Đề cương ôn tập học kì 1 Tiếng Việt 5 - Kết nối tri thức>
Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 5 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh
A. Kiến thức
1. Đọc
- Đọc thành tiếng:
Các bài tập đọc từ tuần 1- tuần 17 (Đọc và trả lời câu hỏi)
+ Đọc trôi chảy, lưu loát một đoạn trong bài tập đọc đã học theo tốc độ khoảng 100 tiếng/phút
+ Biết đọc diễn cảm, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả, gợi cảm trong đoạn văn, đoạn thơ phù hợp với nội dung đoạn đọc
+ Hiểu nội dung chính, ý nghĩa cơ bản của bài
- Đọc hiểu:
Đọc thầm và tìm hiểu nghĩa các từ, các chi tiết, nhân vật, nội dung, ý nghĩa của câu chuyện, bước đầu biết liên hệ, vận dụng vào thực tế.
2. Luyện từ và câu
Ôn tập các nội dung sau:
- Đại từ (SGK tr.20)
- Từ đồng nghĩa (SGK tr.47)
- Từ đa nghĩa (SGK tr.65)
- Dấu gạch ngang (SGK tr.108)
- Biện pháp Điệp từ, điệp ngữ (SGK tr.123)
- Kết từ (SGK tr.141)
3. Tập làm văn
- Viết bài văn kể chuyện sáng tạo
- Viết bài văn tả phong cảnh
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện hoặc một bài thơ
- Viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách đã đọc hoặc một bộ phim hoạt hình đã xem
B. Đề minh họa
Đề số 1
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Đất Cà Mau
Cà Mau là đất mưa dông. Vào tháng ba, tháng tư, sớm nắng chiều mưa. Đang nắng đó, mưa đổ ngay xuống đó. Mưa hối hả, không kịp chạy vào nhà. Mưa rất phũ, một hồi rồi tạnh hẳn. Trong mưa thường nổi cơn dông.
Cà Mau đất xốp. Mùa nắng, đất nẻ chân chim, nền nhà cũng rạn nứt. Trên cái đất phập phều và lắm gió, dông như thế, cây đứng lẻ khó mà chống nổi với những cơn thịnh nộ của trời. Cây bình bát, cây bần cũng phải quây quần thành chòm, thành rặng; rễ phải dài, phải cắm sâu vào trong lòng đất. Nhiều nhất là đước. Đước mọc san sát đến tận mũi đất cuối cùng, thẳng đuột như hằng hà sa số cây dù xanh cắm trên bãi. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước...
Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông "sấu cản mũi thuyền", trên cạn "hổ rình xem hát" này, con người phải thông minh và giàu nghị lực. Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây. Tinh thần thượng võ của cha ông được nung đúc và lưu truyền để khai phá giữ gìn mũi đất tận cùng này của Tổ quốc.
Theo Mai Văn Tạo
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1: Cà Mau sớm nắng chiều mưa vào thời gian nào ?
A. Tháng hai, tháng ba.
B. Tháng ba, tháng tư.
C. Tháng tư, tháng năm.
D. Tháng năm, tháng sáu.
Câu 2: Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao?
A. Cây cối mọc lơ thơ.
B. Cây cối mọc san sát, chen chúc nhau.
C. Cây cối mọc thành chòm, thành rặng, rễ dài cắm sâu vào lòng đất để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
D. Cây cối mọc thành chòm, thành rặng, san sát nhau.
Câu 3: Người Cà Mau dựng nhà cửa như thế nào?
A. Dựng nhà cửa sát với bìa rừng.
B. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ lênh dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cây cầu bằng thân cây đước.
C. Nhà cửa dựng dọc theo bờ kênh. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cây cầu bằng thân cây đước.
D. Nhà cửa dựng trước dòng kênh cạnh những dòng đước xanh rì.
Câu 4: Chi tiết: “Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây.” nói lên điều gì về tính cách của người Cà Mau?
A. Người Cà Mau thích vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây.
B. Người Cà Mau dũng cảm, gan dạ.
C. Người Cà Mau thích nghe những chuyện về người có trí thông minh và sức khỏe phi thường.
D. Người Cà Mau thông minh và giàu nghị lực.
Câu 5: Nội dung của bài đọc nói về điều gì?
Câu 6: Từ “ăn” trong câu nào được dùng theo nghĩa gốc?
A. Gia đình Lan đang ăn cơm.
B. Cô ấy rất ăn ảnh.
C. Tuấn chơi cờ rất hay ăn gian.
D. Bạn ấy cảm thấy rất ăn năn.
Câu 7: Xác định điệp từ, điệp ngữ trong câu dưới đây và cho biết tác dụng của biện phép điệp từ, điệp ngữ đó.
Tôi yêu mái nhà tranh đơn sơ, yêu những chú gà mái mơ má nuôi và yêu cả cây khế sai trĩu quả trước sân nhà.
Câu 8: Tìm 2 – 3 từ đồng nghĩa với nhóm từ dưới đây và đặt câu 2 câu với các từ vừa tìm được.
a) Cắt:
Đặt câu:
b) Chăm:
Đặt câu:
Câu 9: Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
- Em không thể nhận được! Em không có tiền trả đâu thưa cô!
A. Nối các từ ngữ trong một liên danh.
B. Đánh dấu các ý liệt kê.
C. Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích.
D. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
Câu 10: Gạch chân dưới các kết từ trong những câu sau:
a, Hoa thiên lí không những thơm mà còn dùng làm thức ăn rất bổ dưỡng.
b, Tuy làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về.
c, Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì cây cối sẽ khô héo.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết bài văn kể sáng tạo một câu chuyện có nhân vật chính là con vật hoặc đồ vật.
Hướng dẫn giải chi tiết
A. Kiểm tra đọc
1. B |
2. C |
3. B |
4. D |
6. A |
9. D |
Câu 5: Nội dung của bài đọc nói về điều gì?
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Bài đọc nói về sự khắc nghiệt của thiên nhiên Cà Mau góp phần hun đúc nên tính cách kiên cường của người dân Cà Mau.
Câu 7: Xác định điệp từ, điệp ngữ trong câu dưới đây và cho biết tác dụng của biện phép điệp từ, điệp ngữ đó.
Tôi yêu mái nhà tranh đơn sơ, yêu những chú gà mái mơ má nuôi và yêu cả cây khế sai trĩu quả trước sân nhà.
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Điệp từ, điệp ngữ.
Lời giải chi tiết:
- Điệp từ: “yêu”
- Tác dụng: Nhấn mạnh tình yêu của nhân vật “tôi” với các sự vật thân thuộc ở quê.
Câu 8: Tìm 2 – 3 từ đồng nghĩa với nhóm từ dưới đây và đặt câu 2 câu với các từ vừa tìm được.
a) Cắt
b) Chăm
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Từ đồng nghĩa.
Lời giải chi tiết:
a) Cắt: thái, xắt, xẻo, chặt, băm, xén,…
Đặt câu: Mẹ em đang thái thịt bò để chuẩn bị bữa tối.
b) Chăm: chăm chỉ, siêng năng, cần cù, chịu khó, chuyên cần,…
Đặt câu: Anh ấy siêng năng tập luyện mỗi ngày để nâng cao kỹ năng bóng đá.
Câu 10: Gạch chân dưới các kết từ trong những câu sau:
a, Hoa thiên lí không những thơm mà còn dùng làm thức ăn rất bổ dưỡng.
b, Tuy làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về.
c, Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì cây cối sẽ khô héo.
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Kết từ.
Lời giải chi tiết:
a, Hoa thiên lí không những thơm mà còn dùng làm thức ăn rất bổ dưỡng.
b, Tuy làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về.
c, Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì cây cối sẽ khô héo.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết bài văn kể sáng tạo một câu chuyện có nhân vật chính là con vật hoặc đồ vật.
Bài tham khảo 1:
Tôi là Gà Trống - người bạn thân thiết của Mặt Trời. Trong câu chuyện “Sự tích ngày và đêm”, tôi chính là nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng, tạo nên ngày và đêm trên Trái Đất.
Trước đó, tôi sống cùng với Mặt Trời và Mặt Trăng ở tít trên cao. Ở đó, chúng tôi thoải mái nô đùa, chạy nhảy cùng nhau mỗi ngày không biết mệt. Trên đầu tôi có chiếc mũ màu đỏ tươi đẹp lắm, chẳng kém gì sắc đỏ trên chiếc áo của Mặt Trời. Riêng Mặt Trăng thì chỉ có chiếc áo màu trắng đơn điệu, nên thỉnh thoảng cậu ấy rất buồn khi tôi và Mặt Trời đứng cạnh nhau. Một hôm nọ, nhân lúc Mặt Trời đi ngủ, Mặt Trăng đã đến gặp tôi và ngỏ ý muốn đổi áo của mình để lấy mũ của tôi. Tất nhiên là tôi không đồng ý rồi. Vì tôi chỉ thích chiếc mũ màu đỏ của mình thôi, còn lại những thứ khác thì thật bình thường. Tuy nhiên, Mặt Trăng lại không hài lòng với kết quả đó. Không xin đổi được, thì cậu ấy lao lên, đòi cướp mũ của tôi. Sau một hồi vật lộn, mũ của tôi vô tình xuyên qua đám mây, rớt xuống mặt đất. Giật mình, tôi lập tức bay theo để nhặt lại mũ mà không màng nguy hiểm. Tuy nhiên, lúc đó trời đất tối um nên tôi chẳng tìm thấy mũ ở đâu cả. Thế là tôi bèn cất tiếng gọi Mặt Trời dậy để chiếu áng cho mình.
Nhờ Mặt Trời giúp sức, tôi nhìn thấy chiếc mũ của mình được treo trên ngọn cây. Tôi nhanh nhẹn bay lên, lấy mũ và đội cẩn thận trên đầu. Sau đó ra sức vỗ cánh bây về trời. Nhưng lúc này tôi mới nhận ra, mình chẳng thể nào bay tới trời được. Dù Mặt Trời cũng ra sức đưa các dải nắng xuống cho tôi nắm lấy, nhưng chúng mềm oặt, vừa cầm vào đã tan ra nên tôi không bám vào được. Sau một thời gian, cả tôi và Mặt Trời đều đã kiệt sức và nhận ra rằng, tôi không thể bay về trời được nữa. Nhìn cảnh vật lạ lẫm xung quanh, tôi buồn bã vô cùng. Thấy vậy, Mặt Trời giao hẹn với tôi rằng: Hễ tôi thức dậy thì sẽ cất tiếng gáy “ò… ó… o…” để gọi Mặt Trời dậy chơi chung. Cũng từ hôm đó, tôi và Mặt Trời chẳng bao giờ gặp Mặt Trăng nữa. Vì cậu ta quá xấu hổ, tự ti với những điều mình làm nên chỉ dám xuất hiện khi tôi và Mặt Trời đi ngủ mà thôi.
Từ ngày đó, tôi và Mặt Trời ngày ngày rong chơi cùng nhau. Chúng tôi chứng kiến mặt đất ngày càng phát triển mạnh mẽ với rất nhiều sinh vật mới. Và chiếc mũ của tôi cũng đã liền vào làm một với cơ thể. Dù có gió to như thế nào cũng chẳng bao giờ rơi ra được nữa.
Bài tham khảo 2:
Cây Viết và Thước Kẻ vốn là hai người bạn thân thiết, cùng nhau sống trong chiếc cặp sách của một cậu học sinh chăm chỉ. Mỗi ngày, họ cùng nhau giúp đỡ cậu học trò hoàn thành bài vở. Tuy nhiên, giữa hai người bạn này đôi lúc cũng nảy sinh những mâu thuẫn nhỏ.
Một hôm, Cây Viết nhìn Thước Kẻ và nói: "Này Thước Kẻ, cậu chẳng có ích gì cả. Cậu chỉ nằm ì ra đó, chẳng giúp được gì cho tớ. Cậu nhìn tớ xem, ngày nào tớ cũng được cậu học trò cầm trên tay, vẽ nên những trang vở đẹp đẽ. Còn cậu thì sao, chẳng ai thèm đoái hoài đến."
Thước Kẻ nghe vậy, lòng bỗng chùng xuống. Nó im lặng không đáp lời, chỉ lặng lẽ quan sát Cây Viết mải mê vẽ từng nét chữ.
Một lúc sau, bài tập của cậu học trò đã hoàn thành. Cậu bé cẩn thận cất Cây Viết vào hộp bút, rồi lại lấy Thước Kẻ ra để kẻ lề trang vở. Lúc này, Cây Viết mới ngượng ngùng quay sang Thước Kẻ và nói: "Mình xin lỗi bạn nhé. Mình đã nói những lời không hay với bạn. Lúc nãy, mình thật kiêu ngạo và ngốc nghếch. Nếu không có bạn giúp mình kẻ lề, những dòng chữ của mình sẽ trở nên lộn xộn và mất trật tự."
Thước Kẻ mỉm cười hiền hậu: “Cây Viết ạ, mỗi chúng ta đều có những ưu điểm và vai trò riêng. Bạn vẽ nên những nét chữ đẹp đẽ, còn tớ giúp bạn tạo nên sự ngay ngắn, trật tự. Chúng ta cần phối hợp ăn ý với nhau để tạo nên những trang vở hoàn chỉnh và đẹp mắt.”
Đề số 2
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Nói lời cổ vũ
Một cậu bé người Ba Lan muốn học đàn dương cầm, nhưng cha bảo mấy ngón tay của cậu múp míp và ngắn quá, không thể chơi đàn hay được. Ông khuyên cậu thử học chơi kèn, sau đó một nhạc công chuyên nghiệp lại nói rằng cậu không có được đôi môi thích hợp.
Ngày kia, cậu gặp gỡ nhạc sĩ dương cầm lừng danh An-tôn Ru-bin-xtên. Ông cho cậu một lời khích lệ mà cậu chưa từng được nghe: “Này chú bé, chú có thể chơi pi-a-nô đấy! Ta nghĩ là chú có thể chơi được… nếu như chú chịu khó luyện tập 7 tiếng mỗi ngày.”
Ôi chao, đó thực sự là nguồn cổ vũ lớn lao mà cậu cần đến. Cậu sẽ phải bỏ nhiều thời gian để luyện tập nếu muốn chơi đàn, nhưng mà cậu có thể chơi được! Thậm chí có thể chơi giỏi!
Cậu bé về bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày miệt mài tập luyện. Công lao khó nhọc của cậu đã được tặng thưởng: Gian Pa-đơ-riêu-xki trở thành nghệ sĩ dương cầm lừng danh nhất bấy giờ. Một lời động viên đơn giản đã mang đến nội lực làm bừng lên ngọn lửa đam mê trong lòng một cậu bé, ngọn lửa ấy vẫn cháy sáng mãi trong nhiều năm trời.
Hãy nhớ rằng những lời động viên mà bạn đang trao gởi hôm nay, đôi khi làm thay đổi được một cuộc đời của người đã đón nhận nó.
Thu Hà
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1: Cậu bé người Ba Lan muốn học gì?
A. Đàn dương cầm.
B. Đàn pi-a-nô.
C. Đàn ghi-ta.
D. Thổi kèn.
Câu 2: Vì sao cậu không học thổi kèn?
A. Vì những ngón tay cậu múp míp và ngắn quá.
B. Vì cậu không có năng khiếu.
C. Vì cậu không có được đôi môi thích hợp.
D. Vì thính giác của cậu không chịu được âm thanh của tiếng kèn.
Câu 3: Nhạc sĩ dương cầm lừng danh An-tôn Ru-bin-xtên đã nói gì với cậu bé?
A. Sau này chú sẽ trở thành một nhạc sĩ dương cầm lừng danh.
B. Ta sẽ nhờ một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng dạy cho chú mỗi ngày 7 tiếng.
C. Chú có thể chơi pi-a-nô đấy! Ta có thể dạy cho chú, cho tới khi chú thành tài.
D. Chú có thể chơi pi-a-nô đấy, nếu như chú chịu khó luyện tập 7 tiếng mỗi ngày.
Câu 4: Điều gì khiến cho chú bé trở thành một nhạc sĩ dương cầm lừng danh?
A. Cậu bé có năng khiếu thiên bẩm.
B. Lời cổ vũ của An-tôn Ru-bin-xtên giúp cậu tự tin và luyện tập miệt mài.
C. Lời động viên, an ủi lớn lao của nghệ sĩ pi-a-nô An-tôn Ru-bin-xtên.
D. Cậu bé tìm được một thầy giáo giỏi.
Câu 5: Qua bài đọc, em nên làm gì để giúp đỡ mọi người xung quanh mình?
Câu 6: Từ nào là từ trái nghĩa với từ in đậm trong câu sau:
Cha bảo mấy ngón tay của cậu múp míp và ngắn quá.
A. mũm mĩm.
B. rộng lớn.
C. tong teo.
D. to tướng.
Câu 7: Từ “môi” trong các từ “đôi môi, môi trường” có quan hệ với nhau như thế nào?
A. Đó là những từ nhiều nghĩa.
B. Đó là những từ đồng âm.
C. Đó là một từ đồng nghĩa.
D. Đó là những từ trái nghĩa.
Câu 8: Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
Bởi vì ngay giờ đây tôi vẫn có thể sống lại cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi buổi sáng nào đó tỉnh dậy đã thấy mẹ đặt sẵn phần một đĩa bánh khúc – thứ bánh mà giờ đây đối với tôi thực sự chỉ còn lại trong nỗi hoài niệm.
Câu 9: Xác định điệp ngữ trong đoạn văn dưới đây?
Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
A. Dân ta, đồng bào.
B. Hoàn toàn.
C. Độc lập, tự do.
D. Ham muốn, hoàn toàn, ai.
Câu 10: Đặt câu với mỗi cặp kết từ sau:
a, Tuy …… nhưng
b, Vì ……. nên
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Việt Nam là một xứ sở đẹp tuyệt vời. Nơi đây có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và địa danh nổi tiếng. Em hãy tả lại một cảnh đẹp mà em ấn tượng nhất (qua sách báo, qua mạng internet hoặc tận mắt ngắm nhìn,…)
Hướng dẫn giải chi tiết
A. Kiểm tra đọc
1. A |
2. C |
3. D |
4. B |
6. C |
7. B |
9. D |
Câu 5: Qua bài đọc, em nên làm gì để giúp đỡ mọi người xung quanh mình?
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Để giúp đỡ mọi người xung quanh mình hãy nói những lời động viên vì có thể những lời động viên đó có thể làm thay đổi cuộc đời của một con người.
Câu 8: Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
Bởi vì ngay giờ đây tôi vẫn có thể sống lại cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi buổi sáng nào đó tỉnh dậy đã thấy mẹ đặt sẵn phần một đĩa bánh khúc – thứ bánh mà giờ đây đối với tôi thực sự chỉ còn lại trong nỗi hoài niệm.
Phương pháp:
Căn cứ vào nọi dung bài Dấu gạch ngang.
Lời giải chi tiết:
Dấu gạch ngang có tác dụng đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích
Câu 10: Đặt câu với mỗi cặp kết từ sau:
a, Tuy …… nhưng
b, Vì ……. nên
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Kết từ.
Lời giải chi tiết:
a, Tuy trời mưa to nhưng em vẫn đi học đúng giờ.
b, Vì em học tập chăm chỉ nên em đã đạt điểm cao trong bài kiểm tra.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Việt Nam là một xứ sở đẹp tuyệt vời. Nơi đây có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và địa danh nổi tiếng. Em hãy tả lại một cảnh đẹp mà em ấn tượng nhất (qua sách báo, qua mạng internet hoặc tận mắt ngắm nhìn,…)
Bài tham khảo 1:
Những ngày đầu mùa đông, em có dịp đến thăm nhà người chị họ ở Đà Lạt. Ở đó, em được dịp chiêm ngưỡng những cánh rừng thông bạt ngàn.
Ngay từ lúc ở trên sân thượng nhà chị họ, em đã nhìn thấy thấp thoáng một vạt xanh ở phía xa xa. Nhưng đến tận khi đứng trước những đồi thông trập trùng, thì em mới thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của nó. Bởi các đồi thông ở đây thật rộng lớn vô cùng. Những cây thông cao chừng cả 6m mọc thẳng lên cao, thân to như bắp đùi. Chúng mọc thẳng hàng thẳng lối, trải dài từ ngọn đồi này đến ngọn đồi kia, nhìn chẳng khác gì một ma trận không có điểm cuối. Dọc theo các đồi thông, là con đường trải nhựa lúc nào cũng sẫm màu xám xịt. Bởi tán thông đã che hết ánh nắng mặt trời. Quanh năm chẳng bao giờ có tia nắng nào chiếu được xuống mặt đất cả. Dưới gốc cây trong rừng, từng lớp lá thông khô rơi xuống tạo thành lớp thảm dày đặc, mỗi khi dẫm lên nghe lạo xạo. Những quả thông khô rơi xuống cũng chẳng nghe rõ âm thanh được, chỉ nghe lộp độp mà thôi. Thích nhất, có lẽ là bầu không khí đặc biệt trong rừng thông. Bước vào bên trong, như bước vào một thế giới khác. Ở đây yên tĩnh vô cùng, chỉ nghe tiếng lá thông rơi, tiếng quả thông rụng xuống, tiếng sóc chuyền cành, tiếng chim líu ríu. Và tràn ngập xung quanh ta sẽ là một mùi hương duyên dáng khó tả của thông. Mùi hương ấy khiến em mê say và thư giãn đến lạ lùng.
Những ngọn đồi thông ấy đã để lại ấn tượng cho em vô cùng sâu sắc. Mà chắc chắn, trong tương lai, em sẽ trở lại thăm nơi đây thêm nhiều lần nữa.
Bài tham khảo 2:
Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, gia đình em đã tổ chức đi chơi ở Vũng Tàu trong vòng một tuần. Em rất phấn khởi vì từ lâu em đã ao ước được nhìn ngắm bãi biển xanh trong ấy.
Sáng, khoảng bốn năm giờ. Gia đình em lên xe và lên đường đến Vũng Tàu. Gần trưa xe mới tới nơi. Em bước xuống xe và đưa mắt quan sát. ôi! Em thốt lên. Ánh nắng hắt xuống biển làm mặt nước biển lóng lánh một cách rực rỡ. Nước biển trong suốt lộ ra cho em thấy bãi cát gợn đều rất lạ. Em chưa kịp ngắm hết quang cảnh ở đó thì phải phụ ba mẹ xách đồ đạc về phòng trọ.
Phòng trọ cũng rất tiện nghi. Nhưng điều làm em thích nhất là phòng trọ có một cửa sổ, mà đứng ở cửa sổ thì có thể nhìn thấy bãi biển. Sau khi ngủ một giấc lấy lại sức em thay đồ rồi chạy ra biển. Biển lúc này có một màu xanh đục. Nắng dịu trải dài trên bãi cát trắng. Chốc chốc lại có những cơn gió thoảng qua làm đung đưa những tàu dừa xanh mơn mởn.
Em bước từng bước trên bãi cát mịn và nóng xuống biển. Nước biển mát rượi làm em sảng khoái lạ thường. Lúc này trên bờ chỉ còn lác đác những du khách tham quan đang hối hả về cho kịp chuyến xe. Những con dã tràng nhanh chóng chạy về tổ. Nắng đã tắt hẳn, em phải trở về phòng với vẻ luyến tiếc.
Buổi tối, em đứng ở cửa sổ nhìn về phía bãi biển. Lúc này bãi biển chỉ toàn một màu đen, nhưng em có thể trông thấy những đợt sóng trắng xóa ập vào liếm lên bãi cát. Em có thể nghe thấy tiếng sóng rì rào như một bản tình ca dịu dàng đưa em vào giấc ngủ.
Buổi sáng, em đánh răng, súc miệng và ăn sáng. Xong xuôi em dẫn bé Lan ra biển. Những tia nắng sáng chiếu rọi lòng biển. Em thấy lúc này màu nước biển là đẹp nhất. Một màu xanh ngọc bích rực rỡ như cầu vồng. Một cơn sóng nhỏ ập vào nơi em đứng. Nước biển mát lạnh làm cho em phải rụt chân lên. Em cảm thấy rất vui. Dần dần nước biển được nắng chiếu xuống nên ấm hẳn lên. Người đi tắm biển cũng đông hơn. Nếu nhìn từ trên cao xuống thì người ta sẽ liên tưởng ngay đến một bức tranh đủ màu sắc biết chuyển động.
Thế rồi, một tuần thấm thoắt trôi qua. Em lại phải thu xếp quần áo, đồ đạc để trở về nhà. Lòng buồn rười rượi nhưng không thể ở lại. Trước khi bước lên xe em ngoái lại nhìn lướt lại cảnh vật ở bãi biển. Tất cả như muôn níu kéo em lại. Em thốt lên "ở lại biển thân yêu nhé! Sẽ có một ngày tôi trở lại đây”.
Đề số 3
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Kì diệu rừng xanh
Loanh quanh trong rừng, chúng tôi đi vào một lối đầy nấm dại, một thành phố lúp xúp dưới bóng cây thưa. Những chiếc ấm to bằng cái ấm tích, màu sặc sỡ rực lên. Mỗi chiếc nấm là một lâu đài kiến trúc tân kì. Tôi có cảm giác mình là một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.
Nắng trưa đã rọi xuống đỉnh đầu mà rừng sâu vẫn ẩm lạnh, ánh nắng lọt qua lá trong xanh. Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, chúng tôi nhìn thấy một bãi cây khộp. Rừng khộp hiện ra trước mắt chúng tôi, lá úa vàng như cảnh mùa thu. Tôi dụi mắt. Những sắc vàng động đậy. Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non. Những chiếc chân vàng đang giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc là rực lên giữa cái giang sơn vàng rợi.
Tôi có cảm giác mình lạc vào một thế giới thần bí.
Theo Nguyễn Phan Hách
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1: Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì?
A. Mỗi chiếc nấm như một lâu đài kiến trúc tân kì.
B. Bản thân mình như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon.
C. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.
D. Tất cả các ý trên.
Câu 2: Những muông thú trong rừng được miêu tả như thế nào?
A. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp.
B. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
C. Những con mang vàng đang ăn cỏ non, những chiếc chân vàng giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó.
D. Tất cả các ý trên.
Câu 3: Sự có mặt của muông thú mang lại vẻ đẹp gì cho cảnh rừng?
A. Làm cho rừng thêm rực rỡ.
B. Làm cho rừng trở nên sống động, đầy những điều bất ngờ, kì thú.
C. Làm cho rừng thêm đẹp.
D. Làm cho rừng thêm vắng vẻ.
Câu 4: Từ đồng nghĩa với từ “rụt rè là:
A. nhút nhát.
B. siêng năng.
C. nhu nhược.
D. dũng cảm.
Câu 5: Tìm các tiếng chứa vần ưa hoặc ươc thích hợp với mỗi chỗ trống trong các thành ngữ, tục ngữ dưới đây.
- …………………. chảy đá mòn.
- ………………….. thử vàng, gian nan thử sức.
Câu 6: Tìm đại từ trong đoạn hội thoại sau, nói rõ từng đại từ thay thế cho từ ngữ nào:
Trong giờ ra chơi, Nam hỏi Bắc:
(1) – Bắc ơi, hôm qua bạn được mấy điểm môn Tiếng Anh?
(2) – Tớ được 10 điểm, còn cậu được mấy điểm? – Bắc nói.
(3) – Tớ cũng thế.
Câu 7: Tìm kết từ thích hợp điền vào chỗ trống trong các câu sau:
a, Hùng cố gắng học tập chăm chỉ …………………. đạt học sinh giỏi.
b, Trời mưa to ……………………. cả lớp vẫn đi học đúng giờ.
c, ……………… các bạn giúp đỡ và cô giáo động viên …………. Nam đã đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua.
Câu 8: Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
Nếu các bạn có dịp đến nơi ấy trong khu rừng, xin hãy ngồi nghỉ trên thân cây đó – nó mềm mãi đến lạ kì!
A. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
B. Đánh dấu các ý liệt kê.
C. Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích.
D. Nối các từ ngữ trong một liên danh.
Câu 9: Từ “miệng” trong câu Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. được dùng theo nghĩa gì?
A. Nghĩa gốc
B. Nghĩa chuyển
C. Đồng nghĩa
D. Đồng âm
Câu 10: Xác định điệp từ, điệp ngữ trong câu dưới đây và cho biết tác dụng của biện phép điệp từ, điệp ngữ đó.
Một dòng sữa mẹ ngọt ngào
Một dòng sữa mẹ dạt dào
Con thương mẹ hiền biết bao!
B. Kiểm tra viết
Chọn 1 trong 2 đề bài sau:
Đề 1: Viết đoạn văn giới thiệu một nhân vật trong cuốn sách em đã đọc hoặc bộ phim hoạt hình đã xem.
Đề 2: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một bài thơ ca ngợi tình cảm gia đình.
Hướng dẫn giải chi tiết
A. Kiểm tra đọc
1. D |
2. D |
3. B |
4. A |
8. C |
9. B |
Câu 5: Tìm các tiếng chứa vần ưa hoặc ươc thích hợp với mỗi chỗ trống trong các thành ngữ, tục ngữ dưới đây.
- …………………. chảy đá mòn.
- ………………….. thử vàng, gian nan thử sức.
Phương pháp:
Căn cứ vào kiến thức của bản thân, suy nghĩ và trả lời.
Lời giải chi tiết:
- Nước chảy đá mòn.
- Lửa thử vàng, gian nan thử sức.
Câu 6: Tìm đại từ trong đoạn hội thoại sau, nói rõ từng đại từ thay thế cho từ ngữ nào:
Trong giờ ra chơi, Nam hỏi Bắc:
(1) – Bắc ơi, hôm qua bạn được mấy điểm môn Tiếng Anh?
(2) – Tớ được 10 điểm, còn cậu được mấy điểm? – Bắc nói.
(3) – Tớ cũng thế.
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Đại từ.
Lời giải chi tiết:
– Câu 1: từ “bạn” thay thế cho từ “Bắc”.
– Câu 2: “tớ” thay thế cho “Bắc”, “cậu” thay thế cho “Nam”.
– Câu 3: “tớ” thay thế cho “Nam”, “thế” thay thế cụm từ “được 10 điểm”.
Câu 7: Tìm kết từ thích hợp điền vào chỗ trống trong các câu sau:
a, Hùng cố gắng học tập chăm chỉ …………………. đạt học sinh giỏi.
b, Trời mưa to ……………………. cả lớp vẫn đi học đúng giờ.
c, ……………… các bạn giúp đỡ và cô giáo động viên …………. Nam đã đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua.
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Kết từ.
Lời giải chi tiết:
a, Hùng cố gắng học tập chăm chỉ để đạt học sinh giỏi.
b, Trời mưa to nhưng cả lớp vẫn đi học đúng giờ.
c, Nhờ các bạn giúp đỡ và cô giáo động viên nên Nam đã đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua.
Câu 10: Xác định điệp từ, điệp ngữ trong câu dưới đây và cho biết tác dụng của biện phép điệp từ, điệp ngữ đó.
Một dòng sữa mẹ ngọt ngào
Một dòng sữa mẹ dạt dào
Con thương mẹ hiền biết bao!
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung bài Điệp từ, điệp ngữ.
Lời giải chi tiết:
- Điệp ngữ: “Một dòng sữa”
- Tác dụng: Làm nổi bật hình ảnh dòng sữa mẹ trong tâm trí của người con khi nhắc về mẹ của mình.
B. Kiểm tra viết
Chọn 1 trong 2 đề bài sau:
Đề 1: Viết đoạn văn giới thiệu một nhân vật trong cuốn sách em đã đọc hoặc bộ phim hoạt hình đã xem.
Đề 2: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một bài thơ ca ngợi tình cảm gia đình.
Bài tham khảo 1:
Nobita Nobi là nhân vật chính trong bộ truyện tranh "Doraemon" của tác giả Fujiko F. Fujio. Cậu bé là một học sinh tiểu học hậu đậu, khá lười học và gặp nhiều khó khăn trong học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, Nobita cũng sở hữu một trái tim nhân hậu, luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè và những người gặp khó khăn. Cuộc sống của Nobita thay đổi hoàn toàn khi chú mèo robot Doraemon đến từ thế kỷ 22 du hành về quá khứ để giúp đỡ cậu bé. Doraemon mang theo vô số bảo bối thần kỳ, giúp Nobita giải quyết những rắc rối trong cuộc sống, học tập tốt hơn và trở thành một người có ích cho xã hội. Bên cạnh Doraemon, Nobita còn có những người bạn thân thiết khác như Chaien, Jaian, Suneo và Shizuka. Mỗi người bạn đều mang đến cho Nobita những bài học quý giá về tình bạn, lòng dũng cảm và ý nghĩa của cuộc sống. Nhân vật Nobita Nobi đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của văn hóa Nhật Bản và được yêu thích bởi nhiều thế hệ độc giả trên toàn thế giới. Cậu bé đại diện cho những ước mơ, hoài bão của tuổi thơ, đồng thời là bài học về lòng dũng cảm, sự kiên trì và tình bạn cao đẹp.
Bài tham khảo 2:
Dory là một chú cá hề hoàng đế màu xanh lam với tính cách vui vẻ, lạc quan nhưng mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn. Dory xuất hiện trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Đi tìm Nemo" của hãng Pixar và nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật được yêu thích nhất bởi sự đáng yêu, hài hước và nghị lực phi thường của mình. Dory sống cùng cha mẹ dưới rặng san hô xinh đẹp cho đến khi một cơn bão bất ngờ ập đến khiến cô bị cuốn đi khỏi gia đình. Mất trí nhớ ngắn hạn, Dory không thể nhớ được đường về nhà và buộc phải lang thang trong đại dương rộng lớn. Trên hành trình tìm kiếm gia đình, Dory đã gặp gỡ nhiều sinh vật khác nhau, trải qua vô số thử thách và tình huống nguy hiểm. Tuy có trí nhớ ngắn hạn, Dory lại sở hữu trí tưởng tượng phong phú và khả năng giải quyết vấn đề độc đáo. Nhờ sự lạc quan và lòng dũng cảm, Dory luôn tìm cách vượt qua mọi khó khăn và giúp đỡ những người xung quanh. Dory là một người bạn đồng hành đáng tin cậy, luôn mang đến niềm vui và tiếng cười cho những người gặp gỡ cô. Hình ảnh Dory trong "Đi tìm Nemo" đã truyền tải thông điệp ý nghĩa về tình yêu thương gia đình, tình bạn và lòng dũng cảm. Dory là minh chứng cho việc dù gặp phải bất kỳ khó khăn nào, chúng ta vẫn có thể vượt qua nếu có niềm tin và sự quyết tâm.
Bài tham khảo 3:
“Bài thơ Quả ngọt cuối mùa” là bài thơ mà em học từ hồi lớp 4, nhưng đến nay vẫn còn nhớ như in. Tác giả Võ Thanh An đã khắc họa hình dáng của một người bà hiền từ, yêu thương con cháu. Tuổi đã cao nhưng vì thương con, yêu cháu mà bà tần tảo sớm hôm chăm sóc cho vườn cây ăn quả. Khi đã có trái chín, bà lại lắng lo, bảo vệ quả khỏi sương giá, khỏi chim ăn. Dáng vẻ của người bà với mái tóc phù sương, phải chống gậy ra vào kiểm tra chùm quả khiến em rơm rớm nước mắt vì quá xúc động. Không chỉ người bà trong bài thơ, mà người bà của em, của rất nhiều những người khác cũng vậy. Lúc nào bà cũng yêu thương con cháu, có gì ngon cũng để dành cho con cháu. Sự hi sinh cao cả, tình yêu thương bao la ấy của bà đã chạm đến trái tim của em, khiến em luôn nhớ mãi những vần thơ ấy về bà.
Bài tham khảo 4:
Bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go giúp em hiểu thêm về tình yêu thương giữa mẹ và con rất đặc biệt. Trong bài thơ, em bé là người kể chuyện còn mẹ là người nghe. Em bé kể về cuộc trò chuyện của mình với những người trong mây và trong sóng. Em bé được mời đi đến một thế giới kỳ diệu ở trên mây và trong sóng. Em rất tò mò và hỏi: “Làm sao mình lên được đó?”, “Làm sao mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi nghe câu trả lời, em bé nhớ đến mẹ đang chờ ở nhà và nói rằng: “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Tình yêu của em bé dành cho mẹ thật lớn, dù chỉ là những câu hỏi đơn giản nhưng rất sâu sắc. Sau đó, em bé nghĩ ra trò chơi mới, trong đó em sẽ là mây, là sóng vui đùa, còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu dàng bảo vệ em. Những hình ảnh trong bài thơ giúp chúng ta thấy được thiên nhiên đẹp như thế nào qua mắt của em bé. Nhà thơ đã sử dụng những lời nói, câu chuyện kể lại thật dễ hiểu, kết hợp với những hình ảnh đẹp để thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng và bền vững.
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 1
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 2
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 3
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 4
- Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 5
>> Xem thêm