Phương pháp giải một số dạng bài tập về axit clohidric - Muối clorua


Phương pháp giải một số dạng bài tập về axit clohidric - muối clorua.

* Dạng 1: Lý thuyết về axit clohidic

Một số ví dụ điển hình:

Ví dụ 1: Khí HCl khô khi gặp quỳ tím thì làm quỳ tím

A. chuyển sang màu đỏ.       

B. chuyển sang màu xanh.

C. không chuyển màu.

D. chuyển sang không màu.

Hướng dẫn giải chi tiết:

Khí HCl khô không làm quỳ tím đổi màu.

Đáp án C.

Ví dụ 2: Cho các chất sau : CuO (1), Zn (2), Ag (3), Al(OH)3 (4), KMnO4 (5), PbS (6), MgCO3 (7),AgNO3 (8), MnO2 (9), FeS (10). Axit HCl không tác dụng được với các chất :

A. (1), (2).                    B. (3), (4).

C. (5), (6).                     D. (3), (6).

Hướng dẫn giải chi tiết:

Ag là kim loại đứng sau H, PbS là muối không tan trong axit

Đáp án D.

Ví dụ 3: Chọn phát biểu sai :

A. Axit clohiđric vừa có tính khử vừa có tính oxi hoá.

B. Dung dịch axit clohiđric có tính axit mạnh.

C. Cu hòa tan trong dung dịch axit clohiđric khi có mặt O2.

D. Fe hòa tan trong dung dịch axit clohiđric tạo muối FeCl3.

Hướng dẫn giải chi tiết:

D sai do Fe hòa tan trong dung dịch HCl cho muối FeCl2.

Đáp án D

Ví dụ 4: Cho các phản ứng sau :

(a) 4HCl + PbO2 → PbCl2 + Cl2 + 2H2O          

(b) HCl + NH4HCO3  → NH4Cl + CO2 + H2O

(c) 2HCl + 2HNO3  → 2NO2 + Cl2 + 2H2O       

(d) 2HCl + Zn → ZnCl2 + H2

Số phản ứng trong đó HCl thể hiện tính khử là :

A. 2.                              B. 4.

C. 1.                             D. 3.

Hướng dẫn giải chi tiết:

HCl thể hiện tính khử khi số OXH của HCl tăng sau phản ứng gồm các phản ứng (a) và (c) đều có nguyên tố Clo có số OXH tăng từ -1 lên 0

Đáp án A

Ví dụ 5: Cho các phản ứng sau :

4HCl + MnO2  → MnCl2 + Cl2 + 2H2O  (1)                                 

2HCl + Fe →  FeCl2 + H2 (2)

14HCl + K2Cr2O7 → 2KCl + 2CrCl3 + 3Cl2 + 7H2O (3)       

6HCl + 2Al → 2AlCl3 + 3H2 (4)

16HCl + 2KMnO4 → 2KCl + 2MnCl2 + 5Cl2 + 8H2O (5)

Số phản ứng trong đó HCl thể hiện tính oxi hóa là :

A. 2.                 B. 1

C. 4.                 D. 3.

Hướng dẫn giải chi tiết:

HCl thể hiện tính OXH khi số OXH của HCl giảm sau phản ứng gồm các phản ứng (2) và (4) đều có nguyên tố H có số OXH giảm từ +1 xuống 0

Đáp án A.

Dạng 2: Bài toán HCl tác dụng với kim loại

* Một số lưu ý cần nhớ

HCl có khả năng tác dụng với kim loại đứng trước H sinh ra muối và khí H2

* Một số ví dụ điển hình

Ví dụ 1: Cho 44,5 gam hỗn hợp bột Zn, Mg tác dụng với dung dịch HCl dư thấy có 22,4 lít khí H2 bay ra (đktc). Khối lượng muối clorua tạo ra trong dung dịch là :

A. 80.               B. 115,5.

C. 51,6.            D. 117,5.

Hướng dẫn giải chi tiết:

n H2 = 22,4 : 22,4 = 1 mol

n HCl = 2 n H2 = 2 mol

Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng ta có:

m KL + m HCl = m Muối + m H2

m Muối = 44,5 + 2 * 36,5 – 1 * 2 = 115,5 gam

Đáp án B

Ví dụ 2: Cho 10,3 gam hỗn hợp Cu, Al, Fe vào dung dịch HCl thu được 5,6 lít khí (đktc) và 2 gam chất rắn không tan. Vậy % theo khối lượng của từng chất trong hỗn hợp ban đầu lần lượt là :

A. 26%, 54%, 20%.

B. 20%, 55%, 25%.

C. 19,4%, 50%, 30,6%.

D. 19,4%, 26,2%, 54,4%.

Hướng dẫn giải chi tiết:

Cu không tác dụng với HCl => m Cu = 2 gam

=> m Al + m Fe = 8,3 gam (1)

n H2 = 5,6 : 22,4 = 0,25 mol

Gọi n Al, n Fe lần lượt là x, y mol

Từ (1) => 27x + 56y = 8,3 (I)

Áp dụng định luật bảo toàn electron

Tổng e nhường = tổng e nhận

Al →Al+3 + 3e

x               3x

Fe → Fe+2 + 2e

y                2y

2H+ + 2e → H2

           0,5  0,25

 => 3x + 2y = 0,5 (II)

Từ (I) và (II) => x = y = 0,1 mol

%mAl = 0,1 * 27 : 10,3 * 100% = 26,21%

%mCu = 2 : 10,3 * 100% = 19,41%

%mFe = 54,4%

Đáp án D

Dạng 3: Bài toán HCl tác dụng với oxit kim loại, muối cacbonat

* Một số lưu ý cần nhớ

2nHCl + M2On → 2MCln + nH2O

n O (trong oxit) = n H2O sinh ra sau phản ứng = ½ n H trong axit đã phản ứng

M2(CO3)n + 2nHCl → 2MCln + nCO2 + nH2O

n CO3 (trong muối cacbonat) = n H2O, CO2 sinh ra sau phản ứng = ½ n H trong axit đã phản ứng

Một số ví dụ điển hình:

Ví dụ 1: Cho 37,6 gam hỗn hợp gồm CaO, CuO và Fe2O3 tác dụng vừa đủ với 0,6 lít dung dịch HCl 2M, rồi cô cạn dung dịch sau phản ứng thì số gam muối khan thu được là :

A. 70,6.            B. 61,0.

C. 80,2.            D. 49,3.

Hướng dẫn giải chi tiết

n HCl = 0,6  * 2 = 1,2 (mol)

=> n H2O sinh ra sau phản ứng = ½ n HCl = 0,6 mol

Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng ta có:

m oxit + m HCl = m Muối + m H2O

=> m Muối = 37,6 + 1,2 * 36,5 – 0,6 * 18 = 70,6 gam

Đáp án A

Ví dụ 2: Hoà tan hoàn toàn 10,05 gam hỗn hợp 2 muối cacbonat kim loại hoá trị II và III vào dung dịch HCl thu được dung dịch A và 0,672 lít khí (đktc). Khối lượng muối trong A là :

A. 10,38 gam.              B. 20,66 gam.

C. 30,99 gam.              D. 9,32 gam.

Hướng dẫn giải chi tiết:

n CO2 = 0,672 : 22,4 = 0,03 mol

=> n CO3 = n CO2 = 0,03 mol

Ta có phương trình tổng quát

M2(CO3)n + 2nHCl → 2MCln + nCO2 + nH2O

Ta nhận thấy khi muối cacbonat tác dụng với HCl

1 mol CO3 bị thế băng 2 mol Cl khiến khối lượng tăng lên: 2 * 35,5 – 60 = 11 gam

=> 0,03 mol CO3 bị thế bằng 0,06 mol Cl khiến khối lượng muối tăng lên là:

0,06 * 35,5 – 0,03 * 60 = 0,33 gam

=> m muối = 10,05 + 0,33 = 10,38 gam

Đáp án A

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.8 trên 5 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Hóa lớp 10 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí