Đề số 32 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 32 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề bài
Câu 1: (5.0 điểm) Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 6
Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận. Vợ chàng khóc mà rằng:
- Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.
(Theo Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)
1/ Nhận biết
Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
2/ Nhận biết
Tìm những từ ngữ xưng hô trong đoạn trích trên.
3/ Nhận biết
Chép lại câu văn có thành phần trạng ngữ trong đoạn trích trên. Gạch chân thành phần trạng ngữ.
4/ Nhận biết
Lời thoại trong đoạn trích trên là của nhân vật nào? Việc nhân vật bị nghi oán có liên quan đến hình ảnh nào trong tác phẩm?
5/ Thông hiểu
Qua lời bày tỏ với chồng, nhân vật trong đoạn trích trên là người như thế nào?
6/ Vận dụng cao
Hãy viết đoạn văn diễn dịch (8-10 câu), trong đó có câu văn chứa thành phần biệt lập cảm thán (gạch chân thành phần biệt lập cảm thán) với câu chủ đề:
Niềm tin là điều quan trọng với con người trong cuộc sống.
Câu 2: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của mùa xuân trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét ngắn gọn về cảm xúc, suy nghĩ của tác giả trước mùa xuân.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
1.
Phương pháp: căn cứ nội dung bài Chuyện người con gái Nam Xương
Cách giải:
Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” (Truyền kì mạn lục). Tác giả là Nguyễn Dữ.
2.
Phương pháp:
Cách giải:
Những từ ngữ xưng hô trong đoạn trích gồm có: chàng, thiếp.
3.
Phương pháp: Căn cứ bài Trạng ngữ
Cách giải:
Câu văn có thành phần trạng ngữ là: Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận.
4.
Phương pháp: Căn cứ nội dung văn bản
Cách giải:
Lời thoại trong đoạn trích trên là của nhân vật Vũ Nương. Việc nhân vật bị nghi oan có liên quan đến hình ảnh chiếc bóng trong tác phẩm.
5.
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Qua lời bày tỏ với chồng, nhân vật Vũ Nương hiện lên là người thủy chung son sắt nhưng bị nghi oan.
6.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Yêu cầu về hình thức
- Đoạn văn diễn dịch (8 đến 10 câu).
- Trình bày rõ ràng, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu.
- Có câu văn chứa thành phần biệt lập cảm thán (gạch chân thành phần biệt lập cảm thán).
* Yêu cầu về nội dung: Bài làm của học sinh đảm bảo các ý chính sau:
- Giải thích: Niềm tin: sự tin tưởng -> Niềm tin có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người.
- Vì sao?
+ Niềm tin giúp chúng ta tạo nên mối quan hệ vững chắc với những người xung quanh.
+ Có cơ sở là niềm tin, chúng ta được sống trong trạng thái thoải mái, có một người tin tưởng, con người cảm thẩy bình an.
+ Không có niềm tin, lúc nào cũng nghi ngờ, cuộc sống bất an, ngột ngạt đến nhường nào?
- Biểu hiện của niềm tin:
+ Tin vào người khác: tin khả năng, tấm lòng, tình yêu thương của họ -> Chính niềm tin ấy sẽ tạo cho họ sức mạnh, là biểu hiện của tình yêu thương, là sợi dây gắn kết trong các mối quan hệ.
+ Tin chính bản thân mình -> khám phá khả năng của bản thân, làm được những điều không tưởng, thực hiện được những ước mơ, dự định khó chạm tới.
(Có dẫn chứng minh họa cụ thể, ví dụ niềm tin giữa những người cùng hợp tác đầu tư, niềm tin giữa những người thân trong gia đình)
- Mở rộng, nâng cao:
+ Niềm tin là quan trọng nhưng phải đặt niềm tin đúng chỗ để không mất niềm tin.
+ Có những lúc, vẫn nên hoài nghi để tự mình đi tìm đáp án.
- Liên hệ bản thân
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Mở bài:
- “Mùa xuân nho nhỏ” (1980) là tiếng lòng tha thiết gắn bó với cuộc đời, với thiên nhiên, đất nước của nhà thơ Thanh Hải.
- Hai khổ đầu của bài thơ thể hiện cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên đất Huế.
2. Thân bài:
2.1. Mùa xuân của thiên nhiên
- Bài thơ được mở ra bằng khung cảnh thiên nhiên tươi sáng và tràn đầy sức sống.
+ Cấu trúc đảo ngữ ở câu thơ 1,2 gợi sức sống mạnh mẽ đến bất ngờ, khiến bông hoa như có cội rễ, tràn đầy sức xuân, sắc xuân.
+ Các hình ảnh “dòng sông”, “bông hoa”, “bầu trời”, “chim chiền chiện” thật bình dị và gợi cảm, đã tái hiện một không gian cao rộng của mùa xuân với những hình ảnh đặc trưng của xứ Huế.
+ Màu sắc: “sông xanh”, “hoa tím biếc” rất hài hòa, tươi sáng. Dòng sông xanh đã trở thành cái nền cho sắc tím của hoa, làm nổi bật vẻ đẹp sống động của mùa xuân.
+ Âm thanh: tiếng chim chiền chiện là tín hiệu của một buổi sớm mùa xuân trong trẻo, mát lành; gợi không gian cao rộng của bầu trời tươi sáng, ấm áp; gợi liên tưởng đến những không gian đầy ắp màu xanh của một khu vườn quê với những vòm cây xanh mát hay một cánh đồng rộng lớn, bình yên.
=> Chỉ bằng vài nét phác, tác giả đã vẽ ra khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp, đủ đầy hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ứ đầy sức sống và đậm đà nét Huế.
- Đối diện với vẻ đẹp ấy là cảm xúc say sưa, tươi vui của nhà thơ đang hòa mình vào đất trời:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: có thể là giọt mưa xuân long lanh, có thể là âm thanh tiếng chim đang rót giữa đất trời. Ta không chỉ nghe thấy mà con nhìn thấy cả giọt âm thanh trong vắt.
+ Đại từ “tôi” + hành động “tôi hứng” thế hiện sự chiếm lĩnh, giao hòa của tác giả với mùa xuân. Câu thơ biểu hiện niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.
2.2. Mùa xuân của đất nước
- Nhà thơ khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân đất nước:
+ Hệ thống điệp từ “mùa xuân”, “lộc”: gợi quang cảnh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống của chồi non lộc biếc; gợi những thành quả trong công cuộc xây dựng đất nước.
+ Hình ảnh “người cầm súng” “người ra đồng”: được liệt kê để vẽ lên hình ảnh đất nước tưng bừng, nhộn nhịp với hàng vạn con người đang góp sức mình cho mùa xuân của dân tộc.
Hình ảnh “người cầm súng”: phản ánh hiện thực gian khổ của chiến tranh. Lộc trên lưng vừa là hình ảnh cành lá ngụy trang vừa là mùa xuân mà họ mang lại cho đất nước.
Hình ảnh “người ra đồng”: không khí lao động ở hậu phương. “Lộc trải dài nương mạ”: mang đến những cánh đồng xanh tươi, những vụ mùa no ấm, mang lại sự sống.
+ Điệp từ “tất cả” + lặp cấu trúc ngữ pháp + các từ láy “hối hả” “xôn xao” diễn tả nhịp sống sôi động, tưng bừng, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.
=> Mùa xuân của đất nước gắn với hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ đất nước.
2.3. Nhận xét về cảm xúc, suy nghĩ của tác giả trước mùa xuân
- Tâm hồn thi nhân say sưa cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước khi mùa xuân về.
- Từ sự cảm nhận đó, thi sĩ có những ước nguyện hiến dâng sâu sắc, chân thành ở phía sau.
3. Kết bài
Khổ thơ đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên xứ Huế thơ mộng, khoáng đạt, rực rỡ sắc màu và rộn rã âm thanh. Phải là người lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống tha thiết, Thanh Hải mới cất lên từ tâm hồn mình những lời thơ hay và đẹp đến thế!
Nguồn: Sưu tầm
Loigiaihay.com
- Đề số 33 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 34 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 35 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 36 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 37 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục