Đề ôn tập học kì 1 Ngữ văn 12

Tổng hợp 20 đề thi học kì 1 Văn 12 có đáp án

Tải về

Tổng hợp 20 đề thi hk1 Văn 12 có đáp án và lời giải chi tiết giúp học sinh ôn tập học kì 1 hiệu quả

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

     Sông Thu Bồn (sông Thu) bắt nguồn từ ngàn khe, trăm suối trên cao nguyên Ngọc Linh (Kon Tum). Sông ra đi về phương Đông, qua Trà My hợp lưu với sông Tranh; qua Tiên Phước hợp lưu với sông Tiên tạo thành một dòng mênh mông, bát ngát. Quy luật là sông nào cũng phải về với biển mẹ nên sông Thu phải xẻ núi mà đi tìm về với biển.

     Qua lưu vực Hiệp Đức – Quế Sơn, sông làm nên một hiện tượng tự nhiên hùng vĩ. Đó là nơi dòng chảy của sông tác động mạnh vào núi bởi núi vươn ra chặn dòng sông nên ở đây sóng cồn lên rạo rực. Người Quảng Nam gọi lưu vực này là Hòn Kẽm – Đá Dừng. Trong văn hóa Quảng Nam, Hòn Kẽm – Đá Dừng là biểu tượng của công cha nghĩa mẹ:

Ngó lên Hòn Kẽm – Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi.

     Ra khỏi trung du qua đất hạ du Duy Xuyên, dòng chảy sông Thu chia ra hai nhánh: nhánh đông bắc đổ qua huyện Đại Lộc đem dòng nước ngọt về cho thành phố Đà Nẵng; nhánh đông nam đổ qua hai huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An về cửa Đại Chiêm. Nơi ngã ba sông ấy được gọi là Giao Thủy – vùng nước giáp của những dòng sông lớn.

(Trích Bút ký Giấc mơ trên 500 năm – Vũ Đức Sao Biển)

Câu 1. Đoạn trích được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, “một hiện tượng tự nhiên hùng vĩ” của sông Thu là gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Cụm từ “vùng nước giáp của những dòng sông lớn” là thành phần gì trong câu văn cuối? Ý nghĩa của thành phần này. (1,0 điểm)

Câu 4. Những hiểu biết và tình cảm của anh/chị sau khi đọc đoạn trích. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây qua đoạn thơ sau trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi với

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

(Tây Tiến - Quang Dũng)

Đề 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Khuyến khích và tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm để hiểu rõ giá trị của lao động là cách nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng đã làm nhằm tạo bước đệm vững chãi giúp con tự đứng trên đôi chân của mình…

    […] Làm việc, không chỉ vì muốn tự chủ tài chính mà còn là cơ hội giúp một người thỏa sức sáng tạo và định nghĩa bản thân qua cọ xát thực tế. Đó cũng là cách ông chủ Nhà Trắng và phu nhân của mình muốn hai con gái hiểu rõ. […] Họ luôn lấy câu chuyện thực tế của mình làm tấm gương và đồng ý cho hai con gái làm thử ít nhất một lần những công việc nặng nhọc với mức lương thấp nhất.

    Đồng tình với quan điểm trên, danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng vì ông không muốn làm hư con mình trước khi chúng hiểu được giá trị của lao động. Từ nhỏ các con của ông đã được dạy bài học sống không dựa dẫm. Các con của ông đều lăn xả đi làm thêm như bất cứ bạn trẻ nào từ rất sớm. Giờ đây họ trưởng thành, có sự nghiệp riêng, chẳng “đoái hoài” đến tài sản của bố.

     Susan Bruno, chuyên viên quản lý tài sản, người đồng sáng lập trang tư vấn đầu tư CollegeCFO.or, chia sẻ bí quyết dạy con: “Nếu bố mẹ hy sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ…”

(Theo Thiên Anh, Lối đi ngay dưới chân mình, Báo Phụ nữ, ngày 18/7/2015)

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. (0,5 điểm) Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên.

Câu 3. (1,0 điểm) Theo anh/chị, vì sao danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố “không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng”?

Câu 4. (1,0 điểm) Anh/chị có đồng tình với quan điểm của Susan Bruno khi cho rằng: “Nếu bố mẹ hi sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

     Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của mình về vấn đề “sống không dựa dẫm”.

Câu 2. (5,0 điểm)

     Về bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.

Từ cảm nhận về bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Đề 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

      Nhiều lúc, nhìn thấy những thái độ sống lãnh đạm của mọi người xung quanh, tôi bàng hoàng và băn khoăn rằng: mình đang sống trên trái đất vốn đầy tình thương hay sống ở một vũ trụ xa lạ, một vùng đất đóng băng… hay địa ngục? Đó là khi tôi bắt gặp một người ăn xin nghèo khổ bước lầm lũi sau những tiếng cười khinh bỉ, sự xua đuổi tàn nhẫn của một đám thanh niên nhà giàu. Đó cũng là lúc tôi chưa hết sợ hãi và thương cảm cho một nạn nhân xấu số của một vụ tai nạn giao thông thì đã thấy sững sờ trước hình ảnh một người qua đường chạy lại, nhặt chiếc điện thoại của người bị nạn bỏ vào túi mình rồi cười hả hê và phóng xe đi mất. Nếu là tôi, bạn sẽ nghĩ sao khi một cụ già phải xin mãi mới được một sinh viên nhường chỗ trên xe bus. Hay bạn có hẫng hụt không khi một ngày, nhìn thấy chiếc lá non trên cành cây, bạn vui sướng còn người đi cùng lại cho rằng bạn đang mất thì giờ để ý những chuyện không đâu?... Đáng sợ hơn nữa, bệnh vô cảm còn xảy ra trong nhiều gia đình – nơi vốn bình yên và đầy yêu thương. Người mẹ đánh đập con mình tàn nhẫn, ném con xuống sông… hay người con chửi mắng mẹ, coi mẹ như người giúp việc vụng về… đều là “những điều trông thấy” làm “đau đớn lòng”. Ngay một việc một bạn trẻ không có một khát vọng sống ý nghĩa, một ước mơ nho nhỏ cũng là đang thờ ơ, vô cảm với chính mình… Hóa ra căn bệnh ấy đang len vào từng tế bào sống của xã hội, gặm nhấm từ tâm hồn của một con người đến trái tim của toàn xã hội…

(Theo Bài tập Ngữ văn 12, tr.65-66, NXBGDVN – 2011)

1. Văn bản sử dụng phương thức biểu đạt chính là gì?

2. Nêu nội dung được đề cập đến trong văn bản.

3. Theo anh/chị những điều gì làm cho tác giả “đau đớn lòng”?

4. Thông điệp của tác giả qua câu “bạn có hẫng hụt không khi một ngày, nhìn thấy chiếc lá non trên cây, bạn vui sướng còn người đi cùng cho rằng bạn đang mất thì giờ để ý những chuyện không đâu?...” có ý nghĩa gì đối với anh/chị? (Trình bày trong khoảng 5-7 câu)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan điểm “một bạn trẻ không có một khát vọng sống ý nghĩa, một ước mơ nho nhỏ cũng là đang thờ ơ, lãnh cảm với chính mình” (vận dụng cao).

Câu 2 (5,0 điểm):

Phân tích vẻ đẹp “vàng mười đã qua thử lửa” qua hình tượng ông lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân.

Đề 4

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

     Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blog của một người bạn. Bạn ấy viết rằng: “Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp ly ca – cao nóng và bàn chuyện chiến sự… thế giới cùng anh em chiến hữu…”

     Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? Ừ nhỉ! Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi vì không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng, khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ khi chúng ta…

(Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” (1,0 điểm)

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9). (1,0 điểm)

Câu 4: Anh/ chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (NLXH – 2 điểm)

    Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về: Hạnh phúc của giới trẻ trong thời đại ngày nay.

Câu 2: (NLVH – 5 điểm)

Nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của sông Hương và cái tôi của tác giả trong đoạn trích sau đây:

     Trong các dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở mọi cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”.

(Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Đề 5

I. Đọc hiểu (3.0 điểm):

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

     Ngày 4/12/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tiếp xúc cử tri huyện Đức Thọ. Một vấn đề được cử tri quan tâm là đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiển gây xôn xao dư luận thời gian qua.

      Ông Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ bày tỏ, đa số cử tri không đồng tình với đề xuất này vì không cần thiết, gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.

     Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương đổi mới chữ viết tiếng Việt. Chính phủ tôn trọng tự do ngôn luận, sự khác biệt và sáng tạo của mỗi cá nhân. “Mọi người nên có cái nhìn công bằng, cần có cách ứng xử với những đề xuất, sáng tạo có ích cho cộng đồng”, ông Huệ nói.

     Trước đó tại hội thảo về ngôn ngữ vào tháng 7 ở Quy Nhơn (Bình Định), PGS.TS Ngữ văn Bùi Hiển (nguyên Hiệu phó Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) công bố công trình cải tiến chữ quốc ngữ chưa hoàn thiện. So với bảng hiện hành, bảng mới do PGS Hiền đề xuất bổ sung 4 chữ cái La tinh F, J, W, Z và bỏ chữ Đ trong bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành. Giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có cũng được thay đổi.

Cụ thể, C sẽ được thay cho Ch, Tr; D = Đ, G = G, F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W = Th; Z = D, Gi, R. Ông đồng thời tạo thêm một chữ cái mới cho âm vị “nhờ” (nh). Như vậy, từ Giáo dục sẽ được viết mới thành Záo zụk, tiếng Việt thành tiếq Việt…

Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không dự kiến cải tiến chữ viết trong giai đoạn này.

(Theo báo Vnexpress.net ngày 4/12/2017)

1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?

2. Xác định nội dung chính của văn bản?

3. Tại sao công trình cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền lại có nhiều ý kiến phản đối?)

4. Anh (Chị) có đồng tình với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền không? Vì sao? (Trình bày khoảng 7 – 10 dòng).

II. Làm văn (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng sông Đà hung bạo trong đoạn trích Người lái đò sông Đà. Từ đó, chỉ ra sự độc đáo trong quan niệm về cái đẹp của nhà văn Nguyễn Tuân?

Đề 6

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:

(1) “Tết không chỉ là ở “ở nhà”, mà còn là “về nhà”. Người ta về là ngôi nhà ở quê xa, thăm cha thăm mẹ thăm cánh đồng đã lâu mình không thấy trải dài trong mắt. Người ta ghé nhà ông bà, thắp nén hương cho người thân đã mất, ôm lấy và ủi an người thân còn đó, cho họ biết dù mình bôn ba nơi nào vẫn còn có họ trong lòng. Người ta về qua gia đình cô, chú, dì, cháu… Về hết những “ngôi nhà” có dòng máu ruột rà đang chảy ấm thân.

(2) Thời gian ở nhà ngày Tết còn trở về trong ký ức tôi với nồi thịt kho của mẹ, món ăn này đủ sức gợi nhớ cả một trời Xuân. Chưa hết, là tự tay dọn dẹp căn phòng với những gì đã cũ. Tự tay mình quét sơn tường, sơn cửa. Một chút chăm sóc tỉa tót cho chậu mai quanh năm chờ đợi một thời khắc bừng dậy huy hoàng… Chỉ cần là “ở nhà”, lúc nào cũng có rất nhiều thứ để làm trong ngày Tết.

(3) Tôi có những người bạn xa quê, họ đến một miền đất xa xôi ở bên kia nửa vòng trái đất. Những ngày Tết ở nước ngoài họ vẫn đón mừng đúng theo phong tục của người Việt, nhưng sâu thẳm trong tim họ vẫn muốn được hưởng không khí đó ở Việt Nam. “Nhà” không chỉ còn có nghĩa là gia đình, mà còn có nghĩa là quê hương…

(4) Đến cuối cùng, “ở nhà” ngày Tết không xác định bằng việc bạn sẽ ở yên trong ngôi nhà của mình, mà xác định bằng việc bạn nghĩ về ai trong trái tim. Có thể rất nhiều người sẽ không may mắn được hạnh phúc đón xuân bên gia đình, có thể nhiều người còn ở tít nơi nào xa xôi trên trái đất, có thể rất nhiều người không còn người thân để quay về nữa… Nhưng chỉ cần bạn thấy nôn nao trong lòng, thấy muốn được yêu thương, hồi tưởng, trở về.

(5) Đó! Đó chính là “ở nhà”, đó chính là mùa Xuân…”

(Theo Mỉm cười cho qua, NXB Trẻ, 2015, trang 169 – 171)

Câu 1 (0,5 điểm): Chỉ ra phương thức biểu đạt chính và đặt nhan đề cho văn bản?

Câu 2 (0,5 điểm): Nhân vật tôi quan niệm “ở nhà ngày Tết” như thế nào?

Câu 3 (1 điểm): Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (2) của văn bản và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?

Câu 4 (1 điểm): Thông điệp có ý nghĩa nhất trong văn bản là gì?

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

      Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: " “Nhà” không chỉ còn có nghĩa là gia đình, mà còn có nghĩa là quê hương".

Câu 2 (5 điểm):

     Phân tích đoạn văn mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh để cho thấy sự thống nhất chặt chẽ giữa đối tượng, mục đích sáng tác với nội dung, hình thức của tác phẩm:

     Hỡi đồng bào cả nước,

    Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

    Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

      Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”  

      Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh Dẫn theo Ngữ văn 12, tập 1)

Đề 7

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

     Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không? Chúng ta từng nói đến việc làm sao để trở thành những công dân toàn cầu. Danh từ công dân toàn cầu rất dễ làm cho những ai có lầm tưởng về một siêu nhân trong những khía cạnh nào đấy. Nhưng bản chất duy nhất của một công dân toàn cầu là một người biết yêu thương thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian. Có thể sẽ có những công dân kêu lên đầy bất lực: Ta chỉ là một sinh linh bé nhỏ làm sao ta có thể yêu thương và che chở cả thế gian rộng lớn nhường kia! Việc yêu thương và che chở cho cả thế gian có phải là một ước mơ hay một nhân cách hão huyền không? Không. Đó là một hiện thực và đó là một nguyên lý. Khi một con người yêu thương chân thực thì mảnh đất con người đó đang đứng dù chỉ vừa hai bàn chân thì người đó đã yêu cả trái đất này. Khi bạn yêu một cái cây bên cạnh bạn thì bạn yêu mọi cái cây trên thế gian. Khi bạn yêu thương một người bên cạnh thì bạn yêu cả nhân loại. Và khi tất cả những con người dù nhỏ bé đến đâu yêu thương người bên cạnh thì tình yêu thương ấy sẽ ngập tràn thế gian này.

     Tình yêu thương nhân loại sẽ ngay lập tức trở nên hão huyền và mang thói đạo đức giả khi chúng ra nói đến tình yêu thương đó mà không bao giờ chúng ta yêu thương nổi một người bên cạnh. Và thói đạo đức giả đang lan rộng trên thế gian chúng ta đang sống.

     Hãy cứu thế gian này khỏi những hận thù, những ích kỉ, những vô cảm và giá lạnh bằng những hành động cụ thể của mỗi con người và trách nhiệm của biết bao con người đang sống trên thế gian này.

(Trích Cần một ngày giải hòa để yêu thương, dẫn theo http://www,tuanvietnam.net, ngày 7/9/2010)

Câu 1. Theo tác giả đoạn trích, phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là gì?

Câu 2. Đoạn trích sử dụng thao tác lập luận nào khi bàn về “bản chất duy nhất của công dân toàn cầu”?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 4. Anh/chị thử đưa ra quan niệm của mình về “công dân toàn cầu”.

II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)

Phân tích nét tính cách hung bạo, dữ dội của con Sông Đà trong đoạn trích Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân (Ngữ Văn 12 tập 1).

Đề 8

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

     Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát.

      Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.

(Trích Tư duy tích cực, Theo Tony Buổi sáng, trên đường băng, NXB Trẻ, 2015)

Câu 1: (0,5 điểm)

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Câu 2: (0,75 điểm)

Từ “cháy” trong câu cuối cùng của ngữ liệu trên cần hiểu như thế nào? Từ “cháy” đó được chuyển nghĩa theo phương thức nào?

Câu 3: (0,75 điểm)

Anh/chị hiểu như thế nào về câu "Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity)"?

Câu 4: (1,0 điểm)

Thông điệp nào từ đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II.PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Hãy tha thứ cho chính mình.

Câu 2: (5,0 điểm)

Trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên núi rừng miền Tây trong đoạn thơ sau:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

(Quang Dũng, Tây Tiến, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)

Đề 9

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

     Học sinh thường quan niệm, đi học thêm sẽ nâng cao, bổ sung được thêm nhiều kiến thức, đồng nghĩa với việc, cơ hội đỗ đạt thi cử càng cao. Nhưng trên thực tế, không phải cứ học thêm là kiến thức của bạn tăng vọt, và cũng không ít người chỉ học trên lớp và tự học mà vẫn đạt kết quả cao trong học tập. Muốn nâng cao kiến thức, ngoài việc chăm chú lắng nghe các bài giảng của thầy cô giáo thì phần quyết định vẫn ở bản thân bạn. Mỗi học sinh cần tự trang bị cho mình tinh thần tự học, ôn luyện đều đặn thì dù không học thêm, kiến thức của bạn cũng chẳng kém ai. Ngược lại, nhiều học sinh mải mê “chạy show” (học chưa xong lớp này đã mài mông đến lớp khác) học thêm, mất quá nhiều thời gian, các buổi học nối tiếp nhau, dồn dập cuối cùng cũng chẳng hiểu, chẳng nhớ được gì!

     Một “sở thích” của nhiều học sinh cuối cấp đó là học tủ và đoán đề với mong muốn phần may mắn thuộc về mình, học ít mà điểm lại cao. Nhưng thật sự là người “trúng tủ” thì ít, mà người bị “tủ đè” lại nhiều không kể xiết. Đặc biệt, đối với những môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan việc học tủ lại càng “sai sách” bởi hình thức thi trắc nghiệm phổ tra rộng và bao quát hơn so với tự luận. Bởi thế, hãy chú trọng tất cả những kiến thức được giới hạn trong thi cử. Chỉ cố gắng, chăm chỉ ôn luyện và có phương pháp học đúng đắn, hợp lý bạn mới dễ dàng “chiến thắng” những kỳ thi.

      Với tâm lý “học trước sẽ quên sau” nhiều học sinh chọn cách đến khi nào gần thi thì ôn luyện luôn một thể cho nhớ. Vậy nên gần trước ngày thi, các bạn học sinh mới nhanh chóng nhồi nhét tất cả những kiến thức cần học. Điều này chẳng những không giúp bạn nhớ lâu mà còn khiến bạn dễ bị “loạn” và phá vỡ mạch liên kết của khối kiến thức cũ. Nhiều kiến thức học dồn dập một lúc sẽ khiến bạn bị quá tải. Điều này không hề giúp bạn nâng cao điểm số, ngược lại làm tinh thần bạn mệt mỏi. Chinh vì thế, hãy lên kế hoạch học tập cụ thể, để việc ôn tập diễn ra từng bước một, học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đó. Hãy học có chiến lược, ôn tập có kế hoạch, chuẩn bị tới từng thứ một… kì thi phía trước sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

(Học sinh cuối cấp thường mắc phải những sai lầm này – Kenh14.vn, ngày 11/4/2017)

Câu 1. (0,5 điểm) Nêu các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn bản trên.

Câu 2. (0,75 điểm) Người viết đã chỉ ra những sai lầm gì mà học sinh thường mắc phải trong học tập?

Câu 3. (0,75 điểm) Theo tác giả, học sinh cần làm gì để có kết quả tốt trong thi cử?

Câu 4. (1,0 điểm) Theo anh/chị, vì sao cần phải lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho kì thi phía trước?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

     Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: “Không phải cứ học thêm là kiến thức của bạn tăng vọt”.

Câu 2. (5,0 điểm)

     Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ đúng giờ ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.

      Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh xuất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.

(Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

      Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng.

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Đề 10

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Mẹ đưa con đi thi

Cơm nắm

Khẩu trang

Mũ trùm đầu kín mít

Đường quá đông, còi xe vang như thét

Khó đi hơn cả đường cày

Con ơi, còn “phen” này

Thoát khỏi ách đồng lầm ruộng ngấu

Thoát khỏi cảnh gặt lúa đêm tránh nắng

Cầm tay mẹ nào, làm bài cố nhé con!

 

Cha đưa con đi thi

Áo nhàu

Da sạm

Lưng giắt thêm cái điếu cày

Con ơi, cả nhà chỉ trông vào mày

Đừng lo lắng, lúa ngoài đồng đã bán

Đủ tiền tàu xe, đủ cơm ngày ba bữa

Còn “đận” này, làm bài cố nhé con!

 

Nắng nóng héo hon

Mặt đường bê tông bóng rát

Vạ vật bên đường chờ làn gió mát

Chờ con tan thi, phấp phỏng nụ cười

 

Con làm bài

Mệt nhoài

Khó nhọc

Cos với sin quay cuồng trong lồng ngực

Áp lực đổi đời oằn trĩu những giọng văn…

 

Thương biết bao giọt nước mắt những người cha

Và xót xa giọt mồ hôi những mẹ quê lam lũ

Tìm ra lối đi nào cho cuộc đời thôi vần vũ

Hay cứ phải cược “số phận” mình… trong những cuộc thi?

(Thơ Đỗ Nhật Nam, Dẫn theo Báo Dân Việt, thứ 6, ngày 03/07/2015)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ.

Câu 2. Nỗi vất vả, khó nhọc của mẹ, của cha, của con được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 3. Theo anh/chị, mong muốn của cha, của mẹ, của con trong kì thi là gì?

Câu 4. Anh/chị nhận ra thông điệp gì cho bản thân qua câu hỏi mà tác giả đặt ra ở cuối bài thơ. (Trình bày từ 5 đến 7 dòng):

Tìm ra lối đi nào cho cuộc đời thôi vần vũ

Hay cứ phải cược “số phận” mình… trong những cuộc thi?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ khát vọng của người con trong bài thơ thuộc phần đọc hiểu đã nêu trên, là học sinh anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề: Hãy sống có khát vọng.

Câu 2. (5,0 điểm):

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

(Trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một, tr118)

Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên để làm rõ cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Đề 11

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

      Tỷ phú Hồng Kông Yu Pang-Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Ông giải thích hành động của mình: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. Yu Pang-Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới “keo kiệt” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Người giàu nhất thế giới Bill Gate từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: “Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?

[…] Có người nói rằng, có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.

(Theo Nhật Huy, Không để lại tiền cho con, Dẫn theo http://tuoitre.vn, ngày 10/5/2015)

Câu 1. Chỉ ra các phương thức biểu đạt của đoạn trích.

Câu 2. Vì sao những người cha tỉ phú như Ya Pang-Lin, Bill Gate… không muốn để lại nhiều của cải cho con cái?

Câu 3. Anh/chị hiểu “ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình” và “năng lực để tự chịu trách nhiệm” nghĩa là gì?

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: Đã là con người thì phải lao động? Vì sao?

II.LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2, 0 điểm)

     Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò, ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

     Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp hào hoa của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (SGK Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)?

Đề 12

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

     Trong lớp học vẽ, hai mươi sinh viên cùng vẽ một người mẫu, kết quả được hai mươi bức họa khác nhau, vừa có phần giống người mẫu, vừa giống người vẽ. Cho họ vẽ một lần nữa, lại được những bức họa khác. Điều đó chứng tỏ không ai suy nghĩ giống ai và không ai có thể lặp lại y như trước. Trong hàng trăm, hoặc hàng ngàn họa sĩ, có thể xuất hiện một người mà chúng ta công nhận là danh họa. Anh ta vừa là một cá nhân duy nhất, vừa có thể tạo ra những tác phẩm mang tính phổ quát, quyến rũ lòng người. Rồi một ngày nào đó, danh họa đó cũng trở nên cũ kỹ. Một họa sĩ mới và một phong cách mới ra đời. Việc đời đại loại cũng như vậy, như dòng sông chảy mãi không ngừng.

(Trích Nghệ thuật ngày thường, Phan Cẩm Thường, NXB Phụ nữ, 2008, tr.431)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả Phan Cẩm Thượng, họa sĩ được công nhận là danh họa có đặc điểm như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Xác định câu văn có sử dụng biện pháp tu từ so sánh và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn trích trên. (1,0 điểm)

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

    Từ nội dung đoạn trích trong phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc sáng tạo cái mới trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích sau:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

 

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.155)

Đề 13

I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

CÂU CHUYỆN VỀ HAI HẠT LÚA

     Có hai hạt lúa nọ được giữa lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân hình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

     Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì nên nó chết dần chết mòn. Trong khi đó hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…

      Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự lựa chọn của hạt giống thứ hai”.

(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Trẻ, 2004)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Dựa vào văn bản, hãy cho biết vì sao hạt lúa thứ hai “mong được ông chủ mang gieo xuống đất”? (0,5 điểm)

Câu 3. Hình ảnh hai hạt lúa có ý nghĩa tượng trưng cho những kiểu người nào trong cuộc sống? (1,0 điểm)

Câu 4. Thông điệp sâu sắc nhất mà anh/chị rút ra từ văn bản là gì? (1,0 điểm)

II.LÀM VĂN

Câu 1. (2,0 điểm)

     Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: “Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ”.

Câu 2. (5,0 điểm)

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

Anh/Chị hãy phân tích đoạn thơ trên để làm rõ cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Đề 14

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc các đoạn trích và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

1. Một anh chàng có tên là Bryan Anderson đang lái xe trên đường cao tốc thì gặp một bà cụ già đang đứng cạnh chiếc xe hơi Mercedes mới cứng bị xịt lốp với dáng vẻ lo lắng.

Anderson liền dừng xe và đi bộ lại chỗ bà cụ. Thấy một anh đầu tóc bù xù, quần áo nhếch nhác, vẻ mặt hơi dữ, râu ria không cạo, cụ già hơi sợ. Biết ý, Anderson hỏi từ xa, cụ có cần giúp không, cháu tên là Bryan Anderson. Cụ đành gật đầu vì đã đợi cả tiếng trên cao tốc dưới nắng gắt mà không ai dừng lại giúp.

Chỉ trong mươi phút, chàng trai đã thay xong cái lốp bị hỏng dù quần áo bị bắn lem luốc thêm, tay anh bị kẹt sưng tấy.

Khi xong việc, cụ bà hỏi, anh lấy bao nhiêu, nhưng Anderson cười và nói “Cụ chẳng nợ gì cả. Nếu muốn trả tiền công, lần sau thấy ai cần sự trợ giúp thì cụ hãy giơ bàn tay thân ái. Và lúc đó cụ nghĩ đến chấu, thế là vui lắm rồi.”

(Con người và sự tử tế, Hiệu Minh, Báo Vietnamnet, 29/03/2016)

2. Giờ đã là 1 giờ sáng nhưng cô sinh viên y khoa Chu Thương Minh Trang, 22 tuổi, vẫn đang ngồi ngoài vỉa hè lạnh giá để khám bệnh miễn phí cho ông Nguyễn, một người đàn ông vô gia cư 70 tuổi. Con đường này là nơi nương náu duy nhất của ông khi đêm xuống.

Ông mặc ba lớp áo để chống lại cái lạnh. Ông kêu đau tay và lưng do công việc sửa xe đạp. Không do dự, Trang nhẹ nhàng đưa tay xoa các ngón tay cho ông. Sau khi hỏi han xong, cô đã trao cho ông ba miếng dán Salonpas. Ông Nguyễn đã rất xúc động cảm ơn cô.

Ông nói: “Tôi sống rất vất vả. Tôi rất cảm kích khi những tình nguyện viên trẻ này đến thăm. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ tôi không cảm thấy buồn nữa bởi vì tôi biết có những người tốt xung quanh giúp đỡ mình”.

( Chuyện người tử tế Việt Nam lên báo nước ngoài, Phạm Khánh lược dịch, Infonet, 22/03/2017)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong hai đoạn trích trên.

Câu 2. Việc làm của anh Bryan Anderson và cô sinh viên y khoa Chu Thương Minh Trang trong hai đoạn trích trên có thể gọi tên là gì? Anh/chị có đồng tình với những việc làm đó không, vì sao?

Câu 3. Câu nói của anh Bryan Anderson và lời chia sẻ của ông Nguyễn trong hai đoạn trích trên gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì?

Anh Bryan Anderson: “Cụ chẳng nợ gì cả. Nếu muốn trả tiền công, lần sau thấy ai cần sự trợ giúp thì cụ hãy giơ bàn tay thân ái. Và lúc đó cụ nghĩ đến cháu, thế là vui lắm rồi.”

Ông Nguyễn: “Tôi sống rất vất vả. Tôi rất cảm kích khi những tình nguyện viên trẻ này đến thăm. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ tôi không cảm thấy buồn nữa bởi vì tôi biết có những người tốt xung quanh giúp đỡ mình”.

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) 

Từ hai đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về: Sự lan tỏa của việc làm tử tế trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2. (5,0 điểm) 

Trong con mắt của Nguyễn Tuân, con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta.

Phân tích nhân vật người lái đò trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân để làm sáng tỏ nhận xét trên. Từ đó, hãy nêu một vài suy nghĩ của anh/chị về những phẩm chất cần có của mỗi người trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Đề 15

I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

     Trước khi các em nghĩ đến chuyện bay cao bay xa, hãy tập làm bất cứ thứ gì, có thể cả những thứ chẳng có ý nghĩa gì chứ không phải chỉ là điều các em thích hay cho là quan trọng. Đừng bực bội vì những việc mà các em đã không tin tưởng, vì như thế các em sẽ cảm thấy nhàm chán chính bản thân mình, cũng đừng đem bản thân so sánh một cách lệch lạc với những người như Baltimore Orioles (tên đội bóng chày chuyên nghiệp của Mỹ). Hãy giết chết cảm giác tự mãn và dễ dàng thỏa hiệp, cảm giác mọi thứ dường như đều có lý hay cảm giác tự bằng lòng trong trạng thái tinh thần u mê. Hãy làm cho bản thân xứng đáng với những gì mà các em đang cố gắng. Và hãy đọc, đọc mọi lúc, đọc như một nguyên tắc của bản thân và như một cách để tôn trọng chính mình. Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời. Hãy phát triển và bảo vệ một giá trị đạo đức bằng cách đưa ra các lập luận để chấp nhận nó. Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại. Hãy làm việc cật lực. Hãy nghĩ cho bản thân mình. Hãy yêu tất cả tấm lòng của mình. Và hãy làm tất cả những điều đó, như thể các em đang bị thúc giục, mỗi giây mỗi phút, từng chút một. Hãy tin bữa tiệc nào rồi cũng tàn nhưng các em đừng bao giờ tham gia vào một cuộc vui khi đã đến lúc tàn, cho dù buổi chiều hôm nay có rực rỡ đến thế nào.

(Trích Bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Welldesley – David MeCullough, theo http://www.ehapu.edu.vn, ngày 5/6/2012)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn.

Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn văn.

Câu 3. Tác giả quan niệm như thế nào về việc đọc?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Hãy nghĩ cho bản thân mình” không? Vì sao?

II.LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

     Từ nội dung chính đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tính tự mãn của học sinh ngày nay.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trình bày cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

     Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2016 tr.111)

Đề 16

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Mới đây, các giáo sư tâm lý học ở trường Đại học York và Toronto (Canada) đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn.

    Những nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.

    Sau khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ em được đọc nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện hơn, thậm chí trở thành đứa trẻ được yêu mến nhiều nhất trong nhóm bạn.

     Đọc một “nội dung sâu sắc” khác với cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua các trang mạng. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.

     Theo các nhà tâm lý học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.

(Trích Đọc sách văn học giúp chúng ta thông minh hơn,

Theo http://dantri.com.vn ngày 12/8/2016)

Câu 1. Xác định câu nêu ý khái quát của đoạn trích.

Câu 2. Anh (chị) hiểu ý kiến sau như thế nào: Theo các nhà tâm lý học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá.

Câu 3. Dựa vào đoạn trích để giải thích vì sao có thể nói: Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.

Câu 4. Từ đoạn trích, anh (chị) hãy rút ra bài học cho bản thân.  

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến được nêu trong đoạn trích (phần I): Hiện tại việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau, trích trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:

- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

 

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng bên dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

(Việt Bắc - Tố Hữu)

Đề 17

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Có lần cậu con bé nhỏ hỏi rằng: “Tại sao mọi người phải dừng trước đèn đỏ?”. Tôi vội vàng trả lời nó: “Để đảm bảo an toàn giao thông và công bằng…”. Câu trước thì trẻ con bây giờ hiểu vì ở trường chúng được học an toàn giao thông chứ câu sau thì nó vặn vẹo: Công bằng là gì hả mẹ? Là tất cả bằng nhau. Tôi nghĩ với trẻ con chỉ nên giải thích như thế là đủ. Nhưng nó hỏi lại: “Thế sao mẹ không công bằng với con và anh?”. “Gì cơ? Mẹ không công bằng lúc nào?”. Hôm qua mẹ bảo rằng: Anh lớn thì được phần nhiều, con bé thì được phần ít hơn. Trời ơi, đúng quá đi chứ, bé như con thì ăn nhiều làm sao tiêu hóa được hết […]

     Từ hôm đó, mỗi lần dừng trước đèn đỏ, nó thường lẩm bẩm đếm 18, 17, 16 … 2, 1, 0, rồi bất ngờ nó bảo: Chỉ có đèn xanh – đèn đỏ là công bằng thôi. Ừ trẻ con nghĩ thế cũng được, nó còn nhỏ nên chẳng ai chấp, vả lại thế giới của trẻ thơ luôn nhìn mọi thứ trực diện và tưởng tượng những điều lý thú. Nó chưa biết rằng, cái đèn xanh đèn đỏ ấy không chỉ thực hiện nghĩa vụ là minh chứng cho một điều công bằng mà nó còn là nơi để người ta thử sức kiên nhẫn của con người. Chỉ vài giây thôi, có người chả chịu nổi phải cố nhoi lên, vượt đèn đỏ để sớm đi đến đích của mình nhanh hơn vài giây (đó là theo đúng nguyên lý một chiều là đi nhanh về nhanh còn thực tế thì chưa chắc). Nhưng trong cái giây “vượt biên”, con người ấy phải nhìn trước nhìn sau xem có cảnh sát giao thông, xem có ai lao vào mình không? Mọi thần kinh đều căng ra trong giây phút ấy. Khi họ vượt được rồi thì tự coi là đã thắng. Nhưng phía sau họ là những con người phải đứng chờ đợi đèn xanh thì lại nghĩ: “Đúng là hiếu thắng”. Trong cuộc sống, có biết bao người cố tình vượt đèn đỏ để đến cái đích của mình bằng mọi sự liều? Cái đích ấy là danh vọng, tiền tài, thắng thua với người bên cạnh mình… Cứ nghĩ mà xem, ai chả sốt ruột dừng trước đèn đỏ nhìn dòng người hả hê được đi ngang trước mặt… Đâu có sao, các cụ chả bảo “Sông có khúc, người có lúc”. Hiếu thắng làm con người không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi vài giây “đèn đỏ” cho bản thân mình nữa. Có lẽ trong mỗi người luôn tiềm ẩn những chiếc đèn xanh – vàng – đỏ mà người ta phải tự biết bật nó đúng lúc…

(Trích Đèn xanh – đèn đỏ, Thu Hà, Góc xanh khoảng trời, tr.113 – 114, NXB Văn học, 2013)

Câu 1. Câu chuyện trong đoạn trích trên được kể bằng lời của ai? (người mẹ, đứa trẻ hay một người khác?)

Câu 2. Đứa trẻ trong câu chuyện đánh giá như thế nào về đèn xanh – đèn đỏ?

Câu 3. Từ hình tượng đèn xanh – đèn đỏ, người mẹ trong đoạn trích liên tưởng đến những vấn đề gì?

Câu 4. Anh chị có đồng tình với suy nghĩ sau của người mẹ trong đoạn trích? Vì sao?

Hiếu thắng làm con người không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi vài giây “đèn đỏ” cho bản thân mình nữa.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

    Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của văn hóa giao thông trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn?

 

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, tr.108, NXB Giáo dục, 2008)

Đề 18

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Tuổi trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ tuổi, mà còn có nghĩa là năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời. Ở cái tuổi ấy, trong ba thứ: sức khỏe, thời gian và tiền bạc, chúng ta chỉ thiếu tiền thôi, còn thời gian và sức khỏe thì luôn đong đầy. Năm tháng qua đi khi về già ta sẽ nhận thấy tiền bạc hóa ra là thứ ít quan trọng nhất trong ba thứ trên. Nghĩa là tuổi trẻ là giai đoạn quý giá nhất đời người vì sở hữu trọn vẹn hai món quà lớn nhất của cuộc sống là sức khỏe và thời gian. Ta vốn được nghe nhiều người nói đến điều này rồi, nhưng hỡi ôi, sao chúng ta vẫn đang để cho tuổi trẻ của mình trôi qua một cách hời hợt và vô nghĩa đến thế? Với trí óc hạn hẹp được định hướng, phần lớn tuổi trẻ hiện tại cho rằng tiền bạc là hơn hết, là thứ quan trọng nhất, cần thiết nhất, là đáng lưu tâm nhất. Và rồi ta vô tình lãng quên hai món quà quý giá nhất đời kia. Hãy tận dụng tốt nhất hai món quà lớn đó mà cuộc sống dành riêng cho tuổi trẻ. Hãy dùng nó để nhào vào đời, để quyện vào cuộc sống, để trải nghiệm mọi thứ khi còn có thể. Trải nghiệm, đó chính là điều quan trọng nhất.

     Cuộc sống, thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn, mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình. Ai rồi cũng đến lúc phải giã từ cuộc sống, nhưng người may mắn hơn, là người sống được nhiều hơn những người khác. “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất, sống nhiều hơn người khác.” (Jean Jacques Rousseau).

     Trải nghiệm sẽ là thầy dạy tốt nhất cho bạn trong cuộc đời mà không bất cứ người thầy nào khác có thể dạy tốt hơn. Kinh nghiệm từ đâu ra nếu không từ trải nghiệm? Người ta thực sự chỉ học được từ chính trải nghiệm bản thân mình!

(Theo facebook.com/… không có trải nghiệm tuổi trẻ không đáng một xu, 7/01/2015)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2. Chỉ ra và cho biết tên phép tu từ trong cụm từ: “Tuổi trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ tuổi”. Nêu tác dụng của phép tu từ đó? (1,0 điểm)

Câu 3. Theo tác giả, món quà nào là quý giá nhất mà cuộc sống ban tặng cho con người? Và điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người là gì? (0,5 điểm)

Câu 4. Anh/chị hiểu thế nào là trải nghiệm? Anh/chị hãy cho một ví dụ về trải nghiệm của bản thân. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

      Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về nhận định của Jean Jacques Rousseau: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất, sống nhiều hơn người khác.”

Câu 2. (5,0 điểm)

     Tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân hiện lên vẻ đẹp đa dạng của sông Đà và vẻ đẹp hình tượng người lái đò. Vẻ đẹp nào gây ấn tượng hơn với anh/chị? Hãy trình bày cảm nhận của mình về vẻ đẹp đó.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí