định khối lượng riêng của các hòn bi thuỷ tinh (hòn bi bỏ lọt bình chia độ), ta cần dùng

A. một cái cân và một cái bình chia độ.

B. một cái lực kế, một bình chứa.

C. một cái bình chia độ, một bình tràn.

D. một cái cân, một bình tràn.

Câu 14: Khối lượng riêng của nước là \(1000\,\,kg/{m^3}\). Vậy \(1\,\,{m^3}\) nước có khối lượng là:

A. \(100\,\,g.\)                       B. \(100\,\,kg.\)

C. \(1000\,\,N.\)                    D. \(1000\,\,kg.\)

Câu 15: Chọn câu sai. Trường hợp nào sau đây có thể dùng máy cơ đơn giản?

A. Đưa xe máy lên xe tải.

B. Dắt xe máy từ đường vào nhà cao hơn mặt đường.

C. Kéo xe máy ra khỏi hố sâu, khi xe bị sa hố.

D. Chạy xe máy trên đường.

Câu 16: Hình bên là ứng dụng của máy cơ đơn giản nào?

A. Đòn bẩy

B. Ròng rọc

C. Mặt phẳng nghiêng

D. Cả 3 máy cơ đơn giản trên

Câu 17: Dụng cụ nào sau đây là ứng dụng của mặt phẳng nghiêng?

A. Cái kéo                           B. Bập bênh

C. Cầu trượt                        D. Cần cẩu

Câu 18: Bao gạo có khối lượng \({\bf{25}}\,\,{\bf{kg}}\) thì có trọng lượng là:

A. \(2,5\,\,N.\)                      B. \(250\,\,N.\)

C. \(2500\,\,N.\)                    D. \(25\,\,N.\)

Câu 19: Khi một quả bóng bị đập vào tường thì lực mà tường tác dụng lên quả bóng sẽ gây ra những kết quả gì?

A. Không làm biến đổi chuyển động của quả bóng và cũng không làm biến dạng quả bóng.

B. Chỉ làm biến đổi chuyển động của quả bóng.

C. Chỉ làm biến dạng quả bóng.

D. Vừa làm biến đổi chuyển động của quả bóng, vừa làm biến dạng quả bóng.

Câu 20: Phát biểu nào sau đây là đúng?

A. Lò xo là vật có tính chất đàn hồi.

B. Hòn đá là vật có tính chất đàn hồi.

C. Tờ giấy là vật có tính chất đàn hồi.

D. Sợi dây đồng là vật có tính chất đàn hồi.

II. TỰ LUẬN (5 điểm)

Câu 1 (1,5 điểm) Khối lượng riêng của một chất là gì? Đơn vị của khối lượng riêng 1 chất? Công thức tính khối lượng riêng của một chất.

Câu 2 (2,5 điểm) Một xe cát có thể tích là \(12\,\,{m^3}\;\) và có khối lượng là \(600\,\,kg.\) Tính:

a. Khối lượng riêng của cát.

b. Trọng lượng của xe cát.

c. Trọng lượng riêng của cát.

Câu 3 (1 điểm) Tại sao ô tô đi qua đường đèo thường là đường ngoằn ngoèo rất dài?

Lời giải chi tiết

1. B

2. D

3. B

4. A

5. B

6. D

7. D

8. C

9. D

10. B

11. D

12. C

13. A

14. D

15. D

16. A

17. C

18. B

19. D

20. A

I. TRẮC NGHIỆM

Câu 1:

Phương pháp:

Lực đàn hồi xuất hiện trong lò xo

Cách giải:

Lực đàn hồi là lực đẩy của lò xo trong bút bi

Chọn B.

Câu 2:

Phương pháp:

Lực tác dụng lên một vật có thể làm biến đổi chuyển động của vật đó hoặc làm nó biến dạng

Cách giải:

Lực có thể làm cho vật chuyển động nhanh lên, làm cho vật đang đứng yên phải chuyển động, làm cho vật đang chuyển động phải dừng lại.

Chọn D.

Câu 3:

Phương pháp:

Hai lực cân bằng là hai lực mạnh như nhau, có cùng phương nhưng ngược chiều, tác dụng vào cùng một vật.

Cách giải:

Hai lực cân bằng là hai lực cùng tác dụng vào 1 vật, cùng phương, ngược chiều, mạnh như nhau.

Chọn B.

Câu 4:

Cách giải:

Con số \(500\,\,g\) trên hộp thịt chỉ khối lượng của thịt trong hộp.

Chọn A.

Câu 5:

Cách giải:

Một vật trên Trái Đất luôn chịu tác dụng của trọng lực

Quả nặng được treo bằng sợi dây → quả nặng chịu tác dụng của lực kéo của sợi dây

Chọn B.

Câu 6:

Cách giải:

Tên các loại máy cơ đơn giản thường dùng là: ròng rọc, đòn bẩy, mặt phẳng nghiêng.

Chọn D.

Câu 7:

Phương pháp:

Khi lò xo bị nén hoặc kéo dãn, thì nó sẽ chịu tác dụng của lực đàn hồi lên các vật tiếp xúc (hoặc gắn) với hai đầu của nó.

Cách giải:

Lực đàn hồi xuất hiện khi lò xo bị kéo dãn

Chọn D.

Câu 8:

Cách giải:

Đơn vị đo khối lượng là \(kg\).

Chọn C.

Câu 9:

Cách giải:

Đơn vị của trọng lượng riêng là \(N/{m^3}\).

Chọn D.

Câu 10:

Phương pháp:

Độ biến dạng của lò xo càng lớn, thì lực đàn hồi càng lớn

Cách giải:

Độ biến dạng của lò xo càng nhỏ thì lực đàn hồi càng nhỏ → A đúng

Độ biến dạng của lò xo càng nhỏ thì lực đàn hồi càng nhỏ → B sai

Chiều dài của lò xo khi bị nén càng nhỏ thì lực đàn hồi càng lớn → C đúng

Chiều dài của lò xo khi bị nén càng lớn thì lực đàn hồi càng nhỏ → D đúng

Chọn B.

Câu 11:

Cách giải:

Công thức tính khối lượng riêng là: \(D = \frac{m}{V} = \frac{d}{{10}}\)

Chọn D.

Câu 12:

Phương pháp:

Trọng lượng của vật: \(P = 10m\)

Khi kéo vật lên theo phương thẳng đứng cần phải dùng lực có cường độ ít nhất bằng trọng lượng của vật

Cách giải:

Trọng lượng của hòn đá là:

\(P = 10m = 10.3 = 30\,\,\left( N \right)\)

Để nâng được hòn đá lên theo phương thẳng đứng, cần tác dụng một lực nhỏ nhất bằng \(30\,\,N\)

Chọn C.

Câu 13:

Phương pháp:

Công thức tính khối lượng riêng: \(D = \frac{m}{V}\)

Để đo khối lượng cần dùng cân

Để đo thể tích của vật cần dùng bình chia độ

Cách giải:

Để xác định khối lượng riêng của các hòn bi thủy tinh, cần dùng một cái cân và một bình chia độ

Chọn A.

Câu 14:

Phương pháp:

Khối lượng: \(m = D.V\)

Cách giải:

Khối lượng của \(1\,\,{m^3}\) nước là:

\(m = D.V = 1000.1 = 1000\,\,\left( {kg} \right)\)

Chọn D.

Câu 15:

Phương pháp:

Các loại máy cơ đơn giản thường dùng: mặt phẳng nghiêng, ròng rọc, đòn bẩy

Cách giải:

Đưa xe máy lên xe tải: sử dụng mặt phẳng nghiêng → A đúng

Dắt xe máy từ đường vào nhà cao hơn mặt đường: mặt phẳng nghiêng → B đúng

Kéo xe máy ra khỏi hố sâu, khi xe bị sa hố: mặt phẳng nghiêng → C đúng

Chạy xe máy trên đường: sử dụng lực phát động của động cơ xe máy → D sai

Chọn D.

Câu 16:

Cách giải:

Hình trên là ứng dụng của đòn bẩy

Chọn A.

Câu 17:

Phương pháp:

Áp dụng ứng dụng của các loại máy cơ đơn giản

Cách giải:

Ứng dụng của các loại máy cơ đơn giản:

Cái kéo: đòn bẩy

Bập bênh: đòn bẩy

Cầu trượt: mặt phẳng nghiêng

Cần cẩu: ròng rọc

→ Ứng dụng của mặt phẳng nghiêng là cầu trượt

Chọn C.

Câu 18:

Phương pháp:

Trọng lượng: \(P = 10m\)

Cách giải:

Trọng lượng của bao gạo là:

\(P = 10m = 10.25 = 250\,\,\left( N \right)\)

Chọn B.

Câu 19:

Cách giải:

Khi một quả bóng bị đập vào tường thì lực mà tường tác dụng lên quả bóng sẽ vừa làm biến đổi chuyển động của quả bóng, vừa làm biến dạng quả bóng

Chọn D.

Câu 20:

Cách giải:

Lò xo là một vật có tính chất đàn hồi

Chọn A.

II. TỰ LUẬN

Câu 1:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết khối lượng riêng

Cách giải:

Khối lượng của một mét khối một chất gọi là khối lượng riêng của chất đó.

Đơn vị khối lượng riêng là \(kg/{m^3}\).

Công thức tính khối lượng riêng là: \(D = \frac{m}{V}\)

Câu 2:

Phương pháp:

Khối lượng riêng: \(D = \frac{m}{V}\)

Trọng lượng: \(P = 10m\)

Trọng lượng riêng: \(d = 10D = \frac{P}{V}\)

Cách giải:

a. Khối lượng riêng của cát là:

\(D = \frac{m}{V} = \frac{{600}}{{12}} = 50\,\,\left( {kg/{m^3}} \right)\)

b. Trọng lượng của xe cát là:

\(P = 10m = 10.600 = 6000\,\,\left( N \right)\)

c. Trọng lượng riêng của cát là:

Cách 1: \(d = 10D = 10.50 = 500\,\,\left( {N/{m^3}} \right)\)

Cách 2: \(d = \frac{P}{V} = \frac{{6000}}{{12}} = 500\,\,\left( {N/{m^3}} \right)\)

Câu 3:

Phương pháp:

Sử dụng ứng dụng của mặt phẳng nghiêng: mặt phẳng nghiêng càng ít, thì lực cần để kéo vật trên mặt phẳng đó càng nhỏ

Cách giải:

Đường ô tô qua đèo càng ngoằn ngoèo, càng dài thì độ dốc càng ít, lực kéo vật càng nhỏ nên ô tô dễ dàng đi lên đèo hơn. 


Bình chọn:
4 trên 3 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí