Viết bài văn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4>
Một câu chuyện cổ tích nước ngoài mà em rất yêu thích chính là truyện Non-bu và Heng-bu. Truyện kể về hai anh em ruột nhưng lại có tính cách trái ngược nhau. Người anh lười biếng lại tham lam, còn người em thì tốt bụng, chăm chỉ.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện theo cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Câu chuyện đó có tên là gì? Em đã đọc được (hoặc nghe kể) ở đâu?
- Câu chuyện đó có nội dung như thế nào?
2. Thân bài: Kể lại nội dung câu chuyện đó theo trình tự thời gian.
- Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh:
+ Nhân vật chính là ai?
+ Câu chuyện xảy ra trong hoàn cảnh nào?
- Kể lại các sự việc chính trong câu chuyện:
+ Sự việc diễn ra khi nào? Ở đâu?
+ Chuyện gì xảy ra với nhân vật?
+ Ngoại hình nhân vật ra sao? Nhân vật có cảm xúc gì?
+ Nhân vật có những hành động gì?
- Tình cảm, cảm xúc của em đối với sự việc được kể (bất ngờ, hồi hộp, thích thú, xúc động...)
- Ý nghĩa của câu chuyện
3. Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,… và những liên tưởng, suy luận của em về câu chuyện hoặc chỉ nêu suy nghĩ, cảm xúc của em về câu chuyện.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1
Một câu chuyện cổ tích nước ngoài mà em rất yêu thích chính là truyện Non-bu và Heng-bu.
Truyện kể về hai anh em ruột nhưng lại có tính cách trái ngược nhau. Người anh lười biếng lại tham lam, còn người em thì tốt bụng, chăm chỉ. Một ngày nọ, Heng-bu gặp một chú chim nhạn nhỏ bé bị gãy chân, rơi xuống trước thềm nhà. Thấy thương con vật tội nghiệp, Heng-bu đưa chú vào nhà và chăm sóc chu đáo đến khi chú khỏi bệnh mới thả đi. Mùa xuân năm sau, chim nhạn trở về mang theo cho Heng-bu một hạt bầu thần kì. Những quả bầu mọc ra từ cây này cho anh nhiều vàng bạc châu báu. Từ đó vợ chồng anh sống cuộc sống giàu có. Người anh biết tin, vội đến hỏi thăm câu chuyện. Nghe xong, hắn liền tìm một chú chim nhạn rồi bẻ chân của nó. Xong xuôi hắn giả vờ chăm sóc chú chim tội nghiệp và đòi nó phải báo ơn. Lần này, chim nhạn cũng mang cho Non-bu một hạt bầu. Nhưng nhưng trái bầu khi bổ ra chỉ đem đến cướp bóc, tai họa cho hắn mà thôi. Kết cục, hắn mất đi tất cả, trở thành một kẻ ăn mày.
Câu chuyện với cách kể rất thú vị và các chi tiết thần kì đã thu hút em ngay từ lần đọc đầu tiên. Bài học mà câu chuyện muốn gửi gắm cũng thật sâu sắc và ý nghĩa vô cùng.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2
Câu chuyện cổ tích Sự tích hoa màu gà là câu chuyện về tình bạn ý nghĩa nhất mà em từng được đọc.
Câu chuyện kể về một cô gà mái mơ xinh đẹp. Cô có một chiếc mào đỏ tươi, lóng lánh dưới mặt trời như chiếc vương miện nhỏ. Cây cối và các con vật trong khu vườn ai cũng xuýt xoa về chiếc mào ấy. Bản thân gà mái mơ cũng rất hãnh diện về chiếc mào của mình. Cô luôn thích thú trước việc soi mình lên mặt hồ để tự ngắm vẻ đẹp của bản thân. Một ngày nọ, khi đang đi dạo trong khu vườn rạo rực sắc xuân, thì gà mái mơ nghe thấy tiếng khóc thút thít ở ven hồ. Lần qua đám cỏ dại, cô nhìn thấy một cây hoa nhưng lại chẳng có hoa đang đứng khóc rất buồn rầu. Hỏi chuyện gà mái mơ mới biết, bạn hoa này từ khi sinh ra đã không thể nở hoa. Giờ đây mùa xuân về, các bạn trong vườn đều rạo rực ra hoa, chỉ có bạn ấy là kém sắc, nên không có ai chơi cùng. Thấy bạn khóc nức nở, gà mái mơ buồn lắm. Sau một lúc suy nghĩ, gà mái mơ đã quyết định tặng chiếc mào của mình cho cây hoa. Từ hôm đó, cây hoa mào gà được tham gia hội hoa với các bạn bè trong khu vườn. Cây hoa vui lắm, nên tự giới thiệu mình là hoa mào gà để thể hiện sự biết ơn với bạn gà mái mơ. Còn gà mái mơ thì sao? Tuy chẳng còn chiếc mào lộng lẫy, nhưng cô vẫn vui vẻ, yêu đời vì đã giúp đỡ cho bạn bè. Còn mọi người thì vẫn quý mến cô như trước, vì cô là một chú gà tốt bụng.
Đọc Sự tích hoa mào gà, em cảm nhận được tình bạn trong sáng của gà mái mơ. Từ nhân vật này, em học được bài học ý nghĩa về sự sẻ chia, giúp đỡ và quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống.
Bài tham khảo Bài mẫu 1
Truyện cổ tích Tấm Cám là một câu chuyện có từ rất lâu, và đã đồng hành với biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam ta.
Tấm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ là Cám. Tấm luôn bị bắt làm việc nặng nhọc, còn Cám thì được chiều chuộng. Một lần, khi đi mò cua bắt ốc, Cám gian xảo đã bày mưu lừa Tấm đi gội đầu sạch sẽ, để cướp giỏ tôm cua về nhà trước. Chờ Tấm lên bờ thì trong giỏ chỉ còn mỗi con cá bống nhỏ xíu. Tấm bật khóc nức nở, thì ông Bụt hiện lên và dặn dò cô mang cá bống về nuôi. Mỗi ngày, Tấm đều thả cơm cho Bống ăn. Nhưng rồi mẹ con Cám đã lén bắt và ăn thịt Bống khiến Tấm rất đau buồn. Bụt hiện lên an ủi và chỉ cho Tấm tìm xương cá để bỏ vào lọ, đặt ở chân giường.
Ngày trẩy hội, Tấm không được đi vì bị mẹ kế bắt nhặt thóc trộn gạo. Mẹ kế bắt cô phải nhặt hết một đống đầy hạt gạo, hạt đỗ lẫn vào nhau xong mới được đi hội. Đau khổ, Tấm lại òa khóc. Ông Bụt lại hiện lên lần nữa, gọi đàn chim sẻ đến giúp Tấm. Nhờ vậy, cô nhanh chóng hoàn thành xong công việc dì ghẻ giao. Ông Bụt bảo cô lấy những chiếc bình ở chân giường lên, bên trong là bộ váy và đôi hài lộng lẫy. Mặc lên, Tấm đẹp như một nàng công chúa vậy.
Lúc đi qua sông, cô đánh rơi một bên giày xuống nước. Người đến hội đông quá, cô không sao xuống tìm giày được. Đúng lúc đó, voi của vua đi ngang qua, vướng chiếc giày nên mãi chẳng chịu đi. Vua cho lính xuống mò lên, ngắm đôi giày một lát, vua ra chỉ: Ai đi vừa chiếc giày ấy, sẽ được làm vợ vua. Biết bao cô gái đến thử vận may, nhưng chẳng ai vừa cả. Đến lượt Tấm, cô vừa đi thử là vừa ngay như in. Thế là Tấm trở thành hoàng hậu.
Tuy nhiên, mẹ con Cám vẫn không từ bỏ âm mưu hãm hại. Họ đã giết Tấm nhiều lần. Mỗi lần như vậy, Tấm lại hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung dệt... cho đến khi trở về làm người. Cuối cùng, Tấm được đoàn tụ với nhà vua, còn mẹ con Cám bị trừng phạt thích đáng.
Em rất thích truyện này vì nó cho thấy cái thiện luôn chiến thắng cái ác, và người hiền lành rồi sẽ được đền đáp xứng đáng.
Bài tham khảo Bài mẫu 2
Trong số các truyện cổ tích Việt Nam mà em đã học, truyện “Sọ Dừa” để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Câu chuyện tuy giản dị nhưng chứa đựng nhiều bài học quý giá về lòng nhân hậu và sự công bằng.
Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo làm thuê cho nhà phú ông. Một ngày nọ, người vợ mang thai và sinh ra một đứa con không tay không chân, tròn như cái sọ dừa, nên đặt tên là Sọ Dừa. Lớn lên, Sọ Dừa vẫn thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.
Tuy nhiên cậu chăn bò rất giỏi, khiến phú ông phải khen ngợi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Ba cô con gái của phú ông thay phiên nhau mang cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị thì khinh thường, còn cô út thì đối xử rất tử tế.
Một hôm đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý. Nhận ra tấm lòng tốt của cô út, Sọ Dừa đã xin cưới nàng làm vợ. Ngày cưới, Sọ Dừa bất ngờ xuất hiện với hình dáng khôi ngô, tuấn tú khiến mọi người kinh ngạc.
Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra rất thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Khi chàng đi sứ, hai cô chị tìm cách hại vợ chàng, nhưng âm mưu xấu xa đã bị vạch trần. Vợ chồng Sọ Dừa sống hạnh phúc bên nhau.
Qua truyện “Sọ Dừa” em nhận ra rằng vẻ bề ngoài không quan trọng, điều quý giá nhất là tấm lòng và phẩm chất bên trong con người.
Bài tham khảo Bài mẫu 3
Trong kho tàng truyện cổ tích đồ sộ, em thích nhất là câu chuyện Sự tích ngày và đêm với những bài học về tình bạn vừa thú vị lại ý nghĩa sâu sắc.
Truyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, trên bầu trời cao, Mặt Trăng tròn và sáng như một chiếc đĩa bạc, Mặt Trời rực rỡ như một quả cầu lửa và Gà Trống oai phong với chiếc mào đỏ chót sống thân thiết với nhau.
Hằng ngày, ba người bạn cùng nhau chơi đùa, cùng nhau ngắm nhìn thế giới bên dưới. Mặt Trăng rất thích chiếc mũ đỏ của Gà Trống và cứ gạ đổi mãi nhưng Gà Trống nhất định không chịu. Một hôm, không kiềm chế được lòng tham, Mặt Trăng đã giật lấy chiếc mũ và ném xuống đất. Gà Trống giật mình, đôi mắt tròn xoe vì ngạc nhiên và buồn bã. Gà Trống vội vã bay xuống tìm chiếc mũ. Nhưng trời tối đen, Gà Trống không thể tìm thấy. Cuối cùng, Gà Trống đã gọi Mặt Trời. Nghe tiếng gọi của bạn, Mặt Trời vội vén màn mây, những tia nắng vàng óng chiếu xuống mặt đất, đánh thức muôn loài. Nhờ ánh sáng của Mặt Trời, Gà Trống đã tìm lại được chiếc mũ mắc trên ngọn cây của mình. Tuy nhiên, vì quá mệt mỏi, Gà Trống không thể bay lên trời được nữa. Mặt Trời đành an ủi Gà Trống và đề nghị Gà Trống ở lại dưới mặt đất để đánh thức Mặt Trời mỗi buổi sáng.
Từ đó, mỗi sớm mai, tiếng gáy của Gà Trống lại vang vọng khắp nơi, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Mặt Trời mọc, mang đến ánh sáng và hơi ấm cho muôn loài. Còn Mặt Trăng vì xấu hổ, ân hận về việc làm của mình nên chỉ dám xuất hiện khi Mặt Trời và Gà Trống đã đi ngủ.
Truyện cổ tích Sự tích về ngày và đêm đã giải thích một cách sinh động về hiện tượng tự nhiên bạn ngày - đêm tối, đồng thời gửi gắm thông điệp sâu sắc về tình bạn và sự sẻ chia.
Bài tham khảo Bài mẫu 4
Ở trước nhà em có trồng rất nhiều cây tre. Mỗi khi rảnh rỗi, em thường ngồi đếm các đốt của cây tre. Có lần em hỏi ông: “Ông ơi, có cây tre nào có một trăm đốt không ạ?”. Nghe vậy ông bật cười: “Muốn có cây tre trăm đốt thì phải có thần chú cơ.” Nghe vậy em liền quấn lấy ông đòi biết được câu thần chú. Vậy là ông bảo em ngồi xuống rồi kể cho em nghe câu chuyện cổ tích Cây tre trăm đốt.
Chuyện kể về một anh chàng thanh niên tuy nghèo khó nhưng rất khỏe mạnh, chịu khó làm lụng. Anh làm đầy tớ cho một ông lão, và được ông ta hứa là nếu chịu khó làm lụng cho nhà lão mà không lấy tiền thì lão sẽ gả cô con gái xinh đẹp của mình cho. Nghe vậy, anh vui lắm, nên ra sức làm lụng mà không lấy dù chỉ một đồng điền công.
Tuy nhiên, khi đến lúc cô con gái xinh đẹp trưởng thành thì ông ta đổi ý. Muốn gả cô cho tên phú hộ trong làng. Vì vậy, hắn nói với chàng trai rằng, hãy tìm cho được một cây tre trăm đốt về làm đũa cưới thì mới gả con gái cho. Thế là chàng trai hì hục thi tìm cây tre trăm đốt. thế nhưng chàng tìm mãi, tìm mãi vẫn không tìm được cây tre trăm đốt nào cả. Quá mệt mỏi và tuyệt vọng, chàng ngồi xuống bật khóc tức tưởi. Đúng lúc đó bụt hiện lên, bảo anh hãy chặt một trăm đốt tre và dạy cho anh hai câu thần chú. Câu thần chú “Khắc nhập, khắc nhập” để một trăm đốt tre tự gắn lại với nhau tạo thành cây tre trăm đốt. Câu thần chú “Khắc xuất, khắc xuất” để các đốt tre tự rời nhau ra để tiện di chuyển.
Thế là chàng trai mừng rỡ mang tre về nhà. Về đến nơi, chàng thấy trên sân là đám cỗ linh đình thì nhận ra là mình bị lừa. Thế là, chàng vội chạy lại, gọi ông lão lại xem cây tre trăm đốt. Khi lão ta vừa lại gần, chàng đọc ngay “Khắc nhập, khắc nhập” khiến lão bị dính luôn vào cây tre, trở thành đốt tre một trăm linh một. Cả nhà hỗn loạn, đầy tờ tìm mọi cách vẫn không gỡ lão ra được. mãi sau, lão đồng ý gả con gái cho chàng đúng như đã hứa. Chàng không tin ngay, mà bắt lão thề thốt nhiều lần mới thả cho lão xuống. Từ đó, mọi người ai cũng nể phục chàng lắm. Còn chàng thì cưới được cô vợ xinh đẹp, chung sống bên nhau hạnh phúc.
Câu chuyện khiến em bật cười nhưng cũng cảm thấy vui vì người thật thà đã được đền đáp. Truyện dạy em rằng không nên lừa dối ai, và người xấu sẽ bị quả báo.
Bài tham khảo Bài mẫu 5
Tối nào cũng vậy, bằng giọng nói ấm áp, bà lại kể cho em nghe một câu chuyện cổ tích từ ngày xửa ngày xưa. Trong những câu chuyện bà kể, em nhớ mãi câu chuyện Cô bé Lọ Lem với bao nhiêu phép biến hoá nhiệm màu.
Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ có một cô gái xinh đẹp tên là Lọ Lem. Cha cô mất sớm, cô phải sống cùng bà mẹ kế độc ác cùng người chị cùng cha khác mẹ. Ngày ngày họ bắt cô phải làm lụng vất vả như người hầu trong nhà, trong khi các chị của cô được ăn diện xinh đẹp nhàn nhã. Một hôm, Hoàng tử mở hội cho phép các thiếu nữ của vương quốc tham gia, bà mẹ kế biết chuyện nên nhất quyết không cho Lọ Lem đi, bắt cô làm nhiều việc nhà. Lọ lem vừa buồn vừa tủi thân, cô bật khóc. Bỗng có một bà tiên tốt bụng đã hiện ra, biến cô thành một thiếu nữ xinh đẹp mặc quần áo sang trọng, đi đôi giày thủy tinh. Sự xuất hiện của Lọ Lem đã làm ngỡ ngàng mọi người, đặc biệt với chàng Hoàng tử. Tới lúc chuông điểm 12 giờ vang lên, Lọ Lem vội bỏ về mà đánh rơi mất một chiếc giày. Phải xa Lọ Lem, Hoàng tử rất buồn, chàng sai người hầu đi khắp đất nước tìm xem cô gái nào xỏ vừa chiếc giày đó sẽ lấy làm vợ. Câu chuyện kết thúc khi Hoàng tử đã tìm ra Lọ Lem, hai người lấy nhau, sống hạnh phúc.
Khép lại trang sách, em nhận ra rằng Cô bé Lọ Lem đâu phải một nàng câu chúa yếu đuối chỉ biết chờ hoàng tử đến cứu trong căn gác mái cũ kỹ đâu. Nàng dũng cảm, lạc quan dù phải đối mặt với khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống. Nàng yêu đời, biết nắm bắt cơ hội đi đến vũ hội để gặp được định mệnh đời mình. Dù là một câu chuyện cổ tích đã ra đời hàng thế kỉ nhưng những giá trị sâu sắc, bài học ý nghĩa của Cô bé Lọ Lem vẫn đang chờ đợi những người yêu mến đến tìm hiểu và cảm nhận.
Bài tham khảo Bài mẫu 6
Từ khi em còn nhỏ, mỗi tối mẹ đều kể chuyện cổ tích ru em ngủ. Trong những câu chuyện ấy, em thích nhất là truyện Thạch Sanh.
Truyện kể rằng, ở một làng nọ, có đôi vợ chồng nông dân già, tuy nghèo khó nhưng sống rất nhân hậu mà mãi vẫn chưa có con. Ngọc Hoàng thương tình bèn phái Thái tử xuống đầu thai làm con của ho. Và họ đặt tên con là Thạch Sanh. Hai vợ chồng già sớm qua đời, Thạch Sanh sống một mình ở gốc đa và kiếm sống bằng nghề hái củi.
Lý Thông ngồi hàng rượu thấy Thạch Sanh khỏe mạnh nên dỗ dành giả vờ kết nghĩa anh em để lợi dụng Thạch Sanh. Vì là người tốt bụng nên Thạch Sanh không mảy may nghi ngờ mà đồng ý làm em Lý Thông. Hắn đã lừa Thạch Sanh thay mình đi cúng mạng cho chằn tinh tại miếu thờ. Thạch Sanh đã giết chết chằn tinh, sau đó chàng đốt xác đó thì nhận được cây cung vàng. Nhưng lại một lần nữa, Lý Thông lại lừa Thạch Sanh, cướp công của chàng và được vua ban thưởng đồng thời phong làm Quận Công. Còn Thạch Sanh lại về sống ở gốc đa.
Công chúa bị đại bàng khổng lồ bắt, Thạch Sanh thấy được, lấy cung bắn đại bàng và chàng theo dấu máu, biết được nơi cư trú của đại bàng. Nhà vua sai Lý Thông đi cứu công chúa. Lý Thông lại nhờ Thạch Sanh giết đại bàng và cứu được công chúa, và khi công chúa lên khỏi hang, hắn sai người lấp hang để giết Thạch Sanh. Và được nhà vua gả công chúa cho. Tại hang, Thạch Sanh lại cứu được con vua Thủy Tề và được vua tặng cho cây đàn thần.
Khi công chúa trở về cung, nàng chẳng nói năng gì, nhà vua rất lo lắng. Còn Thạch Sanh bị chằn tinh và đại bàng trả thù vu oan nên bị bắt giam vào ngục. Chàng bèn lấy đàn ra gảy, thì công chúa khỏi bệnh và đem mọi chuyện kể cho vua cha nghe, Thạch Sanh được minh oan, mẹ con Lý Thông tuy được tha nhưng vì độc ác nên trên đường về bị sét đánh chết hóa thành thạch sùng.
Thạch Sanh được vua gả công chúa và trở thành phò mã. Các thái tử nước chư hầu vì không được gả công chúa nên đã đem quân sang đánh. Thạch Sanh đem đàn ra đánh, đẩy lùi được quân 18 nước và thết đãi họ cơm trong niêu thần ăn rồi lại đầy. Về sau, vua nhường ngôi cho Thạch Sanh.
Càng nghe câu chuyện, em càng yêu quý tính tình hiền lành, tốt bụng của Thạch Sanh và càng căm ghét những kẻ vong ân bội nghĩa như mẹ con Lý Thông. Em tự hứa với lòng là sẽ noi theo tấm gương tốt để trở thành người có ích cho xã hội vì em hiểu được ý nghĩa sâu xa của truyện cổ tích này là ở hiên gặp lành” và “ác giả ác báo”.


Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện mà em đã đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4
- Lập dàn ý cho bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện mà em đã đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4
- Lập dàn ý cho bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4