Tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh


Về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam: Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930.

a) Vai trò và bản chất của Đảng

Về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam: Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930.

Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam: Sức mạnh to lớn của nhân dân chỉ phát huy khi được tập hợp, đoàn kết và được lãnh đạo bởi một tổ chức chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối, chiến lược, sách lược, phương pháp cách mạng đúng đắn. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tính quyết định hàng đầu từ sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam đã được thực tế lịch sử chứng minh, không có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế được.

-  Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân nhưng đồng thời cũng là Đảng của dân tộc và của nhân dân lao động Việt Nam. Hồ Chí Minh rèn luyện Đảng luôn luôn chú trọng tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Sức mạnh của Đảng không chỉ là bắt nguồn từ giai cấp công nhân mà còn bắt nguồn từ các tầng lớp nhân dân lao động khác.

b) Sự cần thiết phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng là một nhiệm vụ tất yếu thường xuyên để Đảng hoàn thành vai trò chiến sĩ tiên phong trước giai cấp, dân tộc và nhân dân. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với sự tồn tại của Đảng. Sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo là một quá trình, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Đảng sống trong xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường xã hội, thường xuyên chú ý chỉnh đốn Đảng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi cái ác, cái xấu, bảo vệ cái tốt, cái thiện, làm cho Đảng luôn luôn là biểu tượng của đạo đức, văn minh. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ được các phẩm chất đạo đức cách mạng tiêu biểu.

Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lại được Hồ Chí Minh coi là công việc càng phải tiến hành thường xuyên hơn để hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi và tẩy trừ mọi tệ nạn do thoái hoá, biến chất gây ra.

c)  Nội dung công tác xây dựng Đảng

-   Xây dựng Đảng về tư tưởng - lý luận: Hồ Chí Minh đã ví chủ nghĩa Mác - Lênin như trí khôn của con người, như bàn chỉ nam định hướng cho con tàu đi là nói lên vai trò cực kỳ quan trọng của lý luận ấy trong tất cả các thời kỳ cách mạng.

Theo Người, việc tiếp nhận và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin cần phải phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với từng hoàn cảnh; phải chú ý học tập, kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác, đồng thời Đảng ta phải tổng kết kinh nghiệm của mình để bổ sung chủ nghĩa Mác Lênin; phải tăng cường đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

-        Xây dựng Đảng về chính trị: gồm xây dựng đường lối chính trị, bản lĩnh chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, củng cố lập trường chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị... Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo chính trị của mình, chủ yếu bằng việc đề ra cương lĩnh, đường lối chiến lược, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như sách lược và quy định những mục tiêu phát triển của xã hội theo hướng lâu dài cũng như của từng giai đoạn.

Hồ Chí Minh lưu ý cần phải giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên để họ luôn luôn kiên định lập trường, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời, Người cũng cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị gây hậu quả nghiêm trọng đối với vận mệnh của Tổ quốc, sinh mệnh chính trị của hàng triệu đảng viên cũng như của hàng triệu nhân dân lao động.

-       Xây dựng Đảng về tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ:

Hệ thống tổ chức của Đảng: Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức, một tổ chức tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau; mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng. Người rất coi trọng vai trò của chi bộ. Bởi lẽ, đối với bản thân Đảng, chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; chi bộ là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên; chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Người chú trọng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng: Tập trung dân chủ; Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; Tự phê bình và phê bình; Kỷ luật nghiêm minh, tự giác; Đoàn kết thống nhất trong Đảng:

Về cán bộ, công tác cán bộ của Đảng, Hồ Chí Minh đề ra một hệ thống các quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ. Người nhận thức rõ vị trí, vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Muốn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém. Người cán bộ phải có đủ đức và tài, phẩm chất và năng lực, trong đó, đức, phẩm chất là gốc; Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ, vì công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng. Nội dung của nó bao hàm các khâu liên hoàn, có quan hệ chặt chẽ với nhau: Tuyển chọn cán bộ; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ; đánh giá đúng cán bộ; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ; thực hiện các chính sách đối với cán bộ.

- Xây dựng Đảng về đạo đức:

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một Đảng chân chính cách mạng phải có đạo đức. Đạo đức tạo nên uy tín, sức mạnh của Đảng, giúp Đảng đủ tư cách lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng nhân dân. Xét về thực chất, đạo đức của Đảng ta là đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Giáo dục đạo đức cách mạng là một nội dung quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Nó gắn chặt với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức nhằm làm cho Đảng luôn luôn thật sự trong sạch.


Bình chọn:
3.9 trên 8 phiếu
  • Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc

    Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh là tư tưởng cơ bản nhất quán và xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành sức mạnh to lớn trong đấu tranh cách mạng để giành thắng lợi:

  • Tư tưởng về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân

    Nhà nước của dân là Nhà nước trong đó dân là chủ; dân là người có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu quyền hạn là của dân; quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

  • Tư tưởng về văn hoá và đạo đức

    Hồ Chí Minh hiểu văn hoá theo ba nghĩa: Theo nghĩa hẹp nhất, văn hoá là dân trí, trình độ học vấn của dân cư; theo nghĩa hẹp, văn hoá là một bộ phận của đời sống xã hội, thuộc lĩnh vực tinh thần, có quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị

  • Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh có cội nguồn sâu xa từ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam; tiếp thu lý luận của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là lý luận cách mạng không ngừng của c.Mác và V.I. Lênin