Văn bản “Làm việc” cũng là “làm người”!>
Lần nọ trong lớp học, một học viên chợt giơ tay hỏi tôi: “... Làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống và công việc?”. Tôi trả lời: “Với tôi, không có khái niệm cân bằng giữa cuộc sống và công việc, bởi công việc, chính là cuộc sống”.
“Làm việc” cũng là “làm người”!
(trích Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh)
Giản Tư Trung
Lần nọ trong lớp học, một học viên chợt giơ tay hỏi tôi: “... Làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống và công việc?”. Tôi trả lời: “Với tôi, không có khái niệm cân bằng giữa cuộc sống và công việc, bởi công việc, chính là cuộc sống”.
Thật vậy, ai trong chúng ta cũng gắn với một (hay một số) nghề nghiệp hay công việc và dành phần lớn cuộc đời của mình để làm nghề hay làm việc đó. Thời gian một ngày của chúng ta chủ yếu được dành cho công việc, chúng ta “sống” ở nơi làm việc có khi còn nhiều hơn ở nhà. Nhưng điều quan trọng hơn hết là: Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Hay nói cách khác nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hoà quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn.
Như vậy, “làm việc” cũng chính là “làm người”, và “làm người” thì không thể không “làm việc”. Con người của mình cũng sẽ được thể hiện rõ qua công việc của mình, qua chất lượng công việc mà mình làm, qua lí tưởng công việc mà mình theo đuổi. Nếu ta nhìn vào cách mà mình làm việc, cách mà mình sống thì đó chính là “tấm gương” trung thực phản chiếu “con người” mình. Khi đó tự ta sẽ cảm thấy “thật sự tự hào về con người của mình” hay “mình không đáng được tôn trọng thậm chí đáng bị khinh”.
Nếu như “đạo sống” (làm người) là những giá trị mà ta lựa chọn cho cuộc đời của mình thì “đạo nghề” (làm việc) chính là lí tưởng nghề nghiệp của công việc mà ta làm. Nói cách khác, “đạo nghề” mà mình chọn chính là cách để mình hiện thực hoá “đạo sống” của mình trong công việc và nghề nghiệp mà mình làm.
Hành trình “tìm thấy chính mình” của con người, xét về bản chất, là hành trình tìm kiếm con người văn hoá và con người chuyện môn của mình. Đáng tiếc là khi nhìn vào bức tranh xã hội ngày nay, nhất là ở những quốc gia chưa phát triển, có vẻ như không nhiều người tìm thấy được điều đó. [...]
Rồi chúng ta cũng nhìn thấy cả những con người mang danh là làm nghề mà rốt cuộc những việc họ làm lại chệch rất xa khỏi sứ mệnh hay cái đạo của nghề đó.
[…] Dường như còn quá ít người (trong đó có thể bao gồm chính chúng ta) là làm “đúng việc” của mình:
Trong tác phẩm Những ngày thứ Ba với thầy Mô-ri (Morrie) cũng có đoạn:
“Quá nhiều người quẩn quanh với một cuộc đời vô nghĩa. Họ có vẻ lờ đờ, ngay cả khi họ đang bận rộn làm những việc mà họ cho là quan trọng. Đó là bởi vì họ đang theo đuổi những thứ không đúng. Cách để làm cho cuộc đời bạn trở nên có ý nghĩa là cống hiến bản thân bạn để yêu thương người khác, cho cộng đồng xung quanh bạn và để tạo ra một thứ gì đó khiến bạn cảm thấy có mục đích và có ý nghĩa”.
Để có thể tạo nên một thành tựu đủ lớn trong công việc thì ta phải yêu nó, ta phải hạnh phúc cống hiến cuộc đời mình cho công việc đó. Nhưng để yêu nó, trước hết ta phải hiểu nó. Bởi lẽ, làm sao có thể yêu một thứ mà mình không hiểu? [..]
Làm việc mà không có lí tưởng nghề nghiệp cũng giống như sống mà không có mục đích. Nhưng làm thế nào để biết, liệu là mình có thực sự hiểu “đúng” bản chất của cái nghề, cái việc mà mình đang lựa chọn và theo đuổi hay không?
Theo tôi, có thể bắt đầu bằng hai câu hỏi:
Mình có đang hiểu đúng và làm tốt sứ mệnh của nghề/của việc không?
Việc mà mình chọn làm có đúng với con người của mình không?
[...]
Thậm chí chuyện chúng ta có tìm được câu trả lời hay không cũng không quá quan trọng. Bởi như một câu châm ngôn đã nói: “Ta trở nên khôn ngoan hơn bằng cách đặt ra các câu hỏi, và cho dù không trả lời được, ta cũng sẽ trở nên khôn ngoan hơn, vì một câu hỏi được gói ghém tốt tự thân nó cũng đã chứa đựng câu trả lời, giống như con ốc sên lúc nào cũng gắn chặt với cái vỏ ốc trên lưng vậy”.
Vì vậy, hãy cứ bắt đầu từ những câu hỏi!
(Giản Tư Trung, Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh, NXB Tri thức, Hà Nội, 2015, tr 169 – 174)
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Kết nối tri thức - Xem ngay