Soạn bài Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiết>
Trình bày phân tích tác phẩm Tràng giang của Huy Cận về khía cạnh cấu tứ, hình ảnh và giá trị tạo hình.
Đề bài
Câu hỏi (trang 71, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Trình bày phân tích tác phẩm Tràng giang của Huy Cận về khía cạnh cấu tứ, hình ảnh và giá trị tạo hình.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Dựa vào bài viết chi tiết và kĩ năng đã được học
Lời giải chi tiết
Chào thầy/ cô và các bạn,
Như chúng ta đã biết, con người luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh, các nhà thơ trong phong trào Thơ mới cũng vậy, hoàn cảnh đã đưa họ tiếp cận với những vần thơ sâu sắc, chứa chan tình yêu nước sâu đậm. Tiêu biểu trong đó ta phải kể đến đó là nhà thơ Huy Cận với tác phẩm Tràng giang - một tác phẩm hay, ý nghĩa về tấm lòng của một con người luôn nặng lòng vì nước thể hiện qua cấu tứ, hình ảnh trong bài thơ.
Bài thơ được gợi cảm hứng từ một buổi chiều thu bên bến Chèm, chàng thi sĩ đứng cạnh dòng nước, ngắm nhìn đất trời cảnh vật mà “tức cảnh sinh tình”. Nguồn cảm hứng đó ta có thể thấy rõ qua câu đề từ của bài thơ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Câu đề từ gợi ra một không gian rộng lớn nơi con người chan chứa cảm xúc bâng khuâng khó tả.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Hình ảnh đầu tiên xuất hiện là hình ảnh con sóng nhấp nhô trùng trùng, điệp điệp. Con sóng tầng tầng, lớp lớp ấy kéo theo là nỗi buồn của nhân vật trữ tình, nhìn sóng nước như nhìn thấy nỗi buồn trong lòng mình. Cùng với đó là hình ảnh con thuyền lênh đênh trên sông gợi liên tưởng về một kiếp người nghèo khổ, nay đây mai đó, không biết đi đâu về đâu. Trong thơ Đường, ta đã từng bắt gặp hình ảnh con thuyền và dòng sông đầy ám ảnh, trĩu nặng cái tình của người đưa tiễn:
Cô phàm viễn cảnh bích không tận
Duy kiến Trường giang thiên tế lưu
(Lí Bạch)
Con thuyền dường như trở lên nhỏ bé lạ thường kết hợp với hình ảnh cành củi bị cuốn theo dòng nước càng tô đậm thêm sự nhỏ bé của sự vật hay chính là một kiếp người nào đó trong xã hội.
Sang đến khổ thơ thứ hai, ta bắt gặp hình ảnh khái quát toàn bộ khung cảnh sông nước thể hiện hiện qua 4 câu thơ:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu
Đến đây, khung cảnh trở lên thật tĩnh lặng, vắng vẻ, gợi lên một nỗi buồn thầm kín, khó tả. Các từ láy “lơ thơ”, “chót vót”, “đìu hiu” gợi lên cảm nhận về một sự xa xăm, sự vắng lặng lạ thường, nhỏ bé của con người so với vũ trụ bao la. Gió hiu hiu thổi trên cồn cát vắng bóng của sự sống con người, sự vật, con người thật nhỏ bé, vô định trước sự rộng lớn của vũ trụ. Và không gian cứ mở rộng, con người lại càng cô đơn, nhỏ bé và buồn tủi trước thiên nhiên rộng lớn. Để rồi, sự cô quạnh, lạnh lẽo ấy khiến tác giả phải thốt ra thành lời khiến người đọc không khỏi buồn lây mà cảm thán:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Hình ảnh bèo dạt đã nhiều lần xuất hiện trong thơ ca, nhưng ở đây nó lại thấm thía sự chia ly, gợi lên sự nhỏ bé, mong manh của kiếp người giữa dòng đời. Hình ảnh bèo nối hàng gợi cảm nhận về những kiếp người chìm nổi trong xã hội, họ vẫn ở đó và ngày càng khổ đau hơn. “Không một chuyến đò ngang” đã thể hiện sự vắng bóng, thiếu sự gắn kết với con người. Cảnh vật càng trở lên hoang vắng, mênh mông đến tận cùng như nỗi buồn của con người. Trên nền không gian ấy, hình ảnh bãi vàng vẫn hiện lên, tô điểm thêm bức tranh đồng thời cũng tô đậm thêm sự thiếu sức sống, vắng lặng của cảnh vật hoang tàn. Phải chăng bởi lòng người u buồn khiến cho cảnh vật chẳng thể đẹp mà cũng nặng trĩu tâm tư của nhân vật trữ tình?
Để rồi khổ cuối càng bộc lộ rõ tâm tư, tình cảm của tác giả:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Hình ảnh cánh chim và đám mây tiếp tục tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, cô quạnh. Sự hùng vĩ của cảnh sắc của những đám mây lớp lớp nối tiếp nhau cũng cánh chim đang bay về tổ ấm báo hiệu hoàng hôn hôn đang buông xuống. Sự tương phản giữa cánh chim và bầu trời càng làm nổi bật lên sự tồn tại nhỏ bé như kiếp người, cũng nhỏ bé và vô định giữa đất trời rộng lớn. Bởi vậy lòng người chỉ càng thêm tịch mịch và u buồn. Nỗi buồn về kiếp người, về nỗi nhớ quê hương tha thiết của một con người nơi đất khách quê người đang tức cảnh sinh tình, bộc lộ nỗi lòng của mình.
Tóm lại, Tràng giang là một bài thơ đặc sắc cả về cấu tứ thơ cũng như các hình ảnh được sử dụng. Không chỉ thể hiện được sự tài hoa trong sáng tác thơ của Huy Cận mà nó còn làm nổi bật lên tâm tư, tình cảm trĩu nặng nỗi buồn và niềm mong nhớ về quê hương của tác giả. Cùng với đó, sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại đã tạo nên một thi phẩm độc đáo về tình yêu quê hương, đất nước con người ẩn chứa trong nỗi buồn thầm kín của một con người đa sầu, đa cảm như Huy Cận. Đến đây, phần trình bày của em xin kết thúc, cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã lắng nghe!
- Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiết
- Soạn bài Thực hành đọc Thời gian SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiết
- Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiết
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 65 SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiết
- Soạn bài Con đường mùa đông SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiết
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Kết nối tri thức - Xem ngay