Đề số 44 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 44 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề bài
Câu 1: (2.0 điểm)
a. Nhận biết
Xác định biện pháp tu từ trong phần in đậm của ngữ liệu sau:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b. Thông hiểu
Viết lại câu đằng sau bằng cách chuyển phần in đậm thành khởi ngữ.
Anh ấy chạy nhanh nhất đội tuyển
c. Thông hiểu
Cho đoạn văn sau, tìm câu có chứa hàm ý và cho biết nội dung hàm ý đó là gì?
Tôi lên tiếng mở đường cho nó:
- Cháu phải gọi “Ba chắt nước giùm con”, phải nói như vậy.
Nó như không để ý đến câu nói của tôi, nó lại kêu lên:
- Cơm sôi rồi, nhão bây giờ
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
Câu 2: (3.0 điểm)
Gia đình luôn hiện về bên ta trên mọi nẻo đường, vực ta dậy mỗi khi vấp ngã, góp một nụ cười khi ta thành công.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 30 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Câu 3: (5.0 điểm)
Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
a.
Phương pháp: căn cứ biện pháp tu từ đã học
Cách giải:
Biện pháp tu từ: so sánh.
b.
Phương pháp: căn cứ bài Khởi ngữ
Cách giải:
Chạy, anh ấy nhanh nhất đội tuyển.
c.
Phương pháp: căn cứ bài Nghĩa tường minh và Hàm ý
Cách giải:
- Câu văn chứa hàm ý: “Cơm sôi rồi, nhão bây giờ!”
- Hàm ý: Cơm đã sôi rồi, bé Thu muốn ông Sáu chắt nước giúp nó.
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giải thích vấn đề:
“Gia đình luôn hiện về bên ta trên mọi nẻo đường, vựa ta dậy mỗi khi vấp ngã, góp một nụ cười khi ta thành công”
=> Vai trò của gia đình đối với con người.
- Gia đình là một trong ba môi trường của xã hội, quyết định trực tiếp tới mặt tự nhiên và xã hội trong mỗi con người. Là nơi để các thành viên sống chân thành với nhau, san sẻ lòng yêu thương, niềm vui, là điểm dựa vững chắc nhất những lúc chúng ta gặp khó khăn, hay thất bại trong cuộc sống.
- Gia đình là những người cùng chung sống dưới một mái nhà, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống, thường gồm có ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt.
2. Bàn luận vấn đề
* Vai trò của gia đình:
- Gia đình là nơi ta được sinh ra, được nuôi dưỡng trưởng thành.
- Gia đình là nơi đầu tiên giúp ta hình thành nhân cách.
- Gia đình là nơi bao bọc, che chở cho mỗi con người.
- Gia đình là cái nôi, là chốn bình yên cho ta trở về sau những giông bão của cuộc đời. Gia đình còn là nơi chia sẻ niềm vui khi ta thành công.
- Gia đình là nguồn động lực, nguồn cổ vũ động viên giúp ta không ngừng phấn đấu.
- Gia đình là nơi nâng đỡ, giúp ta vươn đến những ước mơ của cuộc đời.
=> Gia đình có ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.
=> Gia đình còn là hạt nhân, tế bào của xã hội. Gia đình vững chắc và bình yên là nơi nuôi dưỡng những con người có ích cho xã hội.
* Mỗi người con phải có trách nhiệm đối với gia đình: luôn yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ. Chăm sóc, phụng dưỡng khi ông bà cha mẹ già yếu.
* Phản đề: Bên cạnh đó vẫn có những người chưa nhận ra được ý nghĩa và có ý thức trân trọng, gìn giữ gia đình, thậm chí là có hành động đi ngược lại điều đó: bất hiếu, đánh đập ông bà, cha mẹ, đây là hành vi đáng lên án và loại bỏ.
* Liên hệ bản thân.
Câu 3.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.
- Lê Minh Khuê thành công ở thể loại truyện ngắn:
+ Trong chiến tranh, hầu hết sáng tác tập trung viết về cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.
+ Sau 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.
- Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.
- Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.
- Tóm tắt ngắn gọn tác phẩm.
2. Phân tích, cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật Phương Định
a. Vẻ đẹp dũng cảm, kiên cường:
- Phương Định cùng đồng đội đảm nhận một công việc đầy gian khổ, hiểm nguy trên cung đường Trường Sơn, giữa những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt:
+ Cô thuộc tổ trinh sát mặt đường, hàng ngày phải đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần phải phá bom.
+ Vì thế, mỗi khi máy bay ném bom phải lao lên mặt đường, đánh dấu đoạn đường bị bom phá hỏng và những quả bom chưa nổ.
+ Không chỉ vậy, cô và tổ trinh sát còn đảm đương việc phá bom nổ chậm. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự bình tĩnh, dũng cảm, quên mình của chiến sĩ vì thần chết luôn lẩn trong ruột những quả bom.
=> Là công việc mà có làm bao nhiêu lần vẫn không thể quen, vẫn luôn căng thẳng đến mức “thần kinh căng như chão… tim đập bất chấp cả nhịp điệu”.
=> Vậy mà, cô vẫn bám trụ 3 năm liền trên tuyến đường Trường Sơn, chứng tỏ vẻ đẹp quả cảm, ý chí kiên cường, lòng yêu nước của Phương Định.
- Diễn biến tâm trạng Phương Định trong một lần phá bom nổ chậm:
+ Nền của tâm trạng là không khí căng thẳng: bầu trời, mặt đất vắng lặng phát sợ.
+ Phương Định đã chiến thắng nỗi sợ hãi của mình: Đi thẳng người đến bên quả bom; tất cả mọi giác quan của cô trở nên nhạy bén, có ngày cô phá bom đến 5 lần. Tinh thần trách nhiệm, sự quên mình trong công việc khiến cái chết trở nên mờ nhạt. Cô chỉ nghĩ đến “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”
=> Cô là biểu tượng cho vẻ đẹp của lòng quả cảm, kiên cường của thế hệ nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ.
b. Vẻ đẹp tâm hồn nhạy cảm, mơ mộng, giàu yêu thương:
- Nét đẹp trẻ trung, hồn nhiên, mơ mộng:
+ Cô luôn chăm chút cho ngoại hình và rất tự hào về đôi mắt “có cái nhìn sao mà xa xăm” và cái cổ kiêu hãnh như đài hoa loa kèn => tự thấy mình là một cô gái khá.
+ Cô thích soi gương, thích làm điệu trước các anh bộ đội.
+ Đặc biệt, Phương Định rất thích hát, thích nhiều loại nhạc khác nhau và còn thường bịa lời ra để hát.
+ Cô vui thích cuống cuồng trước một cơn mưa đá.
+ Cô cũng hay hồi tưởng về quá khứ, về tuổi học sinh, về căn nhà nhỏ bên quảng trường thành phố. Cô nhớ khuôn cửa sổ, nhớ những ngôi sao trên bầu trời Hà Nội, nhớ bà bán kem với lũ trẻ con háo hức vây quanh. Đó là những kí ức làm tươi mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh.
=> Vào chiến trường, phải trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn song Phương Định vẫn giữ vẹn nguyên thế giới tâm hồn mình. Đây là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ này.
- Tình cảm gắn bó, yêu thương cô dành cho những đồng đội:
+ Cô yêu thương, chiều chuộng Nho như một đứa em út trong nhà. Khi Nho bị thương, cô lo lắng, chăm sóc, cảm thấy đau như chính mình bị thương.
+ Với chị Thao: Phương Định hiểu tính cách và tình cảm của chị, cô coi chị Thao như người chị cả trong gia đình.
+ Khi đồng đội trên cao điểm, Phương Định ở nơi an toàn trực điện đài, mà chẳng thể yên lòng: cô gắt lên với đội trưởng, cô sốt ruột chạy ra ngoài rồi lo lắng.
=> Tất cả đã làm hiện lên một thế giới tâm hồn tinh tế, trong sáng, nhân hậu và vẻ đẹp nhân cách của một người thiếu nữ, sống giữa hiện thực chiến tranh khốc liệt mà vẫn tràn đầy niềm yêu thương, tin tưởng dành cho con người và cuộc sống.
=> Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công nhân vật Phương Định, người thiếu nữ Hà Nội với tâm hồn phong phú và lòng dũng cảm, tinh thần quên mình vì nhiệm vụ. Nhà văn đã góp cho văn xuôi chống Mĩ một trong những hình tượng sống động và đáng yêu nhất.
c. Đặc sắc nghệ thuật
- Nghệ thuật miêu tả nhân vật đặc sắc.
- Kể chuyện sinh động.
- Ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật, nhịp kể biến đổi linh hoạt.
- Lựa chọn ngôi kể phù hợp, thể hiện được những nét tinh tế, sâu sắc trong tâm hồn nhân vật.
3. Đánh giá chung
- Lê Minh Khuê đã làm nổi bật chân dung của Phương Định một cô gái hồn nhiên, trong sáng, tinh thần dũng cảm, lạc quan trong cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ. Phương Định là đại diện tiêu biểu của thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ.
- Nhân vật Phương Định được xây dựng thành công với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc.
Nguồn: Sưu tầm
Loigiaihay.com
- Đề số 45 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 46 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 47 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 48 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 49 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục