Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4


Câu chuyện “Bét-tô-ven và bản Xô-nát Ánh trăng” là một câu chuyện cảm động về tình người và khả năng sáng tạo kỳ diệu của người nghệ sĩ. Chuyện kể rằng, trong một đêm trăng sáng, nhà soạn nhạc thiên tài Bét-tô-ven đang dạo bước trên cây cầu bắc qua dòng sông Đa-nuýp.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện theo cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.

- Câu chuyện đó có tên là gì? Em đã đọc được (hoặc nghe kể) ở đâu?

-  Câu chuyện đó có nội dung như thế nào?

2. Thân bài: Kể lại nội dung câu chuyện đó theo trình tự thời gian.

- Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh:

+ Nhân vật chính là ai?

+ Câu chuyện xảy ra trong hoàn cảnh nào?

- Kể lại các sự việc chính trong câu chuyện:

+ Sự việc diễn ra khi nào? Ở đâu?

+ Chuyện gì xảy ra với nhân vật?

+ Ngoại hình nhân vật ra sao? Nhân vật có cảm xúc gì?

+ Nhân vật có những hành động gì?

- Tình cảm, cảm xúc của em đối với sự việc được kể (bất ngờ, hồi hộp, thích thú, xúc động...)

- Ý nghĩa của câu chuyện

3. Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,… và những liên tưởng, suy luận của em về câu chuyện hoặc chỉ nêu suy nghĩ, cảm xúc của em về câu chuyện.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1

Câu chuyện “Bét-tô-ven và bản Xô-nát Ánh trăng” là một câu chuyện cảm động về tình người và khả năng sáng tạo kỳ diệu của người nghệ sĩ.

Chuyện kể rằng, trong một đêm trăng sáng, nhà soạn nhạc thiên tài Bét-tô-ven đang dạo bước trên cây cầu bắc qua dòng sông Đa-nuýp. Ông nghe thấy tiếng đàn dương cầm vang lên từ một ngôi nhà nhỏ trong khu lao động. Tò mò, ông tìm đến nơi và thấy một cô bé mù đang chơi đàn cho cha mình nghe. Người cha kể lại rằng con gái ông bị mù từ nhỏ và luôn ao ước được nhìn thấy cảnh đêm trăng trên sông Đa-nuýp – một điều tưởng chừng không thể. Xúc động trước hoàn cảnh của hai cha con, Bét-tô-ven đã ngẫu hứng chơi đàn, để những nốt nhạc hóa thành ánh trăng, thành sóng nước, giúp cô bé “nhìn” thấy dòng sông qua âm thanh. Từ đó, bản xô-nát Ánh trăng ra đời – một kiệt tác âm nhạc bất hủ.

Câu chuyện khiến em rất xúc động trước tình cảm nhân hậu và tài năng sáng tạo của Bét-tô-ven. Em hiểu rằng nghệ thuật chân chính luôn bắt nguồn từ trái tim, từ sự đồng cảm và rung động trước cuộc sống. Những điều bình dị nhất cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm vĩ đại.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2

Trong một lần đọc sách ở thư viện, em đã đọc được một câu chuyện rất thú vị về trí thông minh tuyệt vời của Lương Thế Vinh - một thần đồng toán học nổi tiếng của nước ta.

Chuyện kể rằng năm đó, khi đoàn sứ thần của Trung Hoa sang nước ta, đã đem theo một câu đố thật khó để thử tài ông Trạng Lương Thế Vinh. Sứ thần đã yêu cầu Lương Thế Vinh tính ra cân nặng của một con voi rất lớn. Kích thước đồ sộ của con voi khiến chẳng một chiếc cân nào cân nổi nó cả. Đã vậy, sứ thần còn yêu cầu không được làm bị thương con voi nữa chứ. Tuy câu hỏi hóc búa là vậy, nhưng sau một hồi suy nghĩ, Trạng đã tìm ra giải pháp. Ông sai lính lấy một chiếc thuyền lớn, rồi dắt voi lên thuyền. Sau đó đánh dấu mực nước trên mạn thuyền, rồi dần dần dần chất đá lên thuyền, cho đến khi mực nước trùng với vạch đánh giấu lúc nãy. Cuối cùng, ông cho lính cân số đá trên thuyền, cân nặng của số đá đó chính là cân nặng của con voi. Khi nhận kết quả, sứ thần Trung Hoa vừa bất ngờ vừa tức tối. Sự thông minh của Lương Thế Vinh khiến sứ thần rất dè chừng, nên vọi xin về nước ngay sau đó.

Từ câu chuyện, em rất khâm phục và tự hào về trí tuệ của ông Trạng Lương Thế Vinh. Sự linh động và nhạy bén trong tư duy của ông đã khiến sứ thần nước bạn phải ngỡ ngàng.

Bài tham khảo Bài mẫu 1

Từ ngàn đời nay, nước Việt ta vẫn nổi tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra nhiều người thông minh, tài giỏi. Câu chuyện “Thử tài” đã thể hiện rõ điều này.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có một cậu bé nổi tiếng thông minh. Nghe danh, nhà vua muốn thử tài cậu nên ra những câu đố vô cùng hóc búa. Lần đầu, vua yêu cầu cậu hãy lấy tro bếp để bện thành một sợi dây thừng. Với sự nhanh trí, cậu bé đã nhờ mẹ chẻ tre thành sợi mỏng rồi bện lại thành dây thừng. Sau đó, cậu đốt cháy sợi dây, khiến nó biến thành tro nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng. Nhà vua vô cùng kinh ngạc và thưởng lớn cho cậu.

Thế nhưng ông vẫn muốn tiếp tục thử tài cậu bé Ông đưa cho cậu bé chiếc sừng trâu cong như mặt trăng rồi bảo: “Ta muốn nắn thẳng chiếc sừng này. Nếu người làm được, ta sẽ thưởng lớn tiếp”. Cậu đem sừng trâu ninh thật mềm. Sau đó cậu lấy đoạn tre thẳng thọc vào sừng trâu rồi phơi khô để nó cứng lại. Đến khi rút đoạn tre ra, chiếc sừng trâu đã trở nên thẳng đuột. Trước sự lanh trí hiếm có của cậu bé, nhà vua hết sức cảm phục, liền đưa cậu vào trường học để học hành và nuôi dạy thành tài.

Đọc xong câu chuyện, em cảm thấy vô cùng khâm phục tài trí và sự sáng tạo của cậu bé. Em nhận ra rằng, chỉ cần kiên trì rèn luyện, ham học hỏi và biết sáng tạo, chắc chắn em cũng có thể vượt qua mọi khó khăn. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để mai sau trở thành người có ích cho xã hội, làm rạng danh quê hương mình.

Bài tham khảo Bài mẫu 2

Từ xa xưa, trí thông minh luôn được con người đề cao. Chính vì vậy, dân gian Việt Nam đã sáng tác rất nhiều câu chuyện thú vị để ngợi ca trí tuệ của con người. Một trong những câu chuyện quen thuộc nhất là truyện “Trí khôn của ta đây”.

Câu chuyện kể về một anh nông dân hiền lành, chăm chỉ và đặc biệt nổi tiếng vì sự thông minh của mình. Tiếng đồn về trí khôn của anh vang xa đến tận rừng sâu, khiến một con hổ to lớn và hung dữ cũng phải tò mò. Vì từ nhỏ đến lớn chưa từng biết trí khôn là gì, con hổ quyết định xuống núi để tìm hiểu. Nó tin rằng nếu cướp được trí khôn từ con người, nó sẽ trở thành loài vật thông minh nhất muôn loài.

Ngay hôm sau, hổ tìm đến anh nông dân đang nghỉ ngơi cạnh chú trâu sau buổi cày vất vả. Ban đầu, anh nông dân rất hoảng sợ, nhưng nhanh chóng trấn tĩnh và nghĩ cách đối phó. Hổ hỏi anh về trí khôn và mong được xem. Anh nông dân liền giả vờ nói rằng trí khôn của mình để ở nhà, không mang theo người. Thấy vẻ mặt sốt sắng của hổ, anh nông dân liền giả vờ quan tâm, nói rằng sẽ về nhà lấy cho hổ xem. Nghe thế, hổ mừng ra mặt, vội bảo anh nông dân về ngay đi, mình sẽ ở đây chờ. Lúc này, anh lại vờ do dự, nói rằng sợ hổ ăn mất trâu nên đề nghị trói hổ lại để đảm bảo an toàn. Quá mong muốn được xem trí khôn, hổ đồng ý.

Anh nông dân nhanh chóng trói hổ thật chặt vào gốc cây lớn. Khi chắc chắn hổ không thể cử động, anh liền hắt dầu vào người hổ rồi châm lửa đốt. Trong tiếng kêu gào đau đớn của hổ, anh bật cười lớn và nói: “Trí khôn của ta đây!”. Lúc này, hổ mới hiểu ra rằng mình đã bị lừa một cách ngoạn mục bởi trí khôn của con người. Nó gầm lên đau đớn, vùng khỏi sợi dây đã cháy sém, bỏ chạy vào rừng. Những vết cháy từ dây thừng để lại những vằn đen trên da hổ, từ đó con hổ nào ra đời cũng mang những vệt vằn ấy như để nhắc nhở chúng về bài học ngày hôm đó.

Câu chuyện “Trí khôn của ta đây” không chỉ ngợi ca trí thông minh, mưu trí và sự nhanh nhạy của con người, mà còn thể hiện khát vọng của người xưa trong việc chế ngự thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Dưới hình thức kể chuyện hài hước với những tình tiết bất ngờ và kết thúc thú vị, câu chuyện đã khiến em vô cùng thích thú ngay từ lần đọc đầu tiên.

Bài tham khảo Bài mẫu 3

Sáng tạo là khả năng đặc biệt của con người. Câu chuyện tri Nhà phát minh 6 tuổi khiến em nhận ra rằng khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người có thể tạo nên nhiều điều thật tuyệt diệu.

Những câu chuyện kể về trí thông minh và sự sáng tạo của con người luôn là câu chuyện mà em yêu thích. Gần đây nhất, em đã tìm đọc được một câu chuyện rất hay về đề tài này, đó chính là câu chuyện Nhà phát minh 6 tuổi.

Câu chuyện có nhân vật chính là cô bé Ma-ri-a. Cô bé sinh ra và lớn lên trong một gia đình có sáu đời đều có người là giáo sư đại học. Từ nhỏ, Ma-ri-a đã rất thích quan sát mọi vật xung quanh mình. Năm sáu tuổi, khi nhìn thấy gia nhân bưng một tác trà cô đã chăm chú nhìn theo. Vì thế mà cô phát hiện rằng, lúc đầu tác đựng trà có vẻ rất trơn trượt nên làm đổ ra ngoài một ít nước trà. Nhưng khi đã có nước trà trong đĩa, thì tách đựng trà lại bỗng đứng yên không chuyển động. Điều này làm cô gái nhỏ vô cùng tò mò. Vì vậy, cô đã tranh thủ khi ngời lớn không để ý đến, bí mật chạy vào bếp để tự mình kiểm tra.

Cô bé đã tìm một bộ đồ trà để bắt chước lại hành động của người gia nhân lúc nãy mình quan sát được. Cô làm đi làm lại nhiều lần để quan sát thật kĩ sự thay đổi của tách trà. Cuối cùng, cô bé cũng nhận ra rằng: chính nước trà ở giữa tách trà và dĩa đã khiến cho tách trà đứng yên. Khi cô hào hứng chia sẻ phát hiện này của mình với cha của mình, ông đã vô cùng vui sướng. Hào hứng khoe với mọi người rằng Ma-ri-a sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc. Quả nhiên, ông đã không hề nói sai. Sau này, cô gái bé nhỏ ấy đã trở thành giáo sư của nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Thậm chí, còn dành được giải thưởng Nô-ben Vật lí danh giá vào năm 1963.

Câu chuyện Nhà phát minh 6 tuổi đã giúp em được biết về một phát hiện thú vị tưởng chừng như rất hiển nhiên trong cuộc sống. Từ đó, em hiểu ra rằng, những điều xung quanh chúng ta có rất nhiều điều thú vị và bổ ích. Chúng sẽ là chìa khóa giúp ta khám phá ra những phát minh tuyệt vời. Chẳng có một ranh giới nào về độ tuổi có thể ngăn cản điều đó cả.

Bài tham khảo Bài mẫu 4

Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện ngợi ca trí khôn của con người, trong đó em đặc biệt ấn tượng với câu chuyện “Em bé thông minh” – một câu chuyện hấp dẫn và đầy ý nghĩa.

Câu chuyện kể về một cậu bé dù còn nhỏ tuổi, chưa từng đi học nhưng lại sở hữu trí tuệ và sự nhanh trí hiếm có. Khi bị thách đố phải trả lời một câu hỏi hóc búa: "Một ngày ngựa đi được bao nhiêu bước?", cậu không hề nao núng mà lập tức đưa ra một câu hỏi ngược lại, khiến viên quan không thể trả lời. Sự thông minh của cậu nhanh chóng được truyền đến tai nhà vua.

Muốn thử tài cậu bé, vua ra lệnh cho cả làng cậu phải làm cho ba con trâu đực sinh ra ba con nghé trong vòng một năm, nếu không sẽ bị phạt nặng. Trước thử thách phi lý ấy, người dân trong làng vô cùng lo lắng, nhưng cậu bé vẫn bình tĩnh. Cậu đề xuất giết hai con trâu để làm tiệc, bán con còn lại lấy tiền làm lộ phí, rồi cùng cha đến gặp nhà vua. Tại kinh thành, cậu bé tiếp tục thể hiện sự lanh trí qua màn kịch khóc đòi vua bắt cha mình sinh em bé để chơi cùng. Cách làm của cậu khiến nhà vua bật cười, thừa nhận tài trí của cậu và miễn tội cho dân làng.

Em rất yêu thích câu chuyện này không chỉ vì những tình huống thú vị, hài hước mà còn bởi vì nó khơi dậy trong em niềm yêu mến việc học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Qua câu chuyện, em hiểu rằng mỗi chúng ta, dù nhỏ tuổi, cũng có thể rèn luyện trí tuệ và bản lĩnh nếu biết quan sát, suy nghĩ và không ngừng học hỏi từ cuộc sống.

Bài tham khảo Bài mẫu 5

Một lần đến thăm một triển lãm nghệ thuật, em đã nghe một câu chuyện thú vị về trí thông minh và khả năng sáng tạo của con người. Nội dung câu chuyện kể về một họa sĩ tài ba tên là Alex.

Alex là một người rất đam mê nghệ thuật và luôn tìm cách để tạo ra những tác phẩm độc đáo và ấn tượng. Một ngày nọ, khi đang đi dạo trong công viên, anh bắt gặp một cành cây khô cằn và không có lá. Thay vì bỏ qua nó như những người khác, Alex đã nhìn thấy vẻ đẹp ẩn chứa trong cành cây đó. Anh quyết định đưa cành cây về nhà và bắt đầu nghiên cứu về nó. Alex đã tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của cây trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Anh cũng học về kỹ thuật và phương pháp để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ vật liệu tự nhiên. Sau nhiều ngày nghiên cứu và thử nghiệm, Alex đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ cành cây khô. Anh đã sử dụng kỹ thuật chạm khắc để tạo ra những hình ảnh tuyệt đẹp trên bề mặt cành cây.

Những hình ảnh này kể về câu chuyện của cây, về sự sống và sự mạnh mẽ trong sự khô cằn. Khi triển lãm nghệ thuật diễn ra, tác phẩm của Alex đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Mọi người thán phục trước sự sáng tạo và khả năng nhìn thấy tiềm năng trong những thứ bình thường như cành cây khô. Tác phẩm của Alex đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác và khẳng định rằng trí thông minh và khả năng sáng tạo của con người không có giới hạn.

Câu chuyện về Alex nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người chúng ta đều có khả năng sáng tạo và trí thông minh riêng. Chỉ cần chúng ta mở lòng và nhìn thấy tiềm năng trong mọi thứ xung quanh, chúng ta có thể tạo ra những điều tuyệt vời và độc đáo.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí