Đề cương lý thuyết học kì 1 - Vật lí 6>
Tổng hợp các kiến thức cần nắm vững, giúp các em ôn tập hiệu quả, đạt kết quả cao trong kì thi HK1 sắp tới
ĐỀ CƯƠNG LÝ THUYẾT HỌC KÌ 1
ĐO ĐỘ DÀI
1. Kể tên những dụng cụ dùng để đo độ dài? GHĐ, ĐCNN của một thước là gì?
- Những dụng cụ dùng để đo độ dài là: Thước dây, thước cuộn, thước mét, thước kẻ.
- Giới hạn đo (GHĐ) của một thước là độ dài lớn nhất ghi trên thước.
- Độ chia nhỏ nhất (ĐCNN) của một thước là độ dài giữa hai vạch chia liên tiếp trên thước.
2. Đơn vị đo độ dài
- Đơn vị đo độ dài trong hệ thống đơn vị đo lường hợp pháp của Việt Nam là mét, kí hiệu là m.
- Đơn vị đo độ dài lớn hơn mét là kilômet (km) và nhỏ hơn mét là đêximet (dm), centimet (cm), milimet (mm).
1km = 1000m; 1m = 10dm = 100cm = 1000mm
ĐO THỂ TÍCH CHẤT LỎNG
1. Kể tên những dụng cụ dùng để đo thể tích chất lỏng? GHĐ, ĐCNN của một bình chia độ?
- Những dụng cụ dùng để đo thể tích chất lỏng là: bình chia độ, ca đong, chai lọ, bơm tiêm có ghi sẵn dung tích.
- Giới hạn đo (GHĐ) của một bình chia độ là thể tích lớn nhất ghi trên bình.
- Độ chia nhỏ nhất (ĐCNN) của bình chia độ là phần thể tích của bình giữa hai vạch chia liên tiếp trên bình.
2. Đơn vị đo thể tích
Đơn vị đo thể tích thường dùng là mét khối ( m3 ) và lít ( l )
1 lít = 1dm3; 1ml = 1cm3 = 1cc
3. Quy trình đo thể tích
Quy trình đo thể tích của một lượng chất lỏng bằng bình chia độ:
- Ước lượng thể tích chất lỏng cần đo
- Lựa chọn bình chia độ có GHĐ và ĐCNN thích hợp
- Đổ chất lỏng vào bình chia độ có GHĐ và ĐCNN thích hợp
- Đặt mắt nhìn ngang với độ cao mực chất lỏng trong bình
- Đọc và ghi kết quả đo theo vạch chia gần nhất với mực chất lỏng.
* Chú ý:
Đối với các ca đong hoặc chai lọ có ghi sẵn dung tích, chỉ có một độ chia nên ĐCNN của chúng cũng chính bằng GHĐ của chúng.
Ví dụ: chai bia 0,5 lít, các loại ca 0,5 lít, 1 lít, 1,5 lít,…
ĐO THỂ TÍCH VẬT RẮN KHÔNG THẤM NƯỚC
1. Dùng bình chia độ để đo thể tích vật rắn (bỏ lọt bình chia độ)
- Ước lượng thể tích vật cần đo để chọn bình chia độ có GHĐ và ĐCNN thích hợp.
- Đổ chất lỏng vào bình chia độ với thể tích là V1.
- Bỏ vật cần đo vào bình chia độ, nước dâng lên thể tích V2.
- Thể tích của vật là V = V2 – V1
2. Dùng bình chia độ và bình tràn để đo thể tích vật rắn (không bỏ lọt bình chia độ)
- Đổ nước vào đầy bình tràn
- Bỏ vật vào bình tràn, nước tràn sang bình chứa.
- Đổ nước từ bình chứa vào bình chia độ để đọc kết quả.
KHỐI LƯỢNG – ĐO KHỐI LƯỢNG
1. Khối lượng là gì? Đơn vị đo khối lượng?
- Khối lượng của một vật chỉ lượng chất tạo thành vật.
- Đơn vị đo khối lượng là kilôgam (kg)
- Các đơn vị đo khối lượng khác thường dùng là: gam (g), tấn, tạ, yến
Ví dụ: Trên vỏ hộp sữa có ghi 397g, đó chính là lượng sữa chứa trong hộp.
2. Dụng cụ đo khối lượng
- Người ta dùng cân để đo khối lượng.
- Một số loại cân thường gặp là: cân đòn, cân đồng hồ, cân y tế.
3. Cân một vật bằng cân Rôbecvan (hoặc cân đồng hồ)
- Điều chỉnh cho cân thăng bằng
- Đặt vật lên đĩa cân bên trái
- Bỏ từng quả cân lên đĩacân bên phải và kéo con mã sao cho cân thăng bằng.
- Khối lượng của vật chính là tổng khối lượng các quả cân bên phải cộng thêm con mã.
* Khi cân một vật cần lưu ý:
- Cách điều chỉnh số 0
- ĐCNN của cân ( đối với cân Robecvan, ĐCNN của cân chính là khối lượng của quả cân nhỏ nhất trong hộp quả cân)
- GHĐ của cân ( đối với cân Robecvan, GHĐ của cân chính là tổng khối lượng của các quả cân trong hộp quả cân)
LỰC – HAI LỰC CÂN BẰNG
1. Lực là gì?
Khi vật này đẩy hoặc kéo vật kia, ta nói vật này đã tác dụng lực lên vật kia.
Ví dụ: Gió thổi vào cánh buồm làm thuyền buồm chuyển động, khi đó gió đã tác dụng lực đẩy lên cánh buồm.
2. Thế nào là hai lực cân bằng?
- Hai lực cân bằng là hai lực mạnh như nhau có cùng phương, ngược chiều, cùng tác dụng vào một vật.
Ví dụ: hai đội đang kéo co.
- Vật sẽ đứng yên dưới tác dụng của hai lực cân bằng.
Ví dụ: quyển sách nằm yên trên mặt bàn nằm ngang chịu tác dụng của hai lực cân bằng là lực hút của Trái đất cóa phương thẳng đứng, chiều từ trên xuống dưới và lực đỡ của mặt bàn có phương thẳng đứng chiều từ dưới lên trên. Hai lực này có độ lớn bằng nhau.
TÌM HIỂU KẾT QUẢ TÁC DỤNG CỦA LỰC
Lực tác dụng lên một vật có thể làm biến đổi chuyển động của vật (nhanh dần, chậm dần, đổi hướng) hoặc làm cho vật bị biến dạng. Hai kết quả này có thể xuất hiện đồng thời.
Ví dụ: Khi ta đi xe đạp, nếu bóp phanh thì xe đạp sẽ chuyển động chậm dần rồi dừng lại.
TRỌNG LỰC – ĐƠN VỊ CỦA LỰC
1. Trọng lực là gì? Trọng lực có phương và chiều như thế nào?
- Trọng lực là lực hút của Trái đất tác dụng lên vật.
- Trọng lực có phương thẳng đứng và có chiều hướng về phía Trái Đất.
2. Trọng lượng là gì? Đơn vị của lực, ký hiệu?
- Cường độ (độ lớn) của trọng lực tác dụng lên một vật ở gần mặt đất gọi là trọng lượng của vật đó.
- Đơn vị: Niuton (N)
Ví dụ:
Một quả cân có khối lượng 100g (0,1kg) ở mặt đất có trọng lượng gần bằng 1N.
Một quả cân có khối lượng 1kg ở mặt đất có trọng lượng gần bằng 10N.
LỰC ĐÀN HỒI
1. Lực đàn hồi là gì? Thế nào là vật đàn hồi?
- Lực đàn hồi là lực sinh ra khi vật bị biến dạng.
- Vật đàn hồi là vật sẽ lấy lại hình dạng ban đầu của nó khi lực gây ra biến dạng đàn hồi ngừng tác dụng.
2. Mối liên hệ giữa độ bién dạng của vật đàn hồi và lực đàn hồi như thế nào?
Độ biến dạng của vật đàn hồi càng lớn thì lực đàn hồi càng lớn và ngược lại.
LỰC KẾ. PHÉP ĐO LỰC. TRỌNG LƯỢNG VÀ KHỐI LƯỢNG
1. Người ta đo lực bằng dụng cụ nào?
Lực kế là dụng cụ dùng để đo lực.
2. Mối liên hệ giữa trọng lượng và khối lượng của một vật
Công thức: P = 10m
Trong đó:
m là khối lượng của vật, đơn vị là kg
P là trọng lượng của vật, đơn vị là N
KHỐI LƯỢNG RIÊNG
1. Khối lượng riêng là gì? Công thức tính khối lượng riêng
Khối lượng của một mét khối một chất gọi là khối lượng riêng của chất đó.
Công thức: \(D = \frac{m}{V}\)
Trong đó:
D: là khối lượng riêng của chất cấu tạo nên vật
m: là khối lượng vật (kg)
V: là thể tích của vật (m3)
2. Đơn vị của khối lượng riêng? Muốn xác định khối lượng riêng cần đo đại lượng nào?
- Đơn vị của khối lượng riêng là: kg/m3.
- Cách xác định khối lượng riêng của một chất: Để xác định khối lượng riêng của một chất, ta đo khối lượng và đo thể tích của vật rồi dùng công thức \(D = \frac{m}{V}\) để tính toán.
TRỌNG LƯỢNG RIÊNG
- Trọng lượng của một mét khối của một chất gọi là trọng lượng riêng của chất đó.
- Trọng lượng riêng của một chất được xác định trọng lượng của một đơn vị thể tích (1m3) chất đó.
- Công thức tính trọng lượng riêng:
\(d = \frac{P}{V}\) suy ra \(\left\{ \begin{array}{l}P = d.V\\V = \frac{P}{d}\end{array} \right.\)
Trong đó:
d: trọng lượng riêng (N/m3)
P: trọng lượng (N)
V: thể tích (m3)
- Công thức tính trọng lượng riêng theo khối lượng riêng: d = 10.D
- Muốn xác định khối lượng riêng của một chất tạo nên vật ta phải dùng bình chia độ để đo thể tích và dùng cân để đo khối lượng. Sau đó từ công thức \(D = \frac{m}{V}\) ta xác định được khối lượng riêng.
MÁY CƠ ĐƠN GIẢN
1. Một số máy cơ đơn giản thường gặp
Các máy cơ đơn giản thường gặp: mặt phẳng nghiêng, đòn bẩy, ròng rọc.
2. Tác dụng của máy cơ đơn giản
Giúp con người di chuyển hoặc nâng các vật nặng dễ dàng hơn:
- Mặt phẳng nghiêng: tấm ván dày đặt nghiêng so với mặt phẳng nằm ngang, dốc,…
- Đòn bấy: búa nhổ đinh, kéo cắt giấy,…
- Ròng rọc: máy kéo ở công trường xây dựng, ròng rọc kéo gầu nước giếng,…
MẶT PHẲNG NGHIÊNG
1. Tác dụng của mặt phẳng nghiêng
Tác dụng của mặt phẳng nghiêng là giảm lực kéo hoặc đẩy vật và đổi hướng của lực tác dụng vào vật.
Ví dụ: Khi nền nhà cao hơn sân nhà, để đưa xe máy vào trong nhà, nếu đưa trực tiếp ta phải khiêng xe. Nhưng khi sử dụng mặt phẳng nghiêng ta có thể đưa xe vào trong nhà một cách dễ dàng vì lúc này ta đã tác dụng vào xe một lực theo chiều hướng khác (không phải là phương thẳng đứng) và có độ lớn nhỏ hơn trọng lượng của xe.
2. Ứng dụng của mặt phẳng nghiêng trong đời sống
Những vật dựa trên nguyên lý của mặt phẳng nghiêng: đèo dốc, cầu thang xoáy ốc, cái đinh ốc vít,…
ĐÒN BẨY
1. Tác dụng của đòn bẩy
- Đòn bẩy có tác dụng làm giảm lực kéo hoặc đẩy vật và đổi hướng của lực tác dụng vào vật.
- Dùng đòn bẩy có thể được lợi về lực. Khi dùng đòn bẩy để nâng vật, nếu khoảng cách từ điểm tựa tới điểm tác dụng của lực nâng vật lớn hơn khoảng cách từ điểm tựa tới điểm tác dụng của trọng lực thì lực tác dụng nhỏ hơn trọng lượng của vật.
2. Ứng dụng của đòn bẩy trong đời sống
Trong thực tế, khi sử dụng đòn bẩy ta được lợi về lực: bập bênh, mái chèo, búa nhổ đinh, kìm, xe cút kít, kéo cắt kim loại,…
Chiếc kéo dùng để cắt kim loại thường có phần tay cầm dài hơn lưỡi kéo để được lợi về lực.
RÒNG RỌC
1. Có mấy loại ròng rọc? Tác dụng của các loại ròng rọc
- Có hai loại ròng rọc là: ròng rọc động và ròng rọc cố định.
- Tác dụng của ròng rọc:
+ Ròng rọc cố định: giúp làm thay đổi hướng của lực kéo so với khi kéo trực tiếp.
+ Ròng rọc động: giúp làm lực kéo vật lên nhỏ hơn trọng lượng của vật.
2. Sử dụng ròng rọc ta được lợi gì?
Sử dụng ròng rọc khi đưa một vật lên cao ta được lợi:
- Về lực
- Về hướng của lực
- Về đường đi
Ví dụ: Ở giếng nước thường gắn một ròng rọc giúp ta dễ ràng kéo nước từ giếng lên.
Loigiaihay.com
Các bài khác cùng chuyên mục
- Giải đề thi học kì 2 lý lớp 6 năm 2020 - 2021 trường PTDTNT THCS Ninh Sơn
- Đề kiểm tra giữa học kì 2 Vật lí 6 - Đề số 03 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa học kì 2 Vật lí 6 - Đề số 02 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa học kì 2 Vật lí 6 - Đề số 01 có lời giải chi tiết
- Giải đề thi học kì 1 lý lớp 6 năm 2020 - 2021 Phòng GDĐT huyện Chi Lăng
- Giải đề thi học kì 2 lý lớp 6 năm 2020 - 2021 trường PTDTNT THCS Ninh Sơn
- Đề kiểm tra giữa học kì 2 Vật lí 6 - Đề số 03 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa học kì 2 Vật lí 6 - Đề số 02 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa học kì 2 Vật lí 6 - Đề số 01 có lời giải chi tiết
- Giải đề thi học kì 1 lý lớp 6 năm 2020 - 2021 Phòng GDĐT huyện Chi Lăng