Viết bài văn tả một cây được trồng nhiều ở địa phương hoặc nơi em ở lớp 4>
Em yêu quê hương với những hàng nhãn xanh mướt. Ở quê em, nhãn mọc khắp nơi: trong vườn, trước sân, sau nhà và dọc hai bên đường làng. Mùa xuân về, cây nhãn trút bỏ lá cũ, đâm chồi nảy lộc và say sưa đón mưa xuân.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài: Giới thiệu về cây mà em muốn miêu tả:
- Cây đó thuộc loại cây gì? Được trồng ở đâu? Do ai trồng?
2. Thân bài: Tả đặc điểm của cây
+ Cây cao bao nhiêu?
+ Hình dáng như thế nào? (cong/ thẳng; to/ nhỏ, ...)
+ Thân cây có đặc điểm gì? (nhẵn, bóng, sần sùi, thô ráp, mềm, ...)
+ Rễ có đặc điểm gì? (nằm sâu dưới đất, nổi lên mặt đất, ...)
+ Cành cây ra sao? (nhiều cành, không có cành, khẳng khiu, vươn dài, ...)
+ Đặc điểm của lá cây (Lá cây có hình gì? Kích thước ra sao? Màu sắc như thế nào? Lá cây có rụng theo thời kì không hay rụng theo mùa?, ...)
+ Quả (Khi nào cây có quả? Quả có hình dáng như thế nào? Bao lâu thì chín? Khi chín quả có mùi hương như thế nào? Ăn có vị ra sao?)
3. Kết bài: Nêu tình cảm, cảm xúc của em dành cho cây hoa đó
Phương pháp giải:
1. Mở bài: Giới thiệu về cây mà em muốn miêu tả:
- Cây đó thuộc loại cây gì? Được trồng ở đâu? Do ai trồng?
2. Thân bài: Tả đặc điểm của cây
+ Cây cao bao nhiêu?
+ Hình dáng như thế nào? (cong/ thẳng; to/ nhỏ, ...)
+ Thân cây có đặc điểm gì? (nhẵn, bóng, sần sùi, thô ráp, mềm, ...)
+ Rễ có đặc điểm gì? (nằm sâu dưới đất, nổi lên mặt đất, ...)
+ Cành cây ra sao? (nhiều cành, không có cành, khẳng khiu, vươn dài, ...)
+ Đặc điểm của lá cây (Lá cây có hình gì? Kích thước ra sao? Màu sắc như thế nào? Lá cây có rụng theo thời kì không hay rụng theo mùa?, ...)
+ Quả (Khi nào cây có quả? Quả có hình dáng như thế nào? Bao lâu thì chín? Khi chín quả có mùi hương như thế nào? Ăn có vị ra sao?)
3. Kết bài: Nêu tình cảm, cảm xúc của em dành cho cây hoa đó
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1
Em yêu quê hương với những hàng nhãn xanh mướt. Ở quê em, nhãn mọc khắp nơi: trong vườn, trước sân, sau nhà và dọc hai bên đường làng.
Mùa xuân về, cây nhãn trút bỏ lá cũ, đâm chồi nảy lộc và say sưa đón mưa xuân. Chẳng bao lâu, hoa nhãn nở rộ, tỏa hương dịu nhẹ, hấp dẫn những đàn ong đến hút mật. Khi hoa rụng, trên cành xuất hiện từng chùm quả non, rồi lớn dần. Vào giữa mùa hè thì quả nhãn chín, từng chùm quả mọng nước, ngọt lịm. Trẻ con chúng em háo hức thưởng thức từng trái nhãn ngọt ngào ấy. Nhãn không cần đất tốt, không cần chăm bón nhiều mà vẫn sống xanh tươi, bền bỉ. Cây âm thầm dâng hiến cho đời những quả ngon, cùi nhãn làm thuốc, hạt dùng chế cồn.
Em yêu cây nhãn không chỉ vì trái ngon, mà còn vì sức sống mãnh liệt và sự cống hiến thầm lặng của nó.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2
Ở khu phố em, nhà nào cũng trồng hoa giấy. Những giàn hoa rực rỡ tạo nên những bức tường sắc màu tuyệt đẹp, thu hút bao ánh nhìn. Trước mái hiên nhà em cũng có một giàn hoa giấy hồng đậm đang nở rộ mỗi độ xuân về.
Hoa giấy là cây leo, thân nhỏ màu nâu sậm, mềm và mảnh như chiếc đũa ăn cơm. Thân cây quấn quanh giàn tre và cổng sắt để vươn cao và lan rộng. Lá của cây hoa giấy màu xanh thẫm có viền răng cưa và những đường vân ngoằn ngoèo trên mặt lá. Những chiếc lá của cây xếp chồng lên nhau tạo thành chiếc ô kín không cho ánh nắng chói chang chiếu xuống. Hoa nở theo chùm, mỗi chùm có sáu đến bảy bông. Cánh hoa giấy mỏng, mềm và nhẹ bẫng như nhung. Khi sờ vào những cánh hoa, cảm giác vừa mịn vừa mát thật là thích. Hoa giấy không có nhiều cánh như hoa hồng hay hoa đào, hoa giấy chỉ có bốn cánh khum khum chụm vào nhau, che chở cho nhụy hoa bé nhỏ ở bên trong.Cánh hoa khum khum che lấy nhụy hoa nhỏ bên trong. Giàn hoa phủ kín mái hiên khiến khoảng sân nhà em trở nên mát mẻ, dễ chịu.
Em rất yêu cây hoa giấy trước hiên nhà. Dù sau này có đi xa, hình ảnh giàn hoa ấy sẽ mãi ở trong ký ức của em.
Bài tham khảo Bài mẫu 1
Ở nơi em sinh sống, cây bàng là loại cây được trồng rất nhiều. Chúng xuất hiện dọc theo các vỉa hè, ven đường. Cây không chỉ cho bóng mát mà còn gắn bó với cuộc sống của người dân quê em. Trước cổng nhà em cũng có một cây bàng rất cao lớn và thân thuộc.
Cây bàng này cao phải hơn bốn mét, vươn hẳn lên trên cả cột đèn đường. Thân cây to như cái cột nhà, vững chãi và cứng cáp. Phía dưới là bộ rễ to khỏe, một phần nổi lên trên mặt đất như những con rắn khổng lồ đang trườn. Nhờ có bộ rễ ấy mà cây bàng có thể đứng vững trước bao cơn mưa bão. Thân cây đã già nên lớp vỏ trở nên sần sùi, nứt nẻ, nhìn như mặt đất khô vào mùa hè. Khi sờ tay vào, cảm giác nhám nhám, nhồn nhột rất lạ.
Tán cây bàng rộng lớn với vô số cành tỏa ra khắp hướng. Cành thấp nhất cũng cao hơn đầu người lớn. Lá bàng to bằng bàn tay bố em, hình bầu dục, xanh mướt vào mùa xuân hè và chuyển sang màu đỏ vàng vào mùa thu đông rồi rụng xuống. Vào mùa nắng, tán cây rợp bóng mát cả một khoảng sân. Nhờ cây nghiêng về phía nhà em mà khu vực trước sân lúc nào cũng mát mẻ, dễ chịu. Mỗi buổi chiều, em đều mang nước tưới cho cây như cách đáp lại tình cảm mà cây âm thầm dành cho gia đình em.
Em rất yêu quý cây bàng trước nhà em. Vì với em, cây như một người bạn thầm lặng đứng đó chào tạm biệt em đi học và đón em trở về nhà.
Bài tham khảo Bài mẫu 2
Xung quanh nơi em sống luôn ngập tràn sắc xanh của cây cối. Trong số đó, em yêu nhất là cây nhãn gắn bó với em suốt những năm tháng tuổi thơ.
Nhà em có một cây nhãn trồng ở góc vườn, vừa để lấy bóng mát, vừa cho quả ngọt vào mùa. Nhìn từ xa, cây vững chãi như một người gác vườn trầm lặng. Thân cây to, xù xì, đầy rêu phong, vỏ nâu sẫm bong tróc theo thời gian. Rễ cây nổi lên mặt đất như những con rắn khổng lồ. Những cánh tay nhãn vươn lên vững chắc như muốn nâng đỡ cả đất trời. Tán cây xanh mươn mướt, nhất là sau những trận mưa lớn, tán cây lại khoác lên mình một màu xanh mướt như được phết lên một lớp dầu bóng. Lá nhãn thuôn dài, mượt mà như một nét mi.
Đầu hè là mùa hoa nhãn nở rộ. Hoa nhỏ li ti, kết thành từng chùm vàng ruộm như sao trời. Khi ve bắt đầu kêu râm ran, là lúc nhãn kết trái. Quả nhãn tròn, cùi dày, trắng đục như ngọc. Hạt nhãn đen lay láy như ánh mắt của một người thiếu nữ đang độ xuân thì. Vị ngọt thanh của quả như chứa đựng cả nắng gió mùa hè, khiến ai ăn cũng thấy dễ chịu, sảng khoái.
Cây nhãn không chỉ là một loài cây quen thuộc mà còn là một phần ký ức tuổi thơ của em. Vị ngọt, màu xanh và bóng mát của cây sẽ luôn ở mãi trong trái tim em.
Bài tham khảo Bài mẫu 3
Những con phố cổ luôn có trong tâm tưởng của người Hà Nội. Và tự lúc nào, đầu mỗi con phố đều có một cây hoa sữa.
Những ngày hè nóng nực, cây như một chiếc ô xanh che mát cho mấy bác xích lô, những người khách bộ hành... Thân cây hoa sữa cao, mảnh dẻ nhưng sần sùi, thô ráp như có sự can thiệp cùa bàn tay khốc liệt là thời gian. Cành cây mảnh mai vươn dài xen lẫn trong đám lá xanh rì. Những chiếc lá nhỏ, dài mọc thành từng chùm, mỗi chùm có khoảng 5- 6 lá. Lá hoa sữa khá đặc biệt, mặt sau của lá không phải là màu xanh là màu trắng bàng bạc. Nói đến thân, cành, lá thì dĩ nhiên phải nói đến nhựa cây. Bởi chính nguồn nhựa sống ấy đã giúp cây trường tồn cùng thời gian. Mỗi lần ai đó bứt lá hay lũ trẻ nghịch ngợm nô đùa, bẻ gẫy cành cây thì dòng nhựa trắng đục ấy lại chảy ra như dòng máu nóng.
Những buổi chiều mùa đông, nếu có dịp tản bộ trên con đường Nguyễn Du, bạn sẽ ngửi thấy một mùi thơm thoang thoảng nhưng nồng nàn, đó chính là mùi thơm của hoa sữa đã nở rồi đấy. Không ngờ loài cây bình dị ấy lại có thể dâng cho đời một hương hoa thơm đặc biệt đến vậy. Hoa sữa nhỏ xinh, trắng ngà, kết với nhau thành từng chùm. Mỗi chùm hoa chỉ nhỏ bằng nắm tay tôi. Từ chùm hoa luôn toả ra mùi thơm ngây ngất. Hương của nó vừa quyến rũ lại vừa dịu êm, vừa thanh tao lại sang trọng như được tạo hoá ban tặng. Nếu ta đưa cả chùm hoa lên mũi ngửi thì sẽ thấy một mùi thơm sực nức.
Nhưng nếu ngửi hương hoa trong không khí, trong gió nhẹ thoảng qua thì mùi thơm ấy lại mát dịu, dễ đi vào lòng người. Ông tôi thường bảo rằng: “Hoa sữa không có sắc đẹp nhưng nó có hương thơm say nồng, quyến rũ đến lạ kỳ mà khó loài hoa nào có được”. Có lẽ vì thế mà hoa sữa luôn gắn liền với đất Hà Thành, với con người Hà Nội. Hoa sữa tô điểm cho Hà Nội một vẻ đẹp đáng yêu. Người Hà Nội, ai đi xa cũng để thương, để nhớ hoa sữa trong tâm hồn mình.
Hoa sữa tô điểm cho Hà Nội một vẻ đẹp đáng yêu. Người Hà Nội, ai đi xa cũng để thương, để nhớ hoa sữa trong tâm hồn mình.
Bài tham khảo Bài mẫu 4
Ở quê em, hầu như nhà nào cũng trồng chuối trong vườn. Dù mỗi người có sở thích trồng cây khác nhau, nhưng cây chuối luôn xuất hiện ở mọi khu vườn bởi dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lại cho hiệu quả kinh tế cao.
Loại chuối phổ biến nhất là chuối lùn. Tuy gọi là “lùn” nhưng cây trưởng thành cũng cao từ 1m6 đến 1m8. Thân cây chuối thẳng đuột, to tròn như cột nhà. Thân chuối thực ra được tạo nên từ nhiều lớp bẹ quấn chặt vào nhau, chứ không đặc ruột như các cây thân gỗ. Rễ chuối là rễ chùm, mọc từ củ chuối cắm sâu xuống đất nên cây bám rất chắc. Cây chuối không có cành, chỉ có lá. Lá chuối mọc từ phần ngọn của thân cây chuối, to bản, xanh thẫm, tỏa ra như những cánh quạt. Lá chuối non ban đầu dựng thẳng như thân cây, cuốn chặt như một phong thư chưa được mở. Sau nó sẽ lớn hơn, đậm màu hơn, cứng cáp hơn mà mở bung ra, duỗi thẳng.
Cây chuối kết trái không có thời gian cố định. Cứ khi tích lũy đủ chất, hấp thu đủ tinh hoa đất trời thì nó sẽ ra trái. Từ ngọn cây chuối nhú ra chồi hoa. Khi hoa nở ra, bên trong nó là các lớp nhụy hoa, Từng lớp thụ phấn thành từng nải chuối, kéo dãn dài ra tạo thành cả một buồng chuối to. Mỗi quả chuối dài và cong cong như lưỡi liềm, thường to bằng tay lái xe máy. Mỗi cây chuối lùn, cả cuộc đời chỉ cho ra quả một lần. Sau lần đó, nó sẽ không thể ra hoa kết trái nữa. Mà dành sức dưỡng lên những cây con mọc sát cạnh mình, chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo.
Với người quê em, cây chuối không có bộ phận nào là bỏ đi. Quả chín ăn ngọt, quả xanh dùng nấu ăn. Hoa chuối làm rau sống, lá dùng gói bánh, thân làm thức ăn cho gia súc.
Từ nhỏ, hình ảnh tàu lá chuối đung đưa trong gió đã in sâu vào trong tâm trí của em. Dù cuộc sống có thay đổi, em mong cây chuối vẫn mãi là một phần không thể thiếu của quê hương em.
Bài tham khảo Bài mẫu 5
Quê hương Hải Dương của em nổi tiếng là vùng trồng vải thiều ngon nhất nhì cả nước với đặc sản vải thiều Thanh Hà. Cứ mỗi độ vải chín là đi đâu cũng thấy vải, vải chín đỏ ối treo dày đặc trên cây; hay từng thúng vải được bày bán trên chợ, đường đi, hương thơm mát ngọt lịm lan khắp vùng... Bà con trong vùng thì tất bật thu mua vải chín, tiếng thương lái ì xèo mặc cả.
Về quê em mọi người sẽ bắt gặp những vườn vải rộng mênh mông ở đồng bằng, những hàng vải dài cả cây số trên đường, cành lá sum suê và sai trĩu quả. Cây vải là cây ăn quả lâu năm, thân gỗ cao lớn, nhiều cành và tán rộng, đối với vải mùa nào trông nó cũng tươi tốt vì chẳng có mùa rụng lá, chúng thay lá thường xuyên chứ không rụng trơ trụi theo mùa. Mùa xuân thì xanh tốt với những lộc non mơn mởn, mùa hè thì rực rỡ hoa trắng rồi đến khi những chùm vải chín làm đỏ rực cả cây, mùa thu và mùa đông là lúc cây vải nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một mùa hoa tiếp theo.
Quả vải là thức quả thơm ngon, hiếm ở đâu có được. Khác với vải tu hú, trái vải thiều Thanh Hà chỉ lớn cỡ ngón chân cái, dầy dặn, mịn và có gai lì, quả tròn, tạo thành chùm, vỏ mỏng đỏ vàng. Hạt vải thiều thường chỉ bằng đầu đũa hoặc còn nhỏ hơn thế, lắm khi còn chẳng thấy hạt đâu, phải nhằn tìm để khỏi nuốt phải. Thưởng thức trái vải sẽ cho cảm giác như tự tan ra, không cảm thấy vị se, vị chua, chát, cứ ngọt dần, ngọt dần... Lớp cùi mọng nước ngọt lịm, mát rượi, thanh thanh thơm thơm cái vị riêng có của vải thiều, tứa ra khắp miệng, tỉnh cả người.
Cây vải thiều là niềm tự hào của địa phương em, nhờ có nó mà người dân có thêm thu nhập, trở thành thức quà gửi đi khắp mọi miền, để lại trong lòng người thưởng thức những dư vị khó quên.


- Viết bài văn tả một cây lương thực mà em yêu thích lớp 4
- Viết bài văn tả một cây cảnh mà em yêu thích lớp 4
- Viết bài văn tả một vườn cây (hoặc rặng cây) lớp 4
- Viết bài văn tả một vườn rau hoặc một vườn hoa mà em thích lớp 4
- Viết bài văn tả một cây hoa mà em thích lớp 4
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục