Đề số 49 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn


Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 9 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Đề bài

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan của mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”.

(Nguyễn Quang Sáng – Chiếc lược ngà, SGK Ngữ văn 9, tập một, trang 198)

Câu 1: (1.0 điểm). Nhận biết

Xác định phép liên kết hình thức và từ ngữ liên kết trong các câu: “Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”

Câu 2: (0.5 điểm) Nhận biết

Câu văn “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa” sử dụng phép tu từ gì?

Câu 3: (0.5 điểm) Thông hiểu

Theo em, vì sao tác giả lại nhấn mạnh chi tiết bé Thu “hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”?

Câu 4: (1.0 điểm) Thông hiểu

Em có nhận xét gì về tình cảm bé Thu đối với ông Sáu được thể hiện qua đoạn trích trên?

PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Vận dụng cao

Việc bày tỏ tình cảm của con cái đối với cha mẹ có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau nhưng là một việc rất cần thiết.

Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về điều đó.

Câu 2: (5.0 điểm) Vận dụng cao

Sách giáo khoa Ngữ văn 9 có nhận định rằng: Đoạn thơ “Cảnh ngày xuân” là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng được gợi lên qua từ ngữ, bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du.

Từ việc cảm nhận của em về đoạn thơ sau, hãy làm sáng tỏ nhận định trên:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử, giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

(Nguyễn Du – Truyện Kiều, SGk Ngữ Văn 9, tập một, trang 84,85)

Quảng cáo
decumar

Lời giải chi tiết

Câu 1.

1.

Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn.

Cách giải:

- Phép liên kết: Lặp từ ngữ

- Từ liên kết: Nó

2.

Phương pháp: Căn cứ biện pháp tu từ đã học: so sánh, nhân hóa,…

Cách giải:

- Biện pháp tu từ: liệt kê

3.

Phương pháp: phân tích, lí giải

Cách giải:

Nhấn mạnh chi tiết bé Thu hôn lên vết thẹo dài trên mặt ba, nhằm: Bé Thu được nghe bà ngoại giảng giải, Thu hiểu vết thẹo trên mặt ba là chứng tích tội ác của kẻ thù. Sự nghi ngờ được giải tỏa, nó cảm thấy ân hận, hối tiếc. Tình cảm dành cho cha trào dâng trong phút chia tay. Con bé cuống quýt, hối hận, ăn năn hôn lên cả vết thẹo. Với con bé, tất cả những gì thuộc về ba, nó đều yêu thương tha thiết.

4.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Bé Thu là người có tình yêu thương cha tha thiết, mãnh liệt. Khi những băn khoăn được giải tỏa tình yêu đó được bùng cháy mạnh mẽ, mãnh liệt.

Câu 2.

Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm bài văn nghị luận xã hội.

Cách giải:

*Yêu cầu về kĩ năng:

- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.

- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

*Yêu cầu về nội dung:

1. Giải thích vấn đề:

Việc bày tỏ tình cảm của con cái đối với cha mẹ có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau nhưng là một việc rất cần thiết

=> Tầm quan trọng của việc bày tỏ tình yêu thương đối với cha mẹ.

2. Bàn luận vấn đề

- Ý nghĩa của việc bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ:

+ Để cha mẹ có thể cảm nhận được tình cảm, sự chân thành của con cái đối với bản thân.

+ Giúp xóa nhòa khoảng cách giữa con và cha mẹ, giúp các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn.

+ Bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ cũng là cách thức giúp cha mẹ có thể nhanh chóng vượt qua những áp lực cuộc sống.

+ Bày tỏ tình yêu thương giúp gia đình sống hòa thuận và hạnh phúc hơn.

- Cách thức bày tỏ tình yêu thương

+ Bằng lời nói yêu thương, chân thành.

+ Bằng hành động thiết thực: giúp đỡ cha mẹ công việc trong gia đình, chăm ngoan học tập, thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ,…

- Nếu không bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ sẽ ra sao?

+ Nếu tình yêu không được thổ lộ, cha mẹ sẽ không thể biết được tình cảm cảm xúc của con cái với mình.

+ Không khí gia đình luôn buồn tẻ, lạnh lẽo, thiếu hơi ấm của sự hạnh phúc.

3. Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

- Bên cạnh đó vẫn có những người không có tình yêu thương với đấng sinh thành, sẵn sàng đánh đập mắng chửi. Đó là hành vi, biểu hiện của sự băng hoại đạo đức, lối sống. Những hành vi đó cần lên án và loại bỏ.

- Tình yêu thương nào cũng cần xuất phát từ cảm xúc chân thành, không phải là thứ tình yêu thương nơi đầu môi.

- Liên hệ bản thân: em đã làm gì để thể hiện tình yêu thương với cha mẹ?

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung

Tác giả

- Nguyễn Du (1765- 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, tỉnh Hà Tĩnh.

- Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cuộc đời của Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX.

- Truyện Kiều là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông.

Tác phẩm

- Thuộc phần đầu của tác phẩm, nằm ngay sau đoạn tả tài sắc của chị em Thúy Kiều.

- Là đoạn thơ tả cảnh ngày xuân trong tiết thanh minh và cảnh du xuân của hai nàng Kiều.

2. Chứng minh

“Đoạn thơ “Cảnh ngày xuân” là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng được gợi lên qua từ ngữ, bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du”.

=> Nhận xét đã khẳng định giá trị nội dung cũng như giá trị nghệ thuật của đoạn trích Cảnh ngày xuân.

a. Khung cảnh ngày xuân (4 câu thơ đầu)

* Hai dòng thơ đầu là khung cảnh ngày xuân tuyệt đẹp.

-  Hình ảnh “con én đưa thoi”:

+ Tả: cảnh những cánh én bay liệng đầy trời rộn ràng như thoi đưa -> hình ảnh đẹp quen thuộc của mùa xuân.

+ Gợi: Thời gian trôi nhanh

            Không gian cao rộng của bầu trời

            Không khí ấm áp của mùa xuân

- Câu thơ “thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”:

+ Tả: ánh sáng đẹp của ngày xuân

+ Gợi: Một không gian tràn đầy nắng ấm

           Thời điểm tháng 3 mùa xuân là thời điểm thiên nhiên đạt tốc độ rực rỡ nhất, viên mãn nhất.

         Sự nuối tiếc của chị em Thúy Kiều vì mùa xuân tươi đẹp đang trôi qua nhanh.

=> Hai câu thơ không chỉ có giá trị thông báo về thời gian mà còn tô đậm ấn tượng về một mùa xuân đang độ chín rất đỗi ngọt ngào. Đối diện với mùa xuân ấy lòng người không khỏi bồi hồi, xao xuyến.

* Hai câu thơ tiếp đã phác họa một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống:

-  Hình ảnh “cỏ non xanh tận chân trời”:

+ Tái hiện một không gian tràn đầy sắc xanh non của cỏ mùa xuân.

+ Gợi: sự tươi no và sức sống dat dào của mùa xuân.

-           Hình ảnh “cành lê”:

+ Đảo ngữ “trắng điểm” -> tô đậm sắc trắng của đóa hoa lê.

+ “điểm”: gợi ấn tượng về sự thanh thoát của hoa.

-          Màu sắc:

+ Sắc xanh của cỏ.

+ Màu trắng của hoa

=> Hài hòa, gợi một không gian trong trẻo, tinh khôi, tràn trề nhựa sống.

=> Với bút pháp chấm phá tài tình, tác giả đã rất thành công khi phác họa bức tranh mùa xuân khoáng đạt, tươi đẹp, đoạn trích đã làm cho thế giới tâm hồn tràn đầy niềm tươi vui, phấn chấn và có chút tiếc nuối của chị em Thúy Kiều.

b. Cảnh lễ hội trong tiết thanh minh

* Lời giới thiệu (2 câu thơ đầu):

- Nghệ thuật tiểu đối cùng việc tách từ “lễ hội” ra làm đôi -> giúp Nguyễn Du miêu tả hai hoạt động cùng diễn ra trong ngày hội xuân: lễ tảo mộ và hội đạp thanh.

- Gợi: sự giao hòa:

+ Lễ: là lòng tri ân tổ tiên

+ Hội: là dịp những người trẻ tuổi đi du xuân, thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân.

- Lễ hội diễn ra tưng bừng tấp nập:

+ Kết hợp giữa các từ ghép hai âm tiết: “gần xa”, “yến anh”, “chị em”… cùng các từ láy “sắm sửa”, “nô nức”, “dập dìu”… -> tâm trạng náo nức, tươi vui, sự rộn ràng trong lòng người chơi xuân.

+ Biện pháp ẩn dụ: “nô nức yến anh” :

Một mặt gợi hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân.

Mặt khác: gợi những xôn xao trong cuộc chuyện trò, gặp gỡ; những háo hức, tình tứ của đôi lứa uyên ương.

+ Biện pháp so sánh: “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”: tái hiện sự đông đúc, từng đoàn người chen vai thích cánh đi chơi xuân chật như nêm.

3. Nhận xét

- Nội dung: Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên mùa xuân sống động, tươi đẹp, hài hòa. Đồng thời nhà thơ đã biến khung cảnh thiên nhiên ấy thành một phương tiện để khám phá thế giới nội tâm nhân vật.

- Nghệ thuật:

+ Tài nghệ sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Du. Đặc biệt ông đã sử dụng rất thành công hệ thống từ láy rất giàu gái trị biểu cảm.

+ Biện pháp tả cảnh ngụ tình điêu luyện.

+ Các biện pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ.

 

Nguồn: Sưu tầm

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4 trên 3 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K9 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 và luyện vào lớp 10 tại Tuyensinh247.com, cam kết giúp học sinh lớp 9 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.