Văn bản Tính đa nghĩa trong bài thơ "Bánh trôi nước" (Vũ Dương Qúy)


Trong nhiều nhà thơ nữ của văn học trung đại Việt Nam, Hồ Xuân Hương được coi là nhà thơ tài hoa và độc đáo nhất

TÍNH ĐA NGHĨA TRONG BÀI THƠ "BÁNH TRÔI NƯỚC" (VŨ DƯƠNG QÚY)

Trong nhiều nhà thơ nữ của văn học trung đại Việt Nam, Hồ Xuân Hương được coi là nhà thơ tài hoa và độc đáo nhất. Tuy cuộc đời gặp nhiều éo le ngang trái, nhưng những tác phẩm thơ ca của bà vẫn thấm đẫm tình thương con người, ngời sáng niềm tin yêu và trân trọng đối với con người, trước hết là đối với người phụ nữ. [...] Một trong những bài thơ Nôm đặc sắc của Hồ Xuân Hương là Bánh trôi nước. Đây là một tác phẩm đa nghĩa, vừa đậm tính dân tộc, vừa tập trung nét đặc sắc của hồn thơ Xuân Hương. Lời một chiếc bánh trôi nói hộ nỗi niềm, tâm sự biết bao con người.

Bài thơ đặc sắc ở tính đa nghĩa, giàu cảm xúc.

Nghĩa thứ nhất, còn gọi là nghĩa thực, nghĩa nổi: Qua lời tâm sự của bánh trôi, người đọc thấy hiển hiện hình ảnh và quá trình sinh thành của chiếc bánh. Bánh trôi mang màu trắng của bột nếp, có hình tròn xinh xẻo. Nếu người làm bánh nhào bột nhiều nước quá thì bánh “nát” (nhão), ít nước quá thì “rắn” (cúng). Khi cho vào nước nguội, bánh chìm, lúc nước sôi, chín tới, sẽ nổi lên. Dù bánh rắn, hay nát, tròn hay méo thế nào, cái nhân đường bên trong vẫn ngọt ngào tươi đỏ. Chiếc bánh vẫn đem lại cho người niềm vui, miếng ngon trong ngày lễ, ngày hội,... Hồ Xuân Hương quả là một người biết miêu tả sự vật. Qua ngôn ngữ thơ của bà, hình ảnh chiếc bánh trôi hiện ra thật đáng yêu. Chiếc bánh đáng yêu vì bản thân nó đẹp xinh, ngon ngọt mà còn đáng yêu hơn nữa ở điệu nói của bánh trôi: “Thân em...”, “Mà em...” sao duyên dáng, khiêm nhường và tình cảm đến thế. Chiếc bánh trôi có linh hồn, hay chính Hồ Xuân Hương đã thổi hồn vào hình ảnh, ngôn ngữ của thơ? Do đó, người đọc hiểu ngay rằng ẩn sau lời chiếc bánh trôi là lời tâm sự, những nỗi niềm da diết của biết bao người.

Nghĩa thứ hai của bài thơ rõ ràng là nói về nhan sắc, thân phận và phẩm chất của con người. Những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa tự bạch:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Hai câu thơ đầu vừa tả nhan sắc, vừa kể về thân phận con người. Nhân vật dùng đại từ “em” để xưng hô: “Thân em”, gần gũi với cách nói của biết bao bài ca dao dân ca quen thuộc, nghe vừa dịu dàng, khiêm tốn vừa có chút tội nghiệp, đáng thương. Tiếp sau, cô gái (hay người phụ nữ) tự giới thiệu mình: “vừa trắng lại vừa tròn”. Nghệ thuật dùng từ thật khéo. Nghĩa tả thực đúng là vẻ đẹp của chiếc bánh trôi. Nhưng nghĩa ẩn dụ thì đây chính là nhan sắc, phẩm hạnh của người phụ nữ. Với từ “tròn”, ý nghĩa của câu thơ trở nên lấp lánh, tỏ mờ khiến người đọc không thể suy nghĩ vội vàng.

[...]

Đọc thơ, nhất là thơ trữ tình, biểu cảm, ta không chỉ dừng lại ở nghĩa tả thực mà phải tưởng tượng, suy ngẫm rộng và sâu để hiểu hết, hiểu đúng ý nghĩa của ẩn dụ, hiểu đúng tinh thần ngôn ngữ và cảm xúc của tác giả. Giới thiệu về người phụ nữ ở câu thứ nhất, Hồ Xuân Hương không chỉ ca ngợi nhan sắc, vẻ đẹp bên ngoài, mà còn trân trọng cả tâm hồn, đức hạnh bên trong, cách nói năng ứng xử khiêm nhường duyên dáng của chị em. Đến câu thứ hai, giọng thơ có chút chùng xuống để kể về thân dân gian ta có câu: “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” dùng để tóm tắt cuộc đời con người, nhất là người phụ nữ trong xã hội xưa. Hồ Xuân Hương đã sử dụng câu thành ngữ một cách sáng tạo trong thơ của mình, nêu rõ cuộc đời long đong, vất vả của con người. Cụm từ “với nước non” nhấn mạnh thêm cuộc đời long đong, chìm nổi, vất vả ấy. Từ “với” đi liền cùng hình ảnh “nước non” cho ta hiểu số phận, cuộc đời người phụ nữ bấp bênh, chìm nổi, xuống ghềnh, lên thác vì chồng, vì con.

[…]

Đến hai câu thơ cuối, thân phận của người phụ nữ càng được nhấn mạnh, phẩm hạnh của họ càng được đề cao hơn:

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Nếu câu thứ hai, nhà thơ cùng chị em than thở về số phận chìm nổi, long đong thì đến câu ba, bổ sung một cấp độ tệ hại hơn nữa của số phận là: sự phụ thuộc. Câu thơ “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” đã hình tượng hoá cuộc đời không được làm chủ, không được tự quyết định tương lai hạnh phúc của người phụ nữ xưa ... Hai từ “rắn”, “nát” ...” đọc lên nghe thật tội nghiệp, thân phận con người ngỡ như một vật dụng nhỏ nhoi, tầm thường nhất. Nhưng bản lĩnh của con người, nhất là phụ nữ Việt Nam, trong đó có nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì luôn vượt trên cảnh ngộ. Do đó, hai câu cuối có cấu trúc liền mạch kết nối với nhau bằng cặp từ ngữ “mặc dầu ... mà”, tạo nên hai nghĩa đối lập rất ấn tượng. Ta có thể diễn xuôi cặp câu đó thế này được chăng: Mặc dầu cuộc đời em rắn nát, phụ thuộc tay kẻ nặn, mà em vẫn giữ tấm lòng son sắt, thuỷ chung.

Rõ ràng, những người phụ nữ Việt Nam đã vượt lên trên, đã thách thức và chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận, để giữ phẩm chất, đạo đức, tấm lòng nhân hậu, tròn đầy, chung thuỷ với cuộc đời, với con người. Hình ảnh “tấm lòng son” ở cuối bài thơ ánh lên vẻ đẹp của bản lĩnh làm người, thắm đỏ tình người.

Chỉ bốn câu thơ, hai mươi tám chữ, ngôn ngữ bình dị, chủ yếu là thuần Việt, bài thơ Bánh trôi nước đã cho thấy vẻ xinh đẹp, phẩm chất trong trắng son sắt, cùng thân phận chìm nổi của người phụ nữ Việt Nam xưa một cách sâu sắc. Với bài thơ này, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã hai lần hoá thân, vừa làm chiếc bánh trôi, vừa nhân danh người phụ nữ để tâm sự với bạn đọc, truyền tới bạn đọc bao nhiêu tình cảm trong sáng, nhân đạo, nhân văn ngọt ngào, thắm thiết. Lời một chiếc bánh nói hộ biết bao con người Bài Bánh trôi nước là áng văn chương đa nghĩa thật đáng nhớ, đáng trọng.


Bình chọn:
3.8 trên 4 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí