Tuần 1:
Bài học này giúp học sinh nắm được một số nét tổng quát về các chặng đường phát triển, những thành tựu chủ yếu và những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến 1975. Thấy được những đổi mới bước đầu của văn học Việt Nam giai đoạn từ 1975, 1986 đến hết thể kỉ XX. Nắm được cách viết bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, có ý thức tiếp thu những quan niệm đúng đắn và phê phán những quan niệm sai lầm.
Tuần 2:
Bài học này giúp học sinh hiểu được những nét khái quát về sự nghiệp văn học, quan điểm sáng tác và những đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh. Nhận thức dược sự trong sáng của Tiếng Việt ở một số phương diện cơ bản và là một yêu cầu đối với việc sử dụng tiếng Việt; có ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Tuần 3:
Bài học này giúp học sinh thấy được ý nghĩa to lớn và giá trị nhiều mặt của bản Tuyên ngôn độc lập cùng vẻ đẹp của tư tưởng và tâm hồn tác giả.
Tuần 4:
Bài học này giúp học sinh nắm được những ý kiến sâu sắc, có lí có tình của Phạm Văn Đồng về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó, hiểu đúng đắn, sâu sắc hơn những giá trị lớn lao của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đối với thời đại bấy giờ và đối với ngày nay, để càng thêm yêu quý con người và tác phẩm của nhà thơ lớn đó. Nắm được cách làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống, có ý thức và thái độ đúng đắn trước các hiện tượng đời sống.
Tuần 5:
Bài học này giúp học sinh nắm vững các khái niệm văn bản khoa học, phong cách ngôn ngữ khoa học và các đặc trưng của phong cách ấy; có kĩ năng phân biệt phong cách ngôn ngữ khác và biết sử dụng ngôn ngữ khoa học trong các trường hợp cần thiết.
Tuần 6:
Bài học này giúp học sinh thấy được tầm quan trọng và sự bức thiết của công cuộc phòng chống HIV/AIDS đối với toàn nhân loại và mỗi cá nhân: từ đó nhận thức rõ trách nhiệm của các quốc gia và từng cá nhân trong việc sát cánh, chung tay đẩy lùi hiểm họa, cảm nhận được sức thuyết phục to lớn của văn bản. Củng cố và nâng cao kiến thức về bài văn nghị luận, biết cách làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.
Tuần 7:
Bài học này giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp riêng của thiên nhiên miền Tây và hình ảnh người lính Tây Tiến trong bài thơ. Nắm được những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ: bút pháp lãng mạn, những sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu. Củng cố và nâng cao kiến thức về nghị luận văn học.
Tuần 8:
Bài học này giúp học sinh nắm được những nét chính trong đường đời, đường cách mạng, đường thơ của Tố Hữu. Hiểu rõ nét nổi bật trong phong cách thơ Tố Hữu là sự hòa quyện giữa nội dung và trữ tình chính trị và nghệ thuật biểu hiện đậm đà tính dân tộc. Nắm được một số quy tắc về số câu, số tiếng, vần, nhịp, thanh… của một số thể thơ truyền thống, từ đó hiểu thêm về những đổi mới, sáng tạo của thơ hiện đại; biết lĩnh hội và phân tích thơ theo những quy tắc của luật thơ.
Tuần 9:
Bài học này giúp học sinh cảm nhận được một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, nhất là nghĩa tình gắn bó thân thiết của những người kháng chiến với Việt Bắc, với nhân dân, đất nước. Thấy rõ nội dung bài thơ được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật đậm tính dân tộc, làm dạt dào thêm tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn mỗi người Việt Nam. Hiểu được yêu cầu, cách thức phát biểu theo chủ đề, trình bày được ý kiến của mình trước tập thể phù hợp với chủ đề được nói tới.
Tuần 10:
Bài học này giúp học sinh thấy thêm một cái nhìn mới mẻ về đất nước qua cách cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: đất nước là sự hội tụ, kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân, nhân dân là người làm ra đất nước. Nắm được một số nét đặc sắc về nghệ thuật: giọng thơ trữ tình – chính luận, sự vận dụng sáng tạo nhiều yếu tố của văn hóa và văn học dân gian làm sáng tỏ thêm tư tưởng “Đất nước của nhân dân”. Qua việc phân tích các yếu tố: tiếng, vần, nhịp, hài thanh của một số đoạn thơ, thấy rõ sự giống nhau và khác nhau của các thể thơ hiện đại và truyền thống.
Tuần 11:
Bài học này giúp học sinh nắm được một số phép tu từ ngữ âm thường dùng trong văn bản và có kĩ năng phân tích, sừ dụng chúng. Vận dụng được những kiến thức cơ bản đã học trong các văn bản phần văn học để viết bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.
Tuần 12:
Bài học này giúp học sinh nắm được một số phép tu từ cú pháp thường dùng trong văn bản và có kĩ năng phân tích, sử dụng chúng.
Tuần 13:
Bài học này giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn và niềm khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trong tình yêu; nắm được những nét đặc sắc về nghệ thuật kết cấu, về xây dựng hình ảnh, nhịp điệu và ngôn từ của bài thơ. Thấy được sự cần thiết phải vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh trong bài văn nghị luận. Bước đầu nắm được các phương thức đó trong một đoạn, một bài văn nghị luận.
Tuần 14:
Bài học này giúp học sinh thấy được vẻ đẹp bi tráng của hình tượng Gar-xi-a Lor-ca; hiểu và cảm nhận được mạch cảm xúc và suy tư đa chiều vừa sâu sắc vừa mãnh liệt của tác giả cùng nét độc đáo trong hình thức biểu đạt thơ mang phong cách tượng trưng. Củng cố kiến thức và kĩ năng cơ bản về các thao tác lập luận đã học.
Tuần 15:
Bài học này giúp học sinh nắm được khái niệm quá trình văn học, bước đầu có ý niệm về các trào lưu văn học tiêu biểu. Hiều được khái niệm phong cách văn học, biết nhận diện những biểu hiện của phong cách văn học.
Tuần 16:
Bài học này giúp học sinh càm nhận được vẻ đẹp đa dạng của con sông Đà vừa “hung bạo” vừa “trữ tình” cùng hình ảnh giản dị mà kì vĩ của người lái đò trên dòng sông ấy. Từ đó thấy được tình yêu, sự đắm say của Nguyễn Tuân trước thiên nhiên và con người lao động ở miền Tây Bắc của Tổ quốc; hiểu và yêu mến tài năng nghệ thuật độc đáo của nhà văn được thể hiện trên những trang tùy bút. Phát hiện, phân tích và sửa chữa được các lỗi về lập luận.
Tuần 17:
Bài học này giúp học sinh hiểu được tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng mà Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho dòng sông quê hương, cho xứ Huế thân yêu và cũng là cho đất nước. Nhận biết được đặc trưng của thể loại bút kí và nghệ thuật viết bút kí trong bài. Phát hiện và sữa chữa được các lỗi lập luận trong bài văn nghị luận, rèn kĩ năng tạo các đoạn văn có lập luận chặt chẽ, sắc sảo.
Tuần 18:
Bài học này giúp học sinh nắm được một cách hệ thống và biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam và văn học nước ngoài; có năng lực phân tích văn học theo từng cấp độ: sự kiện, tác giả, tác phẩm, hình tượng, ngôn ngữ văn học,… Nắm được một cách hệ thống các tri thức và kĩ năng của cả ba phần: Văn hoc, tiếng Việt và làm văn.
Tuần 19:
Bài học này giúp học sinh hiểu được cuộc sống cực nhục, tối tăm và quá trình đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc vùng lên tự giải phóng khỏi ách áp bức, kìm kẹp của bọn thực dân và chúa đất thống trị. Thấy được nghệ thuật trần thuật linh hoạt, lời văn tinh tế, giàu chất thơ và đậm màu sắc dân tộc của tác phẩm, những đóng góp của nhà văn trong việc khắc họa tính cách nhân vật, sự tinh tế trong diễn tả cuộc sống nội tâm, sở trường quan sát những nét riêng về phong tục, tập quán và lối sống cùa người Mông. Vận dụng được các tri thức và kĩ năng đã học viết được bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
Tuần 20:
Bài học này giúp học sinh nắm vững đặc điểm, vai trò và tác động chi phối lời nói của các nhân vật giao tiếp trong hoạt động giao tiếp; có kĩ năng nói, viết thích hợp với vai giao tiếp trong từng ngữ cảnh nhất định.
Tuần 21:
Bài học này giúp học sinh hiểu được tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra. Cảm nhận được niềm khao khát tổ ấm gia đình, niềm tin vào cuộc sống và tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa những con người nghèo khổ ngay trên bờ vực của cái chết. Nắm được những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm trong việc tạo dựng tình huống truyện, miêu tả tâm lí, dựng đối thoại. Hiểu và biết cách làm bài văn nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.
Tuần 22:
Bài học này giúp học sinh nắm được tư tưởng cơ bản mà tác giả gửi gắm qua những hình tượng của tác phẩm: sự lựa chọn con đường đi của dân tộc ta trong cuộc đấu trang chống lại kẻ thù. Thấy được vẻ đẹp sử thi và nét đặc sắc Tây Nguyên, ý nghĩa và giá trị của tác phẩm trong hoàn cảnh chiến đấu chống Mĩ cứu nước lúc bấy giờ và trong thời đại ngày nay.
Tuần 23:
Bài học này giúp học sinh hiểu được sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, yêu cách mạng, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nắm được nghệ thuật trần thuật, khắc họa tính cách, miêu tả tâm lí và đặc điểm ngôn ngữ của tác phẩm. Nắm vững hơn nữa các tác phẩm truyện và tùy bút đã học ở lớp 12.
Tuần 24:
Bài học này giúp học sinh cảm nhận được suy nghĩ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh khi phát hiện ra sự thật đằng sau bức ảnh rất đẹp về chiếc thuyền trong sương sớm mà anh tình cờ chụp được là số phận đau đớn của người phụ nữ và bao ngang trái trong một gia đình hàng chài. Từ đó thấu hiểu: mỗi người trong cõi đời, nhất là người nghệ sĩ, không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận cuộc sống và con người. Thấy được nghệ thuật kết cấu độc đáo, cách triển khai cốt truyện, khắc họa nhân vật của một cây bút viết truyện ngắn có bản lĩnh và tài hoa. Củng cố và nâng cao những kiến thức cơ bản về hàm ý, cách tạo hàm ý, tác dụng của hàm ý trong giao tiếp ngôn ngữ.
Tuần 25:
Bài học này giúp học sinh cảm nhận được nếp sống, cách nghĩ và nề nếp sinh hoạt của những gia đình trí thức Hà Nội thế kỉ trước; trân trọng và phát huy lối sống, cách suy nghĩ độc lập và tỉnh táo của những người được coi là “hạt bụi vàng” của Hà Nội.
Tuần 26:
Bài học này giúp học sinh hiểu được thuốc là hồi chuông cảnh báo căn bệnh mê muội của người Trung Hoa đầu thế kỉ XX, nhà văn bày tỏ niềm tin vào tương lai, nhân dân sẽ thức tỉnh, hiểu và dần bước theo cách mạng. Hiểu được cách viết cô đọng, súc tích, giàu hình ảnh mang tính biểu tượng của Lỗ Tấn. Hiểu sâu hơn về chức năng mở bài và kết bài trong văn nghị luận, vận dụng linh hoạt, sáng tạo.
Tuần 27:
Bài học này giúp học sinh hiểu rõ tính cách Nga kiên cường và nhân ái qua bút pháp hiện thực táo bạo và nghệ thuật truyện ngắn của Sô-lô-khốp; tin tưởng rằng ý chí và nghị lực của con người có thể khắc phục mọi khó khăn gian khổ, vượt qua số phận éo le.
Tuần 28:
Bài học này giúp học sinh thấy được vẻ đẹp của con người trong hành trình theo đuổi một ước mơ giản dị nhưng rất lớn lao của đời mình, tìm ra lớp nghĩa hàm ẩn trong hình tượng nhân vật chính. Nắm được những chuẩn mực diễn đạt của bài văn nghị luận, biết cách tránh các lỗi về dùng từ, viết câu, sử dụng giọng điệu không phù hợp với chuẩn mực diễn đạt của bài văn nghị luận.
Tuần 29:
Bài học này giúp học sinh cảm nhận được bi kịch của con người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tạm và trái tự nhiên khiến tâm hồn nhân hậu, thanh cao bị nhiễm độc và tha hóa trước sự lấn át cùa thể xác thô lỗ, phàm tục; vẻ đẹp tâm hồn người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách. Thấy được kịch Lưu Quang Vũ đặc sắc trên nhiều phương diện: sự hấp dẫn của kịch bản văn học và nghệ thuật sân khấu, sự kết hợp giữa tính hiện đại với các giá trị truyền thống, sự phê phán mạnh mẽ, quyết liệt và chất trữ tình đằm thắm, bay bổng.
Tuần 30:
Bài học này giúp học sinh nắm được các luận điểm chủ yếu của bài viết và quan điểm của tác giả về những ưu điểm, nhược điểm của văn hóa truyền thống Việt Nam, nâng cao năng lực đọc văn bản khoa học và văn bản chính luận. Hiểu được thế nào là phát biểu tự do, bước đầu biết cách phát biểu tự do về một lĩnh vực quen thuộc.
Tuần 31:
Bài học này giúp học sinh nắm vững khái niệm ngôn ngữ hành chính và các đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ hành chính, có kĩ năng soạn thảo một số văn bản hành chính khi cần thiết. Nắm được đặc điểm và yêu cầu của văn bản tổng kết.
Tuần 32:
Bài học này giúp học sinh hệ thống hóa được những kiến thức cơ bàn về hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ đã học trong chương trình Ngữ văn từ lớp 10 đến lớp 12; nâng cao thêm năng lực giao tiếp bằng tiếng Việt ở cả hai quá trình, tạo lập và lĩnh hội văn bản. Hệ thống hóa tri thức về các kiểu loại văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, đặc biệt là lớp 12.
Tuần 33:
Bài học này giúp học sinh nắm được những giá trị cơ bản của văn học, hiểu được những nét bản chất của hoạt động tiếp nhận văn học. Hệ thống hóa được những kiến thức cơ bản về lịch sử, đặc điểm loại hình, các phong cách ngôn ngữ của Tiếng Việt đã được học, nắm chắc đặc điểm của từng phong cách trong ngữ cảnh giao tiếp phù hợp; nâng cao kĩ năng lĩnh hội và tạo lập văn bản thuộc từng phong cách khi cần thiết.
Tuần 34:
Bài học này giúp học sinh nắm một cách hệ thống và biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức cơ bản đã học trong chương trình học kì 2 Ngữ văn lớp 12; có năng lực phân tích văn học theo từng cấp độ: sự kiện, vấn đề, tác phẩm, hình tượng, ngôn ngữ văn học,…
Tuần 35:
Bài học này giúp học sinh nắm vững các nội dung cơ bản của cả ba phần văn học, tiếng Việt, làm văn trong chương trình Ngữ văn lớp 12, chủ yếu ở học kì II; biết cách vận dụng những kiến thức và kĩ năng đã học để hoàn thành tốt bài kiểm tra.