Đề số 75 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 75 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề thi
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:
TRUYỆN NÚI TẢN VIÊN
(Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp)
Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành nước Nam Việt. Núi cao ngất, tròn như cái tán cho nên có tên ấy. Xưa, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh ra 1 bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Long Quân đem 50 người xuống biển, còn lại 50 người con trai theo mẹ Âu Cơ chia trị các xứ, hiệu là Hùng Vương. Thần núi Tản Viên là một trong 50 người con trai theo cha xuống biển. Thần từ thủy quốc về đất liền thoe đường cửa bể Thần Phù, tìm chỗ sinh sống ở nơi cao ráo, thanh tịnh, dân chúng chất phác, phong thổ hiền hòa. Thần ven theo sông lớn tới đất Long Đỗ thành Long Biên. Thần muốn định cư ở đó, song lại không vừa ý.
Sau thần đi ngược lên sông Lô đến bờ đất Phiên (Phiên Tân) bên bờ sông Phúc Lộc, ngưỡng trông thấy núi Tản Viên, cao lớn đẹp đẽ, các núi khác lớn nhỏ trùng điệp vây quanh, phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Dưới núi thì dân chúng chất phác hiền lành. Cho nên thần mới cho mở một con đường từ đất Phiên cho tới phía nam của núi Tản Viên, ngang qua động Vệ (Vệ Động), tới nguồn sông đất Nham Tuyền, qua bờ đá, lên đỉnh núi Vân Mộng mà làm nhà sống ở đó. Thần thường ngao du xem đánh cá ở đất Tích Giang, đi qua đâu thần đều xây nhà cửa để nghỉ ngơi. Người đời sau, nhờ các vết tích ấy mà lập miếu thờ cúng. Gặp lúc hạn hán hay gặp lúc lụt lội đến khấn cầu đều rất là linh nghiệm. Những lúc trời quang mây tạnh, thấy như có bóng cờ xí thấp thoáng dưới chân núi, dân chúng sống trọng vùng đều cho là sơn thần hiển hiện.
Đời Đường Cao Biền ở An Nam muốn yêm linh mạch bèn bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ hôi vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai đem tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm chém đầu. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật này. Cao Biền đem thuật đó để yểm thần núi Tản Viên, thì thấy thần cưỡi ngựa trắng ở trên mây, nhổ nước bọt xuống rồi bỏ đi. Biền than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được, vượng khí đời nào hết được!”. Sự linh ứng của thần đã hiển hiện ra như vậy đó.
Tương truyền rằng thần và Thủy Tinh cùng cầu hôn với Mỵ Nương, con gái của vua Hùng. Lễ vật của thần đến trước, vua Hùng bèn gả Mỵ Nương cho, thần rước Mỵ Nương về núi Tản Viên. Thủy Tinh đến sau, không kịp, cả giận liền đem loài thủy tộc đến đánh để cướp lại. Thần lấy lưới sắt ngăn ngang sông huyện Từ Liêm. Còn Thủy Tinh thì mở một nhánh sông từ sống Lị Nhân chảy ra sông Hát đổ vào sông Đà để đánh thần núi Tản Viên. Lại mở ngách sông Tiểu Tích Giang hướng về trước núi Tản Viên, qua các động Cam Giá, Đông Lâu, Cổ Ngạc, Ma Sa, Dục Giang, đều đánh sụt thành các vũng nước lớn để mở lối đi cho quân thủy tộc. Thủy Tinh thường làm mưa gió mịt mù, dâng nước lên để đánh thần. Dân ở chân núi thấy thề bèn làm hàng rào thưa bằng tre để đón đỡ, đánh trống, gõ cối, hò reo để cứu viện. Mỗi khi thấy rơm rác trôi bên ngoài hàng rào bèn bắn, thủy tộc chết biến thành thây ba ba thuồng luồng trôi ngập cả khúc sông. Thủy Tinh chưa nguôi giận, vẫn thường hay đến quấy rối. Hàng năm vòa khoảng tháng tám tháng chín thường có lụt lội, dân trong vùng vẫn phải chịu thiệt hại mùa màng. Cho đến nay cũng vẫn như thế! Người đời tương truyền rằng đó là vì Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh nhau lấy Mỵ Nương mà sinh chuyện vậy.
(Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, NXB Kim Đồng, 2019)
(1) Có bản chép: Núi Tản Viên là kinh đô nước Việt Thường, ở phía tây thành Thăng Long đời Lý.
(2) Núi Tản Viên: Chữ Hán Tán, còn có âm Nôm đọc là Tản; Viên có nghĩa là tròn. Tản Viên: tròn như cái tán, như cái dù.
Câu 1 (0.5 điểm): Tóm tắt cốt truyện ở văn bản Truyện núi Tản Viên.
Câu 2 (0.5 điểm): Văn bản trên gợi nhớ đến tác phẩm văn học dân gian nào của dân tộc? Tác phẩm ấy thuộc thể loại nào?
Câu 3 (1.0 điểm): Văn bản Truyện núi Tản Viên gồm những sự việc chính nào? Làm rõ vai trò của những sự việc đó trong tác phẩm.
Câu 4 (1.0 điểm): Khung cảnh núi Tản được miêu tả như thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì?
Câu 5 (1.0 điểm): Theo em, việc chăm sóc các đền thờ, miếu mạo có cần thiết không? Các công trình ấy có vị trí như thế nào trong đời sống văn hóa của con người?
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 150 chữ) nhận xét nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm Thần núi Tản Viên.
Câu 2 (4.0 điểm) Viết bài văn (khoảng 500 chữ) thuyết minh về danh lam thắng cảnh/ di tích lịch sử tại địa phương em.
Đáp án
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Câu 1.
Tóm tắt cốt truyện ở văn bản Truyện núi Tản Viên. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản, xác định nội dung chính, từ đó rút ra cốt truyện và tóm tắt lại
Lời giải chi tiết:
Tóm tắt: Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 người con trai. 50 con theo cha xuống biển, còn lại 50 theo mẹ Âu Cơ chia trị xứ. Thần núi Tản Viên, con của họ từ thủy quốc về đất liền theo con đường cửa bể Thần Phù, tìm nơi sinh sống thanh tịnh ở núi Tản Viên. Cao Biền muốn yểm linh mạch vùng đất này nhưng bị thần khinh thường. Truyền thuyết kể về cuộc đấu tranh giữa thần và Thủy Tỉnh vì cầu hôn Mỵ Nương, con gái của vua Hùng. Cuộc chiến này tạo ra những hiện tượng tự nhiên như lụt lội, đánh sụt đất, và dân chúng phải đối mặt với những khó khăn từ các thế lực siêu nhiên. Những thiên tai lụt lội hàng năm được cho là do cuộc đấu tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, vì họ tranh nhau lấy Mỵ Nương. Điều này tạo ra những sự kiện kỳ bí và bí ẩn, đồng thời tăng thêm sự linh thiêng cho núi Tản Viên và vùng lân cận.
Câu 2.
Văn bản trên gợi nhớ đến tác phẩm văn học dân gian nào của dân tộc? Tác phẩm ấy thuộc thể loại nào? |
Phương pháp:
Xác định nội dung chính của văn bản và tìm một tác phẩm văn học dân gian có nội dung tương tự
Chú ý các nhân vật: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh
Lời giải chi tiết:
- Các tác phẩm được gợi nhớ: Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, Sơn Tinh Thủy Tinh.
- Thể loại: truyền thuyết
Câu 3.
Văn bản Truyện núi Tản Viên gồm những sự việc chính nào? Làm rõ vai trò của những sự việc đó trong tác phẩm. |
Phương pháp:
Xác định nội dung, cốt truyện, sự kiện chính
Lời giải chi tiết:
- Gồm 3 sự việc chính:
+ Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh 100 người con.
+ Một người con (ngược lên lên sông Lô đến ...) làm nhà sinh sống ở núi Tản và thành nơi thờ cúng linh thiêng chính là Thần núi Tản.
+ Thần núi Tản giao tranh với Thuỷ Tinh.
- Vai trò của các sự việc: các sự việc đều gắn với thần núi Tản, mỗi sự việc có một vai trò riêng.
+ Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh 100 người con => Xuất thân cao quý.
+ Việc một người con ngược lên làm nhà sinh sống ở núi Tản và thành nơi thờ cúng linh thiêng chính là thần núi Tản => Hành trình khám phá núi Tản linh thiêng.
+ Thần núi Tản giao tranh với Thuỷ Tinh vì việc cùng cầu hôn với Mỵ Nương có vai trò quan trọng trong tác phẩm => khẳng định tài năng của thần núi Tản.
Câu 4.
Khung cảnh núi Tản được miêu tả như thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì? |
Phương pháp:
Chú ý các chi tiết, câu văn miêu tả khung cảnh núi Tản Viên
Lời giải chi tiết:
- Núi Tản Viên được miêu tả là một khung cảnh vô cùng đặc sắc và ấn tượng.
+ Đoạn văn mô tả nó là một ngọn núi ở phía tây kinh thành nước Nam Việt, có hình dáng cao ngất và tròn như cái tán, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo. Các đỉnh núi lớn nhỏ xếp trùng nhau, vây quanh như tranh vẽ, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời.
+ Ngoài ra, sự linh thiêng cua núi còn được nhấn mạnh qua cách miêu tả về động Vệ, núi Vân Mộng và những con đường mà thần Tản Viên đã chọn để đi qua. Những nơi này không chỉ là địa điểm đẹp mắt mà còn là những khu vực linh thiêng, nơi thần thường xuyên nghỉ ngơi và tạo ra những hiện tượng đặc biệt.
+ Ý nghĩa của cách miêu tả này có thể làm nổi bật vị thế quan trọng và đặc biệt của núi Tản Viên trong tâm trí người viết và trong văn hóa dân gian. Hình ảnh đẹp đẽ của núi Tản Viên không chỉ tạo ra một cảm giác hùng vĩ và trân quý mà còn thể hiện sự kính trọng và sự thán phục của người dân đối với núi này.
- Thể hiện niềm tự hào về sự hùng vĩ của đất nước, tôn vinh truyền thuyết và văn hóa dân gian.
Câu 5.
Theo em, việc chăm sóc các đền thờ, miếu mạo có cần thiết không? Các công trình ấy có vị trí như thế nào trong đời sống văn hóa của con người? |
Phương pháp:
Nêu suy nghĩ của em
Phù hợp với chuẩn mực xã hội
Lời giải chi tiết:
Gợi ý: Việc chăm sóc đền thờ, miếu mạo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa. Trước hết, nó giúp bảo tồn di sản lịch sử, giữ gìn truyền thống cho thế hệ sau. Đồng thời, đây là không gian linh thiêng phục vụ nghi lễ tôn giáo, thể hiện lòng thành kính. Ngoài ra, các đền miếu còn là nơi kết nối cộng đồng, tổ chức sự kiện và thúc đẩy du lịch văn hóa, mang lại lợi ích kinh tế. Tóm lại, chăm sóc đền thờ, miếu mạo góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, tăng cường sự đoàn kết và phát triển cộng đồng.
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1.
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 150 chữ) nhận xét nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm Thần núi Tản Viên. |
Phương pháp:
Dựa vào đặc trưng thể loại, chú ý giá trị nghệ thuật của văn bản
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
- Tác phẩm có khả năng miêu tả tinh tế về các khung cảnh, đặc biệt là khung cảnh thiên nhiên núi Tản Viên, các con sông, động, và vùng đất xung quanh được diễn đạt một cách sống động, giúp độc giả hình dung và cảm nhận được vẻ đẹp núi Tản.
- Sử dụng các yếu tố kỳ ảo như thần thú, thần linh, và sự kiện siêu nhiên, để tạo ra không khí đặc biệt và hấp dẫn. Sự kết hợp giữa thế giới hiện thực và thế giới huyền bí tạo nên một không gian độc đáo cho câu chuyện.
- Sử dụng các yếu tố của truyền thuyết để xây dựng cốt truyện.
Câu 2.
Viết bài văn (khoảng 500 chữ) thuyết minh về danh lam thắng cảnh/ di tích lịch sử tại địa phương em. |
Phương pháp:
1. Mở bài
- Nêu tên di tích lịch sử/ danh lam thắng cảnh.
- Nêu ấn tượng nổi bật đối tượng thuyết minh đã chọn
2. Thân bài
- Trình bày các đặc điểm của đối tượng theo một trình tự hợp lý
+ Theo trình tự không gian
+ Hoặc trình tự cấu trúc: từ tổng thể đến chi tiết.
- Nêu các giá trị nổi bật của danh lam thắng cảnh/ di tích lịch sử
- Cung cấp những thông tin về tình trạng bảo tồn, phát huy giá trị của đối tượng thuyết minh
3. Kết bài
- Khái quát giá trị chung của di tích lịch sử/ danh lam thắng cảnh
- Bày tỏ suy nghĩ, thái độ của người viết
Lời giải chi tiết:
Quê hương em là huyện Đông Anh xinh đẹp với nhiều di tích lịch sử được nhiều người biết đến như đền Sái, đền Cổ Loa. Chắc hẳn khi nhắc đến đền Cổ Loa mọi người sẽ thấy rất quen thuộc bởi đây là một di tích lịch sử gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, như vua An Dương Vương định đô, xây thành, chiếc nỏ thần Kim Quy...
Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích Cổ Loa ngày nay thuộc địa phận xã Cổ Loa huyện Đông Anh. Hằng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch người dân trên cả nước lại trẩy hội Cổ Loa để chiêm ngưỡng các nghi lễ trang trọng cũng như những hoạt động nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc.
Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và bộ. Về giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình.
Địa điểm Cổ Loa chính là đất Phong Khê, lúc đó là một vùng đồng bằng trù phú có xóm làng, dân cư đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và thủ công nghiệp. Việc dời đô từ Phong Châu về đây, đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân cư Việt cổ, giai đoạn người Việt chuyển trung tâm quyền lực từ vùng Trung du bán sơn địa về định cư tại vùng đồng bằng.
Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay, ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: thành ngoài (8km), thành giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và thành trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Thân thành ngày nay còn có chiều cao trung bình từ 4 - 5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20 - 30m. Các cửa của ba vòng thành cũng được bố trí rất khéo; không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.
Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6m - 12m, chân rộng từ 20m - 30m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy. Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hồng. Thành ngoại cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3 m - 4 m (có chỗ tới hơn 8m).
Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành như một mê cung, là một khu quân sự vừa thuận lợi cho tấn công vừa tốt cho phòng thủ.
Qua các giai đoạn lịch sử, Cổ Loa có rất nhiều tên: Loa thành (thành ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”.
Hiện nay Cổ Loa là một trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam, và Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đến với thành Cổ Loa, du khách không chỉ được tham quan tòa thành vĩ đại của lịch sử mà còn cảm nhận được khung cảnh vùng quê với những di tích về truyền thuyết xưa kia. Lịch sử đã qua đi nhưng những mốc lịch sử xưa kia sẽ còn sống mãi cùng Cổ Loa thành.


- Đề số 1 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 2 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 3 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 4 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 5 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục