Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 5 - Đề số 2


5 cây số và rất nhiều yêu thương Khi tôi sắp học hết lớp 1 thì mẹ ốm một trận rất nặng phải vào bệnh viện. Tôi cứ lèo nhèo đòi vào chơi với mẹ nhưng bố kiên quyết không cho. Tôi nhớ mẹ kinh khủng. Đã thế, tôi mặc kệ hết, bố không cho tôi vào thăm thì tôi tự đi!

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

5 cây số và rất nhiều yêu thương

            Khi tôi sắp học hết lớp 1 thì mẹ ốm một trận rất nặng phải vào bệnh viện. Tôi cứ lèo nhèo đòi vào chơi với mẹ nhưng bố kiên quyết không cho. Tôi nhớ mẹ kinh khủng. Đã thế, tôi mặc kệ hết, bố không cho tôi vào thăm thì tôi tự đi!

            Trưa, ăn cơm xong, tôi đội chiếc mũ vải, hăm hở bước ra khỏi nhà. Nhưng đường thì xa mà trời lại nắng ong ong nên nỗi háo hức ban đầu của tôi bẹp đi. Đi được nửa đường thì hai “que tăm” của con bé lớp 1 như tôi đã mỏi rã ra. Tôi ngồi phịch xuống nhưng rồi lại bật dậy ngay. Kiểu gì thì hôm nay tôi cũng phải gặp mẹ bằng được. Đi được một đoạn thì… phựt! Cái dép đáng ghét bị đứt quai. Đá sỏi được thể cứ nhè bàn chân của tôi mà chọc, đau buốt. Vậy mà tôi vẫn đến được cái chợ gần bệnh viện. Tôi biết là mẹ thích ăn bánh khoai nên mua năm cái bánh nóng mang vào.

            Đến gần cổng bệnh viện, tôi ngẩn ra: Bệnh viện rộng thế thì biết mẹ ở phòng nào? Vậy là tôi ôm gói bánh chạy lung tung tới từng phòng tìm mẹ, mặc cho mồ hôi thấm cả vào cái áo trắng mới tinh. Đến phòng thứ mười mấy thì tôi hoảng sợ thật sự, đứng khóc ầm ĩ ở hành lang. Một bác sĩ mặc áo trắng đi qua dừng lại hỏi chuyện. Nghe tôi vừa nấc vừa nói tên và tả mẹ, bác ấy cười : “Đi theo bác, bác biết chỗ mẹ cháu đấy!”. Tôi chạy theo bác ấy đến khu nhà ở góc bệnh viện. Mẹ đang ngồi đọc sách, thấy tôi vào thì bật dậy…

            Hôm ấy, tôi nhận được một cái cốc vào trán và… bốn cái bánh khoai. Mẹ ăn rất nhiệt tình dưới con mắt theo dõi chăm chú của tôi và cũng rất nhiệt tình nhờ tôi… ăn hộ chỗ còn lại. Tôi cũng nhớ là chưa bao giờ được mẹ ôm và thơm vào má nhiều như thế….

            Đó là chuyến “du lịch bụi” đầu tiên của con bé sáu tuổi như tôi. Chuyến đi dài 5 cây số và rất nhiều yêu thương!

(Theo Đào Thị Hồng Hạnh)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Mẹ bạn nhỏ bị ốm nằm trong bệnh viện khi bạn nhỏ học lớp mấy?

A. Lớp 1

B. Lớp 2

C. Lớp 5

D. Lớp 6

Câu 2. Để đến được bệnh viện thăm mẹ, bạn nhỏ đã quyết định làm gì?

A. Thuyết phục bố đưa đi thăm mẹ.

B. Tự tìm đến bệnh viện thăm mẹ.

C. Nhờ người thân chở đến bệnh viện.

D. Đón xe đến bệnh viện.

Câu 3. Bạn nhỏ đã gặp phải những khó khăn nào trên đường đến bệnh viện thăm mẹ?

A. Đường xa, trời nóng, dép đứt, sỏi đá đâm vào chân.

B. Lạc đường, đứt dép.

C. Trời mưa, đường rất trơn.

D. Bệnh viện rộng thế không biết mẹ ở phòng nào.

Câu 4. Từ “que tăm” trong bài có nghĩa chuyển hay nghĩa gốc?

Câu 5. Theo em, vì sao hôm ấy bạn nhỏ lại được mẹ ôm và thơm vào má nhiều như thế?

A. Vì mẹ bạn lo lắng cho bạn.

B. Vì trông bạn hôm ấy rất xinh, đáng yêu.

C. Vì mẹ bạn yêu bạn và rất cảm động trước tình cảm của bạn.

D. Vì bạn mua món bánh khoai mà mẹ bạn rất thích.

Câu 6. Em học được ở bạn nhỏ trong câu chuyện trên những đức tính quý nào?

Câu 7. Câu nào dưới đây là câu ghép?

A. Trưa, ăn cơm xong, tôi đội chiếc mũ vải bước ra khỏi nhà.

B. Tôi chạy theo bác ấy đến khu nhà ở góc bệnh viện.

C. Đá sỏi được thể cứ nhè bàn chân của tôi mà chọc, đau buốt.

D. Tuy đường đến bệnh viện rất xa nhưng tôi vẫn quyết tâm đến thăm mẹ.

Câu 8. Trong hai câu “Đó là chuyến “du lịch bụi” đầu tiên của con bé sáu tuổi như tôi. Chuyến đi dài 5 cây số và rất nhiều yêu thương!” có mấy kết từ?

A. 1 kết từ. Đó là:……………………………………….

B. 2 kết từ. Đó là :……………………………………….

C. 3 kết từ. Đó là :……………………………………….

D. 4 kết từ. Đó là :……………………………………….

Câu 9. Hai câu sau: “Đá sỏi được thể cứ nhè vào bàn chân của tôi mà chọc, đau buốt. Vậy mà tôi vẫn đến được cái chợ gần bệnh viện” liên kết với nhau bằng cách nào ?

A. Dùng từ ngữ nối.

B. Lặp từ ngữ.

C. Thay thế từ ngữ.

D. Dùng từ ngữ nối và lặp từ ngữ

Câu 10. Đặt một câu ghép có sử dụng cặp kết từ nói về chủ đề học tập.

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Viết bài văn tả một người bạn đã gắn bó với em trong những năm học qua.

-------- Hết --------

Lời giải

  HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. A

2. B

3. A

5. C

7. D

8. C

9. A

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Mẹ bạn nhỏ bị ốm nằm trong bệnh viện khi bạn nhỏ học lớp mấy?

A. Lớp 1

B. Lớp 2

C. Lớp 5

D. Lớp 6

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ nhất để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Mẹ bạn nhỏ bị ốm nằm trong bệnh viện khi bạn nhỏ học lớp 1.

Đáp án A.

Câu 2. Để đến được bệnh viện thăm mẹ, bạn nhỏ đã quyết định làm gì?

A. Thuyết phục bố đưa đi thăm mẹ.

B. Tự tìm đến bệnh viện thăm mẹ.

C. Nhờ người thân chở đến bệnh viện.

D. Đón xe đến bệnh viện.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ hai để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Để đến được bệnh viện thăm mẹ, bạn nhỏ đã quyết định tự tìm đến bệnh viện thăm mẹ.

Đáp án B.

Câu 3. Bạn nhỏ đã gặp phải những khó khăn nào trên đường đến bệnh viện thăm mẹ?

A. Đường xa, trời nóng, dép đứt, sỏi đá đâm vào chân.

B. Lạc đường, đứt dép.

C. Trời mưa, đường rất trơn.

D. Bệnh viện rộng thế không biết mẹ ở phòng nào.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ ba để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Bạn nhỏ đã gặp phải những khó khăn trên đường đến bệnh viện thăm mẹ là đường xa, trời nóng, dép đứt, sỏi đá đâm vào chân.

Đáp án A.

Câu 4. Từ “que tăm” trong bài có nghĩa chuyển hay nghĩa gốc?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ ba và giải nghĩa từ “que tăm” trong đoạn văn đó.

Lời giải chi tiết:

Từ ''que tăm'' trong bài là nghĩa chuyển chỉ 2 đôi chân của bạn nhỏ.

Câu 5. Theo em, vì sao hôm ấy bạn nhỏ lại được mẹ ôm và thơm vào má nhiều như thế?

A. Vì mẹ bạn lo lắng cho bạn.

B. Vì trông bạn hôm ấy rất xinh, đáng yêu.

C. Vì mẹ bạn yêu bạn và rất cảm động trước tình cảm của bạn.

D. Vì bạn mua món bánh khoai mà mẹ bạn rất thích.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ tư để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Theo em, hôm ấy bạn nhỏ lại được mẹ ôm và thơm vào má nhiều như thế vì mẹ bạn yêu bạn và rất cảm động trước tình cảm của bạn.

Đáp án C.

Câu 6. Em học được ở bạn nhỏ trong câu chuyện trên những đức tính quý nào?

Phương pháp giải:

Em nêu những đức tính quý được thể hiện qua các hành động của bạn nhỏ.

Lời giải chi tiết:

Qua câu chuyện trên, em học được những đức tính quý như yêu thương mẹ, kiên trì, dũng cảm vượt qua khó khăn.

Câu 7. Câu nào dưới đây là câu ghép?

A. Trưa, ăn cơm xong, tôi đội chiếc mũ vải bước ra khỏi nhà.

B. Tôi chạy theo bác ấy đến khu nhà ở góc bệnh viện.

C. Đá sỏi được thể cứ nhè bàn chân của tôi mà chọc, đau buốt.

D. Tuy đường đến bệnh viện rất xa nhưng tôi vẫn quyết tâm đến thăm mẹ.

Phương pháp giải:

Em xác định thành câu và vế câu để tìm câu ghép.

Lời giải chi tiết:

Các câu đơn:

- Trưa, ăn cơm xong, tôi (CN) / đội chiếc mũ vải bước ra khỏi nhà (VN).

- Tôi (CN) / chạy theo bác ấy đến khu nhà ở góc bệnh viện (VN).

- Đá sỏi (CN) / được thể cứ nhè bàn chân của tôi mà chọc, đau buốt (VN).

Câu ghép là: Tuy đường đến bệnh viện (CN1) / rất xa (VN1) nhưng tôi (CN2) / vẫn quyết tâm đến thăm mẹ (VN2).

Đáp án D.

Câu 8. Trong hai câu “Đó là chuyến “du lịch bụi” đầu tiên của con bé sáu tuổi như tôi. Chuyến đi dài 5 cây số và rất nhiều yêu thương!” có mấy kết từ?

A. 1 kết từ. Đó là:……………………………………….

B. 2 kết từ. Đó là :……………………………………….

C. 3 kết từ. Đó là :……………………………………….

D. 4 kết từ. Đó là :……………………………………….

Phương pháp giải:

Em nhớ lại khái niệm về kết từ.

Lời giải chi tiết:

Trong hai câu có 3 kết từ, đó là : và, của, như.

Đáp án C.

Câu 9. Hai câu sau: “Đá sỏi được thể cứ nhè vào bàn chân của tôi mà chọc, đau buốt. Vậy mà tôi vẫn đến được cái chợ gần bệnh viện” liên kết với nhau bằng cách nào ?

A. Dùng từ ngữ nối.

B. Lặp từ ngữ.

C. Thay thế từ ngữ.

D. Dùng từ ngữ nối và lặp từ ngữ

Phương pháp giải:

Em nhớ lại các cách liên kết câu.

Lời giải chi tiết:

Hai câu sau: “Đá sỏi được thể cứ nhè vào bàn chân của tôi mà chọc, đau buốt. Vậy mà tôi vẫn đến được cái chợ gần bệnh viện” liên kết với nhau bằng cách dùng từ ngữ nối “Vậy mà”.

Câu 10. Đặt một câu ghép có sử dụng cặp kết từ nói về chủ đề học tập.

Phương pháp giải:

Em xác định nội dung và hình thức của câu ghép cần đặt.

Lời giải chi tiết:

Tuy bạn Minh làm bài kiểm tra chưa tốt nhưng cậu ấy rất chăm chỉ nghe giảng trên lớp.

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

- Em xác định đối tượng miêu tả và lập dàn ý về đối tượng đó với bố cục 3 phần.

- Dựa trên dàn ý đã lập để viết bài văn hoàn chỉnh.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý :

1. Mở bài: Giới thiệu về người bạn mà em muốn miêu tả

- Tên bạn ấy là gì?

- Bạn ấy là bạn như thế nào của em

2. Thân bài:

a. Tả hình dáng

- Chiều cao, cân nặng của bạn ấy là bao nhiêu?

- Bạn ấy để kiểu tóc gì?

- Khuôn mặt bạn ấy như thế nào?

- Đôi mắt của bạn ấy có màu gì?

- Nụ cười của bạn ấy có gì đặc biệt?

- Trang phục đi học, đi chơi của bạn ấy thế nào?

b. Tả tính cách, hoạt động

- Tính cách của bạn ấy như thế nào?

- Tính cách ấy được thể hiện qua những hành động gì?

- Những người xung quanh nhận xét bạn ấy thế nào?

- Em thích nhất điều gì ở bạn ấy?

3. Kết bài: Tình cảm của em đối với người bạn đó

- Em cảm thấy như thế nào khi chơi với bạn đó?

- Kì vọng, mong muốn của em dành cho tình bạn của hai người là gì?

Bài tham khảo 1:

            Bạn thân nhất của em, là người bạn hàng xóm đã chơi với em từ lúc còn nhỏ xíu cho đến tận bây giờ. Cậu ấy là một cô gái xinh xắn có tên là Thùy Chi.

            Chi là một cô gái có vẻ ngoài ưa nhìn và nổi bật. Mới học lớp 5 thôi, mà cậu ấy đã cao 1m55 và có vóc dáng cân đối, thon thả. Nước da của Chi không trắng ngần mà hơi ngăm, nhưng lại giúp cậu ấy trông rất cá tính và nổi bật. Chi có khuôn mặt dáng tròn, phần trán hơi dô, tỏ rõ tính cách có phần ương bướng của cậu ấy. Lúc nhỏ, Chi thường để mái bằng để che cái trán đó, nhưng từ lúc lớp 4 đến nay, cậu ấy luôn tự tin khoe chiếc mái ra ngoài. Mắt của Chi là mắt một mí, nên khi cười mắt híp lại như hai vầng trăng non rất đáng yêu. Mũi cậu ấy cao và thẳng, đẹp như búp bê vậy. Khuôn miệng của Chi khá rộng, khi cười tươi lên trông cứ như các cô người mẫu nước ngoài. Kiểu tóc mà Chi để nhiều nhất là buộc tóc đuôi ngựa. Hằng ngày cậu ấy thường mặc quần vải đen và đi giày thể thao lúc đến trường. Ngày nghỉ hay đi chơi thì đổi thành áo phông và quần cộc. Sự đơn giản ấy tạo cho Chi một phong cách vừa trẻ trung lại năng động. Ở nhà, Chi là em út nên rất được bố mẹ cưng chiều. Nhưng cậu ấy vẫn rất ngoan ngoãn, tự giác giúp bố mẹ làm việc nhà. Khi đến lớp thì cậu ấy là một học sinh nghiêm túc, luôn năng nổ tham gia các hoạt động tập thể.

            Từ nhỏ, em và Thùy Chi đã chơi cùng nhau rồi. Sau những lần cãi vã, chúng em lại thêm hiểu và yêu quý nhau hơn. Em mong rằng dù năm, mười hay mười lăm năm nữa thì chúng em vẫn là đôi bạn thân thiết nhất.

Bài tham khảo 2 :

            Lớp trưởng lớp em là Minh Quân - một chàng trai thông minh và hài hước. Cậu ấy cũng chính là người bạn thân thiết nhất của em.

            Nhà Quân cách nhà em khoảng 300m, nên sáng nào chúng em cũng đến trường cùng với nhau. Quân mới học lớp 5 nhưng đã cao hơn 1m6. Hằng ngày cậu ấy rất chăm bơi lội nên vóc dáng cũng rất cân đối và săn chắc. Quân có nước da trắng, khuôn mặt đã dần góc cạnh hơn trước. Mái tóc mềm mượt hơi bông lên, trông rất mềm mại. Đôi mắt của Quân là mắt một mí, nên khi cười thì nhắm tít cả lại. Hàng lông mày của cậu ấy khá đậm và dày nên thường xuyên phải tỉa bớt. Điều Quân tự hào về bản thân mình nhất là chiếc mũi dọc dừa giống với bố. Mỗi khi khoe chiếc mũi ấy với em, Quân lại cười toe toét, khoe hàm răng trắng tinh với hai cái răng nanh nhỏ. Bình thường trông cậu ấy cũng không quá nổi bật, thế mà lúc cười lên thì lại điển trai lắm, tỏa ra nguồn năng lượng giống như ánh nắng mắt trời vậy. Giống như vẻ ngoài của mình, Quân là một chàng trai rất tích cực và năng động. Tuy không phải là người giỏi nhất lớp, nhưng năm nào cậu ấy cũng được cả lớp bầu làm lớp trưởng. Điều đó chính bởi sự tốt bụng và nhiệt tình của Quân.

            Vì nhà gần nên em và Quân quen nhau từ khi còn nhỏ xíu. Nhưng để trở thành bạn thân của nhau thì là do sự cố gắng của cả hai người. Lúc nào, chúng em cũng quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau mọi điều trong cuộc sống. Nhờ vậy mà tình bạn của chúng em ngày càng thắm thiết hơn.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 5 - Đề số 1

    Út Vịnh Nhà Út Vịnh ở ngay bên đường sắt. Mấy năm nay, đoạn đường này thường có sự cố. Lúc thì đá tảng nằm chềnh ềnh trên đường tàu chạy, lúc thì ai đó tháo cả ốc gắn các thanh ray. Lắm khi, trẻ chăn trâu còn ném đá lên tàu.

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí