Đề số 3 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 3 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề bài
A. PHẦN BẮT BUỘC ĐỐI VỚI MỌI THÍ SINH
Câu I: (3.0 điểm)
1. Trắc nghiệm (1 điểm) (Nhận biết)
Chọn một trong 4 phương án A, B, C, D để trả lời các câu hỏi sau:
a/ Văn bản nào sau đây có cùng thể thơ với bài thơ “Ông đồ”?
A. Nói với con
B. Sang thu
C. Viếng lăng Bác
D. Đồng chí
b/ Tác phẩm nào sau đây không thuộc văn học trung đại?
A. Làng
B. Vũ trung tùy bút
C. Lục Vân Tiên
D. Truyện Kiều
c/ Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu được sáng tác năm nào?
A.1947 B. 1948
C. 1949 D. 1950
d/ Câu “Nói ngọt lọt đến xương” thuộc kiểu loại nào sau đây?
A. Thành ngữ B. Tục ngữ
C. Ca dao D. Dân ca
2. Tiếng Việt (2 điểm)
a. (Nhận biết) Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong các câu sau:
- Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.
(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)
- Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh – và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
b. (Thông hiểu) Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!
Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng…
(Tố Hữu, Chào xuân 67!)
Câu II: (2 điểm) Vận dụng cao
Lời nói trong giao tiếp ứng xử được xem là một tiêu chuẩn đánh giá trình độ tri thức, văn hóa của mỗi con người.
Coi câu trên là câu chủ đề, em hãy viết tiếp một đoạn văn khoảng 12 đến 15 câu trình bày suy nghĩ của mình về việc lựa chọn sử dụng ngôn từ trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó có một phép nối để liên kết câu (gạch chân dưới từ ngữ liên kết đó).
B. PHẦN TỰ CHỌN (Thí sinh chọn một trong hai câu IIIa hoặc IIIb để làm bài)
Câu IIIa: (5 điểm) Vận dụng cao
Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy có gợi nhắc thấm thía về thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Em hãy phân tích đoạn thơ sau để làm sáng tỏ nhận xét trên.
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
(Nguyễn Duy, Ánh trăng, Ngữ văn 9, Tập một,NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 156)
Câu IIIb: (5 điểm)
Phân tích hình tượng nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê (phần trích SGK Ngữ văn 9, Tập hai) để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng và những phẩm chất cao cả của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Lời giải chi tiết
A. PHẦN BẮT BUỘC ĐỐI VỚI MỌI THÍ SINH
Câu I
1.Trắc nghiệm
a. B
b. A
c. B
d. A
2. Tiếng Việt
a.
- Thành phần biệt lập: Chao ôi – thành phần biệt lập cảm thán.
- Thành phần biệt lập: và cũng là đứa con duy nhất của anh – thành phần biệt lập phụ chú.
b.
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ là so sánh (như bà mẹ) và nhân hóa .
- Tác dụng:
+ Giúp câu thơ trở nên sinh động giàu hình ảnh.
+ Hai biện pháp nghệ thuật khẳng định sự gắn bó giữa Tổ quốc và mỗi người dân như tình mẫu tử thiêng liêng.
+ Đồng thời ngợi ca bà mẹ Tổ quốc, làm nổi bật sự nhẫn nại, lam lũ, hy sinh, bao bọc cho các con mình, suốt đời vất vả mà vẫn bình thản.
Câu II:
* Yêu cầu về hình thức
- Đoạn văn 12 đến 15 câu
- Đoạn văn có câu chủ đề là Lời nói trong giao tiếp ứng xử được xem là một tiêu chuẩn đánh giá trình độ tri thức, văn hóa của mỗi con người.
- Trong đoạn văn sử dụng một phép nối để liên kết câu (gạch chân dưới từ ngữ liên kết đó).
- Trình bày rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
* Yêu cầu về nội dung
- Lời nói là phương tiện để giao tiếp -> lời nói trong giao tiếp hàng ngày được xem là tiêu chuẩn đánh giá trình độ văn hóa, trình độ tri thức của mỗi người đúng như ông bà xưa đã dạy “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Nhất ngôn cửu đỉnh – Tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn con ngựa chạy theo không kịp). Vì vậy, phải lựa chọn sử dụng ngôn từ trong cuộc sống cẩn trọng để đạt được hiệu quả giao tiếp và ứng xử có văn minh.
- Thực trạng: Hiện nay việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp còn thiếu chuẩn, đặc biệt là đối với các bạn học sinh.
- Vì sao phải lựa chọn ngôn ngữ trong giao tiếp?
+ Cách sử dụng ngôn ngữ sẽ phản ánh con người, nhân cách, trình độ văn hóa của mỗi người.
+ Lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp không đúng sẽ không đạt được hiệu quả giao tiếp.
+ Đôi khi sử dụng những lời lẽ nặng nề, xúc phạm có thể làm cho người cùng giao tiếp tổn thương.
+ ….
- Cách lựa chọn ngôn từ để sử dụng chính xác:
+ Lựa chọn từ xưng hô chuẩn xác.
+ Dùng từ ngữ phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp.
- Khi không sử dụng từ ngữ đúng, kết quả giao tiếp sẽ kém, gây khó chịu với người khác. Không sử dụng đúng từ ngữ còn thể hiện sự không lịch sự, kém văn minh của bản thân.
- Liên hệ bản thân: em đã và đang sử dụng ngôn ngữ giao tiếp như thế nào?
B. PHẦN TỰ CHỌN (Thí sinh chọn một trong hai câu IIIa hoặc IIIb để làm bài)
IIIa.
A. Giới thiệu chung:
- Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ quân đội, một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước.
- Tập thơ “Ánh trăng” của ông được tặng giải A của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1984. Trong đó, có bài thơ mà tựa đề dùng làm nhan đề cho cả tập thơ : Ánh Trăng. Bài thơ là một câu chuyện riêng nhưng có ý nghĩa triết lý như một lời tự nhắc nhở thấm thía của nhà thơ về lối sống nghĩa tình, thủy chung với quá khứ gian lao, với thiên nhiên, đất nước và đồng đội.
- Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy có gợi nhắc thấm thía về thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Bốn khổ thơ cuối bài thơ đã thể hiện nội dung tư tưởng đó.
B. Phân tích:
1. Vầng trăng trong hiện tại và tính huống bất ngờ ập đến
- Hoàn cảnh sống: “Từ hồi về thành phố”
+ Bản lề: khép lại một thời gian chiến tranh gian khó, mở ra những năm tháng hòa bình.
+ Đánh dấu những đổi thay trong cuộc đời con người; họ đã đi qua chiến tranh để bước vào một cuộc sống đầy đủ hơn về tiện nghi, vật chất.
+ Hoàn cảnh sống thay đổi: xa rời cuộc sống giản dị của quá khứ, con người được sống sung túc trong “ánh điện cửa gương” - cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, khép kín trong những căn phòng hiện đại, xa rời thiên nhiên.
- “Vầng trăng đi qua ngõ – như người dưng qua đường”:
+ Vầng trăng bây giờ đối với người lính năm xưa giờ chỉ là dĩ vãng, dĩ vãng nhạt nhòa của quãng thời gian xa xôi nào đó.
+ Biện pháp nhân hóa, so sánh-> “Vầng trăng tình nghĩa” trở thành “người dưng qua đường”. Vầng trăng vẫn “đi qua ngõ”, vẫn tròn đầy, vẫn thủy chung tình nghĩa, nhưng con người đã quên trăng, hờ hững, lạnh nhạt, dửng dưng đến vô tình. Vầng trăng giờ đây bỗng trở thành người xa lạ, chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay biết.
-> Rõ ràng, khi thay đổi hoàn cảnh, con người có thể dễ dàng quên đi quá khứ, có thể thay đổi về tình cảm.
- Con người gặp lại vầng trăng trong một tình huống bất ngờ:
+ Tình huống: “Đèn điện tắt”. Đây là biến cố chân thực, thường thấy trong cuộc sống đô thị. Cái lấp lánh của ánh điện, cửa gương biến mất, con người bị vây bọc trong căn phòng tối om, ngột ngạt.
+ Hành động “Vội bật tung”: vội vàng, khẩn trương -> bắt gặp vầng trăng
-> Đây là khổ thơ quan trọng trong cấu tứ toàn bài. Chính cái khoảnh khắc bất ngờ ấy đã tạo nên bước ngoặt trong mạch cảm xúc của nhà thơ -> Sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng khiến nhà thơ ngỡ ngàng, bối rối, gợi cho nhà thơ bao kỉ niệm nghĩa tình.
+ “Đột ngột vầng trăng tròn”: Đảo ngữ: Cảm giác ngỡ ngàng khi con người gặp lại vầng trăng.
+ Ấn tượng về vẻ đẹp của trăng: trăng đang độ tròn đẹp nhất; trăng vẫn vẹn nguyên, vẫn ở rất gần, luôn chờ đợi dõi theo dù con người thờ ơ, dửng dưng.
2. Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng.
- Với tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” người đọc cảm nhận sự lặng im, thành kính và trong phút chốc cảm xúc dâng trào khi gặp lại vầng trăng: “có cái gì rưng rưng”. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”,cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính.
- Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng- biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư “như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Đồng, bể, sông, rừng, những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm.
-> Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”, đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.
- Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu.
- Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.
C. Kết luận:
- Nội dung: Đoạn thơ đã cho thấy và lí giải sự đổi thay của người lính trước và sau chiến tranh; từ đó tạo tình huống thức tỉnh tâm hồn họ. Hai khổ cuối bài thơ cho ta thấy sự thức tỉnh của con người.
+ Lời nhắn gửi con người không được lãng quên quá khứ gian khổ mà sâu đậm nghĩa tình.
+ Lời nhắc nhở về nghĩa tình thiêng liêng của nhân dân, đất nước và đạo lí uống nước nhớ nguồn.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ ngũ ngôn với nhiều sáng tạo độc đáo.
+ Sự kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình.
+ Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi mà giàu sức gợi.
+ Giọng điệu tâm tình thấm thía, khi thì thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng, suy tư.
IIIb. Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê (Ngữ văn 9, tập hai) để thấy được vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuôn cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
A. Mở bài: Giới thiệu vấn đề
B. Thân bài
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác.
- Tóm tắt ngắn gọn nội dung tác phẩm
1. Hoàn cảnh sống và chiến đấu đầy gian khổ:
- Phương Định cùng những người đồng đội của mình ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhiều nhất bom đạn, sự nguy hiểm và ác liệt, từng ngày từng giờ phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ.
- Công việc của các cô đặc biệt nguy hiểm. Họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Nhiệm vụ của họ quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức.
2. Vẻ đẹp của Phương Định:
a. Vẻ đẹp ngoại hình: Phương Định là một cô gái đẹp, cô ý thức được vẻ đẹp của mình (dẫn chứng). Đó là một vẻ đẹp nữ tính, ẩn chứa chiều sâu nội tâm.
b. Vẻ đẹp tâm hồn:
* Vẻ đẹp của tình yêu nước, tinh thần dũng cảm:
- Tình yêu nước: Rời ghế nhà trường phổ thông, Phương Định xung phong ra mặt trận, cùng thể hệ của mình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” để giành độc lập, tự do của Tổ quốc. Cô ra đi mà không tiếc tuổi thanh xuân, nguyện dâng hiến hết mình cho đất nước.
- Tinh thần dũng cảm:
+ Đối mặt với nguy hiểm, cô và những người đồng đội của mình thật sự là những anh hùng. Phương Định nghĩ về hoàn cảnh sống nơi đây một cách giản dị và cho là có cái thú riêng.
+ Đặc biệt, hi sinh mất mát của bản thân cũng được Phương Định coi hết sức nhẹ nhàng: “Tôi bây giờ vẫn còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi. Tất nhiên Tôi không vào viện quân y”. Nếu không có cái nhìn lạc quan và một tinh thần dũng cảm thì Phương Định không thể có cách nói bình thản như thế.
+ Cuộc sống nơi chiến trường luôn đối mặt với thử thách, nguy hiểm và cái chết đã tôi luyện ở Phương Định lòng quả cảm, không sợ hi sinh. (Phương Định trong một lần phá bom)
c. Tính hồn nhiên, mơ mộng, và tinh nghịch của Phương Định:
- Nét nổi bật và cũng là điểm hấp dẫn nhất ở Phương Định chính là vẻ đẹp của một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và mơ mộng:
+ Phương Định mê hát và thích nhiều bài hát. Thích hát, Phương Định còn bịa ra lời mà hát, ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát.
+ Vẻ đẹp tâm hồn Phương Định ngời sáng nhất khi cơn mưa đá bất ngờ ập đến. Chỉ một trận mưa đá vụt đi qua cũng đánh thức ở Phương Định rất nhiều kỉ niệm và nỗi nhớ về thành phố, quê hương, về gia đình, về tuổi thơ thanh bình của mình.
d. Tình đồng chí, đồng đội nồng ấm:
- Ở Phương Định nét đẹp còn được ngời sáng trong tình đồng đội thắm thiết. Cô luôn yêu thương trìu mến và quan tâm đến đồng đội. Cô lo lắng cho chị Thao và Nho lên cao điểm chưa về đến nỗi “nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình.
- Chăm sóc chu đáo, cẩn thận cho Nho khi Nho bị thương
- Đặc biệt, cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những chiến sĩ mà cô gặp ngày đêm trên con đường ra mặt trận. Với cô “những người đẹp nhất, thông minh, cam đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ”.
-> Tình đồng chí đồng đội của Phương Định thật thiêng liêng, cao cả và đáng quý! Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cô để cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Có thể nói, xây dựng nhân vật Phương Định, Lê Minh Khuê đã chọn được những phương thức trần thuật hợp lí khi nhà văn đặt điểm nhìn vào nhân vật chính của mình để nhân vật tự kể chuyện. Nhờ vậy, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật – tâm lí Phương Định đạt đến độ tinh tế nhất.
- Ngôn ngữ trần thuật qua nhân vật chính làm cho tác phẩm có giọng điệu, ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung, nữ tính.
- Lời kể linh hoạt, cùng câu ngắn dài, nhịp nhanh tạo không khí chiến trường, nhịp kể chậm lại khi hồi tưởng như gợi nhớ kỉ niệm của tuổi thơ êm đềm… Tất cả góp phần tạo nên một nhân vật chính- một Phương Định thật như ở ngoài đời và một Phương Định rất Hà Nội.
C. Đánh giá, bình luận:
- Qua dòng suy nghĩ và tâm trạng của nhân vật Phương Định, cuộc sống chiến đấu của các cô thanh niên xung phong được tái hiện đầy đủ, chân thực và sinh động với vẻ đẹp tỏa sáng. Hình tượng về những nữ thanh niên xung phong Trường Sơn không hiếm trong văn học chống Mĩ, song với những sáng tạo riêng của mình, Lê Minh Khuê trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng giàu mơ mộng, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, sự hi sinh và rất lạc quan của họ. Đó là hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho thể hệ trẻ Việt Nam đã sống và chiến đấu, hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.
Nguồn: Sưu tầm
Loigiaihay.com
- Đề số 4 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 5 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 6 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 7 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 8 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục