Đề số 57 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 57 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề bài
Câu 1: (2.0 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi.
Nhà em vẫn tiếng ạ ời,
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru.
Lời ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn,
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”
( Mẹ, Trần Quốc Minh, Theo Thơ chọn với lời bình, NXB GD, 2002, tr 28 – 29)
a. Nhận biết
Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
b. Nhận biết
Trong bài thơ, những âm thanh nào được tác giả nhắc đến?
c. Thông hiểu
Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:
Đêm nay con ngủ giấc tròn,
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời
Câu 2: (3.0 điểm) Vận dụng cao
Em hãy viết một bài văn (khoảng 300 chữ) bàn về lòng hiếu thảo.
Câu 3: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau:
“Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc đi:
- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…
…Vừa về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.
Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…Ông lão nắm chặt hai tay mà rít lên:
- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.
Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng cho lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!
Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chưa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước … Lại con bao nhiêu người làng tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa? ….”
(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD, 2013)
Lời giải chi tiết
Câu 1.
a.
Phương pháp: căn cứ vào các thể thơ đã học.
Cách giải:
Bài thơ được viết theo thể thơ: lục bát.
b.
Phương pháp: căn cứ nội dung bài thơ được trích
Cách giải:
Trong bài thơ những âm thanh được nhắc đến:
+Tiếng ve
+Tiếng ru “ạ ời”
+Tiếng võng kẽo cà
c.
Phương pháp: căn cứ biện pháp So sánh
Cách giải:
- Biện pháp tu từ: so sánh. (Tác giả so sánh mẹ với ngọn gió)
- Tác dụng: Tác giả so sánh “mẹ” với “ngọn gió”. Ngọn gió đem đến sự mát mẻ cho con trong giấc ngủ cũng như mẹ mang đến cho con những điều đẹp đẽ nhất, bình yên nhất. Biện pháp so sánh cho thấy sự hy sinh cao cả của mẹ dành cho con, đồng thời cũng cho thấy sự biết ơn của những đứa con với người mẹ của mình.
Câu 2.
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Yêu cầu về hình thức
- Bài văn khoảng 300 chữ.
- Trình bày rõ ràng, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả.
- Yêu cầu về nội dung: Bài làm của học sinh đảm bảo các ý chính sau:
1. Nêu vấn đề.
2. Giải thích vấn đề.
- Lòng hiếu thảo là lòng kính yêu, tôn trọng cha mẹ. Đây là một đức tính rất được coi trọng trong văn hóa Đông Á cũng như văn hóa Việt Nam.
- Ai cũng cần phải có lòng hiếu thảo bởi cha mẹ là người sinh ra ta. Nếu với cha mẹ mà không thể hiếu thảo, đó hẳn không phải là người tốt.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Biểu hiện của lòng hiếu thảo:
+ Biết nghe lời hay, lẽ phải cha mẹ dạy dỗ.
+ Có ý thức học hành, không để cha mẹ phải phiền lòng.
+ Khi cha mẹ ốm đau, về già phải biết phụng dưỡng, chăm sóc cho cha mẹ.
+ Đoàn kết với anh chị em trong nhà “anh em hòa thuận, hai thân vui vầy”.
- Vì sao phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ:
+ Ông bà cha mẹ là người đã sinh ra ta, đã mang lại cuộc sống này cho chúng ta
+ Sống hiếu thảo với ông bà cho mẹ là thể hiện người sống có trách nhiệm.
+ Người có lòng hiếu thảo luôn được mọi người yêu mến và quý trọng
+ Lòng hiếu thảo là phương tiện gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, thể hiện tình yêu thương gia đình.
- Trong xã hội hiện đại, lòng hiếu thảo cũng đang bị xuống cấp. Phê phán những đứa con hư, bất hiếu với cha mẹ.
- Liên hệ bản thân.
Câu 3.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giới thiệu chung
Tác giả:
- Là cây bút chuyên viết truyện ngắn, thành danh từ trước cách mạng tháng 8. Ông để lại số lượng tác phẩm không nhiều nhưng vẫn được xếp vào hàng những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.
- Đề tài: nông thôn:
+ Khai thác chất thơ bình dị của cuộc sống thôn quê với những thú vui đồng ruộng.
+ Khám phá vẻ đẹp thuần phác, đôn hậu tiềm ẩn trong tâm hồn người nông dân.
- Có lối viết tự nhiên, giản dị, cách miêu tả chân thực. Đặc biệt ông có biệt tài phân tích tâm lí nhân vật.
Tác phẩm:
- Được viết thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ 1948.
-> Là một trong những truyện ngắn thành công nhất của Kim Lân.
- Đoạn trích miêu tả tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.
2. Phân tích
*Giới thiệu nhân vật ông Hai
Tóm tắt nội dung trước khi dẫn đến đoạn được trích.
* Lúc mới nghe tin, ông ngạc nhiên đến bàng hoàng, sững sờ:
- Đúng lúc ông Hai đang phấn khởi trước những tin tức thời sự thì nghe những người tản cư bàn về làng Chợ Dầu. Ông quay phắt lại hỏi: “ta giết được bao nhiêu thằng?” -> Câu hỏi cho thấy niềm tin vững chắc vào tinh thần cách mạng của làng mình.
- Vì thế, tin làng theo giặc khiến ông chết lặng vì đau đớn, tủi thẹn:
+ Cổ nghẹn đắng.
+ Da mặt tê rân rân.
+ Giọng lạc hẳn đi.
+ Lặng đi như không thở được…
-> Đau đớn đến mức như không điều khiển được thân thể của chính mình.
* Từ giây phút đó, ông chìm vào tâm trạng hoang mang, đau khổ, sợ hãi:
- Ông lảng ra chỗ khác rồi về thẳng nhà, nằm vật ra giường chứ không chạy sang hàng xóm khoe làng như thường lệ.
- Ông lo lắng, xót xa, trằn trọc cả đêm:
+ Cho số phận của những đứa con sẽ bị khinh bỉ, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian;
+ Cho bao nhiêu người làng ở nơi tản cư.
+ Cho tương lai cả gia đình.
- Ông kiểm điểm lại từng người trong làng và đau đớn, căm hận những người làm Việt gian bán nước.
=> Miêu tả diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, đã cho thấy nỗi đau tột cùng của ông Hai khi biết tin làng theo giặc.
3. Tổng kết:
- Nội dung: Kim Lân đã miêu tả chân thực, sắc sảo diễn biến tâm trạng ông Hai.
- Nghệ thuật:
+ Lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ.
+ Ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo.
Nguồn: Sưu tầm
Loigiaihay.com
- Đề số 58 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 59 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 60 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 61 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
- Đề số 62 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục