Viết bài văn kể lại câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em đã đọc, đã nghe lớp 4>
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, em rất kính trọng và ngưỡng mộ bà Đinh Thị Vân – nữ anh hùng được mệnh danh là “Bông hồng thép”. Bà Đinh Thị Vân sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ngay từ nhỏ, bà đã được sớm tiếp xúc với các hoạt động cách mạng.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em muốn kể.
- Nhân vật lịch sử là ai? Em đã đọc được (hoặc nghe kể) ở đâu?
2. Thân bài: Kể lại câu chuyện đó theo trình tự hợp lí.
- Giới thiệu nhân vật lịch sử:
+ Tên nhân vật, xuất thân.
+ Đặc điểm nổi bật
- Kể các sự việc chính theo diễn biến của câu chuyện (mở đầu, diễn biến, kết thúc):
+ Hoàn cảnh diễn ra câu chuyện (thời gian, bối cảnh đất nước,…).
+ Diễn biến câu chuyện:
- Nhân vật đã làm gì? Ở đâu? Khi nào?
- Hành động, lời nói của nhân vật thể hiện phẩm chất gì?
- Kết quả của hành động đó ra sao?
- Phân tích những suy nghĩ, hành động… của nhân vật lịch sử trong khi kể.
- Ý nghĩa của câu chuyện
3. Kết bài: Cảm nghĩ của em về nhân vật lịch sử đó và câu chuyện vừa kể.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, em rất kính trọng và ngưỡng mộ bà Đinh Thị Vân – nữ anh hùng được mệnh danh là “Bông hồng thép”.
Bà Đinh Thị Vân sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ngay từ nhỏ, bà đã được sớm tiếp xúc với các hoạt động cách mạng. Khi lớn hơn, với sự gan dạ và tinh thần cống hiến hết mình cho Tổ quốc, bà hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng cùng gia đình và đồng đội. Không chỉ dừng lại ở những việc nhỏ, bà còn tình nguyện Nam tiến, xâm nhập vào trung tâm đầu não của địch để làm công tác tình báo. Tại nơi nguy hiểm ấy, bà Vân âm thầm xây dựng và phát triển mạng lưới tình báo, từng bước len lỏi vào các tầng lớp nội bộ của kẻ thù. Nhờ đó, quân ta có được nhiều thông tin quý giá, góp phần quan trọng vào chiến thắng giải phóng miền Nam. Trong quá trình hoạt động, bà từng bị giặc bắt và tra tấn dã man. Nhưng với lòng yêu nước và ý chí kiên cường, bà không hề khai báo. Sau khi được thả, bà tiếp tục chiến đấu không sợ hiểm nguy.
Em rất cảm phục tinh thần dũng cảm, sự gan dạ và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc của bà. Bà xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2
Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều năm tháng chiến tranh gian khổ. Trong những năm ấy, có rất nhiều vị anh hùng góp phần làm nên lịch sử. Một trong số đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh năm 1911, mất năm 2013, quê ở Quảng Bình. Được sinh ra trong một gia đình yêu nước, từ nhỏ ông đã được giáo dục tinh thần căm thù giặc và lòng yêu nước sâu sắc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông luôn được Bác Hồ tin tưởng giao trọng trách quan trọng.
Chuyện kể rằng cuối năm 1954, Ban Thường vụ Trung ương quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Trước khi ra mặt trận, Bác Hồ có hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”. Đại tướng trả lời: “Thưa Bác, chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề gì quan trọng, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị!”. Bác bảo: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh!”. Chính sự tin tưởng ấy đã giúp ông kiên định với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biểu tượng lớn của lòng yêu nước, trí tuệ và bản lĩnh quân sự. Em vô cùng kính trọng và tự hào về ông – một người anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Bài tham khảo Bài mẫu 1
Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc Việt Nam ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Một trong những tấm gương anh hùng khiến em vô cùng khâm phục là chị Võ Thị Sáu – người con gái Đất Đỏ.
Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã cùng anh trai tham gia cách mạng. Chị tham gia vào đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Không chỉ dừng lại ở đó, Võ Thị Sáu còn trực tiếp tham gia các trận chiến đấu, nhiều lần phát hiện và triệt phá gian tế, giúp lực lượng cách mạng thoát khỏi nguy hiểm.
Một lần, chị nhận nhiệm vụ ném lựu đạn để trừng trị tên Việt gian - cai Tòng ngay tại quê nhà. Dù hắn không chết, nhưng vụ việc đã khiến bọn địch hoang mang, run sợ và không dám lùng sục dân làng như trước. Trong một lần làm nhiệm vụ sau đó, chị bị địch bắt. Chị bị tra tấn dã man và giam giữ tại nhiều nơi như nhà tù Đất Đỏ, khám đường Bà Rịa và khám Chí Hòa. Dù lúc đó chưa đủ 18 tuổi, tòa án thực dân vẫn tuyên án tử hình chị. Võ Thị Sáu bị đưa ra Côn Đảo, và bị xử bắn một cách lén lút, dã man.
Cái chết của chị khiến bao người tiếc thương, cảm phục. Năm 1993, chị được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Câu chuyện về chị Võ Thị Sáu đã để lại trong em niềm xúc động và lòng tự hào sâu sắc. Chị chính là bông hoa đỏ thắm của quê hương, là biểu tượng cao đẹp của tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do mà em sẽ mãi ghi nhớ và noi theo.
Bài tham khảo Bài mẫu 2
Trong lịch sử nước ta có rất nhiều anh hùng với tuổi đời còn rất nhỏ, họ là những người thiếu niên với tấm lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và đã giác ngộ Cách mạng từ rất sớm. Đối với em, những người thiếu niên đó đã giúp em có thêm những niềm cảm hứng tốt đẹp trong từng suy nghĩ, từng hành động và ước mơ của mình. Và có lẽ, người anh hùng thiếu niên Kim Đồng là người mà em yêu kính, khâm phục và là nguồn cảm hứng lớn nhất trong em.
Kim Đồng, anh tên thật là Nông Văn Dền, sinh năm 1928, là một người dân tộc Nùng tại tỉnh Cao Bằng. Tuy là người dân tộc thiểu số, nhưng được sinh ra trong cái nôi Cách mạng nên anh sớm đã giác ngộ lý tưởng Cách mạng và trở thành đội trưởng đội Nhi đồng cứu quốc. Tuy còn nhỏ nhưng Kim Đồng đã nhận thức rõ được nhiệm vụ của Cách mạng và khuyến khích, vận động các bạn khác đi theo hoạt động và làm liên lạc cho Việt Minh.
Năm 1943, khi đó, Kim Đồng mới mười lăm tuổi, trong một lần làm nhiệm vụ canh gác, anh đã anh dũng hi sinh khi bảo vệ các đồng chí lãnh đạo rút lui về chiến khu an toàn. Anh hi sinh khi tuổi đời còn rất nhỏ, và sự hi sinh của anh đã trở thành tấm gương sáng chói để lớp thiếu niên thế hệ sau noi theo.
Ở Kim Đồng, chúng ta học được sự thông minh, nhanh nhẹn, lòng dũng cảm và lòng yêu nước sâu sắc. Vâng lời Bác Hồ đã dặn, thiếu niên chúng ta phải luôn biết "yêu Tổ quốc, yêu đồng bào". Từ tấm gương anh hùng Kim Đồng, chúng ta được truyền thêm nguồn cảm hứng để thực hiện được điều đó. Mỗi người thiếu niên chúng ta cần phải rèn luyện đạo đức, tác phong của mình, học tập thật chăm chỉ, tham gia các lớp ngoại khóa về chủ quyền dân tộc cũng như tuyên truyền để bảo vệ đất nước của mình. Kim Đồng cũng đã truyền cho tôi động lực và ước mơ được trở thành một người lính cầm súng bảo vệ quê hương mình. Chính anh là người đã khơi lên tình yêu nước trong tôi và lòng quyết tâm thực hiện ước mơ của mình để góp phần giữ gìn Tổ quốc như anh đã từng làm.
Chắc hẳn, không chỉ em mà toàn bộ người dân Việt Nam đều khâm phục lòng yêu nước vô cùng của Kim Đồng. Anh sẽ mãi mãi là tượng đài bất hủ của thiếu niên chúng ta về lòng yêu nước và sự can đảm, lòng dũng cảm của mình.
Bài tham khảo Bài mẫu 3
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã có biết bao vị anh hùng bất khuất. Trong số đó, em ấn tượng và yêu thích nhất là câu chuyện về Hai Bà Trưng – hai nữ anh hùng dân tộc đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Câu chuyện kể rằng, vào thời kỳ nước ta bị giặc phương Bắc đô hộ, nhân dân phải sống dưới ách thống trị tàn bạo và áp bức nặng nề. Giặc bắt dân ta cống nạp của cải, đày người dân đi săn thú, mò ngọc trai… khiến cuộc sống nhân dân vô cùng khổ cực. Giữa hoàn cảnh ấy, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, sống ở vùng đất Mê Linh, được mẹ nuôi dạy nên người, không chỉ thông minh, giỏi võ nghệ mà còn hiểu biết về binh pháp, chiến lược. Hai bà mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc. Khi giặc giết chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách để răn đe, chúng không hề biết rằng hành động tàn bạo ấy càng làm cho ngọn lửa căm hờn của hai bà càng thêm bùng cháy. Hai bà quyết tâm đứng dậy khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân vùng lên giành lại giang sơn. Nghĩa quân khí thế mạnh mẽ tiến đánh thành Luy Lâu hỏi tội Tô Định. Hai bà mặc áo giáp oai phong, cưỡi voi ra trận, khiến kẻ thù khiếp sợ. Trận chiến kết thúc, giặc bị đánh tan, Tô Định tháo chạy về nước trong nhục nhã. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã giành được thắng lợi, mang lại độc lập cho đất nước sau bao năm bị đô hộ.
Đọc câu chuyện, em vô cùng cảm phục hai bà. Hai bà không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, mà còn là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam và cả dân tộc. Em càng thêm yêu quý lịch sử nước nhà và mong muốn học tập thật tốt để trở thành n gười có ích như hai Bà Trưng.
Bài tham khảo Bài mẫu 4
Trong những câu chuyện về nhân vật lịch sử đã được đọc, em rất yêu thích câu chuyện Ông Yết Kiêu - một câu chuyện kể dân gian về người anh hùng tài giỏi.
Yết Kiêu là một người anh hùng sống ở thời Trần của nước ta. Ông sinh ra và lớn lên với sức khỏe phi thường và khả năng bơi lội, lặn dưới nước rất giỏi. Khi nghe tin đất nước phải đối mặt với giặc Nguyên hùng mạnh sang xâm lược, Yết Kiêu vô cùng lo lắng. Lúc ông biết giặc cử 100 chiến thuyền tấn công nước ta từ cửa biển Vạn Ninh, thì liền quyết định xin đi đánh giặc. Bởi ông biết được tài năng của mình sẽ giúp ích rất nhiều cho trận chiến này, nên đã vào cung xin vua được ra trận. Thấy Yết Kiêu trổ tài, nhà vua rất vui mừng và tin tưởng giao cho ông trọng trách ngăn chặn các chiến thuyền của giặc. Tuy nhiên, khi nhà vua hỏi ông cần bao nhiêu binh lính và công cụ để hỗ trợ. Thì ông lại không cần ai đi cùng cả, chỉ xin vua một chiếc dùi đục và một chiếc búa mà thôi.
Chỉ với hai công cụ đó, Yết Kiêu một mình bí mật đi ra biển, truy tìm tàu của địch và đục lỗ khiến các chiến thuyền bị chìm một cách bí ẩn. Điều đó khiến quân giặc vô cùng hoang mang và sợ hãi. Sau này, chúng sử dụng một ống nhòm có mắt bằng thủy tinh, nên phát hiện ra Yết Kiêu đang đục thuyền. Nhân lúc ông tập trung đục đáy thuyền, chúng dùng lưới sắt bắt ông lên. Thấy giặc hằm hè đe dọa, Yết Kiêu giả vờ sợ hãi. Rồi khai ra những thông tin giả để lung lạc bọn chúng. Ông nói rằng nước Nam có rất nhiều người tài như, đều đang chia nhau ra để làm nhiệm vụ. Và hứa rằng nếu địch cởi trói cho ông, ông sẽ dẫn chúng đi bắt những người còn lại. Nghe vậy, lũ giặc tin lắm, liền cởi trói cho ông. Nhờ vậy, chỉ một giây lơ là của lũ giặc, Yết Kiêu đã nhảy xuống biển, lặn mất tăm.
Sau đó, các chiến thuyền của giặc lại bị đắm ngày càng nhiều hơn, nhưng chúng không thể bắt được Yết Kiêu thêm lần nữa. Nhớ lại lời khai của Yết Kiêu, chúng nghĩ bụng nước Nam nhiều người tài như thế thì khó mà thắng được, nên đành rút quân, bỏ chạy về nước.
Người anh hùng Yết Kiêu vừa tài giỏi lại dũng cảm, đa mưu túc trí khiến em vô cùng thán phục và ngưỡng mộ. Em rất biết ơn những người anh hùng lịch sử như ông ấy, vì nhờ có họ mà đất nước ta mới trường tồn, nhân dân mới có cuộc sống bình yên.
Bài tham khảo Bài mẫu 5
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã để lại rất nhiều câu chuyện cảm động, gần gũi mà đầy cảm hứng cho bao thế hệ. Trong số đó, em đặc biệt yêu thích câu chuyện “Anh Ba”.
“Anh Ba” chính là tên gọi thân mật của Bác Hồ khi còn trẻ trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Lúc ấy, anh Ba rời quê lên Sài Gòn để sinh sống và làm việc. Nhờ một người bạn dẫn đi thăm thú khắp nơi trong thành phố, anh được nhìn thấy đèn điện, máy nước và rạp chiếu bóng. Mọi thứ đều mới lạ, khiến anh trăn trở và suy nghĩ rất nhiều suốt đêm không ngủ.
Vài hôm sau, anh Ba quyết định gặp một người bạn thân tên là Lê để tâm sự. Cuộc trò chuyện bắt đầu bằng một câu hỏi về tình yêu nước. Sau đó, anh Ba nhờ anh Lê giữ kín chuyện sắp kể. Đó là ước muốn được ra nước ngoài để tìm hiểu, học hỏi những điều hay, điều tiến bộ, rồi trở về giúp nhân dân mình thoát khỏi ách nô lệ. Dù mong muốn ấy rất lớn lao và đầy lý tưởng, nhưng anh Ba cũng không giấu được sự lo lắng, bởi đi xa một mình thì rất mạo hiểm. Vì thế, anh ngỏ ý muốn mời anh Lê cùng đi.
Tuy nhiên, anh Lê lại tỏ ra băn khoăn: “Nhưng bạn ơi! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”. Trước câu hỏi ấy, anh Ba chỉ mỉm cười, bình tĩnh đưa hai bàn tay ra và nói: “Đây, tiền đây!”. Chính đôi bàn tay lao động, làm việc chăm chỉ sẽ giúp anh kiếm được tiền và tự nuôi sống bản thân nơi đất khách. Ý chí mạnh mẽ và tinh thần quyết tâm của anh Ba đã khiến anh Lê cảm động và đồng ý. Nhưng rồi khi trở về, suy nghĩ kỹ lại, anh Lê cảm thấy lo sợ và từ bỏ lời hứa. Dẫu vậy, anh Ba vẫn không từ bỏ ước mơ. Một mình anh bước lên con tàu lớn, mang theo hai bàn tay trắng và một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, lòng yêu nước cháy bỏng. Người thanh niên trẻ tuổi, đầy lý tưởng đó sau này đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh – người mang lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Câu chuyện “Anh Ba” đã để lại trong em những xúc động sâu sắc. Em càng thêm khâm phục lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của Bác Hồ. Em tự hứa sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để góp phần xây dựng đất nước, xứng đáng với kỳ vọng mà Bác đã gửi gắm cho thế hệ mai sau.


Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng nhân hậu lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng trung thực lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em đã đọc, đã nghe lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện dân gian về một người anh hùng chống ngoại xâm lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng nhân hậu lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng trung thực lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em đã đọc, đã nghe lớp 4
- Viết bài văn kể lại câu chuyện dân gian về một người anh hùng chống ngoại xâm lớp 4
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người lớp 4