Viết bài văn kể lại câu chuyện mà em đã đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4>
Trong những câu chuyện đã học, em thích nhất là câu chuyện “Văn hay chữ tốt”. Ngày xưa, Cao Bá Quát là một học trò thông minh, viết văn rất hay. Tuy nhiên, chữ viết của ông lại rất xấu. Một lần, bà cụ hàng xóm nhờ ông viết một lá đơn kêu oan.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện theo cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Câu chuyện đó có tên là gì? Em đã đọc được (hoặc nghe kể) ở đâu?
- Câu chuyện đó có nội dung như thế nào?
2. Thân bài: Kể lại nội dung câu chuyện đó theo trình tự thời gian.
- Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh:
+ Nhân vật chính là ai?
+ Câu chuyện xảy ra trong hoàn cảnh nào?
- Kể lại các sự việc chính trong câu chuyện:
+ Sự việc diễn ra khi nào? Ở đâu?
+ Chuyện gì xảy ra với nhân vật?
+ Ngoại hình nhân vật ra sao? Nhân vật có cảm xúc gì?
+ Nhân vật có những hành động gì?
- Tình cảm, cảm xúc của em đối với sự việc được kể (bất ngờ, hồi hộp, thích thú, xúc động...)
- Ý nghĩa của câu chuyện
3. Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,… và những liên tưởng, suy luận của em về câu chuyện hoặc chỉ nêu suy nghĩ, cảm xúc của em về câu chuyện.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1
Trong những câu chuyện đã học, em thích nhất là câu chuyện “Văn hay chữ tốt”.
Ngày xưa, Cao Bá Quát là một học trò thông minh, viết văn rất hay. Tuy nhiên, chữ viết của ông lại rất xấu. Một lần, bà cụ hàng xóm nhờ ông viết một lá đơn kêu oan. Lá đơn tuy có lý lẽ rõ ràng, nhưng chữ viết quá xấu, quan không đọc được nên đã đuổi bà ra khỏi công đường. Về nhà, bà kể lại chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông nhận ra rằng dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì.
Từ đó, Cao Bá Quát quyết tâm luyện viết chữ thật đẹp. Mỗi sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết của ông ngày càng tiến bộ. Ông còn mượn những cuốn sách viết chữ đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.
Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp. Tài viết chữ đẹp của Cao Bá Quát vang xa khắp vùng. Người dân thường tới nhà ông xin câu đối về treo, nhất là vào dịp Tết. Không những viết chữ đẹp, Cao Bá Quát còn nổi tiếng về tài văn thơ. Ông có thể “xuất khẩu thành thơ”, làm câu đối mọi lúc, mọi nơi, ý tứ rất chuẩn mực, sắc sảo. Tài năng văn chương của ông khiến cả nhà vua cũng phải thán phục. Ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.
Câu chuyện về Cao Bá Quát khiến em rất cảm phục. Em học được rằng, để thành công, không chỉ cần tài năng mà còn phải rèn luyện và kiên trì.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2
Trong các câu chuyện đã học, em rất yêu thích câu chuyện “Nàng tiên Ốc”. Câu chuyện không chỉ mang màu sắc kỳ diệu mà còn thể hiện tình cảm ấm áp giữa con người.
Ngày xưa, có một bà lão nghèo sống cô đơn, quanh năm làm lụng vất vả, đi mò cua bắt ốc để kiếm sống qua ngày. Một hôm, trong lúc mò cua, bà tình cờ bắt được một con ốc rất lạ. Vỏ ốc có màu xanh biếc trông rất đẹp mắt. Thấy đẹp quá, bà không bán mà đem thả vào chum nước.
Từ hôm đó, điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Mỗi lần bà đi làm về, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, vườn cây được tưới nước, lợn gà được cho ăn no nê, và đặc biệt là một mâm cơm ngon lành sẵn sàng trên bàn. Bà rất ngạc nhiên và thắc mắc không biết ai đã giúp mình. Quyết tâm tìm hiểu, một hôm bà giả vờ đi làm rồi lén quay về giữa trưa.
Bà lặng lẽ nấp sau bụi cây và chứng kiến một điều kỳ diệu: từ trong chum nước, một cô gái xinh đẹp như tiên hiện ra. Cô gái nhẹ nhàng bước vào nhà, cầm chổi quét nhà, dọn dẹp, nấu cơm, cho gà ăn,… Bà lão vô cùng cảm động và thầm biết ơn cô gái. Bà lặng lẽ tiến đến bên chum, nhặt vỏ ốc lên rồi đập vỡ. Nghe tiếng động, cô gái vội chạy lại để chui vào vỏ ốc, nhưng đã quá muộn.
Thấy cô gái sững sờ, bà lão dịu dàng nói:
– Con gái ơi! Hãy ở lại với ta!
Từ đó, nàng tiên Ốc ở lại sống cùng bà, chăm sóc bà như con ruột. Hai mẹ con sống hạnh phúc, đầm ấm trong căn nhà tuy nghèo nhưng đầy tình yêu thương.
Câu chuyện “Nàng tiên Ốc” đã để lại trong em nhiều cảm xúc đẹp. Em yêu quý cô gái hiền lành, chăm chỉ và cảm phục tấm lòng bao dung, nhân hậu của bà lão.
Bài tham khảo Bài mẫu 1
Trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, em đã được học rất nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa. Trong đó, em đặc biệt yêu thích câu chuyện “Con vẹt xanh”, bởi câu chuyện còn gửi gắm một bài học sâu sắc về cách cư xử lễ phép với người thân trong gia đình.
Câu chuyện kể về một bạn nhỏ tên là Tú, có một người anh trai rất yêu thương và chăm sóc em. Một ngày nọ, trong vườn nhà cậu xuất hiện một chú vẹt xanh nhỏ bị thương ở cánh. Tú thương lắm nên đã đem chú về nhà để chăm sóc. Khi anh trai nói rằng loài vẹt có thể bắt chước tiếng người, Tú rất háo hức, mong chờ một ngày chú vẹt có thể nói chuyện. Từ hôm đó, ngày nào đi học về, Tú cũng chạy ngay tới bên chú vẹt. Cậu đút cho nó ăn, vuốt ve, cưng nựng như em bé. Dù vẹt chưa nói được gì, nhưng cậu vẫn yêu quý nó lắm.
Thế nhưng, Tú lại không ngoan ngoãn với anh trai của mình. Mỗi khi anh gọi, cậu thường trả lời trống không như “Cái gì?” hay than phiền “Kêu chi kêu hoài”. Anh trai buồn nhưng không nói gì, còn Tú thì chẳng để ý. Một hôm, chú vẹt bất ngờ biết nói. Tú vui mừng gọi bạn bè tới khoe. Nhưng khi Tú gọi “Vẹt ơi!”, vẹt chỉ đáp lại “Cái gì?”. Điều này làm Tú buồn lắm, liền mắng nó rằng “Anh chăm sóc vẹt cực khổ, vậy mà anh gọi, vẹt trả lời như thế à”. Nhưng vừa nói xong, thì vẹt lại bảo “Kêu chi kêu hoài”. Lúc này, Tú bàng hoàng nhận ra vẹt đã học theo chính những câu nói thiếu lễ phép của mình. Cậu thấy buồn và hối hận vô cùng. Cậu chợt hiểu ra rằng, có lẽ anh trai cũng từng buồn như vậy khi bị mình nói trống không như thế. Cậu mong thật nhanh được sửa chữa lỗi sai của mình. Từ hôm nay, cậu sẽ ngoan ngoãn và lễ phép hơn, sẽ “dạ” thật to mỗi khi anh trai gọi mình.
Qua câu chuyện, em học được rằng cách mình cư xử sẽ ảnh hưởng đến người khác, và lễ phép là điều mỗi người cần rèn luyện hằng ngày. Em sẽ ghi nhớ bài học này và luôn ngoan ngoãn vâng lời và lễ phép với người lớn.
Bài tham khảo Bài mẫu 2
Trong chương trình Tiếng Việt lớp 4, em đã được học rất nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa. Những câu chuyện ấy thường kể về các bạn nhỏ bằng tuổi em, nên rất gần gũi và dễ hiểu. Trong số đó, em ấn tượng nhất với câu chuyện “Anh em sinh đôi.
Câu chuyện kể về hai anh em sinh đôi tên là Long và Khánh. Họ giống nhau như hai giọt nước, khiến nhiều người xung quanh thường xuyên nhầm lẫn. Khi còn nhỏ, Long rất thích điều này vì cảm thấy thú vị. Nhưng càng lớn, Long càng khó chịu khi bị nhận nhầm với anh Khánh.
Để không bị lẫn lộn với anh trai nữa, Long đã cố gắng thay đổi bản thân: từ kiểu tóc, cách ăn mặc, dáng đi đến giọng nói. Cậu muốn mình phải thật khác anh trai. Thế nhưng mọi chuyện thay đổi trong một lần hội thao của trường. Hôm ấy, hai anh em phải mặc đồng phục giống hệt nhau để tham gia thi chạy. Long lo lắng lắm, sợ rằng bạn bè sẽ nhận nhầm cậu với anh trai và cổ vũ nhầm. Nhưng điều khiến Long ngạc nhiên là trong suốt cuộc thi, không ai nhầm lẫn hai anh em cả.
Sau hội thao, Long liền đi hỏi các bạn vì sao lại không nhầm lẫn. Các bạn mỉm cười và giải thích rằng: khi mới nhìn qua thì có thể nhầm, nhưng chỉ cần tiếp xúc hoặc nói chuyện một chút là ai cũng có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa Long và anh Khánh, vì mỗi người có một tính cách, một cách thể hiện riêng. Nghe xong, Long vui mừng khôn xiết. Cậu cảm thấy hạnh phúc vô cùng, và buồn cười về những lo lắng của bản thân.
Từ câu chuyện “Anh em sinh đôi” đã giúp em hiểu rằng mỗi người đều có một nét riêng không ai giống ai. Không phải vẻ ngoài, mà chính là tính cách và phẩm chất tạo nên con người thật sự của mỗi người. Vì vậy, em sẽ luôn cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Bài tham khảo Bài mẫu 3
Trong chương trình Tiếng Việt lớp 4, em đã đọc được rất nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa. Một trong những câu chuyện khiến em nhớ mãi là “Công chúa và người dẫn chuyện”.
Nhân vật chính là Giét-xi, cô bé vui mừng khôn xiết khi được cô giáo giao cho vai công chúa trong vở kịch của lớp. Hằng tối, cô chăm chỉ luyện tập lời thoại cùng mẹ. Nhờ sự cố gắng, bạn ấy đã thuộc lời rất nhanh. Tuy nhiên, khi bước lên sân khấu diễn thử trước các bạn, Giét-xi lại quá lo lắng, không thể nói trọn vẹn lời thoại nào. Cô giáo đã cho bạn thêm cơ hội, nhưng vì Giét-xi vẫn không thể vượt qua nỗi sợ, nên cuối cùng cô đành đổi bạn sang vai người dẫn chuyện, nhường vai công chúa cho bạn khác.
Giét-xi rất buồn. Bạn nghĩ rằng vai diễn chỉ đứng sau cánh gà, không quan trọng và cảm thấy mình thật vô dụng. Mẹ bạn nhận ra nỗi buồn đó nên đã dẫn bạn ra vườn nhổ cỏ và nói sẽ nhổ hết hoa dại, chỉ giữ lại hoa hồng. Giét-xi vội ngăn lại vì cho rằng mọi loài hoa đều có vẻ đẹp riêng. Lúc đó, mẹ hiền từ nói với Giét-xi rằng, con người cũng như hoa, ai cũng có vẻ đẹp và vai trò riêng. Nhờ sự khuyên giải của mẹ, Giét-xi đã hiểu ra và không còn buồn nữa. Bạn vui vẻ, tự tin đảm nhận vai người dẫn chuyện, góp phần giúp vở kịch thành công.
Từ câu chuyện, em hiểu rằng không ai là vô nghĩa. Dù ở vị trí nào, mỗi người đều có đóng góp riêng. Điều quan trọng là biết cố gắng và tự tin với chính mình. Đó là lý do em rất yêu thích câu chuyện này.
Bài tham khảo Bài mẫu 4
Trong chương trình Tiếng Việt lớp 4, em thích nhất là câu chuyện Thằn lằn xanh và tắc kè. Một câu chuyện ngộ nghĩnh, đáng yêu kể về cuộc sống của đôi bạn Thằn lằn và tăc kề, mang lại cho em bài học đáng nhớ.
Chuyện kể rằng vào một hôm nọ, khi thằn lằn xanh đang bò trên cành cây thì đột nhiên, thằn lằn phát hiện "người bạn mới" tắc kè đang bò trên bức tường ở một ngôi nhà và cất tiếng chào:
- Chào cậu! Tớ là thằn lằn xanh. Tớ thích đi kiếm thức ăn vào ban ngày.
- Chào cậu! Tớ là tắc kè. Tớ thích đi kiếm thức ăn vào buổi tối. – Tắc kè đáp lời thằn lằn xanh.
Cả hai bạn cảm thấy thích thú về cuộc sống của nhau: Tắc kè thì thấy chán những bức tường lắm rồi và muốn kiếm ăn trên cây, trong các bụi cỏ giống Thằn lằn. Còn Thằn lằn xanh lại muốn bò lên tường để tìm thức ăn giống tắc kè. Thế là đôi bạn quyết định đổi cuộc sống cho nhau.
Vài ngày sau, Thằn lằn xanh nhận ra tay và chân của mình không bám dính như tắc kè. Trong khi đó, tắc kẻ cũng cảm thấy mình không thể chịu được sức nóng của ban ngày. Cuối cùng họ cùng đổi lại cuộc sống như trước. Thằn lằn xanh trở về với cái cây của mình và thích thú đi kiếm ăn vào ban ngày. Tắc kè quay trở lại bức tường thân yêu và vui vẻ đi tìm thức ăn vào buổi tối. Đôi bạn vẫn thi thoảng gặp nhau và trò chuyện về cuộc sống.
Em rất yêu thích những trải nghiệm cuộc sống thú vị, đầy mới lạ của Thằn lằn xanh và tắc kè. Đồng thời nhờ đó em cũng nhận ra mỗi người đều có những ưu điểm, nên biết trân trọng và yêu mến cuộc sống hiện tại.
Bài tham khảo Bài mẫu 5
Trong cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt, em đặc biệt yêu thích câu chuyện “Đồng cỏ nở hoa”.
Câu chuyện kể về Bống, một cô bé nhỏ tuổi nhưng lại có tài năng hội họa tuyệt vời. Điều đặc biệt là Bống không học vẽ qua trường lớp nào, mà cô bé vẽ như thể đó là một phần trong cuộc sống hàng ngày, như ăn cơm hay thở vậy. Bống vẽ mọi thứ xung quanh mình, từ con mèo Kết, con chó Lu cho đến cây cau trong vườn hay bố Lít, tất cả đều rất sinh động, chân thật và gần gũi.
Một ngày, bác Lan, chị gái của bố Bống, tình cờ phát hiện ra những bức tranh của cô bé. Bác không ngừng khen ngợi tài năng của Bống, vì những bức tranh của cô không chỉ đẹp mà còn thể hiện sự quan sát tỉ mỉ và tinh tế. Cô bé vẽ không chỉ đơn thuần là hình ảnh mà còn làm cho những con vật, cây cối trong tranh như sống động hơn, như có hồn. Đặc biệt là những chi tiết đáng yêu như con gà mái có ti cho gà con bú, con mèo chuẩn bị quay lại để hăm dọa lũ chuột, tất cả thể hiện sự ngây thơ, trong sáng trong suy nghĩ của Bống.
Những bức tranh của Bống khiến họa sĩ Phan phải khen ngợi không ngừng và ông đã ví chúng giống như những đóa hoa nở trên đồng cỏ, tự nhiên, vô tư và đẹp đẽ. Đây là những bức tranh không cần cố gắng, không cần sự hoàn hảo, chỉ cần sự chân thật và tình yêu đối với cuộc sống.
Cuối câu chuyện, những hình ảnh đáng yêu trong các bức tranh của Bống khiến người đọc cảm nhận được sự ngây thơ, sự hồn nhiên của tuổi thơ. Em rất yêu thích câu chuyện này vì nó mang đến sự ấm áp, vui tươi và giúp em hiểu rằng mỗi người đều có một tài năng riêng biệt, và tài năng ấy cần được nuôi dưỡng, trân trọng.


Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện mà em đã đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4
- Lập dàn ý cho bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện mà em đã đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4
- Lập dàn ý cho bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4