Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (Giáo dục chính trị)


Từ cuối năm 1929, phong trào cách mạng Việt Nam nhanh chóng trưởng thành cả về mặt lý luận và tổ chức; phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi và rộng khắp cả nước.

a)  Hoàn cảnh lịch sử

Từ cuối năm 1929, phong trào cách mạng Việt Nam nhanh chóng trưởng thành cả về mặt lý luận và tổ chức; phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi và rộng khắp cả nước.

Ba tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam ra đời, chung mục đích nhưng hoạt động riêng rẽ, có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ lực lượng cách mạng.

Tháng 10/1929, Quốc tế Cộng sản gửi thư yêu cầu thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc, khi đó đang hoạt động ở Xiêm. Tuy không nhận được thư của Quốc tế Cộng sản, nhưng nhận biết rõ tình hình của các tổ chức cộng sản, Người rời khỏi Xiêm sang Trung Quốc.

Với tầm nhìn rộng lớn và tư cách là Uỷ viên Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản, Người chủ động triệu tập đại biểu, dự thảo văn kiện, chuẩn bị mọi mặt tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, diễn ra từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, vào dịp Tết Canh Ngọ, tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc).

Hội nghị thông qua 5 nội dung là xoá bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương. Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam; thảo luận Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng; định kế hoạch thống nhất Đảng ở trong nước và cử Ban Trung ương lâm thời.

Ngày 8/2/1930, Nguyễn Ái Quốc viết Lời kêu gọi: Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Chúng ta cần gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để đấu tranh giải phóng dân tộc và giai cấp bị bóc lột.

Ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó các tổ chức Đảng trong nước lần lượt thống nhất thành các Chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản mang ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) quyết định lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

b)  Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng

Các văn kiện Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt được Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thông qua (2/1930) họp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh vắn tắt nhưng đầy đủ những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.

Phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản" Nói cách khác là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Nhiệm vụ của cách mạng: về chính trị: Đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, làm cho nước An Nam được hoàn toàn độc lập, lập ra chính phủ công nông binh; tổ chức ra quân đội công nông.

về kinh tế: Thủ tiêu hết các thứ quốc trái; tịch thu toàn bộ sản nghiệp lớn như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v... của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý. Tịch thu hết ruộng đất của đế quốc Pháp để làm của công và chia cho dân cày nghèo. Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; mở mang công nghiệp và nông nghiệp; thi hành luật ngày làm 8 giờ.

về văn hoá - xã hội: Dân chúng được tự do tổ chức; nam nữ bình quyền, v.v...; phổ thông giáo dục theo công nông hoá.

về lực lượng cách mạng: Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vững vào dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng. Đảng hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông .. để kéo họ về phe giai cấp vô sản. Đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản chưa ra mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng làm cho họ trung lập, Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.

về lãnh đạo cách mạng: Giai cấp vô sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp phải thu phục được đa số giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo dân chúng. Khi đoàn kết với các giai cấp, không thể nhượng bộ, thoả hiệp chút lợi ích gì của công nông.

về phương pháp cách mạng: Sử dụng bạo lực cách mạng giành chính quyền. Tổ chức ra quân đội công nông để bảo vệ thành quả cách mạng, đập tan sự phản kháng của kẻ thù về quan hệ quốc tế: Cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, thực hành liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là vô sản Pháp.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên là sự vận dụng tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, giải đáp đúng đắn những vấn đề cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế thời đại. Tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh là tiến hành cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới, giành độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ra đời đã quy tụ lực lượng và sức mạnh của Đảng, đặt nền tảng đoàn kết giai cấp công nhân và toàn dân tộc. Đó là đặc điểm và ưu thế của Đảng Cộng sản Việt Nam so với các lực lượng cách mạng khác. Với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đúng đắn và tổ chức chặt chẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng và điều kiện trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

c)  Ý nghĩa sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào năm 1930 là tất yếu lịch sử là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Đảng ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời đã chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam; nó chứng tỏ rằng, giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng.

Đảng vừa ra đời đã nắm được vai trò lãnh đạo duy nhất đối với phong trào cách mạng, là trung tâm đoàn kết giai cấp, đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam; là sự chuẩn bị đầu tiên, mở đường cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam về sau.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đưa cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc - người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng và tổ chức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 


Bình chọn:
3.6 trên 19 phiếu
  • Hoàn cảnh lịch sử cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

    Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền. Các đế quốc đua nhau xâm lược các nước châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh. Sự xâm lược và bóc lột thực dân làm cho nhân dân các thuộc địa rất khổ cực. Mâu thuẫn giữa các đế quốc với các dân tộc thuộc địa và mâu thuẫn giữa các đế quốc với nhau rất gay gắt.