Viết bài văn kể lại câu chuyện dân gian về một người anh hùng chống ngoại xâm lớp 4


Từ nhỏ, em đã được nghe kể nhiều câu chuyện về những vị anh hùng dân tộc, trong đó có Thánh Gióng – người đã lập chiến công lừng lẫy chống giặc ngoại xâm. Truyện kể rằng, thời Hùng Vương thứ sáu, có một đôi vợ chồng già hiếm muộn. Một ngày người vợ ra đồng và thấy một vết chân khổng lồ.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện về một người anh hùng chống ngoại xâm mà em muốn kể.

- Người anh hùng chống ngoại xâm là ai? Em đã đọc được (hoặc nghe kể) ở đâu?

2. Thân bài: Kể lại câu chuyện đó theo trình tự hợp lí.

- Giới thiệu về nhân vật:

+ Tên nhân vật, quê quán, xuất thân trong hoàn cảnh như thế nào?

+ Những phẩm chất, tài năng nổi bật của nhân vật.

- Kể các sự việc chính theo diễn biến của câu chuyện:

+ Hoàn cảnh đất nước:

  • Quân giặc xâm lược nước ta như thế nào?
  • Chúng đã làm gì với nhân dân ta?

+ Diễn biến câu chuyện:

  • Người anh hùng chống ngoại xâm đã làm gì?
  • Kể về các trận đánh quan trọng, chiến thuật tài tình của nhân vật (dùng mai phục, đánh du kích, thủy chiến, hỏa công...).
  • Những khó khăn mà nhân vật gặp phải và cách vượt qua (quân ít, lương thực thiếu, giặc mạnh...).
  • Nhân vật cùng nhân dân giành chiến thắng như thế nào? (Ví dụ: Thánh Gióng đánh tan giặc Ân rồi bay về trời, Lê Lợi thắng giặc Minh và giành lại độc lập...).

- Kết thúc của câu chuyện

3. Kết bài:

- Cảm nghĩ của em về người anh hùng chống ngoại xâm đó và câu chuyện vừa kể.

- Bài học rút ra từ câu chuyện (lòng yêu nước, lòng dũng cảm, sự đoàn kết, tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương).

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1

Từ nhỏ, em đã được nghe kể nhiều câu chuyện về những vị anh hùng dân tộc, trong đó có Thánh Gióng – người đã lập chiến công lừng lẫy chống giặc ngoại xâm.

Truyện kể rằng, thời Hùng Vương thứ sáu, có một đôi vợ chồng già hiếm muộn. Một ngày người vợ ra đồng và thấy một vết chân khổng lồ. Bà tò mò ướm thử chân mình vào vết chân ấy, không ngờ về nhà bà mang thai. Mười hai tháng sau, bà sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú nhưng lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi. Đúng lúc ấy, giặc Ân kéo quân sang xâm lược nước ta. Vua Hùng lo lắng, sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Nghe tiếng rao, Gióng bỗng cất tiếng gọi mẹ mời sứ giả vào, xin nhà vua chuẩn bị ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để ra trận. Từ đó, Gióng lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cũng không đủ. Dân làng cùng chung tay giúp đỡ cậu. Khi vũ khí được mang đến, Gióng hóa thành tráng sĩ, lên đường đánh giặc. Cậu chiến đấu dũng mãnh, khi roi sắt gãy liền nhổ tre làm vũ khí. Dẹp yên giặc, Gióng phi ngựa lên núi Sóc, cởi bỏ áo giáp và bay về trời. Vua phong cậu là Thánh Gióng, nhân dân lập đền thờ ghi nhớ công lao.

Câu chuyện về Thánh Gióng không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm mà còn là niềm tự hào về sức mạnh và ý chí kiên cường của dân tộc ta.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2

Cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên vào thế kỷ XIII là một trong những chiến công hiển hách. Người đã góp công lớn trong chiến thắng ấy chính là vị anh hùng kiệt xuất – Trần Hưng Đạo.

Trần Hưng Đạo, tên thật là Trần Quốc Tuấn, là một tướng tài năng, có trí tuệ sáng suốt và lòng yêu nước sâu sắc. Ông được vua Trần giao nhiệm vụ chỉ huy quân đội chống lại quân Nguyên xâm lược. Với tài mưu lược và sức mạnh quân sự, Trần Hưng Đạo đã quyết định không đánh giáp lá cà ngay từ đầu mà lựa chọn chiến lược đánh du kích, "biển lửa" và "dụ địch vào sâu". Những chiến thuật này đã giúp quân ta tạo ra những chiến thắng vang dội.

Cuộc chiến bắt đầu khi quân Nguyên tấn công vào các vùng biên giới của Đại Việt. Trần Hưng Đạo đã tổ chức phòng thủ, tập hợp lực lượng và kêu gọi nhân dân đoàn kết chống giặc. Trận đánh quyết định đã diễn ra ở sông Bạch Đằng vào năm 1288, một chiến thắng lẫy lừng của quân ta. Với sự tài trí của Trần Hưng Đạo, quân ta đã lừa quân Nguyên vào trận địa mai phục, khiến quân thù phải hứng chịu thất bại thảm hại.

Trần Hưng Đạo không chỉ là người lãnh đạo tài ba mà còn là một nhà chiến lược tài tình, giúp Đại Việt bảo vệ được nền độc lập, tự do.

Bài tham khảo Bài mẫu 1

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có rất nhiều vị anh hùng kiệt xuất đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Một trong những người được nhân dân đời đời ghi nhớ chính là Đinh Bộ Lĩnh – vị vua nổi tiếng của nước ta. Nhờ có ông mà nước ta thoát khỏi nạn cát cứ, thống nhất lại bờ cõi.

Ngay từ khi còn nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã bộc lộ sự thông minh và bản lĩnh hơn người. Trong các trò chơi đánh trận giả, ông luôn là người chỉ huy, điều khiển các bạn giành chiến thắng. Sau mỗi trận chiến thắng, ông được bạn bè kiệu rước, tay cầm bông lau thay cờ. Khi đất nước rơi vào thời kỳ chia cắt với mười hai sứ quân nổi dậy, Đinh Bộ Lĩnh đã sớm nuôi chí lớn thống nhất giang sơn. Ông gia nhập vào lực lượng của sứ quân Trần Lâm và nhanh chóng được trọng dụng nhờ tài năng xuất chúng. Sau khi Trần Lâm mất, ông tiếp quản binh quyền, rút quân về Hoa Lư, âm thầm củng cố lực lượng để chờ thời cơ.

Sau nhiều năm chuẩn bị, Đinh Bộ Lĩnh bắt đầu tiến hành dẹp loạn mười hai sứ quân. Với tài thao lược, ông đã lần lượt đánh bại các sứ quân, chỉ trong vòng một năm đã hoàn thành đại nghiệp thống nhất đất nước. Nhân dân vô cùng cảm phục, tôn ông làm Vạn Thắng Vương. Hai năm sau, ông chính thức lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư và ban hành nhiều chính sách đúng đắn để mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

Đinh Bộ Lĩnh không chỉ là một vị vua tài ba mà còn là người anh hùng dân tộc có công lớn trong việc thống nhất đất nước. Em vô cùng khâm phục và tự hào về vị vua cờ lau – người đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam.

Bài tham khảo Bài mẫu 2

Hai Bà Trưng là hai người anh hùng chống giặc ngoại xâm nổi tiếng của đất nước ta. Chính vì vậy đã có rất nhiều những câu chuyện dân gian kể về chiến tích lẫy lừng của hai bà. “Hai Bà Trưng” - câu chuyện được lấy tên từ chính tên thật của hai bà là một trong số đó.

Câu chuyện kể về đất nước ta từ cách đây rất lâu rồi. Thuở đó, nước ta bị giặc phương Bắc đô hộ, cướp bóc đất đai, của cải rồi nô dịch người dân tàn bạo, khiến ai ai cũng căm phẫn. Lúc bấy giờ ở huyện Mê Linh có hai chị em gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị vừa tài giỏi, tinh thông võ nghệ lại có chí lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm dành lại non sông. Vì thế mà tướng giặc Tô Định sinh lòng nghi kị, lập mưu giết chết chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách hòng dập tắt sĩ khí của bà. Nhưng hắn không ngờ rằng hành động đó lại như tưới dầu vào lửa, khiến ngọn lửa căm thù trong lòng hai bà bùng lên mạnh mẽ, không gì cản được. Thế là, trước để trả nợ nước, sau để trả thù nhà, hai bà đã đứng dậy khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đoàn quân của bà được sự ủng bộ của nhân dân, nên càng lúc càng lớn mạnh. Khi ra trận, hai bà mặc áo giáp, cưỡi trên con voi lớn khiến giặc vô cùng sợ hãi. Trước khí thế của quân ta, kẻ địch không thể nào chống lại được, phải bỏ chạy tán loạn về nước. Thế là đất nước ta đã dành lại độc lập, sạch bóng quân thù.

Câu chuyện “Hai Bà Trưng” đã giúp em hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử của đất nước ta lúc bấy giờ. Đồng thời mang em đến gần hơn với những nhân vật lịch sử vĩ đại của dân tộc mình.

Bài tham khảo Bài mẫu 3

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, bên cạnh những đấng nam nhi hào kiệt, còn có những nữ anh hùng khiến kẻ thù phải kinh sợ, nhân dân tôn kính. Một trong những nữ tướng mà em ngưỡng mộ nhất chính là Bà Triệu – người con gái kiên cường, bất khuất.

Bà Triệu, tên thật là Triệu Thị Trinh, hay còn được gọi là Triệu Trinh Nương, sinh ra ở miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, bà đã thể hiện phẩm chất mạnh mẽ, trí tuệ thông minh và vẻ đẹp rạng ngời. Không cam chịu ách đô hộ tàn bạo của giặc Ngô, bà đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt chiêu mộ nghĩa sĩ, đứng lên khởi nghĩa tại vùng đất Quan Yên, được dân chúng khắp vùng nô nức tham gia. Nghĩa quân nhanh chóng thu phục được các thành, ấp ở quận Cửu Chân và một số vùng của quận Giao Chỉ Cuộc khởi nghĩa lan rộng như vũ bão và làm “Chấn động Giao Châu” lúc bấy giờ. Năm 248, Ngô Triều phải phái Lục Dận đem theo tám nghìn quân tinh nhuệ để đàn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Tuy nhiên, lực lượng nghĩa quân còn non trẻ, thiếu thốn cả về người và vũ khí nên dần rơi vào thế yếu. Trong trận chiến khốc liệt, trước sức mạnh áp đảo và âm mưu thâm độc của kẻ thù, Bà Triệu đã anh dũng ra đi trên núi Tùng, xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc khi bà mới chỉ hai mươi hai tuổi.

Bà Triệu là một nữ anh hùng thực sự của đất nước ta với sự dũng cảm, can trường của mình. Noi gương bà, em sẽ cố gắng học tập thật giỏi, để khi lớn lên góp sức mình xây dựng đất nước vững mạnh hơn.

Bài tham khảo Bài mẫu 4

An Dương Vương là một trong những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta. Trong dân gian có rất nhiều câu chuyện dân gian được lưu truyền, trong đó nổi bật nhất là truyền thuyết "Sự tích thành Cổ Loa".

Theo truyện kể, An Dương Vương là người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc. Ông đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, chiến đấu và đánh bại quân xâm lược nhà Tần. Nhận thấy được mối nguy hại từ phương Bắc, sau khi chiến thắng, ông quyết định cho xây thành để phòng thủ. Tuy nhiên, việc xây thành gặp rất nhiều khó khăn: cứ mỗi lần thành xây lên cao thì lại đổ sụp xuống. Dù đã thử mọi cách nhưng đều thất bại, khiến nhà vua vô cùng lo lắng và phiền muộn. Cuối cùng, ông lập đàn cầu trời phù hộ cho việc đắp thành được suôn sẻ. Bất ngờ, từ làn khói trắng bay lên từ đàn tế, một ông lão râu tóc bạc phơ hiện ra và bảo rằng: “Sáng mai, nhà vua ra đón ở bờ sông, sẽ có Thần Kim Quy đến giúp.”

Sáng hôm sau, khi trời còn mờ sương, vua An Dương Vương ra bờ sông và thực sự gặp một con rùa vàng khổng lồ. Rùa tự xưng là Thần Kim Quy – sứ giả của Vua Thủy Tề. Thần đã dùng phép thuật để tìm ra con yêu quái đang phá hoại việc xây thành và tiêu diệt nó. Từ đó, việc xây thành diễn ra thuận lợi, chẳng bao lâu sau, thành Cổ Loa đã đắp xong. Trước khi rời đi, Thần Kim Quy còn đưa cho vua một chiếc móng của mình, dặn ông đem ra làm lẫy nỏ để bảo vệ đất nước khi có giặc đến xâm lăng.

Qua câu chuyện, em cảm nhận được hình ảnh một vị vua dũng cảm, thông minh và luôn trăn trở vì vận mệnh của đất nước, của nhân dân. Em cảm thấy thật tự hào khi lịch sử dân tộc ta đã ghi lại hình ảnh cao đẹp của một người anh hùng như An Dương Vương.

Bài tham khảo Bài mẫu 5

Đất nước ta đã trải qua hai nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những trang sử ấy có rất nhiều những người anh hùng dũng mãnh, chiến đấu vì tổ quốc. Với tấm lòng kính ngưỡng và biết ơn những người anh hùng chống giặc ngoại xâm, nhân dân ta đã sáng tác và lưu truyền rất nhiều những truyền thuyết về họ. Trong đó nổi bật nhất chính là truyền thuyết Thánh Gióng.

Truyền thuyết kể về cuộc đời của người anh hùng Thánh Gióng với nhiều chi tiết kì bí và huyền ảo. Mẹ của Tháng Gióng vì ướm thử chân mình lên một vết chân khổng lồ ở ngoài đồng mà mang thai. Sau đó sinh ra Thánh Gióng. Suốt ba năm đầu đời, chàng như một con rối gỗ, không nói cũng chẳng cười, mẹ đặt đâu thì nằm đấy. Chỉ khi nghe thấy tiếng sứ giả loan tin cần tìm người tài cứu nước, chống giặc Ân xâm lược, thì Gióng mới thay đổi. Cậu bé bỗng nhiên cất tiếng nói đầu đời, nhờ mẹ gọi sứ giả vào gặp mặt. Thấy một cậu bé mới ba tuổi đã nói năng rành mạch, dặn dò chuẩn bị giáp sắt và ngựa sắt, gậy sắt để đánh giặc, sứ giả nhận ra ngay cậu chính là người tài mà ông trời gửi xuống giúp nước ta. Vì vậy ông kính cẩn lắng nghe, rồi gấp gáp phi ngựa về kinh để tâu lên nhà vua.

Phần Thánh Gióng, sau khi phân phó sứ giả chuẩn bị đồ đạc, thì cậu như thay đổi thành một con người khác. Gióng ăn nhiều lắm, mẹ thổi gạo không kịp cho cậu ăn no. Người cậu cũng lớn nhanh như thổi, áo vừa mặc vào người đã sứt chỉ. Bà con làng xóm thấy vậy, liền sang góp gao thổi cơm nuôi Gióng lớn. Khi giặc đến sát chân núi, sứ giả cũng kịp thời mang giáp sắt, ngựa sắt đến cho Thánh Gióng. Chỉ thấy cậu bước ra giữa sân, vươn vai một cái là trở thành một tráng sĩ cao lớn, vạm vỡ. Cậu mặc áo giáp sắt lên người, một tay cầm gậy sắt, một tay vỗ mạnh vào ngựa sắt. Cứ thế con ngựa bỗng sống dậy, thở ra từng hơi lửa nóng hừng hực. Sau khi nhảy lên lưng ngựa, Thánh Gióng chào mẹ và dân làng, rồi lao nhanh về phía quân giặc.

Sự xuất hiện của Thánh Gióng dũng mãnh đã làm thay đổi hoàn toàn thế trận. Một mình cậu cưỡi ngựa đánh thẳng vào kẻ địch, dùng gậy sắt quét ngang cả hàng quân. Vó ngựa của Thánh Gióng chạy đến đâu, quân giặc ngã như ngả rạ, bỏ chạy rối rít. Giữa đường gậy sắt bị gãy đôi, Gióng liền nhổ bụi tre ngà ven đường làm vũ khí, quyết đuổi sạch quân giặc ra khỏi biên giới nước ta. Chờ khi đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù, Thánh Gióng mới cưỡi ngựa lên đỉnh núi, cởi giáp sắt ra để lại, rồi từ từ bay về trời.

Hình ảnh người anh hùng Thánh Gióng dũng mãnh, oai hùng như hiện thân của một vị thần bảo vệ đất nước ta. Em rất yêu quý và biết ơn, tự hào người anh hùng ấy. Thật tự hào xiết bao khi đất nước ta có người anh hùng chống giặc ngoại xâm vĩ đại như Thánh Gióng.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí