Viết bài văn kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4>
Trong các câu chuyện đã được nghe, em thích nhất là câu chuyện “Sự tích cây vú sữa”. Chuyện kể về một cậu bé ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu giận dỗi bỏ nhà ra đi. Cậu la cà khắp nơi, chẳng nghĩ đến mẹ ở nhà mỏi mắt chờ mong. Không biết cậu đã đi bao lâu.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện theo cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Câu chuyện đó có tên là gì? Em đã đọc được (hoặc nghe kể) ở đâu?
- Câu chuyện đó có nội dung như thế nào?
2. Thân bài: Kể lại nội dung câu chuyện đó theo trình tự thời gian.
- Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh:
+ Nhân vật chính là ai?
+ Câu chuyện xảy ra trong hoàn cảnh nào?
- Kể lại các sự việc chính trong câu chuyện:
+ Sự việc diễn ra khi nào? Ở đâu?
+ Chuyện gì xảy ra với nhân vật?
+ Ngoại hình nhân vật ra sao? Nhân vật có cảm xúc gì?
+ Nhân vật có những hành động gì?
- Tình cảm, cảm xúc của em đối với sự việc được kể (bất ngờ, hồi hộp, thích thú, xúc động...)
- Ý nghĩa của câu chuyện
3. Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,… và những liên tưởng, suy luận của em về câu chuyện hoặc chỉ nêu suy nghĩ, cảm xúc của em về câu chuyện.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1
Trong các câu chuyện đã được nghe, em thích nhất là câu chuyện “Sự tích cây vú sữa”.
Chuyện kể về một cậu bé ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu giận dỗi bỏ nhà ra đi. Cậu la cà khắp nơi, chẳng nghĩ đến mẹ ở nhà mỏi mắt chờ mong. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ, liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc. Kì lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh, rồi chín. Một quả rơi vào lòng cậu. Môi cậu vừa chạm vào, một dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ. Cậu nhìn lên tán lá. Lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu bé oà khóc. Cây xoà cành ôm cậu, như tay mẹ âu yếm vỗ vẻ. Trái cây thơm ngon ờ vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và gọi đó là cây vú sữa.
Câu chuyện trên đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về sự biết ơn công lao sinh thành của cha mẹ. Là một người con, chúng ta nên thấu hiểu sự yêu thương, hy sinh của cha mẹ. Vì thế hãy cố gắng trở thành một người con ngoan các bạn nhé!
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2
Trong những câu chuyện em đã đọc, em yêu thích nhất là câu chuyện “Cậu bé thông minh”.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một ông vua muốn tìm người tài giỏi nên sai viên quan đi khắp nơi để thử tài dân chúng. Khi đến một cánh đồng, viên quan gặp hai cha con nông dân. Ông liền ra câu đố về việc trâu một ngày cày được mấy đường. Ngay lập tức, cậu bé thông minh đã hỏi ngược lại: “Ngựa của ông một ngày đi được mấy bước?” Câu hỏi khiến viên quan kinh ngạc và nhận ra cậu bé chính là người tài giỏi, liền về tâu với nhà vua.
Nhà vua tiếp tục thử tài cậu bé bằng cách giao cho làng ba con trâu đực và ba thúng gạo nếp, yêu cầu năm sau phải nộp chín con trâu con. Lần này, cậu bé vẫn giải được câu đố. Lần thứ ba, vua yêu cầu cậu làm thịt con chim sẻ làm ba mâm cỗ. Cậu bé lại nói: “Xin vua rèn cho thần một con dao từ cây kim để xẻ thịt chim.” Nhà vua nghe xong không những không giận mà còn càng thêm khâm phục sự thông minh của cậu.Một lần khác, sứ giả nước láng giềng mang đến một con ốc và đố phải xâu được sợi chỉ qua ruột ốc. Cậu bé đã hát bài ca giải đố khiến sứ giả phải thán phục.
Cuối cùng, vua đã phong cậu bé làm Trạng nguyên và cho ở gần hoàng cung để tiện hỏi han. Câu chuyện “Cậu bé thông minh” khiến em khâm phục sự lanh lợi và trí tuệ của bạn nhỏ trong truyện.
Bài tham khảo Bài mẫu 1
Trong các câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em, em yêu thích nhất là câu chuyện “Những hạt thóc giống”.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một ông vua tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi. Ông muốn chọn một người tài đức để truyền ngôi nên đã nghĩ ra một cách đặc biệt. Nhà vua cho gọi tất cả người dân trong vương quốc đến, rồi phát cho mỗi người một thúng thóc giống và ra lệnh: “Ai thu hoạch được nhiều thóc nhất trong vòng một năm sẽ được truyền ngôi, còn ai không có thóc nộp sẽ bị trừng phạt.” Người dân khắp nơi đều hăng hái mang thóc về gieo trồng. Ai cũng mong có cơ hội làm vua. Chỉ riêng Chôm, một cậu bé hiền lành, chăm chỉ nhưng lại vô cùng trung thực, đã ươm hết số thóc được phát nhưng không cây nào mọc. Ngày qua ngày, dù chăm bón cẩn thận, em vẫn không thấy mầm nào nhú lên.
Đến ngày nộp thóc, ai cũng mang những bao thóc đầy, thì Chôm lại đứng lặng lẽ với chiếc thúng trống không. Nhà vua thấy vậy, liền gọi cậu lại và hỏi lý do. Chôm không ngần ngại mà thành thật kể lại mọi chuyện. Nhà vua nghe xong liền mỉm cười hiền hậu, bảo Chôm đứng sang một bên rồi hỏi lại tất cả dân chúng xem còn ai giống cậu không, nhưng không ai trả lời. Lúc đó, nhà vua mới giải thích rằng số thóc giống ban đầu ông phát ra đều đã bị luộc chín, nên không thể nào nảy mầm. Những người mang thóc đến đều là kẻ gian dối, chỉ riêng Chôm là trung thực, dũng cảm nói ra sự thật. Vì vậy, cậu bé Chôm đã được nhà vua tin tưởng chọn làm người nối ngôi.
Từ nhân vật Chôm trong câu chuyện “Những hạt thóc giống”, em đã học được bài học ý nghĩa về lòng trung thực và sự dũng cảm trong cuộc sống. Lấy cậu bé đó làm tấm gương sáng để noi theo.
Bài tham khảo Bài mẫu 2
Câu chuyện Cô giáo nhỏ của nhà báo Khánh Linh đăng trên báo Nhi Đồng, là một câu chuyện rất hay và cảm động về một bạn nhỏ có trái tim ấm áp.
Giên là một bé gái sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo hẻo lánh tại châu Phi. Đa số phụ nữ và trẻ em ở đây đều không biết chữ, chỉ ở nhà bế em, nấu nướng, làm việc đồng áng. Đến lượt Giên, em đã được đi học cái chữ ở một lớp dạy chữ miễn phí. Giên thường mượn truyện tranh của cô giáo để mang về nhà, nhưng đã hơn một tháng nay em chưa trả lại. Cô giáo lấy làm lạ nên đã đến nhà em - thực chất chỉ là một túp lều nhỏ để hỏi thăm. Đến nơi, cô mới biết rằng, thì ra, Giên đã dùng cuốn truyện mượn được để dạy chữ cho bà và mẹ của mình. Hình ảnh hai người phụ nữ ngồi vật lộn với các từ khó đọc, chờ “cô giáo Giên” chỉ bảo khiến cô giáo vô cùng xúc động. Khi Giên xin lỗi cô vì trả sách muộn, và khiến cuốn sách lấm lem nhọ nồi, thì cô giáo lại nghẹn ngào xin lỗi ngược lại cô bé. Đó cũng là hình ảnh kết thúc câu chuyện.
Qua nhân vật cô bé Giên tốt bụng và giàu sự chia sẻ, yêu thương trong câu chuyện Cô giáo nhỏ. Em ý thức sâu sắc hơn về những số phận xung quanh mình. Rằng mỗi chúng ta nên biết yêu thương và giúp đỡ bạn bè, người thân của mình.
Bài tham khảo Bài mẫu 3
Một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em mà em vô cùng yêu thích là “Vệt phấn trên mặt bàn”.
Câu chuyện bắt đầu khi lớp Minh có thêm học sinh mới. Đó là một bạn gái có cái tên rất ngộ: Thi Ca. Cô giáo xếp Thi Ca ngồi ngay cạnh Minh. Minh tò mò ngó mái tóc xù lông nhím của bạn, định bụng sẽ làm quen với “người hàng xóm” mới thật vui vẻ.
Nhưng cô bạn tóc xù toàn làm cậu bực mình. Trong lúc Minh bặm môi, nắn nót những dòng chữ trên trang vở thì hai cái cùi chỏ đụng nhau đánh cộp làm chữ nhảy chồm lên, rớt khỏi dòng. Tất cả rắc rối là do Thi Ca viết tay trái. Hai, ba lần, Minh phải kêu lên:
– Bạn xê ra chút coi! Đụng tay mình rồi nè!
Tới lần thứ tư, Minh lấy phấn kẻ một đường chia đôi mặt bàn:
– Đây là ranh giới. Bạn không được để tay thò qua chỗ mình nhé!
Thi Ca nhìn đường phấn, gương mặt thoáng buồn. Đường ranh giới cứ thế tồn tại trên mặt bàn hết một tuần.
Hôm ấy, trống vào lớp lâu rồi mà không thấy Thi Ca xuất hiện. Thì ra bạn ấy phải vào bệnh viện. Cô giáo nói:
– Hi vọng lần này bác sĩ sẽ chữa lành cánh tay mặt để bạn không phải viết bằng tay trái nữa!
Lời của cô giáo làm Minh chợt nhớ ra Thi Ca hay giấu bàn tay mặt trong hộc bàn. Minh nhớ ánh mắt buồn của bạn lúc nhìn Minh vạch đường phấn trắng. Càng nhớ càng ân hận. Mím môi, Minh đè mạnh chiếc khăn xoá vật phấn trên mặt bàn.
"Mau về nhé, Thi Ca!” – Minh nói với vệt phần chỉ còn là một đường mở nhật trên mặt gỗ lốm đốm vẫn nâu.
Qua quá trình Minh thay đổi suy nghĩ khi gặp người bạn mới, em cũng rút ra được bài học ý nghĩa cho mình về tình bạn, về cách đối xử với người khác và ngưng phán xét khi chưa hiểu rõ mọi chuyện.
Bài tham khảo Bài mẫu 4
Những câu chuyện kể có nhân vật là trẻ em luôn khiến em yêu thích, vì em dễ dàng tưởng tượng mình chính là nhân vật trong truyện. Một trong những câu chuyện mà em nhớ mãi sau khi đọc là “Công chúa và người dẫn chuyện”.
Nhân vật chính trong truyện là Giét-xi, một cô bé học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ và đáng yêu. Một ngày, cô giáo thông báo rằng cả lớp sẽ tham gia diễn kịch, và Giét-xi được giao vai công chúa – vai chính trong vở kịch. Cô bé rất vui và hãnh diện vì được chọn, còn các bạn trong lớp thì vô cùng ngưỡng mộ Giét-xi.
Tối đó, Giét-xi háo hức kể ngay với mẹ. Từ hôm ấy, tối nào bạn cũng cùng mẹ luyện lời thoại rất nghiêm túc. Nhờ siêng năng tập luyện, Giét-xi nhanh chóng thuộc lời. Thế nhưng khi bước lên sân khấu tập thử, bạn lại bị run và quên sạch mọi lời thoại. Dù đã thử lại nhiều lần, nhưng kết quả vẫn không khá hơn, khiến cô giáo đành đổi vai cho Giét-xi – từ công chúa sang người dẫn chuyện. Điều đó khiến cô bé rất buồn, vì vai diễn không còn nổi bật như trước.
Thấy con gái ủ rũ, mẹ đã dẫn Giét-xi ra vườn làm cỏ. Khu vườn lúc ấy đang rực rỡ bước vào mùa xuân, với đủ loại hoa: hoa hồng đẹp lộng lẫy, cùng những loài hoa dại nhỏ bé nhưng tươi tắn. Mẹ bảo rằng chỉ nên giữ hoa hồng, còn lại thì nhổ hết. Nhưng Giét-xi liền phản đối. Bạn cho rằng hoa dại tuy nhỏ, nhưng cũng đáng yêu và làm khu vườn thêm sinh động. Nếu chỉ còn hoa hồng thì khu vườn sẽ đơn điệu, nhàm chán.
Mẹ mỉm cười và nhẹ nhàng giải thích rằng cũng như trong một vở kịch, không chỉ vai chính mới quan trọng. Những vai phụ như người dẫn chuyện cũng góp phần làm nên thành công của buổi diễn. Nhờ lời khuyên dịu dàng và thông minh của mẹ, Giét-xi hiểu ra và vui vẻ nhận vai mới, luyện tập chăm chỉ để thể hiện thật tốt vai người dẫn chuyện.
Bài học mà người mẹ dạy cho Giét-xi là một bài học vô cùng ý nghĩa về vai trò và giá trị của mỗi người trong cuộc sống. Qua đó, em hiểu được mỗi người trong chúng ta đều có vai trò và ý nghĩa riêng của mình.
Bài tham khảo Bài mẫu 5
Trong các câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em đã đọc, em ấn tượng nhất với câu chuyện Nhà phát minh 6 tuổi. Bởi nhân vật chính trong câu chuyện đã làm nên những điều thật đáng ngạc nhiên.
Nhân vật chính trong câu chuyện là cô bé Ma-ri 6 tuổi. Cô bé sinh ra trong một gia đình có sáu đời liên tiếp là giáo sư đại học. Từ nhỏ, Ma-ri đã rất thích quan sát và tìm tòi về những điều xảy ra quanh mình. Đó chính là mầm mống nhen nhóm cho một giáo sư trong tương lai.
Một lần nọ, gia đình của Ma-ri tổ chức tiệc để tiếp đón khách quý. Cô bé Ma-ri nhàm chán nhìn những người gia nhân bận rộn di chuyển qua lại. Và tình cờ, cô phát hiện ra một điều thú vị: Mỗi lần gia nhân bưng trà từ dưới bếp lên, tách đựng trà sẽ trượt qua lại trong đĩa. Nhưng khi nước trà trong cốc chảy một ít ra đĩa thì những tách trà kia bỗng nhiên dừng chuyển động, cứ như bị cái gì đó ngăn lại. Quá tò mò về hiện tượng kì lạ đó, Ma-ri đã lén chạy xuống bếp để kiểm tra.
Sau khi bày ra các chén trà và đĩa trà, Ma-ri bắt đầu tự mình làm thí nghiệm. Cô bé cẩn thận quan sát tình trạng di chuyển của tách trà trên đĩa. Cuối cùng, cô tổng kết lại rằng, khi có nước ở trên đĩa, thì tách trà sẽ đứng yên. Cùng lúc ấy, bố của Ma-ri tình cờ đi ngang qua. Cô bé đã vô cùng hào hứng chạy lại kể cho bố phát hiện lí thú của mình. Bố của cô đã rất vui, lập tức bế Ma-ri lên tay và tiến về phòng khách để khoe với mọi người điều mình vừa nghe được. Ông tự hào nói rằng, Ma-ri sẽ là giáo sư thứ bảy của gia tộc. Lời nói hôm ấy đã thật sự hiệu nghiệm. Bởi khi trưởng thành, cô bé Ma-ri ấy đã trở thành giáo sư nhiều trường đại học danh tiếng của Mỹ và vinh dự được tặng Giải thưởng Nô-ben Vật lí.
Câu chuyện Nhà phát minh 6 tuổi giúp em biết thêm về tuổi thơ của một vĩ nhân đáng kính. Đồng thời thôi thúc em hãy tích cực khám phá và tìm hiểu về thế giới kì diệu xung quanh mình. Có lẽ, nhờ vậy em sẽ biết thêm những điều thú vị, đem đến những trải nghiệm đáng nhớ mà việc đọc sách trong phòng không thể đem lại.


Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện mà em đã đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4
- Lập dàn ý cho bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện mà em đã đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4
- Lập dàn ý cho bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4