Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 1>
Mùa thảo quả Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục. Chẳng có thứ quả nào hương thơm lại ngây ngất kì lạ đến như thế. Mới đầu xuân năm kia, những hạt thảo quả gieo trên đất rừng, qua một năm, đã lớn cao tới bụng người. Một năm sau nữa, từ một thân lẻ, thảo quả đâm thêm hai nhánh mới. Sự sinh sôi sao mà mạnh mẽ vậy. Thoáng cái, dưới bóng râm của rừng già, thảo quả lan tỏa nơi tầng rừng thấp, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian.
Đề bài
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Mùa thảo quả
Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục. Chẳng có thứ quả nào hương thơm lại ngây ngất kì lạ đến như thế. Mới đầu xuân năm kia, những hạt thảo quả gieo trên đất rừng, qua một năm, đã lớn cao tới bụng người. Một năm sau nữa, từ một thân lẻ, thảo quả đâm thêm hai nhánh mới. Sự sinh sôi sao mà mạnh mẽ vậy. Thoáng cái, dưới bóng râm của rừng già, thảo quả lan tỏa nơi tầng rừng thấp, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian.
Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ. Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. Thảo quả chín dần. Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.
Rừng say ngây và ấm nóng. Thảo quả như những đốm lửa hồng, ngày qua ngày lại tiếp thêm nhiều ngọn mới, nhấp nháy vui mắt.
(Theo Ma Văn Kháng)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?
A. Sự sinh sôi nảy nở và phát triển mạnh mẽ của cây thảo quả.
B. Hương thơm đậm và bao trùm không gian của thảo quả chín.
C. Sự khâm phục trước tốc độ phát triển nhanh chóng của cây thảo quả.
D. Sự phát triển của thảo quả và vẻ đẹp của rừng vào mùa thảo quả chín.
Câu 2. Cặp từ đồng nghĩa trong câu “Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả này dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ.” là:
A. tiếp tục, nảy
B. sự sống, lặng lẽ
C. âm thầm, lặng lẽ
D. tiếp tục, lăng lẽ
Câu 3. Từ nào dưới dây không cùng nhóm với ba từ còn lại?
A. ẩm ướt
B. hương thơm
C. ngây ngất
D. chon chót
Câu 4. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn “Thảo quả như những đốm lửa hồng.” là:
A. đảo ngữ
B. so sánh
C. nhân hóa
D. so sánh, nhân hóa
Câu 5. Từ “hắt” trong câu “Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.” thuộc từ loại nào?
A. động từ
B. danh từ
C. tính từ
D. đại từ
Câu 6. Từ “nhấp nháy” được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên nhằm thể hiện điều gì?
A. Thảo quả chín rất nhanh và đột ngột.
B. Những đốm lửa sáng lên rồi vụt tắt ở trong rừng thảo quả.
C. Vẻ đẹp lóe sáng như những ngọn lửa của thảo quả chín.
D. Ánh mắt nháy liên tục do gặp phải ánh sáng chói lóa.
Câu 7. Đặt 1 câu có từ "xuân" mang nghĩa gốc và 1 câu có từ "xuân" mang nghĩa chuyển ?
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Em hãy viết bài văn tả cảnh ao hồ, sông suối ở quê hương em hoặc ở nơi gia đình em sinh sống.
Lời giải
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1. Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?
A. Sự sinh sôi nảy nở và phát triển mạnh mẽ của cây thảo quả.
B. Hương thơm đậm và bao trùm không gian của thảo quả chín.
C. Sự khâm phục trước tốc độ phát triển nhanh chóng của cây thảo quả.
D. Sự phát triển của thảo quả và vẻ đẹp của rừng vào mùa thảo quả chín.
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Nội dung chính của đoạn trích trên là sự phát triển của thảo quả và vẻ đẹp của rừng vào mùa thảo quả chín.
Đáp án D.
Câu 2. Cặp từ đồng nghĩa trong câu “Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả này dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ.” là:
A. tiếp tục, nảy
B. sự sống, lặng lẽ
C. âm thầm, lặng lẽ
D. tiếp tục, lăng lẽ
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài Từ đồng nghĩa.
Lời giải chi tiết:
Âm thầm và lặng lẽ đều mang nghĩa là không gây ra tiếng động, không làm ồn ào.
Đáp án C.
Câu 3. Từ nào dưới dây không cùng nhóm với ba từ còn lại?
A. ẩm ướt
B. hương thơm
C. ngây ngất
D. chon chót
Phương pháp giải:
Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Từ “hương thơm” là danh từ, còn “ẩm ướt”, “ngây ngất”, “chon chót” là tính từ.
Đáp án B.
Câu 4. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn “Thảo quả như những đốm lửa hồng.” là:
A. đảo ngữ
B. so sánh
C. nhân hóa
D. so sánh, nhân hóa
Phương pháp giải:
Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Nhà văn đã so sánh thảo quả với những đốm lửa hồng.
Đáp án B.
Câu 5. Từ “hắt” trong câu “Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.” thuộc từ loại nào?
A. động từ
B. danh từ
C. tính từ
D. đại từ
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài Động từ.
Lời giải chi tiết:
Từ “hắt” chỉ hoạt động phản chiếu, dội lại.
Đáp án A.
Câu 6. Từ “nhấp nháy” được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên nhằm thể hiện điều gì?
A. Thảo quả chín rất nhanh và đột ngột.
B. Những đốm lửa sáng lên rồi vụt tắt ở trong rừng thảo quả.
C. Vẻ đẹp lóe sáng như những ngọn lửa của thảo quả chín.
D. Ánh mắt nháy liên tục do gặp phải ánh sáng chói lóa.
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và phân tích.
Lời giải chi tiết:
Từ “nhấp nháy” nghĩa là lóe sáng rồi tắt ngay một cách liên tục nên từ “nhấp nháy” trong đoạn trích thể hiện vẻ đẹp lóe sáng như những ngọn lửa của thảo quả chín.
Đáp án C.
Câu 7. Đặt 1 câu có từ "xuân" mang nghĩa gốc và 1 câu có từ "xuân" mang nghĩa chuyển ?
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài Từ đa nghĩa.
Lời giải chi tiết:
- Từ “xuân” mang nghĩa gốc:
Mùa xuân đến, cây hoa đào ở vườn nhà bà em lại tưng bừng khoe sắc.
- Từ “xuân” mang nghĩa chuyển:
Mặc dù đã sáu mươi tuổi nhưng bác Hồng trông vẫn còn xuân lắm!
B. Kiểm tra viết
Phương pháp giải:
Phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
1. Mở bài
Nêu những ý giới thiệu bao quát về phong cảnh theo cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
2. Thân bài
- Liệt kê nội dung miêu tả theo một trong các trình tự:
+ Theo không gian: Tả lần lượt từng phần hoặc từng vẻ đẹp của phong cảnh theo trình tự từ gần tới xa, từ thấp lên cao, từ trái sang phải,..
+ Theo thời gian: Tả sự biến đổi hoặc đặc điểm của phong cảnh trong những thời gian khác nhau (các buổi trong ngày, các mùa trong năm,...).
+ Theo không gian kết hợp với thời gian: Tả sự đổi thay đổi của từng sự vật, hiện tượng... trong những thời điểm khác nhau.
Lưu ý:
– Đặc điểm của phong cảnh cần được cảm nhận bằng nhiều giác quan.
– Tập trung miêu tả những sự vật, hiện tượng,... nổi bật.
3. Kết bài
Nêu suy nghĩ, nhận xét hoặc tình cảm, cảm xúc đối với phong cảnh được miêu tả theo cách kết bài mở rộng hoặc không mở rộng.
Bài tham khảo:
Hồ Thiền Quang nằm ở giữa lòng thủ đô Hà Nội, nơi mà em và bố mẹ đã từng nhiều lần ghé thăm. Đây là một trong những cảnh đẹp nổi bật của thành phố, mang trong mình vẻ đẹp thanh bình và thơ mộng. Mỗi lần đến đây, em cảm thấy như lạc vào một không gian yên ả, tách biệt khỏi sự nhộn nhịp của cuộc sống hàng ngày.
Hồ Thiền Quang rộng lớn, nằm giữa 4 con phố Quang Trung, Nguyễn Du, Trần Nhân Tông và Trần Bình Trọng, đối diện với cổng chính công viên Thống Nhất. Buổi sáng, khi ánh nắng bắt đầu chiếu rọi, mặt hồ lấp lánh như chứa những viên ngọc quý. Nước hồ trong xanh, phản chiếu bầu trời trong xanh và những đám mây trắng bồng bềnh. Bên hồ có nhiều hàng cây cổ thụ rợp bóng. Gió thổi qua, làm những tán lá xào xạc như đang thì thầm câu chuyện của riêng chúng. Em thích ngồi đọc sách dưới gốc cây và ngắm nhìn những chú chim bay lượn trên bầu trời. Các bạn nhỏ và gia đình thường đến đây để đi bộ, chạy bộ hay đạp xe. Tiếng cười nói rộn ràng vang vọng giữa không gian tĩnh lặng, tạo nên một bầu không khí thật vui vẻ.
Khi chiều tà buông xuống, cảnh vật bên hồ lại càng lung linh hơn. Ánh hoàng hôn nhuộm vàng mặt hồ, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Mặt hồ êm đềm, không một gợn sóng. Những ánh đèn điện bắt đầu bật sáng từ xa, lung linh như những vì sao trên mặt nước. Bầu không khí trở nên tĩnh lặng, chỉ còn lại tiếng các ông cụ chơi cờ, tiếng bước chân của các cô chú tập thể dục, tiếng lá cây xào xạc,… Tất cả tạo nên một khung cảnh thật yên bình khiến em cảm thấy thoải mái và thư thái sau những ngày học tập chăm chỉ.
Hồ Thiền Quang không chỉ là nơi vui chơi mà còn là nơi em tìm thấy cảm hứng trong học tập và cuộc sống. Em hy vọng rằng mọi người sẽ cùng nhau bảo vệ vẻ đẹp của hồ, để hồ Thiền Quang mãi là một phần không thể thiếu trong trái tim mỗi người dân thủ đô.