Đề số 36 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 36 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề bài
PHẦN I (2.5 điểm) Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“… Sau trận bão chân trời, ngấn bể, sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ 1 quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Qủa trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên 1 mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả 1 cái chân trời màu ngọc trai ngước biển hửng hồng”
(Trích Cô Tô – Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập 2, trang 460, NXB Văn học, 1994)
1. Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản
2. Thông hiểu
Chỉ ra một phép so sánh trong văn bản và nêu tác dụng của phép so sánh đó.
3. Thông hiểu
Văn bản trên gợi cho em nhớ tới câu thơ nào đã được học trong chương trình Ngữ văn 9. Chép câu thơ và nêu tác giả, tác phẩm.
4. Vận dụng
Tưởng tượng qua mùa thi, em sẽ đi du lịch cùng gia đình. Hãy đề xuất 2 giải pháp của em để trở thành khách du lịch thân thiện, góp phần bảo vệ tài nguyên biển của Tổ quốc. Trình bày bằng một đoạn văn từ 5 – 7 câu theo phép lập luận diễn dịch, trong đoạn có sử dụng phép nối
PHẦN II (2.5 điểm) Vận dụng cao
Trong thư gửi thầy Hiệu trưởng của ngôi trường con trai đang theo học, cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln bày tỏ mong muốn:
… Xin thầy hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng
Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về mong muốn của cố tổng thống Mĩ trong khoảng 1,5 trang giấy thi
PHẦN II: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về hai đoạn trích sau:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
“Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non - những màu sắc thân thuộc quá như da thịt hơi thở của đất màu mỡ. Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất đây là một chân trời gần gũi mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến - cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
1.
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
- Phương thức miêu tả.
2.
Phương pháp: căn cứ bài So sánh
Cách giải:
- Câu văn: Sau trận bão chân trời, ngấn bể, sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi
- Tác dụng:
+ Giúp câu văn tăng tính gợi hình, gợi cảm.
+ Nhấn mạnh vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi của bầu trời Cô Tô sau cơn bão.
3.
Phương pháp: căn cứ bài Đoàn thuyền đánh cá
Cách giải:
- Câu thơ: “Mặt trời đội biển nhô màu mới/ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.
- Tác phẩm: Đoàn thuyền đánh cá.
- Tác giả: Huy Cận.
4.
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Các em có thể đề xuất các biện pháp khác nhau, trong đoạn văn có sử dụng phép nối.
Gợi ý:
- Vứt rác đúng nơi quy định.
- Kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường biển.
- …
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề
2. Giải thích
- Thất bại là khi bản thân không đạt được những mục tiêu mà mình đề ra.
- Chiến thắng là khi đã hoàn thành nhiêm vụ, mục tiêu mình đề ra ban đâu.
=> Lời khuyên về cách ứng xử với thất bại và chiến thắng trong cuộc sống.
3. Bàn luận vấn đề
- Khi thất bại chúng ta thường nản lòng, cay cú, có những suy nghĩ tiêu cực…
- Khi thành công thường thỏa mãn, ngủ quên trên chiến thắng.
- Cách ứng xử:
+ Khi thất bại phải tìm ra những khuyết điểm của bản thân để sửa chữa và không ngừng cố gắng.
+ Khi chiến thắng không được thỏa mãn, tiếp tục nỗ lực để đạt được vinh quang hơn nữa.
- Liên hệ bản thân.
Câu 3.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giới thiệu chung
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu Hữu Thỉnh, Tác phẩm và đoạn thơ.
- Giới thiệu Nguyễn Minh Châu, tác phẩm và đoạn văn.
2. Phân tích
a. Sang thu – Hữu Thỉnh
- Bài thơ được mở ra bằng những tín hiệu rất riêng, báo mùa thu về:
+ “Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cô lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian thơ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ sum xuê hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.
+ “Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.
+ “Sương chùng chình” – nghệ thuật nhân hóa, gợi dáng vẻ, tâm trạng của làn sương thu. Làn sương lãng đãng như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hè, chưa muốn bước hẳn sang thu.
=> Hệ thống hình ảnh độc đáo đã diễn tả một cách tài tình cái không khí se lạnh đầu thu và cả cái nhịp điệu chầm chậm của mùa thu về với đất trời.
- Đối diện với những tín hiệu báo thu là cái ngỡ ngàng của lòng người:
+ “Hình như” là lối nói giả định, không chắc chắn, phù hợp với những biểu hiện mơ hồ lúc giao mùa – những biểu hiện ấy không chỉ được cảm nhận bằng các giác quan mà còn phải cảm nhận bằng cả một tâm hồn tinh tế.
+ Âm điệu: là tiếng reo vui, ngỡ ngàng lúc thu sang.
=> Khổ thơ là những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.
b. Bến quê – Nguyễn Minh Châu
- Cảnh được miêu tả theo cái nhìn của Nhĩ từ gần đến xa, từ thấp đến cao:
+ Bắt đầu là những bông bằng lăng ngay cạnh cửa sổ, thưa thớt, mầu như tím sẫm hơn.
+ Dòng sông Hồng như rộng thêm và có màu đỏ nhạt.
+ Vòm trời như cao hơn.
+ Các bãi bồi bên kia sông phô ra màu vàng thau xen lẫn màu xanh non -> màu của đất đai màu mỡ.
=> Cảnh vừa có bề rộng, vừa có bề sâu. Thiên nhiên được cảm nhận tinh tế, phong phú. Đó là những hình ảnh vốn quen thuộc, gần gũi nhưng giờ đây bỗng trở nên đặc biệt bởi lần đầu tiên Nhĩ cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Nó nhắc nhở Nhĩ về những điều quý giá mà anh đã bỏ qua bấy lâu nay.
c. Nhận xét
- Giống nhau: cảm nhận về tiết trời đầu thu.
- Khác nhau:
+ Thể loại: văn xuôi (bến quê), thơ (sang thu)
+ Nội dung:
.. Tiếng reo vui khi nắm bặt được những tín hiệu thu về.
.. Thu sang mang ý nghĩa biểu tượng về những ngày cuối cùng của cuộc đời Nhĩ.
- Nguyên nhân: Phong cách và chủ đề khác nhau giữa hai tác giả.
3. Tổng kết vấn đề
Nguồn: Sưu tầm
Loigiaihay.com
- Đề số 37 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 38 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 39 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 40 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 41 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
>> Xem thêm