Đề số 34 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 34 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Điều mà tôi luôn đau đáu là: hầu hết mọi người đều đang sống dưới khả năng của mình. Tại sao như vậy? Mỗi người đều có những tiềm năng khác nhau. Mỗi người đều có những thế mạnh khác nhau. Nhưng tại sao hầu hết mọi người đều không sống đúng với tiềm năng của mình?

Có thể là vì đa phần chúng ta đều lười, đều không sử dụng hiệu quả quỹ thời gian của mình.

Có thể là vì nhiều người trong chúng ta chưa nhận thức được sức mạnh của thói quen, chúng ta muốn thay đổi nhưng chưa đủ động lực để vượt qua được sức ì, sự trì níu của những thói quen xấu.

Hoặc cũng có thể là vì, sau những lần thất bại trong cuộc sống, sau những va vấp của tuổi trẻ, từ bao giờ chúng ta đã tự thuyết phục bản thân rằng mình là một người bình thường, mình không có gì đặc biệt, rằng hãy thôi mơ mộng viển vông, hãy chấp nhận sống một cuộc đời bình thường, có những công việc bình thường. Và rồi chúng ta chết đi, trên tấm bia mộ ghi: “Đây là nơi yên nghỉ của một người hoàn toàn bình thường”.

Bạn thân mến, nếu bạn đã có lúc nào đó nghĩ rằng mình là người đặc biệt, rằng mình khác thường, thì đừng dập tắt ý nghĩ đó. Hãy tin vào lời thì thầm bên trong của mình, hãy trân trọng sự khác biệt, nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân mình. Âm thầm rèn luyện, tìm kiếm đam mê và theo đuổi con đường riêng của mình. Rồi một lúc nào đó, bạn sẽ thấy mình đang sống đúng như cách mà bạn từng mơ ước.

Hãy luôn tin rằng bạn là một ngôi sao chờ ngày tỏa sáng.

(Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, Roise Nguyễn, NXB Hội nhà văn, trang 245 – 246)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã chỉ ra những nguyên nhân nào khiến “hầu hết mọi người đều không sống đúng với tiềm năng của mình”?

Câu 3. Phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị?

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên của tác giả trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “hãy trân trọng sự khác biệt”.

Câu 2:

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của nhân vật Mị trong đêm mùa đông cứu A Phủ (đoạn trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ Văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó, hãy liên hệ với vẻ đẹp của nhân vật thị Nở trong đoạn văn sau:

Báo cháo húp xong rồi, thị Nở đỡ lấy bát cháo và múc thêm bát nữa. Hắn thấy mình đẫm bao nhiêu mồ hôi. Mồ hôi chạy ra trên đầu, trên mặt, những giọt to như giọt nước. Hắn đưa tay áo quệt ngang một cái, quệt mũi, cười rồi lại ăn. Hắn càng ăn, mồ hôi lại càng ra nhiều. Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu, thương hại. Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người? Đó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi, hay trận ốm thay đổi hắn về sinh lí cũng thay đổi cả tâm lí nữa? Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo xa. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Đã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều được nữa. Bấy giờ mới nguy! Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn.

(Chí Phèo – Nam Cao, SGK Ngữ Văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 151)

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

Các lí do các tác giả đưa ra:

- Có thể là vì đa phần chúng ta đều lười, đều không sử dụng hiệu quả quỹ thời gian của chính mình.

- Có thể là vì nhiều người trong chúng ta chưa nhận được sức mạnh của thói quen, chúng ta muốn thay đổi nhưng chưa đủ động lực để vượt qua sức ì, sự trì níu của những thói quen xấu.

- Hoặc cũng có thể là vì, sau những lần thất bại trong cuộc sống, sau những va vấp của tuổi trẻ, từ bao giờ chúng ta đã tự thuyết phục bản thân rằng mình là một người bình thường, mình không có gì đặc biệt, rằng hãy thôi mơ mộng viển vông, hãy chấp nhận sống một cuộc đời bình thường, có những công việc bình thường.

Câu 3:

- Điệp cấu trúc: có thể là vì (hoặc có thể làm vì)

→ Nêu lên những nguyên nhấn nhằm nhấn mạnh, lí giải nguyên do vì sao bạn không dám khác biệt, bạn không dám mơ ước.

- So sánh: Bạn là một ngôi sao chờ ngày tỏa sáng.

- Hình ảnh so sánh ví mỗi con người như một ngôi sao, nếu dám vươn lên, nỗ lực không ngừng sẽ được tỏa sáng. Hình ảnh so sánh đẹp là động lực để mỗi cá nhân không ngừng cố gắng.

Câu 4:

Mỗi học sinh có thể đưa ra những thông điệp khác nhau sau khi đọc đoạn trích, sau đây là gợi ý:

- Luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân, có dũng khí thực hiện mọi mơ ước của mình.

- Tôn trọng sự khác biệt của những người xung quanh cũng là tôn trọng sự khác biệt của chính mình.

II.LÀM VĂN

Câu 1:

Giới thiệu vấn đề.

Giải thích vấn đề:

- Tôn trọng sự khác biệt là gì? Là sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông với những điều khác biệt của mọi người xung quanh.

- Sự khác biệt tồn tại như một điều tất yếu trên thế giới này, nếu không hiểu được sự khác biệt giữa người này và người khác là một điều bình thường thì ta sẽ có cái nhìn thiếu khách quan dẫn đến kỳ thị, thiếu tôn trọng.

Bàn luận vấn đề

- Vì sao chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt?

+ Tôn trọng sự khác biệt với người khác là cách ứng xử có văn hóa, mà mỗi người cần có trong xã hội hiện đại.

+ Mỗi người chúng ta đều có một giá trị riêng, khi ta chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, giá trị của người khác cũng là khi ta tôn trọng chính mình.

- Tôn trọng sựkhác biệt sẽ đem lại điều gì?

+ Chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác còn giúp ta có một tâm hồn đẹp, việc lưu tâm đến sự tử tế của người khác sẽ xóa tan ấn tượng về cảm giác khó gần, khắt khe từ phía những người bạn xung quanh.

- Cần làm gì để luôn có thái độ đúng mực với những “khác biệt” trong cuộc sống?

+ Luôn có cái nhìn bao dung, độ lượng trước mọi vấn đề.

+ Nhìn nhận, đánh giá mọi việc từ nhiều khía cạnh, không nên có cái nhìn phiến diện, một chiều.

Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

- Bên cạnh những người tôn trọng sự khác biệt lại luôn có những đối tượng lên án, kì thị thậm chí tẩy chay những sự khác biệt ấy. Đó là biểu hiện của suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc cần có sự thay đổi.

- Liên hệ bản thân.

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.

- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu Mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) – mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.

2. Phân tích

2.1 Giới thiệu nhân vật

- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Mị xinh đẹp như bông hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc.

- Tài năng: Mị thổi lá hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:

+ Hiếu thảo:“ Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”

+ Tự tin vào khả năng lao động: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô”

+ Khao khát tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”

→ Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.

2.2 Phân tích vẻ đẹp nhân vật Mị trong đêm mùa đông cứu A Phủ: vẻ đẹp của sức phản kháng mạnh mẽ, của lòng thương người

* Tình huống gặp gỡ:

- A Phủ: trong khi đi chăn bò cho nhà thống lí Pá Tra do mải bẫy nhím nên để hổ vồ mất một con bò ⟶ bị trói đứng.

- Mị: Sau đêm tình mùa xuân Mị rơi vào trạng thái tê liệt về tinh thần. Hàng đêm ngồi cạnh bếp lửa (cạnh chỗ A Phủ bị trói) hơ tay hơ chân.

→ Hai người gặp gỡ nhau.

* Sự thức tỉnh của Mị:

- Nguyên nhân: Giọt nước mắt A Phủ “giọt nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” đã đánh thức tình yêu thương con người trong Mị.

- Diễn biến tâm trạng:

+ Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, nhớ về kí ức đau khổ ⟶ thương mình ⟶ thương người.

+ Mị từ cõi vô thức dần sống lại ý thức, nhận ra dấu hiệu về cái chết ⟶ càng thương hơn ⟶ thương người lấn át cả thương thân ⟶ Hành động cắt dây cởi trói.

+ Mị hốt hoảng, sợ hãi ⟶ thúc đẩy bản năng tự vệ tích cực của Mị ⟶ Mị vùng chạy theo A Phủ.

→ Đồng cảm, xót thương với số phận khổ đau của nhân vật A Phủ dưới ách áp bức của giai cấp thống trị miền núi.

+ Lên án, phê phán mạnh mẽ giai cấp thống trị miền núi đã đẩy con người vào tình cảnh khốn cùng.

+ Phát hiện, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của A Phủ.

+ Tìm hướng giải thoát  cho cuộc đời nhân vật: dũng cảm đứng lên chống lại cường quyền, tiền quyền, thần quyền để giải phóng bản thân; tham gia du kích.

→ Mị là hiện thân của sức sống, của tình yêu thương trong mỗi con người.

2.3 Liên hệ với vẻ đẹp của nhân vật thị Nở trong đoạn trích

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nam Cao là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm của ông xoay quanh đề tài về người trí thức nghèo và người nông dân nghèo.

- Chí Phèo thuộc thể loại truyện ngắn nhưng có dung lượng của tiểu thuyết. Tác phẩm này đã đưa Nam Cao lên vị trí là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

* Giới thiệu nhân vật Thị Nở

- Chân dung thảm hại: xấu ma chê quỷ hờn.

- Dở hơi, “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích”.

- Nghèo.

- Có dòng giống mả hủi.

→ Không có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân.

→ Bi đát, thảm hại, đáng thương, tội nghiệp.

* Khái quát về nhân vật thị Nở trong đoạn trích

- Trong đoạn trích, thị Nở hiện lên là một người phụ nữ nhân hậu, ần cần quan tâm, chăm sóc cho người mà mình yêu thương. Chính sự quan tâm, chăm sóc cùng tình yêu thương của thị Nở đã làm sống dậy con người lương thiện trong Chí Phèo.

2.4 Điểm tương đồng và khác biệt của nhân vật Mị và nhân vật thị Nở trong đoạn trích:

- Điểm tương đồng:

+ Đều là người phụ nữ trong những hoàn cảnh cá nhân khốn khổ, phải chịu nhiều áp bức, bất công từ xã hội.

+ Đều giàu tình yêu thương, đem tình yêu để giải thoát, để đánh thức phần người ở nhữngcá nhân xung quanh mình.

- Khác nhau:

+ Hoàn cảnh cá nhân:

> Mị bị là cô gái miền núi bị thống trị bởi cả cường quyền lẫn thần quyền trong thân phận con dâu gạt nợ.

> Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn, nghèo, dở hơi, bị đặt ra ngoài vòng xã hội lúc bấy giờ

+ Tình cảm:

> Tình cảm Mị đối A Phủ là lòng đồng cảm của những con người đang chịu chung số phận.

> Thị Nở tình thương yêu của một đôi lứa xứng đôi trong quan niệm của xã hội bấy giờ.

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com

 Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.