Đề số 53 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 53 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Người giàu nhất thế giới, triệu phú người Mỹ Warren Buffett đã chia sẻ bí quyết thành công với sinh viên kinh tế của đại học Texas và đại học Emary mới đây. Ông nói: Nguồn lực mạnh mẽ nhất trên thế gian này chính là tình yêu không điều kiện. Càng cho đi, bạn càng nhận được nhiều. […]

Tôi cũng nghĩ đến con sông trong lời bạn tôi, khi cô ấy nói với tôi rằng, phải trao đổi chất tốt. Khi trao đổi chất, trao đổi tình cảm, trao đổi tinh thần thì con người vận động như thể một dòng sông, vẫn là nó nhưng mỗi ngày à những giọt nước khác nhau đang chảy. Thế nên trẻ lâu chứ không già nhanh như ao làng nước đọng.

Tôi cũng nghĩ đến Biển Chết. Chỉ có nhận về mà không cho đi. Nước sông Jordan đổ vào Biển Chết rồi đọng lại ở đó, không hòa ra đại dương. Nơi đây không có sự sống, cá và các loại thủy sinh vật không thể sống nổi trong môi trường này. Ngay cả vùng châu thổ sông Jordan khi xưa từng là rừng rậm nhiệt đới, nay thì sự màu mỡ đã là chuyện của quá vãng xa xôi.

Tôi cũng nghĩ đến nết tốt của đất. Đất nhận về tất cả. Từ thơm như nước hương hoa, đến bẩn thỉu hôi hám của máu mủ phân gio, của khạc nhổ, của rác thải, của xác động vật thối rữa. Đất vẫn bình yên nhận về tất cả. Rồi đất cho đi những cỏ cây, những hoa thơm trái ngọt, những thảm thực vật đầy sự sống trong lành.

Cho đi để nhận về. Nhận về và cho đi. Tình yêu cũng là như thế. Càng cho đi, bạn càng nhận được nhiều. Nhưng, phải là tình yêu không điều kiện. Đó là một tình yêu không đòi hỏi sự chiếm hữu, vị lợi. Nó gần với lòng từ bi. Tình yêu đòi hỏi sự chiếm hữu, vị lợi thì có thể gây ra hệ lụy, khổ đau do lòng dục không được đến đáp. Còn tình yêu của lòng từ bi cũng có thể có khổ đau do xót thương mang lại, nhưng đó là niềm đau có ích, sự khổ đau cần thiết và có lợi lớn trong việc thúc đẩy công bằng, tiến bộ của xã hội – con người. Nhà tỉ phú kiêm nhà nhân đạo người Mỹ này đã hiến tặng hơn 30 tỉ USD cho các quỹ từ thiện trên thế giới.

Vậy thì bí quyết thành công trong kinh doanh của nhà tỉ phú giàu nhất thế giới là gì? Đó là lòng yêu thương vô điều kiện. Vậy thì công việc quan trọng của sinh viên hai trường kinh tế lớn, và cả chúng ta nữa, là gì, nếu không phải là học và thực tập yêu thương?

(Câu chuyện giếng nước, dòng sông và bí quyết thành công – Đoàn Công Lê Huy, Hoa học trò, số 746/2008)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn bản trên?

Câu 2: Anh/Chị hiểu như thế nào về câu nói của nhà tỉ phú giàu nhất thế giới người Mỹ Warren Buffett: Nguồn lực mạnh mẽ nhất trên thế gian này chính là tình yêu không điều kiện?

Câu 3: Tại sao tác giải lại cho rằng: sông trẻ lâu chứ không già nhanh như ao làng nước đọng?

Câu 4: Suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được gợi ra từ nết tốt của đất.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Tình yêu cũng như thế. Càng cho đi, bạn càng nhận được nhiều trong đoạn văn bản phần Đọc hiểu.

Câu 2:

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong không gian địa lí (Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ Văn 12, Tập một). Từ đó hãy liên hệ với Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử, Ngữ Văn 11, Tập hai) để thấy sự khác biệt của hai nghệ sĩ khi hướng về sông Hương xứ Huế.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2:

Câu nói: Nguồn lực mạnh mẽ nhất trên thế gian này chính là tình yêu không điều kiện có nghĩa là:

- Tình yêu có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống và sự thành công của con người, là năng lượng vô hạn, nguồn lực mạnh mẽ có thể hàn gắn thế giới, đẩy lùi cái ác, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

- Nhưng đó phải là tình yêu không điều kiện, không vị lợi, đòi hỏi sự chân thành: cho đi mà không màng nhận lại… Tình yêu không điều kiện mới có khả năng cảm hóa con người, gắn kết con người một cách vững bền và con người mới có thể cảm nhận được hạnh phúc thực sự khi cho đi.

Câu 3:

Sở dĩ tác giả cho rằng: sống trẻ lâu chứ không già nhanh như ao làng nước đọng là vì:

- Sống luôn cho đi và cũng nhận về những dòng nước mới. Sông luôn vận động chuyên chở phù sa, chuyên chở những dòng nước mát lành đi khắp muôn nơi tạo nên sự sống, khác hẳn ao làng nước đọng không nhận về cũng chẳng cho đi, cũ mòn trôi về phái kiệt khô sự sống.

- Con người cần học cách sống của dòng sông: không ngừng vận động, không ngừng khao khát; không ngừng cho đi và nhận về, trao đổi tinh thần, trao đổi tình cảm, mỗi tâm hồn cần một tâm hồn khác (Nguyễn Đình Thi)… để thực sự sống trẻ, sống ý nghĩa thay vì ích kỉ tù hãm như ao làng nước đọng sớm muộn cũng để tâm hồn tàn lụi.

Câu 4:

Thông điệp được gợi ra từ nết tốt của đất:

- Sống manh mẽ, bình thản như đất sẵn sàng nhận về những điều tốt đẹp và cả những khó khăn, thử thách để biến thử thách, khó khăn thành cơ hội bằng trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, nghị lực, niềm tin.

- Sống cống hiến, sáng tạo, yêu thương, bao dung như đất để dâng hiến cho đời tất cả những gì tốt đẹp nhất. Có như vậy con người mới cảm nhận được hạnh phúc bởi “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất” (Đi – đơ – rô).

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giải thích

- Câu nói gửi đến chúng ta thông điệp: Khi chúng ta trao cho nhau tình yêu thương, quan tâm, sẻ chia các giá trị vật chất và tinh thần thì chúng ta sẽ nhận được những giá trị tốt đẹp. Càng cho đi nhiều ta cũng sẽ càng nhận được nhiều.

* Bàn luận vấn đề

Tại sao tình yêu càng cho đi, càng nhận được nhiều?

- Vì tình yêu thuộc phạm trù tinh thần, cho đi mà không mất đi, cho đi ta sẽ được nhận lại các giá trị tốt đẹp

- Khi chúng ta trao nhau tình yêu sự sẻ chia thì ta sẽ nhận về niềm vui và hạnh phúc, bởi tình yêu có khả năng xoa dịu vết thương và nỗi đau, giúp tạo dựng niềm tin và hy vọng cho người khác và cho chính mình.

- Khi cho đi tình yêu ta sẽ tạo nên năng lượng gàn gắn thế giới, khiến con người xích lại gần nhau, đẩy lùi những hiểm họa toàn cầu thì ta sẽ nhận về cuộc sống bình yên và hạnh phúc trong thế giới tốt đẹp của đoàn kết, yêu thương, hòa bình.

- Khi cho đi tình yêu thương ta sẽ nhận về sức mạnh để vượt thoát nỗi cô đơn, thôi vị kỉ để sống chan hòa, nhân ái yêu thương và được mọi người yêu mến.

- Nếu không trao nhau tình yêu thì loài người sẽ rơi vào hố sâu của sự cô đơn, ngăn cách, đứng trước hiểm họa khôn lường của chiến tranh, chết chóc, hận thù…

- Tình yêu khi cho đi là gốc rễ của hạnh phúc “Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc” (Đặng Thùy Trâm). Song phải cho và nhận đúng cách. Cho đi bằng tình cảm chân thành không vị kỉ, vị lợi, cho bằng một tình yêu không điều kiện, cho đi mà không mong nhận lại.

* Phê phán

- Lối sống ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình không bao giờ biết cho đi.

- Lối sống vị lợi, khi cho đi chỉ mong được nhận lại.

Bài học nhận thức và hành động

- Cần học và thực tập yêu thương bằng cách:

+ Quan tâm san sẻ cho nhau cả về vật chất và tinh thần.

+ Sẵn sàng tha thứ, bao dung, mở rộng vòng tay nhân ái với mọi người.

Câu 2:

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

- Hoàng Phủ Ngọc Tường (1937) là một trong những nhà văn chuyên về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí… Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa.

- Ai đã đặt tên cho dòng sông? (1981) in trong tập bút kí cùng tên (1986) được tác giả viết trong mười ngày khi đã nghĩ về nó cả nửa cuộc đời. Tác phẩm được đánh giá là một áng văn xuôi súc tích giàu chất thơ khi tái hiện vẻ đẹp hình tượng sông Hương dưới góc nhìn độc đáo, mang đậm dấu ấn của cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường.

- Dưới con mắt của cái tôi tài hoa lãng mạn đầy mê đắm Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương hiện lên mang vẻ đẹp vừa độc đáo, vừa đa dạng được tiếp cận dưới góc nhìn địa lí, lịch sử và chiều sâu văn hóa. Sông Hương vừa mang vẻ đẹp thiên tạo vừa là tấm gương phản chiếu tâm hồn Huế, văn hóa Huế. Tất cả được thể hiện qua những trang văn tài hoa mê đắm, giàu chất thơ.

2. Phân tích

2.1 Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương trong không gian địa lí

* Vẻ đẹp sông Hương ở vùng thượng nguồn:

- Trong mối quan hệ với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con sông toát lên vẻ đẹp của sức sống, phóng khoáng, man dại, mãnh liệt, thuần phác đầy bản năng, vừa cá tính vừa dịu dàng trí tuệ.

- Sông Hương là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào đầy vực bí ẩn, ánh lên vẻ đẹp của một cô gái Digan phóng khoáng và man dại đầy bản lĩnh, gan dạ với một tâm hồn tự do và trong sáng.

- Khi ra khỏi rừng, Sông Hương mang sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.

→ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhấn mạnh vẻ hoang dại đầy bản năng của sông Hương. Song đó chính là nét cá tính, bí ẩn, hấp dẫn của dòng sông khác hẳn nói về dữ dằn như kẻ thù số một của người dân Tây Bắc của con sông Đà trong Người lái đò sông Đà.

* Vẻ đẹp của sông Hương khi chảy qua đồng bằng và ngoại vi thành phố Huế:

- Sông Hương mang vẻ đẹp của cổ tích, của huyền thoại, dòng sông gợi cảm như người gái đẹp ngủ mơ màng khi chảy giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại.

- Sông Hương hiện lên vẻ đẹp mềm mại, nữ tính với những đường cong tuyệt mĩ, sắc nước biến ảo, vừa bừng dậy sức sống mãnh liệt khi chuyển tiếp từ vùng đồi núi sang vùng đồng bằng rất đa dạng về địa hình: có vực sâu, có đồi núi trùng điệp, có thềm đất bãi, hoa cỏ mây trời; với bao địa danh: Ngã Ba Tuần, Điện Hòn Chén, Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo, Thiên Mụ; những sắc màu phản quang “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” của sắc nước biến ảo trên dòng sông. Sự kết hợp ấy làm thành một bức tranh “sơn thủy hữu tình”, một miền non nước nên thơ, tạo nên sắc màu mộng mơ của Huế Đẹp Thơ.

- Sông Hương hiện lên vẻ đẹp trầm mặc như triết lý như cổ thi khi chảy qua những lăng tẩm đền đài của vua chua triều Nguyễn được phong kín trong những rừng thông u tịch. Đó chính là vẻ đẹp của lớp trầm tích ngàn năm không suy suyển – một vẻ đẹp cổ kính trang nghiêm của cố đô Huế.

* Vẻ đẹp của sông Hương khi chảy giữa kinh thành Huế

- Sông Hương mang vẻ đẹp đầy biến ảo đa chiều: vừa vui tươi giữa biển bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, vừa hiền hòa trong những đường cong qua vùng không gian nhiều cồn đảo; vừa kín đáo, e ấp vừa tinh tế, tình tứ trong tiếng vâng; vừa xinh đẹp lỗng lẫy với trăm nghìn ánh hoa đăng; vừa ngập ngừng, mềm mại, sâu lắng trôi đi chậm, thực chậm cơ hồ chỉ còn là mặt hồ yên tĩnh như điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, lại vừa trí tuệ, tài hoa như người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya.

* Vẻ đẹp sông Hương khi rời khỏi kinh thành Huế

- Sông Hương mang vẻ đẹp mơ màng trong sương khói giữa màu xanh biếc của tre trúc và vườn cau thôn Vĩ và bỗng đột ngột đổi dòng rẽ ngoặt sang hướng Đông Tây để gặp thành phố lần cuối ở thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đó là khúc quanh chí tình đầy vương vấn quyến luyến với thành phố Huế thân thương như Thúy Kiều quay lại gặp Kim Trọng trong đêm tình tự.

- Bằng cách tiếp cận ở nhiều góc nhìn khác nhau trong thủy trình sông Hương từ nguồn ra biển kết hợp với bút pháp kể, tả, liên tưởng tưởng tượng kì ảo ngôn ngữ đậm chất thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm nổi bật một sông Hương đẹp đẻ, biến ảo, đa chiều trong sự phối cảnh tuyệt vời của xứ Huế, là vẻ đẹp thiên tạo: vừa mềm mại như lụa, vừa hữu tình nên thơ, vừa êm ả, vừa trầm mặc, vừa tình tứ lãng mạn, vừa hài hòa gắn bó với cảnh quan Huế soi chiếu trong vẻ đẹp của giai nhân “bình dị mà không ủy mị, dịu dàng mà vẫn tiềm ẩn khí mạch của đất đai, khéo trang điểm mà không lòe loẹt phô phang” (Sử thi buồn – Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Vẻ đẹp của sông Hương trong không gian kiến tạo mang đậm dấu ấn cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đó là cái tôi giàu cảm xúccái tôi trí tuệ và uyên bác; cái tôi tài hoa, tinh tế lãng mạn, giàu trí tưởng tượng:

- Nhờ vào kiến thức uyên bác, cảm xúc phong phú dạt dào, trí tưởng tượng tài hoa, cùng ngôn ngữ tài tình, sáng tạo, giàu chất thơ với cách tiếp cận độc đáo của tác giả mà sông Hương  mang vẻ đẹp sinh động: hài hòa từ hình dáng bên ngoài đến vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm bên trong; lãng mạn, tình tứ đâmh thiên tính nữ (cô gái Digan, người mẹ phù sa, người gái đẹp, người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya, nàng Kiều trong đêm tình tự).

- Qua lăng kính tình yêu của Hoàng Phủ Ngọc Tường ta thấy thủy trình của sông Hương là hành trình tìm kiếm có ý thức về với người yêu nơi miền tình cố đô nổi bật ở vẻ đa tình, quyến rũ. Trong trí tưởng tượng của tác giả sông Hương và thành phố của nó như một vang bóng trong thời gian hình tượng cặp tình nhân lý tưởng của Truyện Kiều: tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê: từ bước chân Thúy Kiều “xăm xăm bang lối vườn khuya một mình” khi chảy ở đồng bằng đến khúc quanh đột ngột ở thị trấn Bao Vinh, giống với hành động của nàng Kiều quay trở lại gặp Kim Trọng trong đêm tình tự.

2.2 Nét khác biệt của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hàn Mặc Tử khi hướng về sông Hương xứ Huế

- Cả hai tác giả cùng làm nổi bật vẻ đẹp và thơ của sông Hương xứ Huế vừa thể hiện tài – tâm của người nghệ sĩ với con người – đất nước – quê hương.

- Song cùng hường về một đối tượng nhưng hai nghệ sĩ đã thể hiện sự khác biệt tạo nên sức hấp dẫn riêng:

+ Đây thôn Vĩ Dạ Hàn Mặc Tử hướng về sông Hương xứ Huế với những mảng kí ức của những vẻ đẹp lung linh huyền ảo nằm ngoài tầm với, vụt khỏi tầm tay để giãi bày tâm trạng đau đớn, mặc cảm chia lìa, xa xót trước mối tình đơn phương. Từ đó bộc lộ niềm khát khao sống, khát khao yêu của một con người đang cầm tấm vé tàu để ngày mai đi vào cõi chết nhưng vẫn nuối đời, níu đời, tiếc đời. Sông Hương xứ Huế chỉ là cái cớ để thi nhân bộc lộ tâm trạng “Thơ Tứ tại tâm chứ không tại cảnh” (Chu Văn Sơn). Hoàng Phủ Ngọc Tường hướng về sông Hương xứ Huế để làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo, phong phú, đa dạng đầy biến ảo và vô cùng quyến rũ của sông Hương. Qua đó người đọc thấy được vẻ đẹp của con người Huế trong chiều sâu văn hóa và lịch sử cùng tình yêu sự gắn bó máy thịt của tác giả đối với sông Hương xứ Huế quê mình.

+ Đây thôn Vĩ Dạ Hàn Mặc Tử dùng thơ trữ tình để bộc lộ cảm xúc tâm trạng với những vần thơ tài hoa “xúc động và đầy ám ảnh” (Trần Đăng Khoa) thì qua hình tượng sông Hương trong không gian địa lí ở Ai đã đặt tên cho dòng sông? Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dùng thể loại bút kí thiên về thể hiện sự thực khách quan bằng những trang văn có sự kết hợp giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều, huy động vốn kiến thức phong phú nhiều mặt nhưng cũng đậm chất thơ để làm nổi bật vẻ đẹp sông Hương và con người Huế.

2.3 Đánh giá

- Hình tượng sông Hương trong không gian địa lí “không chỉ mang vẻ đẹp trời phú mà còn ánh lên vẻ đẹp của con người” (Lê Uyển Văn), qua đó ta thấy được trí tưởng tượng tài hoa, trí tuệ uyên bác, xúc cảm dạt dào của một cái tôi triết nhân Hoàng Phủ Ngọc Tường trong hành trình của một đời người, hành trình của tâm hồn Huế, văn hóa Huế, của một con người gắn bó, yêu tha thiết với quê hương xứ sở.

- Đi suốt dọc sông Hương để trải nghiệm bao nhiêu cảm xúc, cảm giác để hiểu thấu bao nhiêu giá trị, nhận ra bao nhiêu vẻ đẹp của địa lí và văn hóa, đời sống và lịch sử, cuối cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi đầy khắc khoải vẫn luôn vang vọng trong suốt bài bút kí: “Con người đã đặt tên cho dòng sông như nhà thơ chọn bút hiệu cho mình, gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử”.

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com

 Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí