Đề số 74 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 74 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề bài
Câu 1: (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”.
Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng”.
a. Nhận biết
Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?
b. Nhận biết
Xác định thành phần biệt lập trong câu văn: “Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá”.
c. Thông hiểu Chỉ ra 1 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 2: (2.0 điểm) Vận dụng cao
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến sau: Mọi người sẽ tin cậy ta nếu ta chân thành công nhận khuyết điểm
Câu 3: (5.0 điểm) Vận dụng cao Phân tích đoạn thơ sau:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
a.
Phương pháp: Căn cứ bài Những ngôi sao xa xôi
Cách giải:
Đoạn trích trên trích từ tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của tác giả Lê Minh Khuê.
b.
Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập
Cách giải:
Thành phần biệt lập phụ chú: “Nói một cách khiêm tốn”.
c.
Phương pháp: căn cứ bài So sánh
Cách giải:
Học sinh lựa chọn biện pháp nghệ thuật đúng trong đoạn trích và phân tích tác dụng.
Gợi ý Tuyensinh247:
- Biện pháp so sánh “một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”.
- Tác dụng: Đặc tả, nhấn mạnh vẻ đẹp cái cổ của nhân vật “tôi”. Qua đó khẳng định vẻ đẹp thanh lịch của người con gái Hà Nội.
Câu 2.
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Yêu cầu về hình thức
- Bài văn hoặc đoạn văn
- Trình bày rõ ràng, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả.
- Yêu cầu về nội dung: Bài làm của học sinh đảm bảo các ý chính sau:
1. Nêu vấn đề.
2.Giải thích vấn đề.
- Chân thành: rất thành thật, xuất phát từ đáy lòng.
- Khuyết điểm: điều thiếu sót, điều sai trong suy nghĩ, hành động hoặc tư cách.
=> Chân thành nhận khuyết điểm là nhận lỗi sai một cách thành thực, không che giấu, không ngụy tạo.
=> “Mọi người sẽ tin cậy ta nếu ta chân thành công nhận khuyết điểm”: Khi ta biết mình sai và nhận lỗi thành thực, mọi người sẽ tin tưởng ta hơn.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Tại sao khi ta chân thành nhận khuyết điểm, mọi người lại tin tưởng ta hơn?
+ Khi chân thành nhận khuyết điểm có nghĩa là ta dũng cảm đối diện với những sai lầm, những thất bại của chính mình. Một con người dũng cảm như vậy đáng được tin cậy và quý trọng.
+ Khi ta chân thành nhận khuyết điểm cũng thể hiện ta là con người sống có trách nhiệm. Khi sống có trách nhiệm với bản thân, ta sẽ biết có trách nhiệm với mọi người và cộng đồng.
+ Khi ta chân thành nhận khuyết điểm, đó là biểu hiện của sự cầu tiến, học hỏi. Một người như vậy chẳng phải đáng quý hay sao.
- Phê phán những người không biết nhận sai hoặc độc đoán, luôn cho mình là đúng.
- Liên hệ bản thân: Em có phải người biết chân thành nhận lỗi của mình? Hãy chia sẻ một vài câu chuyện của bản thân?
Câu 3.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, phân tích, tổng hợp.dẫn chứng xác thực.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1.Giới thiệu chung
Tác giả:
- Nguyễn Duy là nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
- Thơ Nguyễn Duy cuốn hút người đọc bằng cảm xúc chân thành, vẻ đẹp giản dị, gần gũi.
- Thơ ông giàu chất triết lí, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt, suy tư về con người và cuộc sống.
Tác phẩm:
- Năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh:
+ Là 3 năm sau ngày giải phóng miền Nam, kết thúc chiến tranh giải phóng đất nước. Những người chiến sĩ trở về với đồng bằng, miền xuôi và bị cuốn đi bởi những lo toan tất bật của đời sống thường nhật -> không ít người trong số họ lãng quên, bội bạc quá khứ.
+ Nguyễn Duy viết “Ánh trăng” như lời tâm sự, tự nhắc nhở, tự vấn…
- In trong tập “Ánh trăng” (1984) - tập thơ được giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm đó.
- Hai khổ thơ cuối thể hiện sự thức tỉnh của con người
2. Phân tích
* Được bắt đầu từ khi gặp lại vầng trăng:
- Điệp từ “mặt”, lối chuyển nghĩa độc đáo:
+ Diễn tả giây phút soi chiếu, giao hòa giữa con người và vầng trăng.
+ Soi vào trăng để con người nhận ra mình và nhận ra cả sự đổi thay của mình.
- “Rưng rưng”: là những cảm xúc đang ùa về trong giây phút con người nhận ra vầng trăng tri kỉ của đời mình -> để rồi thức tỉnh.
- “Đồng, bể, sông, rừng”:
+ Xóa đi thời gian, không gian, đưa con người về quá khứ.
+ Kéo trăng và người xích lại gần nhau.
+ Để trăng vẫn vẹn nguyên là tri kỉ.
+ Để con người nhận ra sự nông cạn, thờ ơ, bạc bẽo của chính mình.
* Càng thức tỉnh sâu sắc hơn khi:
- “Trăng”:
+ “tròn vành vạnh”: ẩn dụ cho nghĩa tình không bao giờ thay đổi, không bao giờ vơi cạn của nhân dân, đất nước.
+ “im phăng phắc”: bao dung, độ lượng và nghiêm khắc -> cái im lặng chứa đựng lời nhắc nhở, cảnh báo, thức tỉnh con người.
- Người “giật mình” -> thức tỉnh:
+ Nhận ra những cám dỗ vật chất khiến con người đánh mất đi những giá trị tinh thần đẹp đẽ, khiến tâm hồn họ trống rỗng, nghèo nàn.
+ Nhận ra: không được lãng quên quá khứ, không được thờ ơ, bội bạc với nghĩa tình sâu nặng, thiêng liêng.
+ Biết trở về nâng niu, trân trọng quá khứ; biết sống ân nghĩa, thủy chung.
->Với khoảnh khắc giật mình, nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc niềm tin và sức sống mãnh liệt của lương tri con người.
III. Tổng kết:
- Nội dung:
+ Lời nhắn gửi con người không được lãng quên quá khứ gian khổ mà sâu đậm nghĩa tình.
+ Lời nhắc nhở về nghĩa tình thiêng liêng của nhân dân, đạo lí uống nước nhớ nguồn.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ ngũ ngôn với nhiều sáng tạo độc đáo.
+ Sự kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình.
+ Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi mà giàu sức gợi.
+ Giọng điệu tâm tình thấm thía, khi thì thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng, suy tư.
Nguồn: Sưu tầm
Loigiaihay.com
- Đề số 73 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 72 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 71 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 70 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 69 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục